Ánh sáng và hy vọng từ những thay đổi lớn trên thế giới trong năm 2017
- Trương Hiến Nghĩa
- •
Nhìn lại năm 2016, trong bức tranh thế giới hỗn loạn, có ba sự kiện chính trị quốc tế quan trọng được nhiều người chú ý: Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ, Tập Cận Bình trở thành hạt nhân lãnh đạo, nước Anh thoát Âu. Những biến chuyển tình hình của Mỹ, Trung và châu Âu luôn là mấu chốt quyết định tương lai thế giới. Có một đặc điểm chung trong sự biến chuyển ở cả 3 khu vực này: Đó chính là sự quay về với những giá trị truyền thống.
Chính quyền mới của Mỹ trở về truyền thống
Việc ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ có thể gọi là một kỳ tích. Trong quá trình tranh cử, truyền thông Mỹ dòng chính đã đưa tin méo mó gây ác cảm trong lòng nhiều người. Nhưng cho đến nay, ông Trump ngày càng được thêm nhiều người Mỹ tín nhiệm. Thực tế, nhiều hành động của ông Trump đã giúp người dân Mỹ cảm nhận được niềm hy vọng vào tương lai của nước Mỹ.
Nền tảng gia đình của Trump thiên về truyền thống. Ông Donald Trump là một thương nhân thành công, nhờ khả năng biết kiềm chế bản thân mạnh mẽ đã giúp ông Trump tuân thủ nghiêm ngặt những sách lược trong quá trình đàm phán. Truyền thống gia đình ông Trump cũng ảnh hưởng đến con cái ông ấy, dù đều là những doanh nhân thành công nhưng con cái của Trump không bị những scandal và bê bối tình dục thường thấy như trong thế hệ con cái của đa số giới nhà giàu.
Quan trọng hơn là nội các mới của Trump, về cơ bản sẽ đưa nước Mỹ quay lại với những giá trị truyền thống.
Ông Trump đã đưa ra danh sách 11 ứng cử viên Tư pháp thuộc phái bảo thủ. Danh sách này cho thấy ông ủng hộ niềm tin chính trị của phe bảo thủ lấy Hiến pháp làm nguyên tắc, làm cho nước Mỹ trở thành một quốc gia tam quyền phân lập đích thực, một quốc gia theo thể chế dân chủ mà những con người sáng suốt thời mới lập quốc đã gây dựng nên.
Ông Donald Trump cam đoan, sau khi nhậm chức ông sẽ hủy bỏ “Tu chính án Johnson” hạn chế mục sư giảng đạo đề cập đến chính trị (thực thi từ 1954). Đây là một trong những cách đưa nước Mỹ trở lại với nguyên tắc lập quốc “Chúng ta tin tưởng và làm theo Thượng đế” (In God We Trust).
Ngoài ra, ông Trump cũng phá bỏ nhiều mệnh lệnh hành chính do Obama ký, đặc biệt là “Luật Nhà vệ sinh” và chính sách Bảo hiểm Y tế của Obama gây nhiều tranh cãi, theo đó sẽ thực hiện cơ chế cạnh tranh để giảm chi phí Bảo hiểm Y tế.
Thế lực theo truyền thống của Âu châu nổi lên
Cuộc trưng cầu dân ý của Anh quốc năm 2016 đã đưa Anh ra khỏi liên minh châu Âu, là bước mở đầu cho sự nổi lên của thế lực đi theo khuynh hướng truyền thống ở Âu châu. Cùng với các cuộc bầu cử tại nhiều nước châu Âu trong năm 2017, thế lực chính trị châu Âu theo truyền thống sẽ bước lên vũ đài, xu thế chống toàn cầu hóa sẽ ngày càng mạnh hơn. Ví như có thể sẽ có thay đổi trong bầu cử Thủ tướng Đức, cục diện nhất thể hóa toàn châu Âu sẽ phá sản; tại Pháp, nếu bà Marine Le Pen (thuộc phe bảo thủ, chống liên minh châu Âu và toàn cầu hóa) trở thành Tổng thống thì có nhiều khả năng nước Pháp cũng ra khỏi NATO; còn tại Ý, ưu thế cũng có thể nghiêng về “Phong trào Năm Sao” (Movimento Cinque Stelle)…
Tại Âu châu, thế lực bảo thủ có thiên hướng theo truyền thống nổi lên sẽ làm dịu vấn đề dân tị nạn châu Âu cùng nguy cơ kinh tế, đồng thời cũng báo hiệu hồi kết của mô hình kinh tế theo hình thái ý thức của đường lối chính trị cánh tả đã tồn tại hơn một thế kỷ qua. Chúng ta sẽ chứng kiến một châu Âu trở lại với truyền thống vào năm 2017.
Tập Cận Bình tôn sùng văn hóa truyền thống
Trung Quốc là một quốc gia có bề dày lịch sử được lưu trữ trải dài liên tục suốt 5000 năm. Ba tín ngưỡng chính có ảnh hưởng sâu sắc đến người Trung Hoa xưa là Nho, Phật, Đạo. Người xưa kính trời đất, quý sinh mệnh, trọng đức hành thiện, đây chính là nội hàm sức mạnh của văn hóa truyền thống Trung Hoa. Tuy nhiên, ngọn lửa điên cuồng của Đại Cách mạng Văn hóa đã bằng mọi cách thiêu rụi và phế bỏ văn hóa truyền thống. Mãi cho đến khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, trái ngược với những nhà lãnh đạo trước đó, ông này đã nhiều lần thể hiện thái độ “quyết không từ bỏ văn hóa truyền thống ưu việt của dân tộc Trung Hoa”.
>> Xem thêm: Tập Cận Bình muốn khôi phục văn hóa truyền thống: Shen Yun sẽ sớm về Hồng Kông biểu diễn
Ông Uông Ngọc Khải (Wang Yukai), Phó trưởng ban Cải cách hành chính Trung Quốc từng nói, ông Tập Cận Bình rất quan tâm những giá trị văn hóa truyền thống như Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, vì cho rằng những giá trị này sẽ giúp công việc trị nước hiệu quả hơn. Ông Tập Cận Bình cho biết, từ nhỏ ông ấy đã hâm mộ các anh hùng dân tộc như Nhạc Phi, Thích Kế Quang, Phùng Tử Tài.
Việc ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo hạt nhân vào năm 2016 cho thấy, văn hóa truyền thống sẽ có những ảnh hưởng mạnh mẽ trong công việc trị nước của ông trong năm 2017. Nhưng cũng nên chú ý là hình thái ý thức của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hoàn toàn mâu thuẫn với văn hóa truyền thống Trung Quốc, vì thế suy cho cùng, nếu theo thể chế hiện hành thì Trung Quốc không thể nào thực sự trở về được với văn hóa truyền thống. Đây là thực tế mà ông Tập Cận Bình sẽ phải đối diện.
Vấn đề hệ giá trị truyền thống
Truyền thống là chỉ tư tưởng, đạo đức, phong tục, nghệ thuật, chế độ thừa kế từ trong lịch sử nhân loại. Từ xưa đến nay, bất cứ thể chế nào kế tục đều cần điểm tựa truyền thống của chính nó. Truyền thống gắn bó chặt với những giá trị văn hóa của nó. Trong văn hóa truyền thống nhân loại, giá trị quan thường có nguồn gốc từ một quyền lực tối cao siêu thế tục. Trong xã hội cổ đại, vai diễn này được gọi là “Thần”; trong xã hội hiện đại thì có thêm nguyên tắc về pháp luật.
Văn hóa truyền thống Trung Hoa được gọi là văn hóa Thần truyền. Nền văn hóa này xây dựng trên nền tảng Nho, Phật, Đạo, những tín ngưỡng này giúp người Trung Quốc xây dựng được hệ thống đạo đức ổn định xã hội, nhờ đó mọi người chung sống với nhau. Những giá trị này được cụ thể hóa trong xã hội là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Ôn, Lương, Cung, Kiệm, Nhường, tin vào thiên nhân hợp nhất, thiện ác có báo…
Dòng chính của văn hóa truyền thống Tây phương xây dựng trên nền tảng niềm tin vào thần thánh. Các giá trị trong pháp luật Tây phương như tự do, dân chủ, bình đẳng, pháp trị, nhân quyền, phân quyền… đều có nguồn gốc từ Thánh Kinh. Truyền thống phương Tây xem trọng đạo đức làm người với những phẩm chất như ôn hòa, khoan dung, khiêm nhường…
Nhưng bước vào xã hội hiện đại, đặc biệt sau Thế chiến thứ Hai, sau khi cả thế giới, từ Đông phương đến Tây phương, Từ Trung Quốc đến Mỹ và Âu châu đều ngày càng rời xa nền đạo đức và văn hóa truyền thống nhân loại thì tình trạng loạn lạc diễn ra liên miên. Loài người đang tự hủy hoại chính mình!
Nguồn gốc rối loạn của Trung Quốc hiện nay
Hơn sáu mươi năm qua, dưới thể chế quyền lực ĐCSTQ, có gần 100 triệu người Trung Quốc đã chết bất thường, những giá trị văn hóa truyền thống bị hủy hoại, môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng, cùng với sự hủy hoại trật tự và đạo đức truyền thống đã làm cho xã hội ngày càng rối loạn. Tình trạng quan chức tham ô, mua quan bán chức, lối sống giả dối, đĩ điếm, xã hội đen… ngày càng tràn lan. Người ta ngày càng mù mịt về đạo đức và tương lai của xã hội. Đây chính là nguy cơ đối với sự tồn vong của một dân tộc.
Căn nguyên loạn lạc của Âu Mỹ đương đại
Sự nổi lên của nước Mỹ là một an bài của lịch sử. Truyền thống văn hóa Mỹ có chung cội nguồn với Âu châu, đó là sự nối dài của văn hóa Âu châu. Đến nay, cả Mỹ và châu Âu đều đối điện với những nguy cơ tương tự nhau về các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa…
Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp Mỹ cùng nhấn mạnh mọi người bình đẳng trước Chúa, những bậc tiên hiền khai quốc của Mỹ lấy nền tảng lập quốc của Mỹ là: Hiến pháp, giá trị cơ bản của nó là tách rời tôn giáo và chính trị (separation of church and state), tự do nhân quyền. Hai giá trị này đều bắt nguồn từ Cơ Đốc giáo và Kinh Thánh, như câu “Cái gì của Thượng đế trả cho Thượng đế, cái gì của Caesar trả cho Caesar” (tách rời tôn giáo và chính trị), và “một mình đức tin” (sola fide) (nhân quyền trời trao).
Nhưng bắt đầu từ thế kỷ trước, thế giới Tây phương do Mỹ đứng đầu bắt đầu xuất hiện suy thoái về đạo đức. Đây cũng là thời kỳ mà tiến hóa luận và chủ nghĩa vô thần được đưa vào sách giáo khoa trong trường học ở Mỹ. Năm 1959 là tròn 100 năm Darwin công bố thuyết tiến hóa. Một số nhà khoa học theo thuyết tiến hóa chất vấn nhà trường không dạy thuyết tiến hóa, vậy là từ những năm sáu mươi thế kỷ trước thuyết tiến hóa được đưa vào sách giáo khoa trung học thay cho thuyết sáng thế. Những người cổ vũ thuyết tiến hóa còn kiện ra tòa án, muốn dùng pháp luật để ngăn nhà trường dạy thuyết sáng thế.
Vào thập niên 60, Tòa án tối cao Mỹ đã cấm nhà trường cầu nguyện và đọc thánh kinh, đồng thời xã hội bước vào thời giải phóng tính dục; thập niên 70 đã cho hợp pháp hóa nạo phá thai khiến gần 60 triệu thai nhi bị chết trong bụng mẹ; thập niên 80 xuất hiện phong trào hôn nhân và tình yêu đồng tính, hiện nay thì hôn nhân đồng tính đã được pháp luật cho phép…
Châu Âu là khởi nguồn của văn minh Tây phương, nhưng cũng là nơi khai sinh các chủ thuyết đi ngược với thuyết sáng thế như đã đề cập ở trên. Nhìn từ bề ngoài, việc Âu châu bước vào thời hiện đại, đặc biệt sau khi thành lập Liên minh châu Âu, từng vì tính ưu việt của các giá trị đạo đức truyền thống đã mang đến cho thế giới những giá trị đầy tự hào: tự do, bình đẳng, pháp luật, phồn vinh, đa dạng và đoàn kết. Nhưng Âu châu ngày nay lại đứng trước nhiều nguy cơ: suy thoái kinh tế, làn sóng dân tị nạn tràn vào, chủ nghĩa khủng bố… Một trong những nguyên nhân mà nhiều người xem nhẹ chính là: quan niệm chủ nghĩa tự do và thế tục hóa phát triển mạnh mẽ với nền tảng là chủ nghĩa vô thần và thuyết tiến hóa. Sự xa rời niềm tin Thần thánh và văn hóa truyền thống đã góp phần khiến xã hội châu Âu rối loạn như hiện nay.
>> Xem thêm: Sự phá hoại của thuyết tiến hóa đối với đạo đức nhân loại
Hy vọng có những thay đổi lớn trong năm 2017
Hơn một thế kỷ qua, sự rời xa thuyết sáng thế đã làm cho con người sùng bái bạo lực và đấu tranh, làm cho loài người chìm trong chiến tranh, gây thảm họa hàng trăm triệu người bị chết vì nghèo đói và chiến tranh. Ở Đông phương, sự ảnh hưởng của nó là hàng trăm triệu người đã bị giết hại; ở Tây phương, sự lệch chuẩn văn hóa truyền thống đã hủy hoại đạo đức xã hội.
Khi giá trị quan truyền thống không ngừng bị các giá trị biến dị của xã hội hiện đại gặm nhấm sẽ dẫn đến thoái hóa đạo đức, từ đây sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn trong xã hội. Các phẩm chất đáng quý của loài người như yêu thương, nhân nghĩa, tin tưởng, chân thành, khoan dung… dần phai nhạt. Liều thuốc giải quyết tất cả vấn đề này chính là trở lại với các giá trị quan đạo đức truyền thống.
Nhiều dấu hiệu cho thấy năm 2017, lịch sử sẽ có những thay đổi lớn lao, loài người sẽ quay trở về với truyền thống, giữ gìn đạo đức và sự lương thiện. Thay đổi lớn trong năm 2017 chính là ánh sáng và hy vọng của nhân loại.
Theo Blog Trương Hiến Nghĩa
Xem thêm:
Từ khóa Thuyết sáng thế Tập Cận Bình Donald Trump Văn hóa truyền thống thuyết tiến hoá thuyết vô thần