Bắc Kinh không công nhận hộ chiếu BNO do Anh cấp cho người Hồng Kông
- Gia Hoành
- •
Ngày 29/1, chính phủ Anh thông báo về việc xử lý visa (thị thực) đặc biệt cho những người có hộ chiếu hải ngoại của Anh (BNO). Chính phủ sẽ mở đơn vào Chủ nhật tuần này (ngày 31/1) để những người Hồng Kông đang phải đối mặt với sự chèn ép của luật an ninh quốc gia, sẽ có một “nơi trú ẩn an toàn”. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẽ không công nhận “hộ chiếu BNO” là giấy thông hành và giấy tờ tùy thân, đồng thời có quyền thực hiện các biện pháp khác.
Chính phủ Anh đã công bố dạng thức nhập cư mới, cho phép 5,4 triệu người sở hữu BNO Hồng Kông đủ điều kiện nộp đơn xin thị thực đặc biệt. Thị thực này cấp cho người sở hữu quyền cư trú, học tập và làm việc, sau 5 năm có thể xin nhập cư vào Vương quốc Anh, sau đó thêm một năm nữa có thể xin nhập quốc tịch Anh. Đơn xin thị thực mới có thể được nộp trực tuyến và đặt lịch hẹn làm thủ tục bắt đầu từ ngày 31/1. Bắt đầu từ ngày 23/2, có thể dùng ứng dụng di động để quét hộ chiếu sinh trắc học mà không cần đến trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực để xử lý.
Anh thông báo nhận đơn xin nhập cư cho người Hồng Kông, Trung Quốc đáp trả
Chính phủ Anh tuyên bố chấp thuận cấp thị thực mới cho người có hộ chiếu BNO là để đáp lại việc chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông vào tháng 7 năm ngoái. Phía Vương quốc Anh đang thực hiện cam kết về trách nhiệm lịch sử và đạo đức của mình đối với người Hồng Kông. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông tự hào về việc bảo vệ quyền tự do và quyền tự chủ của Hồng Kông.
Các nhà chức trách Anh ước tính có 123.000 cư dân Hồng Kông sẽ nộp đơn trong năm đầu tiên. Họ cũng thông báo rằng từ ngày 15/7 năm ngoái đến ngày 13/1 năm nay, khoảng 7.000 người sở hữu BNO đã được chấp thuận cư trú tại Vương quốc Anh.
Cùng ngày, tại một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cũng đã công bố các biện pháp đáp trả: kể từ ngày 31/1, Trung Quốc sẽ không còn công nhận “cái gọi là hộ chiếu BNO” là giấy thông hành và giấy tờ tùy thân, đồng thời có quyền thực hiện các biện pháp tiếp theo.
Ông Triệu Lập Kiên cho rằng phía Anh đã phớt lờ thực trạng Hồng Kông đã trả về lại Trung Quốc 24 năm, coi thường lập trường nghiêm chính của Trung Quốc, ngang nhiên vi phạm các cam kết, khăng khăng đưa ra bộ chính sách cư trú và nhập tịch Anh cho các cư dân Hồng Kông, lại còn mở rộng phạm vi sử dụng, “biến lượng lớn người Hồng Kông thành công dân Anh hạng hai, thay đổi hoàn toàn bản chất của hộ chiếu BNO như sự hiểu biết vốn có giữa hai phía Trung – Anh”. Ông Triệu Lập Kiên cho biết thêm, cái gọi là BNO ở Anh hiện nay “không còn là BNO ban đầu nữa”, đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc, can thiệp vào các vấn đề của Hồng Kông và công việc nội bộ của Trung Quốc. Trung Quốc vô cùng phẫn nộ và kiên quyết phản đối sự việc này.
Cùng ngày, Ngoại Trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố “Việc Trung Quốc thực hiện Đạo Luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông rõ ràng là đã vi phạm Tuyên bố chung Trung – Anh và luật pháp quốc tế”, nhấn mạnh rằng Anh sẽ không né tránh vấn đề này ở Hồng Kông.
Bà Lưu Tuệ Khanh: Trung Quốc chưa bao giờ công nhận BNO
Việc Trung Quốc không công nhận hộ chiếu BNO sẽ có ảnh hưởng thực tế thế nào, cũng đã khiến người Hồng Kông có nhiều tranh luận. Một số cư dân mạng nói thẳng rằng, người Hồng Kông xuất nhập cảnh đều là sử dụng Thẻ căn cước Hồng Kông, khi trở về Trung Quốc Đại Lục thì dùng giấy tờ hồi hương (Home Return Permit hoặc Home Visit Permit), vậy thì Trung Quốc “có liên quan gì đến BNO?” “Các nước khác công nhận (BNO) là được rồi”. Lại có cư dân mạng bắt chước giọng điệu của Bộ Ngoại giao: “Không ai mượn các ông thừa nhận, giấy thông hành của Anh không đến lượt các ông đưa ra mấy nhận xét vô trách nhiệm đó.”
Một số người cũng cảm thấy buồn cười, họ nói rằng động thái này của ĐCSTQ ngược lại là đã biến BNO từ giấy thông hành trở thành “giấy chứng nhận quốc tịch”. Sau khi ĐCSTQ tuyên bố không công nhận BNO, ông Hồ Chí Vĩ (Wu Chi-wai), cựu nghị viên Hội đồng lập pháp Hồng Kông có khả năng sẽ bị điều tra lại, lý do là vì sau khi bị bắt ông đã không giao nộp BNO. Tuy nhiên, cũng có cư dân mạng lo lắng về việc trong tương lai, liệu vé máy bay khởi hành từ Hông Kông có thể mua được bằng BNO hay không, và liệu giới chức có gây áp lực với các hãng hàng không về việc dùng BNO để mua vé máy bay hay không.
Tờ Apple Daily đưa tin, bà Lưu Tuệ Khanh (Emily Lau), cựu nghị viên Hội đồng lập pháp Hồng Kông và cựu chủ tịch Đảng Dân chủ Hồng Kông, chỉ ra rằng, theo hiểu biết của mình, chính phủ Anh luôn biết rằng Trung Quốc chưa bao giờ sử dụng BNO làm giấy tờ tùy thân và thông hành. Vì vậy, bà thực sự không hiểu câu nói của ông Triệu Lập Kiên cùng với thực tế trước đây thì có gì bất đồng, và cũng khó mà ước lượng được tác động thực tế trong tương lai. Bà cho biết trong tương lai, nếu một công dân Hồng Kông cầm BNO đến lãnh sự quán hoặc đại sứ quán Trung Quốc để nhờ giúp đỡ thì có thể không được chấp nhận, tuy nhiên, người dân Hông Kông có thể tìm một lãnh sự quán Anh để được trợ giúp. Ví dụ, năm ngoái, cư dân Hồng Kông có hộ chiếu BNO đã bị mắc kẹt ở Peru, nhưng có thể lên chuyến bay thuê của chính phủ Anh để rời đi.
Ngoài ra, về báo cáo có 7.000 người đã đến Vương quốc Anh, bà Lưu tin rằng điều đó phản ánh những lo lắng và sợ hãi của người dân Hồng Kông, đặc biệt là những người có con cái.
Cựu Cục trưởng cục An ninh, đồng thời là lãnh đạo Đảng Dân chủ mới Hồng Kông Diệp Lưu Thục Nghi ủng hộ việc cấm “song tịch” để chống lại quyết định của Anh, và đề nghị Bắc Kinh nên thông qua Nhân dân Toàn quốc (quốc hội) để thu hồi quốc tịch Trung Quốc của những người nắm giữ BNO Hồng Kông, khiến họ mất đi thân phận thường trú nhân Hồng Kông và quyền biểu quyết.
Ngày 29/1, bà Diệp thừa nhận với giới truyền thông rằng, các biện pháp đối phó mà Bộ Ngoại giao đưa ra sẽ không có bất kỳ tác động đáng kể nào đối với người dân Hồng Kông ngoại trừ sự công nhận quốc tế và tính lưu động quốc tế của BNO. Người dân Hồng Kông “không cần phải dựa vào BNO này để đi du lịch”. Về việc các chính phủ nước ngoài có công nhận hộ chiếu BNO là giấy thông hành hay không, nên để các chính phủ nước ngoài tự quyết định, nhưng không loại trừ việc các chính phủ thân Trung Quốc có thể theo yêu cầu của Trung Quốc không công nhận BNO là giấy thông hành.
Tính đến tối ngày 29/1, diễn biến mới nhất là chính quyền Hồng Kông tuyên bố “phối hợp toàn diện” các biện pháp để đối phó đối với việc Anh xử lý hộ chiếu BNO, đồng thời công bố một số biện pháp cụ thể, bao gồm:
- Hộ chiếu BNO không thể được sử dụng để xuất nhập cảnh tại Hồng Kông. Cư dân Hồng Kông phải sử dụng hộ chiếu đặc khu và thẻ căn cước thường trú Hồng Kông để xuất nhập cảnh;
- BNO không thể được sử dụng để làm bất kỳ hình thức chứng minh danh tính nào tại Hồng Kông;
- Khi hành khách lên chuyến bay đến Hồng Kông, công ty hàng không phải yêu cầu cư dân Hồng Kông xuất trình hộ chiếu hoặc thẻ căn cước của đặc khu;
- Những người không phải là người Trung Quốc thường trú tại Hồng Kông nếu không có giấy tờ thông hành hợp lệ khác, thì có thể nộp đơn xin giấy tờ tùy thân có thị thực từ Cục quản lý xuất nhập cảnh cho chuyến đi quốc tế.
Lý Gia Hoành
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện hộ chiếu BNO Hồng Kông Anh Quốc