42 nghị sĩ Mỹ cùng kiến nghị ĐCSTQ không trấn áp bạo lực người biểu tình
- Tiêu Nhiên
- •
Ngày 1/12, có 42 thượng nghị sĩ đã gửi thư cho Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ – ông Tần Cương, cảnh báo không nên trấn áp bạo lực “Phong trào Giấy trắng”.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Jeff Merkley, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell, Dan Sullivan và Todd Young đã cho hay qua thư kiến nghị chung rằng: “Chúng tôi mạnh mẽ cảnh báo ĐCSTQ hãy ngừng đàn áp bạo lực những người biểu tình ôn hòa ở Trung Quốc chỉ vì muốn có nhiều tự do hơn. Chúng tôi nghĩ rằng điều đó xảy ra sẽ gây hậu quả xấu nghiêm trọng cho quan hệ Mỹ-Trung”.
Các nhà lập pháp Mỹ này cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của “Phong trào Giấy trắng” tại Trung Quốc và phản ứng của ĐCSTQ, trong bức thư cũng đề cập đến việc chính quyền Bắc Kinh đã đàn áp thô bạo những sinh viên tham gia sự kiện Thiên An Môn năm 1989 khiến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người thiệt mạng.
Trong gần một tuần qua, ĐCSTQ đã cảnh giác cao độ về các cuộc nổi dậy trên khắp Trung Quốc của công chúng, động thái chưa từng thấy kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012. Hôm thứ Ba (29/11), Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã ra tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ổn định, “Chúng ta phải kiên quyết trấn áp các hoạt động xâm nhập và phá hoại của các thế lực thù địch, kiên quyết trấn áp các hành vi bất hợp pháp phá vỡ trật tự xã hội để nghiêm túc duy trì sự ổn định xã hội nói chung”.
Tại một số thành phố như Quảng Châu, gần đây ĐCSTQ đã nới lỏng một số biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, các nhà lãnh đạo cao nhất cũng đã dịu giọng hơn về khả năng gây bệnh của biến thể Omicron, nhưng đồng thời cảnh sát cũng truy cứu và bắt giữ những người biểu tình, kiểm tra điện thoại di động của mọi người, đồng thời phong tỏa thông tin và phát ngôn trên Internet liên quan đến biểu tình.
Giới quan sát có suy đoán rằng chính quyền sẽ không loại trừ bước tiếp theo là bắt giữ quy mô lớn và đàn áp bạo lực.
Sau vụ thảm sát Thiên An Môn 33 năm trước, Mỹ và nhiều nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với ĐCSTQ. Năm ngoái, Mỹ, Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Canada đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức ĐCSTQ bị nghi ngờ vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương, Washington gọi cuộc đàn áp của Chính phủ Trung Quốc đối với người thiểu số Hồi giáo là “diệt chủng”.
Xu thế quan hệ Mỹ-Trung xấu đi từ nhiều năm qua vẫn còn đó, vào thứ Hai (28/11) Nhà Trắng lại bày tỏ ủng hộ đối với quyền biểu tình ôn hòa của người dân Trung Quốc. Gần đây một số blogger dư luận viên ĐCSTQ lan truyền thông tin vô cớ trên mạng xã hội Trung Quốc rằng Mỹ đã chi 500 triệu USD để hỗ trợ “Phong trào Giấy trắng”, nhưng đa số người Trung Quốc phản bác. Cáo buộc “thế lực nước ngoài” kích động bất mãn xã hội ở Trung Quốc là thủ đoạn quen dùng của ĐCSTQ, nhưng khi tìm kiếm từ khóa “thế lực nước ngoài” trên mạng xã hội Weibo Trung Quốc cho thấy hầu hết cư dân mạng Trung Quốc không cho rằng có cái gì là “thế lực nước ngoài”.
Dù Nhà Trắng đã bày tỏ ủng hộ đối với quyền biểu tình ôn hòa của người dân Trung Quốc, nhưng một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa vẫn cho rằng lập trường của Nhà Trắng chưa đủ cứng rắn. Ông Dư Mậu Xuân (Maochun Yu) của Trung tâm Trung Quốc tại Viện Hudson trong tuần này cũng đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Biden và lãnh đạo các nước phương Tây công khai ủng hộ những người biểu tình và lên án đàn áp của ĐCSTQ.
Ngoại trưởng Mỹ: Đàn áp người biểu tình là dấu hiệu của yếu kém
Hôm thứ Tư (30/11), khi tham dự cuộc họp của các ngoại trưởng NATO ở Romania, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong một cuộc phỏng vấn với NBC rằng cuộc đàn áp của Chính phủ Trung Quốc đối với người biểu tình đã cho thấy “dấu hiệu yếu kém”.
Phóng viên kiêm người dẫn chương trình của NBC là Andrea Mitchell hỏi: ĐCSTQ đàn áp người biểu tình, có phải về mặt nào đó như tạo đòn bẩy cho Mỹ? Phải chăng địa vị của ông Tập Cận Bình đã bị suy yếu vì điều này?
Ông Blinken trả lời: “Tôi không thể biết về địa vị của ông Tập. Nhưng điều tôi có thể nói là: Trước hết, chính sách ‘Zero COVID’ mà chúng ta thấy ở Trung Quốc là điều chúng tôi không bao giờ làm. Chúng tôi luôn tập trung vào việc đảm bảo mọi người có vắc-xin hiệu quả và an toàn, đảm bảo xét nghiệm, có phương pháp điều trị, và điều đó đã được chứng minh là có hiệu quả. Trung Quốc phải tìm ra con đường phía trước trong cách đối phó với COVID, con đường đó không chỉ đáp ứng nhu cầu sức khỏe mà còn đáp ứng nhu cầu của người dân. Chúng tôi không thể [và không có quyền] giải quyết thay cho họ”.
“Tôi nghĩ ở bất kỳ nước nào mà bạn thấy, mọi người cố gắng lên tiếng cũng như biểu tình ôn hòa để bày tỏ bất bình trong bất kể vấn đề gì, ở bất kỳ nước nào mà chúng ta thấy điều gì đó như thế xảy ra, nhưng lại bị chính quyền trấn áp bạo lực quy mô lớn thì đó là dấu hiệu của chính quyền [năng lực] kém”, ông nói thêm.
Từ khóa biểu tình ở Trung Quốc Zero COVID Phong trào Giấy trắng