Thứ Ba vừa qua (21/11), Apple cho biết đã gỡ 674 ứng dụng VPN khỏi App Store ở Trung Quốc, theo yêu cầu của chính quyền Trung Quốc. VPN (viết tắt của Virtual Private Network) là ứng dụng trên điện thoại thông minh hay máy tính cho phép các gói dữ liệu đi vòng qua các máy chủ trung gian được mã hóa để bảo vệ thông tin riêng tư của người dùng.

Apple
Theo yêu cầu của chính quyền Trung Quốc, từ đầu năm đến nay, Apple đã gỡ bỏ 674 ứng dụng VPN (Ảnh qua Hackernews)

 

Theo tờ Financial Times, đây là thông tin mà Apple gửi đi trong một phản hồi với thượng nghị sĩ Patrick Leahy và Ted Cruz. Trong năm nay, số lượng ứng dụng VPN bị gỡ khỏi App Store ở Trung Quốc đã tăng lên gấp đôi so với năm ngoái.

Apple cho biết rằng họ đã được “tư vấn cơ sở pháp lý cho khiếu nại này” và nhận được câu trả lời rằng các nhà vận hành VPN bị ảnh hưởng do đã vi phạm Luật an ninh mạng của Trung Quốc.

BBC cho biết, các công ty nước ngoài có nhiều quan ngại rằng luật an ninh mạng thực ra là cách mà Trung Quốc kiểm soát dư luận và xóa bỏ các ý kiến chống chính quyền trên Internet. Apple đang rất cố gắng làm theo các yêu cầu trong Luật an ninh mạng của Trung Quốc. Theo đó, đầu năm nay, Apple đã đặt trung tâm dữ liệu tại tỉnh Quý Châu.

Lý do Apple tiết lộ con số ứng dụng VPN bị gỡ bỏ là vì 2 nghị sĩ Leahy và Cruz đã gửi một lá thư yêu cầu Apple cần “phản kháng” lại việc kiểm duyệt ngôn luận của chính quyền Trung Quốc.

Trong bức thư, 2 nghị sĩ đã chỉ ra rằng tình hình nhân quyền và tự do ngôn luận ở Trung Quốc rất tồi tệ. Người dân hoàn toàn không có quyền phát ngôn hay tiếp xúc với các tin tức quốc tế cả trên Internet và trong thực tế.

Việc xóa các “ứng dụng VPN vốn cho phép người dân Trung Quốc có thể vượt qua khỏi tường lửa để vào Internet” là để nhằm ngăn chặn người dân Trung Quốc có thể phát ngôn tự do với cộng đồng quốc tế.  Cách làm của Apple đã cho thấy, Trung Quốc có thể khiến các công ty nước ngoài kinh doanh tại Trung Quốc hợp tác để “kiểm duyệt và theo dõi mạng Internet”.

Hai nghị sĩ cũng chất vấn Apple rằng họ có đang tích cực mở rộng tự do ngôn luận tại Trung Quốc hay không, đồng thời cũng chỉ trích “cơ chế kiểm duyệt và theo dõi mạng internet”  của chính quyền Trung Quốc.

Tháng 7 năm nay, Apple cho biết “Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin của Trung Quốc đầu năm nay đã yêu cầu tất cả các nhà phát triển VPN phải có giấy phép của chính quyền Trung Quốc. Chúng tôi cũng nhận được yêu cầu phải gỡ bỏ các phần mềm VPN không tuân thủ quy định mới của chính quyền Trung Quốc”.

Phản hồi các vấn đề của hai nghị sĩ đưa ra, Cynthia Hogan, Phó chủ tịch phụ trách chính sách công cộng cho biết, App Store ở Trung Quốc của Apple sẽ tiếp tục là “một nơi đề cao tự do ngôn luận, giáo dục, nghệ thuật”. Bà cho biết: “Apple đã thể hiện rất rõ ràng quan điểm của mình với chính quyền Trung Quốc về việc gỡ bỏ các ứng dụng VPN”.

Hogan còn cho biết thêm: “Chúng tôi tin tưởng rằng sự hiện diện của chúng tôi ở Trung Quốc giúp tăng cường sự cởi mở. Chúng tôi tin chắc rằng việc tiếp tục kinh doanh ở một số quốc gia, cho dù ngay cả khi chúng tôi không đồng ý với luật pháp ở nơi đó, sẽ giúp Apple có thể tối đa hóa việc thúc đẩy nhân quyền, bao gồm quyền được tự do biểu đạt”.

Phản hồi lại trả lời của Apple, Thượng nghị sĩ Leahy cho biết: “Các công ty công nghệ của Mỹ đang là những người bảo vệ quan trọng đối với tự do ngôn luận, tuy nhiên cam kết này không phải chỉ dừng ở trong phạm vi nước Mỹ. Các công ty công nghệ có phạm vi toàn cầu như Apple cần tiếp tục phản kháng lại việc Trung Quốc ngăn chặn tự do biểu đạt”.

Tại thời điểm khi Apple công bố việc đã gỡ 674 ứng dụng VPN, trang New York Times đã bị chặn truy cập với người dùng Internet ở Trung Quốc và phần mềm gọi điện và gửi tin nhắn Skype cũng đã bị gỡ khỏi các trang web ứng dụng nội địa cũng như App Store được gần một tháng. Đây là một trong các ví dụ điển hình của việc chính quyền Trung Quốc tìm cách kiểm duyệt và giám sát người dùng mạng suốt cả thập kỷ qua.

Theo tờ Financial Times, việc Skype bị chính quyền Bắc Kinh nhắm đến là nằm trong các động thái nhằm gây khó dễ các công ty cung cấp dịch vụ gọi điện qua Internet.

Tự Minh

Xem thêm: