12 biểu hiện cho thấy quan hệ Mỹ – Đài Loan được nâng cấp
- Vương Hữu Quần
- •
Ngày 4/8, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt việc bán vũ khí đầu tiên cho Đài Loan với tổng trị giá 750 triệu USD, trong lô vũ khí bao gồm cả pháo tự hành M109A6 và các bộ phận liên quan. Đây là bước phát triển mới nhất trong quá trình cải thiện toàn diện hơn nữa quan hệ Mỹ – Đài Loan. Dưới đây xin điểm qua 12 biểu hiện nâng cấp quan hệ Mỹ – Đài Loan trong hơn nửa năm ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ.
1. Mời đại diện Đài Loan tham dự lễ nhậm chức Tổng thống Biden
Ngày 20/1, lễ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ đã được tổ chức tại Điện Capitol ở thủ đô Washington, tham dự buổi lễ có đại diện của Đài Loan là Hsiao Bi-khim được mời. Đây là lần đầu tiên một đại diện của Đài Loan được mời tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ kể từ khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh vào năm 1979.
2. Cam kết chắc chắn của Mỹ đối với Đài Loan
Ngày 20/1, Emily Horn, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói rằng cam kết của Mỹ đối với Đài Loan là “Vững như đá… Tổng thống Biden sẽ sát cánh cùng bạn bè và đồng minh để thúc đẩy thịnh vượng chung, an ninh và giá trị ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả Đài Loan”.
3. Ký ghi nhớ “Thành lập Tổ công tác Cảnh sát biển”
Ngày 25/3 tại trụ sở của Hiệp hội Mỹ ở Đài Loan ở ngoại ô Washington, Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan và Văn phòng Đại diện Đài Loan tại Mỹ đã ký bản ghi nhớ về việc “Thành lập Nhóm Công tác Cảnh sát biển (còn gọi là Nhóm Công tác Tuần tra Biển)”, nhằm tăng cường hợp tác cảnh sát biển Mỹ – Đài Loan, hợp tác tuần tra hàng hải. Đây là bản ghi nhớ hợp tác đầu tiên được Mỹ và Đài Loan ký kết sau khi ông Biden nhậm chức.
Tuyên bố của Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan nêu rõ việc thành lập “Nhóm Công tác Cảnh sát biển” sẽ cải thiện liên lạc, hợp tác và chia sẻ thông tin giữa Cảnh sát biển Mỹ và Cảnh sát biển của Ủy ban Đại dương Đài Loan. Bản ghi nhớ này khẳng định mục tiêu chung trong việc bảo tồn tài nguyên biển, giảm thiểu tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, tham gia tìm kiếm cứu nạn hàng hải và ứng phó sự cố môi trường biển.
4. Mỹ cam kết duy trì hòa bình trên eo biển Đài Loan
Khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 13/6 và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – châu Âu ngày 15/6, Tổng thống Mỹ Biden đã bàn về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình trên eo biển Đài Loan trong tọa đàm với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 16/4 và với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 21/5. Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp: Nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Đây là lần đầu tiên “duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan” được đưa vào tuyên bố chung của những người đứng đầu gồm Mỹ – Nhật Bản, Mỹ – Hàn Quốc, Mỹ – G7, và Mỹ – Liên minh châu Âu.
5. Máy bay quân sự của Mỹ 3 lần đến Đài Loan
Ngày 6/6, ba thành viên của Thượng viện Mỹ đã đi máy bay chở hàng Boeing C-17 Globemaster III của Không quân Mỹ, cất cánh từ Căn cứ Không quân Osan ở Hàn Quốc và đến sân bay Tùng Sơn ở Đài Loan, trên máy bay ghi dòng chữ rất ấn tượng “U.S.AIR FORCE”.
Khi máy bay quân sự bay đến Đài Loan, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan (USS Ronald Reagan CVN-76) thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ đang ở chế độ chờ phòng bị ở Thái Bình Dương không xa phía đông Đài Loan. Máy bay quân sự này thuộc Không quân Mỹ, còn tàu USS Reagan thuộc Hải quân Mỹ, Viện Mỹ tại Đài Loan đã đưa ra thông báo trước. Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Do đó, đây là hoạt động chung của Bộ Ngoại giao Mỹ, Thượng viện Mỹ, Hải quân Mỹ và Không quân Mỹ.
Boeing C-17 Globemaster III là máy bay chiến lược chính của quân đội Mỹ. Một số người mô tả chiếc máy bay cao 6 tầng. Theo các chuyên gia giới thiệu, máy bay này dài 53 m, sải cánh 52 m, trọng lượng tối đa 77 tấn, tầm bay tối đa 8.000 km, có thể đến bất kỳ nơi nào trên thế giới bằng cách tiếp nhiên liệu trên không. Trong một chiếc máy bay lớn như vậy chỉ chở có 3 Thượng nghị sĩ Mỹ và họ đến Đài Loan chỉ trong 3 tiếng và làm một việc: thông báo rằng Mỹ sẽ tặng 750.000 liều vắc-xin cho Đài Loan.
Đây là lần đầu tiên Boeing C-17 Globemaster III bay đến Đài Loan và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ có một máy bay vận tải quân sự được điều động để chở các thành viên Quốc hội đến Đài Loan.
Ngày 15/7, chiếc máy bay đặc biệt C-146A Wolfhound của Mỹ đã cất cánh từ căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Okinawa Nhật Bản và bay đến sân bay Tùng Sơn Đài Bắc. Mục đích chuyến đi là vận chuyển các vật dụng giao cho Viện trưởng Viện Mỹ tại Đài Loan.
C-146A Wolfhound có nhiệm vụ chính là cung cấp các đội nhỏ linh hoạt và vận chuyển hàng hóa cho Bộ Chỉ huy Tác chiến Đặc biệt của Mỹ, đồng thời hỗ trợ các đơn vị tác chiến đặc biệt khác ở các khu vực khác nhau để thực hiện nhiệm vụ.
Ngày 19/7, máy bay vận tải C-130N3755P của Mỹ cất cánh từ sân bay Manila của Philippines và hạ cánh xuống sân bay Đào Viên ở Đài Loan. Theo các thông tin, chiếc máy bay được Viện Mỹ tại Đài Loan thuê, các vật dụng mà máy bay mang theo đều là “túi ngoại giao”.
Như vậy trong vòng một tháng rưỡi có 3 máy bay quân sự của Mỹ đã đến Đài Loan.
Sau khi máy bay quân sự của Mỹ đến Đài Loan vào ngày 6/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Uông Văn Bân đã phản hồi ngày 7/6: “Chúng tôi kiên quyết phản đối điều này, đã có can thiệp nghiêm túc với Mỹ”, tuy nhiên chỉ nhắc chuyện nghị sĩ Mỹ đến thăm Đài Loan mà không đề cập đến máy bay quân sự của Mỹ đã hạ cánh xuống Đài Loan. Trong hai ngày liên tiếp 6/6 – 7/6 không thấy phản ứng từ Bộ Quốc phòng ĐCSTQ, cho đến tối ngày 8/6 người phát ngôn Ngô Kiên của Bộ Quốc phòng ĐCSTQ mới phản hồi bằng văn bản rằng “kiên quyết phản đối động thái khiêu khích chính trị” của Mỹ, cũng không thấy bày tỏ lập trường về việc máy bay quân sự Mỹ hạ cánh xuống Đài Loan.
Trong đợt máy bay quân sự của Mỹ đến Đài Loan ngày 15/7, Bộ Quốc phòng của ĐCSTQ tuyên bố rằng “bất kỳ máy bay quân sự nước ngoài nào hạ cánh trên lãnh thổ của chúng tôi” đều phải được ĐCSTQ “cho phép”; “bất kỳ tàu chiến hoặc máy bay nước ngoài nào xâm phạm không phận của chúng tôi sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng”; “cảnh báo Mỹ đừng đùa với lửa”. Nhưng trong đợt máy bay quân sự của Mỹ đến Đài Loan ngày 19/7 mà không có “sự cho phép” của ĐCSTQ, kiểm tra trang web của Bộ Quốc phòng ĐCSTQ không thấy bất kỳ bình luận nào từ người phát ngôn Bộ Quốc phòng của ĐCSTQ, kiểm tra trang web của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ cũng không thấy bất kỳ bình luận nào của người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ.
6. Mỹ tài trợ vắc-xin cho Đài Loan
Giữa tháng Năm, tình hình dịch bệnh ở Đài Loan bất ngờ bùng phát mạnh, còn vắc-xin khan hiếm.
Ngày 3/6, cùng ngày Nhật Bản tuyên bố viện trợ 1,24 triệu liều vắc-xin cho Đài Loan, Tổng thống Mỹ Biden thông báo Mỹ sẽ phân phối 80 triệu liều vắc-xin cho nhiều nước trên thế giới vào cuối tháng Sáu. Điều phối viên Nhà Trắng về Ứng phó dịch bệnh COVID-19 là Jeff Zient cho biết hoạt động hỗ trợ vắc-xin này bao gồm cả Đài Loan.
Ngày 19/6, chiếc máy bay chở 2,5 triệu liều vắc-xin do Mỹ viện trợ cho Đài Loan đã cất cánh từ sân bay Memphis ở Tennessee đến Đài Bắc vào tối 20/6. Lô vắc-xin này gấp hơn 3 lần so với dự tính 750.000 liều mà Mỹ đã hứa ban đầu.
7. Hỗ trợ Đài Loan tham gia Đại hội đồng Y tế Thế giới
Ngày 5/5, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm G7 đã được tổ chức tại London (Anh). Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp, 7 Ngoại trưởng, bao gồm cả Ngoại trưởng Mỹ Blinken, đều thể hiện rõ quan điểm ủng hộ Đài Loan tham gia Đại hội đồng Y tế Thế giới với tư cách quan sát viên.
Ngày 7/5, trong tuyên bố về “Khôi phục vị thế thích hợp của Đài Loan trong Đại hội đồng Y tế Thế giới”, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết: “Các thách thức an ninh y tế toàn cầu không liên quan gì đến biên giới hoặc tranh chấp chính trị. Đài Loan đã học được nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với những thách thức này và có đóng góp có giá trị. Ban lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới và tất cả các quốc gia có trách nhiệm nên nhận ra rằng việc loại trừ lợi ích của 24 triệu người Đài Loan khỏi Đại hội đồng Y tế Thế giới sẽ chỉ gây nguy hiểm cho thúc đẩy các mục tiêu sức khỏe toàn cầu chung của chúng ta”.
Ngày 14/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với VOA rằng “Mỹ tuyệt đối ủng hộ” Đài Loan với tư cách là quan sát viên của Đại hội đồng Y tế Thế giới sắp tới.
8. Tổng thống Biden lần đầu tiên cử đại diện đến thăm Đài Loan
Ngày 14/4, được ủy thác của Tổng thống Mỹ Biden, cựu Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ Chris Dodd đã đến thăm Đài Loan. Đây là lần đầu tiên Biden cử phái đoàn đến thăm Đài Loan kể từ khi ông nhậm chức.
Tổng thống Biden từng mô tả Dodd là “bạn thân” của mình. Ông Dodd cho biết năm nay đánh dấu kỷ niệm 42 năm thực hiện “Đạo luật Quan hệ Đài Loan”, đồng thời đây cũng là thời điểm mạnh mẽ và bền chặt nhất trong lịch sử quan hệ Mỹ-Đài Loan; mục đích của chuyến thăm là chuyển tải tinh thần ủng hộ từ Chính phủ mới của Mỹ đối với Đài Loan bất kể đảng phái nào, tầm quan trọng của quan hệ Mỹ – Đài Loan, và sẵn sàng cho hợp tác Mỹ – Đài Loan sâu sắc hơn.
9. Những tiến bộ mới trong quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ – Đài Loan
Ngày 10/6, đại diện đàm phán thương mại của Mỹ là Katherine Tai và trưởng đoàn đàm phán của Văn phòng Đàm phán Kinh tế và Thương mại Đài Loan là John Deng (ủy viên Viện hành chính Đài Loan) đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến, quyết định trong vài tuần tới tổ chức cuộc họp lần thứ 11 trong khuôn khổ Hiệp định khung Thương mại và Đầu tư Mỹ – Đài Loan (TIFA).
Ngày 30/6 (giờ Đài Bắc), Mỹ và Đài Loan đã khai mạc cuộc họp trực tuyến tham vấn “Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA)”. Hai bên Mỹ và Đài Loan đã đạt được nhất trí sơ bộ về 10 vấn đề bao gồm: nông nghiệp, thiết bị y tế, lao động, môi trường, quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính, hợp tác quốc tế, chuỗi cung ứng, cởi mở hóa thương mại, và tăng cường quan hệ thương mại song phương.
10. TSMC trở thành biểu tượng của hợp tác Mỹ – Đài Loan
Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), có trụ sở chính tại Tân Trúc – Đài Loan là công ty đĩa bán dẫn lớn nhất thế giới, đĩa bán dẫn là vật liệu cơ bản để sản xuất chip bán dẫn.
Các công ty Mỹ như Nvidia, Qualcomm, Advanced Micro Devices (AMD) và Apple đều dựa vào xưởng đĩa bán dẫn của TSMC, khoảng 65% đĩa bán dẫn trên thị trường Mỹ do TSMC cung cấp.
TSMC cũng là nhà sản xuất chip tốt nhất và lớn nhất thế giới, và hơn một nửa số chip trên thế giới đến từ TSMC. IPhone của Apple, điện toán đám mây của Amazon, bộ xử lý đồ họa trò chơi điện tử và thậm chí cả máy bay chiến đấu F-35 của Lockheed Martin đều sử dụng chip của TSMC.
Năm ngoái TSMC thông báo sẽ đầu tư 10-12 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất chip ở Phoenix bang Arizona của Mỹ. Ngày 14/5 năm nay, Reuters đưa tin rằng TSMC đang xem xét mở rộng đầu tư vào một nhà máy sản xuất chip ở Arizona, có thể nhiều hơn hàng chục tỷ đô la so với dự kiến trước đó. Người phát ngôn của TSMC cho biết dự án của công ty ở Arizona được xếp hạng nằm trong dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong lịch sử của Mỹ.
11. Ba dạng quân đội Mỹ đóng ở Đài Loan
Theo cựu Phó Tư lệnh Không quân Đài Loan là ông Trương Diên Đình (Zhang Yanting) cho biết có ba loại quân nhân Mỹ đóng tại Đài Loan: (1) Kỹ thuật viên quân sự đào tạo vũ khí mới; (2) Quân nhân Mỹ nghỉ hưu đi Đài Loan với tư cách là nhà tư vấn; (3) Một phần nhỏ lính Mỹ tại ngũ.
Kể từ năm 2005, các quân nhân tại ngũ của Lục quân, Hải quân, Không quân, và Thủy quân lục chiến Mỹ đã đóng quân tại Văn phòng Đài Bắc của Viện Mỹ ở Đài Loan.
Đại tá COL Brady Crosier, trưởng nhóm hợp tác an ninh Văn phòng Đài Bắc của Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan là một sĩ quan quân đội Mỹ đang làm nghĩa vụ. Ngày 29/7 năm nay, trong một bài phát biểu về chương trình quân sự, chính trị và tôn giáo của Đài Loan, COL Brady Crosier cho biết rằng “quan hệ đối tác mới” giữa Mỹ và Đài Loan dựa trên nhiều thập kỷ hợp tác giữa hai bên, những khoảnh khắc và giá trị lịch sử mà Mỹ và Đài Loan chia sẻ là động lực cho sự phát triển lâu dài của mối quan hệ giữa hai bên. Bài phát biểu đã được phát trong toàn thể quân đội Đài Loan ngay chiều ngày 29/7.
Đây là lần đầu tiên một sĩ quan quân đội Mỹ tại ngũ xuất hiện và phát biểu trước quân đội Đài Loan kể từ khi Mỹ và Đài Loan chấm dứt quan hệ ngoại giao vào năm 1979.
12. Giao lưu văn hóa Mỹ-Đài Loan tiếp tục phát triển
Theo cựu giám đốc Văn phòng Đài Bắc của Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan là Brent Christensen cho biết số lượng sinh viên Đài Loan du học tại Mỹ gần như bằng cả Mexico và Đức cộng lại. Ông nói rằng để tăng cường mối quan hệ giữa người dân Mỹ và Đài Loan, Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan đã phát động “Chương trình Liên minh trao đổi nhân tài”, và lần đầu tiên phát động “Chương trình hoa tiêu Trung văn quốc gia Mỹ” tại Đài Loan.
Hiện có hơn 150 Trợ lý Giảng dạy Hợp tác Fulbright-English (ETA) hỗ trợ giảng dạy tiếng Anh tại 10 huyện và thành phố ở Đài Loan; đồng thời, có hơn 50 Trợ lý Giảng dạy Hoa ngữ (FLTA) giảng dạy tiếng Trung tại Mỹ. Chương trình nhằm giúp Mỹ đáp ứng nhu cầu về giáo dục Trung văn trong một môi trường không bị kiểm duyệt và ép buộc; đồng thời chương trình cũng giúp Đài Loan đạt được mục tiêu hiện thực hóa song ngữ [trong xã hội Đài Loan] vào năm 2030.
Kết luận
Quan hệ Mỹ – Đài Loan có nền tảng lịch sử sâu sắc. Ngay từ năm 1913, Mỹ đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Trước khi cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Đài Loan vào năm 1979, hai bên đã có quan hệ ngoại giao 65 năm, đã có quan hệ hợp tác sâu sắc trong Chiến tranh thế giới thứ hai; cả Mỹ và Đài Loan đều là thành viên sáng lập của Liên Hợp Quốc; hai bên chia sẻ các giá trị phổ quát như tự do, dân chủ, pháp quyền và nhân quyền.
Thời kỳ ông Trump làm Tổng thống, quan hệ Mỹ – Đài Loan đã lên mức tốt nhất trong hơn 40 năm. Sau khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ thì quan hệ càng được cải thiện một cách toàn diện, nguyên nhân bên ngoài quan trọng nhất thúc đẩy quan hệ Mỹ – Đài Loan cải thiện liên tục là việc ĐCSTQ đàn áp toàn diện đối với Đài Loan. ĐCSTQ càng đàn áp Đài Loan thì quan hệ Mỹ – Đài càng được cải thiện, đây sẽ là xu hướng cơ bản trong tương lai quá trình phát triển quan hệ Mỹ – Đài Loan.
Vương Hữu Quần, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa quan hệ Mỹ - Đài Loan Dòng sự kiện