25 công ty Trung Quốc bị đề nghị hủy niêm yết tại Mỹ
- Thái Tư Vân
- •
Theo báo cáo của tờ Financial Times, hai nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đã yêu cầu Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) hủy niêm yết 25 công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ, do các công ty này có mối liên hệ sâu sắc với quân đội Trung Quốc. Trong số đó có các tập đoàn lớn như Alibaba, Baidu, JD.com và Weibo.
Theo hãng tin Reuters, hai nghị sĩ này là ông John Moolenaar – Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về Trung Quốc thuộc Hạ viện Mỹ, và ông Rick Scott – Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về Lão hóa thuộc Thượng viện. Vào ngày 2/5, cả hai nghị sĩ này đã gửi thư đến Chủ tịch SEC là ông Paul Atkins, kêu gọi cơ quan này có hành động đối với 25 doanh nghiệp Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ.
Danh sách 25 công ty bị đề nghị hủy niêm yết bao gồm:
- ‘Gã khổng lồ’ thương mại điện tử Alibaba
- Tập đoàn công cụ tìm kiếm trực tuyến Baidu
- Nền tảng thương mại điện tử JD.com
- Mạng xã hội Weibo
- Công ty khởi nghiệp xe tự hành Pony.ai
- Công ty công nghệ laser Hesai Technology
- Nền tảng phát nhạc trực tuyến Tencent Music thuộc tập đoàn Tencent
- Nhà sản xuất polysilicon Daqo New Energy
Báo cáo cho biết, ông Moolenaar và ông Scott nhấn mạnh rằng những công ty Trung Quốc này vừa sử dụng vốn của nhà đầu tư Mỹ để sinh lợi, vừa giúp thúc đẩy các mục tiêu chiến lược của ĐCSTQ, hỗ trợ hiện đại hóa quân đội ĐCSTQ và tham gia vào các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, điều này gây ra “rủi ro không thể chấp nhận được đối với nhà đầu tư Mỹ”. Họ cảnh báo rằng dù các doanh nghiệp này có vẻ ngoài mang tính thương mại, nhưng “cuối cùng vẫn phục tùng các mục tiêu tà ác của nhà nước”.
Hai nghị sĩ cho rằng mức độ kiểm soát của chính quyền ĐCSTQ đối với các công ty này “đã bị che giấu một cách có hệ thống khỏi nhà đầu tư Mỹ”, và các nhà đầu tư đang phải gánh chịu những rủi ro khó lường. Họ nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp này không chỉ thiếu minh bạch mà còn “đang tích cực tích hợp vào bộ máy quân sự và giám sát của ĐCSTQ.”
Vì vậy, họ đề xuất rằng SEC nên sử dụng thẩm quyền và công cụ theo Đạo luật Trách nhiệm Giải trình đối với Công ty nước ngoài (Holding Foreign Companies Accountable Act), nhằm đình chỉ giao dịch hoặc hủy đăng ký chứng khoán của các công ty này, buộc họ phải rời khỏi thị trường chứng khoán Mỹ.
Theo số liệu từ Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung thuộc Quốc hội Mỹ (USCC), tính đến cuối tháng Ba năm nay, có tổng cộng 286 công ty Trung Quốc đang được niêm yết tại các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.
Báo cáo cho biết, sau khi một vòng mới của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bùng phát, ngày càng nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng cuộc xung đột này sẽ lan sang thị trường tài chính. Báo cáo dẫn lời cựu Chủ tịch USCC, ông Roger Robinson, cho biết: “Việc các nhà đầu tư Mỹ trong nhiều năm qua đã rót hàng nghìn tỷ đô la vào đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ đang dần đi đến hồi kết, tương tự như việc Mỹ không còn chấp nhận các hành vi thương mại cực kỳ bất công của chính quyền ĐCSTQ.”
Theo Bloomberg, gần đây, các chiến lược gia và nhà phân tích của các tổ chức tài chính như JPMorgan Chase, Morgan Stanley, Jefferies Financial, và UBS đã công bố các báo cáo đánh giá rủi ro bị hủy niêm yết của hơn 200 công ty Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ. Tổng giá trị vốn hóa thị trường của các công ty này lên tới 1,100 tỷ đô la Mỹ. Nếu bị buộc hủy niêm yết, các công ty này có thể bị loại khỏi các chỉ số chứng khoán toàn cầu.
Trong báo cáo, các nhà phân tích của Jefferies cho rằng Mỹ đang nắm trong tay hai “lá bài” mạnh: hủy niêm yết các cổ phiếu Trung Quốc và cấm đầu tư vốn Mỹ vào Trung Quốc. Báo cáo nhận định rằng vấn đề thuế quan đối ứng không chỉ là chuyện thương mại mà còn liên quan đến cuộc cạnh tranh sức mạnh quốc gia giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như việc đảm bảo chiến thắng cho Mỹ trong cuộc cạnh tranh này.
Chiến lược gia Wang Ying của Morgan Stanley cho rằng nếu toàn bộ cổ phiếu Trung Quốc bị hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch của Mỹ, thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nguy cơ giảm định giá toàn diện. Tuy nhiên, về lâu dài, thị trường Hồng Kông có thể bù đắp phần nào khoảng trống thanh khoản, đặc biệt là đối với các công ty có vốn hóa lớn.
Giới phân tích nhận định rằng chính quyền Trump đang có nhiều công cụ để thúc đẩy quá trình hủy niêm yết các công ty Trung Quốc. SEC có thể ra lệnh cho các sàn giao dịch hủy niêm yết các công ty có trụ sở tại Trung Quốc Đại Lục hoặc Hồng Kông, hoặc trực tiếp hủy tư cách đăng ký tại Mỹ, khiến các công ty này không thể giao dịch dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả trên thị trường phi tập trung (OTC). Ngoài ra, SEC còn có thể sử dụng quyền khẩn cấp để yêu cầu ngừng giao dịch. Nếu biện pháp này được Nhà Trắng khởi xướng, nó sẽ có trọng lượng pháp lý và chính trị lớn hơn.
Vào ngày 9/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tuyên bố rằng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang, nếu Bắc Kinh không nhượng bộ, Mỹ không loại trừ khả năng sẽ hủy niêm yết các cổ phiếu Trung Quốc tại thị trường chứng khoán Mỹ.
Khi được phóng viên Fox Business hỏi liệu có khả năng xảy ra việc hủy niêm yết nếu Bắc Kinh không chịu nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại hay không, ông Bessent trả lời: “Tôi cho rằng mọi khả năng đều đang được cân nhắc.”
Từ khóa Baidu Công ty Trung Quốc Alibaba JD.com Weibo
