Ba Lan lên kế hoạch gia hạn tình trạng khẩn cấp ở biên giới
- Minh Ngọc
- •
Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan hôm thứ Hai (25/7) đã yêu cầu gia hạn tình trạng khẩn cấp dọc biên giới với Belarus trong 60 ngày, khi Liên minh châu Âu yêu cầu Warsaw giải thích về những trường hợp người di cư bị chết ở khu vực đó.
Các biện pháp khẩn cấp được Ba Lan áp dụng hồi đầu tháng nhằm đối phó với làn sóng di cư, theo đó cấm tất cả những người không cư trú, bao gồm các nhà báo và nhân viên từ thiện, đến gần biên giới – một động thái bị các tổ chức từ thiện và các nhà hoạt động nhân quyền chỉ trích gay gắt.
Theo báo cáo, 6 người di cư đã chết dọc theo biên giới phía Đông của EU với Belarus trong hai tháng qua.
Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Mariusz Kaminski phát biểu tại một cuộc họp báo: “Tôi sẽ kiến nghị với chính phủ về việc kéo dài tình trạng khẩn cấp ở biên giới Ba Lan-Belarus.”
Ông Kaminski cũng cảnh báo, hàng chục người di cư bị chính quyền Ba Lan giam giữ cho đến nay “đã mang theo bằng chứng về chủ nghĩa cực đoan”, bao gồm cả mối liên hệ với Taliban và nhóm Nhà nước Hồi giáo. Ông cho biết, một số người di cư cũng đã từng sống ở Nga.
Theo Bộ Nội vụ, 8.200 người đã bị ngăn cản vượt biên, trong khi 1.200 người khác cũng bị chặn lại và bị giam giữ.
Trước đó, các nhóm phi chính phủ đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo đối với những người di cư qua biên giới khi nhiệt độ bắt đầu giảm xuống và yêu cầu được cung cấp hỗ trợ y tế.
Họ cũng cáo buộc chính phủ tiến hành chính sách đẩy lùi, ngăn cản những người di cư xin tị nạn và buộc họ trở lại biên giới vào Belarus.
EU cáo buộc Belarus cố tình dàn dựng dòng người di cư để trả đũa các lệnh trừng phạt của EU đối với cuộc đàn áp bất đồng chính kiến của chế độ do Moscow hậu thuẫn.
Ủy viên châu Âu về Nội vụ Ylva Johansson đã yêu cầu Ba Lan giải trình “minh bạch” về cái chết của người di cư.
Bà bày tỏ: “Tôi rất lo lắng về thực tế là… mọi người đã chết ở biên giới. Tôi nghĩ điều đó thực sự quan trọng cần phải điều tra, và các nhà chức trách Ba Lan cũng khẳng định họ sẽ điều tra những gì đã xảy ra.”
“Hoàn toàn không thể chấp nhận được việc người dân đang chết ở biên giới bên ngoài của chúng ta… Điều quan trọng là phải có sự minh bạch,” bà nói thêm.
Trong khi đó, Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) yêu cầu Ba Lan mở rộng viện trợ cho 32 người di cư Afghanistan bị mắc kẹt tại biên giới Belarus và không đưa họ trở về nước.
32 người Afghanistan, những người đã kêu gọi sự giúp đỡ của ECHR vào ngày 20/8 năm ngoái, đã bị mắc kẹt trong khoảng bảy tuần trong một trại lưu trú tạm bợ giữa Belarus và Ba Lan.
Những người này đã chạy trốn khỏi đất nước của mình sau khi Taliban nắm chính quyền và đã vượt qua biên giới giữa Belarus và Ba Lan vào ngày 8/8, trước khi bị lực lượng biên phòng Ba Lan cưỡng bức quay lại, ECHR cho biết trong một tuyên bố.
Tòa án có trụ sở tại Strasbourg đã thúc giục Ba Lan “cung cấp cho những người nộp đơn tị nạn này thức ăn, nước uống, quần áo, chăm sóc y tế đầy đủ và nơi ở tạm thời nếu có thể”.
Từ khóa khủng hoảng biên giới Ba Lan - Belarus người di cư Belarus đến Ba Lan