Anh nỗ lực chuẩn bị các điều kiện đón di dân từ Hồng Kông
- Hoài Anh
- •
Quy định thị thực mới của chính phủ Anh có hiệu lực từ 31/01/2021 cho phép người dân Hồng Kông tới Anh sinh sống và mang theo hàng tỷ đô la đầu tư vào nền kinh tế nước này, theo The Guardian.
Aragon bắt đầu làm việc từ đầu năm 2021 với tư cách là một đại lý bất động sản ở London, tập trung vào việc tìm kiếm những khách hàng muốn chuyển đến thủ đô nước Anh từ Hồng Kông – một động thái mà anh đã tự thực hiện cách đây 4 tháng.
Công việc của Aragon là một trong những công việc đầu tiên được tạo ra bởi chương trình thị thực mới của Chính phủ Anh, cho phép hàng triệu cư dân Hồng Kông có quyền chuyển đến Anh và xin quốc tịch để đối phó với cuộc đàn áp của Chính phủ Trung Quốc.
Bộ Nội vụ Anh ước tính rằng hơn 300.000 người sẽ tiếp nhận lời đề nghị đó trong 5 năm tới, khi mà đảo quốc phồn hoa một thời sẽ chỉ còn là dĩ vãng bởi luật an ninh hà khắc, đánh cắp mọi quyền tự chủ của người dân.
Sau khi Luật An ninh được Chính phủ Trung Quốc áp dụng cho Hồng Kông vào năm ngoái, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đáp lại bằng một quyết sách cho phép hơn 5 triệu cư dân Hồng Kông với hộ chiếu hải ngoại British National Overseas – BN(O) và những người phụ thuộc của họ, đều đủ điều kiện tới sinh sống tại Anh bất chấp sự tức giận của Bắc Kinh.
Kế hoạch này đã đưa Aragon đến Vương quốc Anh, sau khi đại dịch cản trở việc tìm kiếm việc làm của anh ở Canada hoặc Úc. Vào tháng 9/2020, anh lấy tiền tiết kiệm của mình và bay đến Vương quốc Anh, một đất nước anh chưa từng đến thăm nhưng giờ anh gọi đó là nhà. Bất chấp việc chưa thu xếp việc làm hay chỗ ở tại Anh, Aragon vẫn quyết định rời đi vì lo rằng nếu ở lại Hồng Kông lâu hơn nữa thì có thể không thể rời đi. Có tin đồn về việc Chính phủ Hồng Kông áp đặt giấy phép xuất cảnh.
Một lý do cho sự tức giận của Trung Quốc có thể là sự hấp dẫn rõ ràng từ lời đề nghị của ông Johnson. Một dòng người lớn từ Hồng Kông có thể đem lại lợi ích tài chính cho một nước Anh bị tàn phá bởi Covid-19 và sự kết thúc của giai đoạn chuyển tiếp Brexit. Đây sẽ là một đòn tài chính và một sự bối rối chính trị đối với Trung Quốc. Bank of America đã ước tính trong một báo cáo gần đây rằng người dân Hồng Kông rời đi có thể kích hoạt dòng vốn 280 tỷ HKD (26 tỷ bảng Anh) chỉ trong năm nay, khi họ bán tài sản và rút tiền hưu trí và mang nó vào Anh. Các số liệu của Chính phủ đưa ra “lợi ích ròng” cho Vương quốc Anh vào khoảng từ 2,4 tỷ bảng đến 2,9 tỷ bảng.
Hồng Kông Watch và 10 nhóm chiến dịch và tổ chức từ thiện khác đã viết thư cho Chính phủ Anh trong tuần này, kêu gọi họ đẩy mạnh công việc để hỗ trợ cả những người mới đến và chính quyền địa phương, những người sẽ giúp di dân ổn định cuộc sống. “Chúng ta phải học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ và bố trí các nguồn lực để đảm bảo sự chào đón nồng nhiệt.”
Các lĩnh vực để xem xét bao gồm từ năng lực của hệ thống giáo dục đến các lớp học ngôn ngữ, và hỗ trợ tâm lý cho những người bị tổn thương sau 18 tháng biến động bạo lực ở Hồng Kông. Các chuyên gia cho biết, sẽ cần hướng dẫn về việc cập nhật hoặc chuyển đổi bằng cấp và một chiến dịch công khai để đảm bảo người di cư được công nhận rộng rãi, giúp họ sử dụng từ tài khoản ngân hàng đến hợp đồng cho thuê.
Giám đốc chính sách của Hồng Kông Watch, Johnny Patterson cho biết, đại dịch có thể đã kéo dài thêm một chút thời gian để chuẩn bị, với các báo cáo giai thoại rằng một số đang trì hoãn việc di chuyển khi nước Anh đang trong đợt phong tỏa thứ ba.
Nhưng sau làn sóng bắt giữ hàng loạt ở Hồng Kông, vẫn có nhiều người cảm thấy họ không thể chờ đợi được nữa, Simon Cheng, một cựu nhân viên Lãnh sự quán Anh, một nhà vận động, cho biết người dân lo sợ nếu họ không đi ngay bây giờ thì sẽ không có cơ hội nào nữa. Nhưng Vương quốc Anh hiện đang gặp rắc rối lớn vì đại dịch, vì vậy họ cảm thấy rất bối rối.
“Đối với hầu hết những người này, nỗi sợ hãi ở Hồng Kông sẽ lớn hơn nỗi sợ hãi về đại dịch ở Anh. Họ thực sự chỉ muốn thoát khỏi đó,” anh nói.
Một trong số đó là Samson Chan, cựu trợ lý riêng cho ông Ted Hui – một chính trị gia ủng hộ dân chủ, hiện đang sống lưu vong. Ông cho biết bản thân phát hiện bị theo dõi từ tháng 12/2020 và đã nhanh chóng quyết định rời đi tháng trước. Ông chỉ nói được ít tiếng Anh và không chắc tìm được công việc phù hợp khi hoàn tất các thủ tục, nhưng rất vui vì đã trốn thoát. “Tôi không dám nghĩ về tương lai – điều đó rất bất định đối với mọi người. Tôi chỉ tập trung vào việc sống sót.”
Một điểm sáng là mạng lưới những người ủng hộ dân chủ đã liên hệ với ông. “Tôi không cảm thấy đơn độc: Tôi có rất nhiều bạn mới ở Vương quốc Anh,” ông Chan chia sẻ nói.
Văn phòng đối ngoại đã làm việc chăm chỉ để bắt đầu thực hiện kế hoạch trong vòng vài tháng, với sự chú ý cẩn thận đến các chi tiết bảo mật.
Những người đầu tiên, như Chan, được phép đến Vương quốc Anh bằng một loại thị thực khác và đăng ký tham gia chương trình BNO một lần tại đây. Từ tháng Hai, những người vẫn ở Hồng Kông sẽ có thể nộp đơn thông qua một ứng dụng, tránh phải đến Lãnh sự quán Vương quốc Anh, nơi họ có thể bị các quan chức an ninh giám sát.
Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ cho biết, Chính phủ Anh đang tiến hành công việc và phối hợp với các chính quyền địa phương. Các điểm đến phổ biến có thể bao gồm Greater Manchester – vì có trường học tốt, giá nhà hợp lý và gần Manchester United – Birmingham, Bristol, Milton Keynes và tất nhiên còn có London.
Các nhóm dân sự và các nhà vận động cũng đã thiết lập một loạt các sáng kiến hỗ trợ cơ sở. Nhạc sĩ Winston Marshall, đến từ Mumford and Sons, đã tạo lập một hệ thống các mối quan hệ để ghép những người mới đến với người dân địa phương.
Hộ chiếu hải ngoại BNO là tình trạng được luật pháp Anh quy định từ năm 1987, cấp cho cư dân Hồng Kông sinh trước thời điểm Anh bàn giao thành phố cho Trung Quốc ngày 1/7/1997. Từ tháng 1/2021, ước tính 2,9 triệu người Hồng Kông đủ điều kiện sở hữu hộ chiếu hải ngoại Anh có thể nộp đơn xin tái định cư ở Anh, cùng với những người phụ thuộc. Chính sách thị thực mới của Anh sẽ chính thức có hiệu lực từ 31/01/2021.
Hoài Anh
Xem thêm:
Từ khóa Người Hồng Kông Dòng sự kiện Hồng Kông thị thực Brexit Anh Quốc Di dân