Lãnh đạo phe cánh hữu Tập hợp Quốc gia (National Rally – RN) Marine Le Pen thề sẽ đấu tranh chống lại quyết định của tòa án Paris cấm bà tham gia cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Bà cáo buộc cơ quan tư pháp hành động theo động cơ chính trị và cố gắng phá hoại chủ quyền của người dân.

Le Pen 1 4
Bà Marine Le Pen (trái), cùng với nghị sĩ quốc hội Sebastien Chenu (phải, bên dưới) và nghị sĩ quốc hội Jean-Philippe Tanguy (phải), tham dự phiên chất vấn chính phủ tại Quốc hội, hạ viện Pháp, tại Paris vào ngày 1 tháng 4 năm 2025. (Ảnh: ANNE-CHRISTINE POUJOULAT/AFP via Getty Images)

Trong động thái chưa từng có tiền lệ, hôm thứ Hai (31/3), các thẩm phán tại Paris đã tuyên án cựu ứng cử viên tổng thống Marine Le Pen lệnh cấm 5 năm không được tham gia bất kỳ chức vụ chính trị nào tại Pháp sau khi phát hiện bà phạm tội biển thủ công quỹ đối với việc sử dụng các quỹ của Liên minh châu Âu (EU) cho RN tại Quốc hội EU vào các hoạt động chính trị ở Pháp.

Điều quan trọng là các thẩm phán đã đứng về phía yêu cầu của các công tố viên để ban hành lệnh cấm ngay lập tức và duy trì lệnh cấm trong suốt quá trình kháng cáo, khiến lệnh cấm có khả năng vẫn có hiệu lực trong cuộc tranh cử giành chức tổng thống năm 2027 để thay thế Tổng thống Emmanuel Macron, chính trị gia sẽ hết nhiệm kỳ và không được tái tranh cử tổng thống nữa.

Bà Le Pen, ứng cử viên hàng đầu không thể tranh cãi trong các cuộc thăm dò cho cuộc tranh cử tổng thống, đã tuyên bố phán quyết này là điều thường thấy ở “các chế độ độc tài”, lập luận rằng giả định vô tội thường được trao lại cho những người ở Pháp kháng cáo chống lại các bản án. Do đó, bà khẳng định lệnh cấm bà ra tranh cử trong quá trình kháng cáo là vi phạm pháp luật.

“Tối nay, có hàng triệu người Pháp đang phẫn nộ, phẫn nộ đến mức không thể tưởng tượng nổi, khi chứng kiến ​​điều đó tại Pháp, đất nước của nhân quyền, các thẩm phán đã áp dụng những biện pháp mà chúng tôi tin là chỉ dành riêng cho các chế độ độc tài,” bà Le Pen nói trong một cuộc phỏng vấn vào tối Thứ Hai (31/3), theo tờ Le Figaro.

Mặc dù trước đó tuyên bố rằng lệnh cấm như vậy sẽ tương đương với “phán quyết tử hình về mặt chính trị”, nhưng bà Le Pen vẫn thề sẽ đấu tranh chống lại phán quyết này và cho biết bà sẽ không để cơ quan tư pháp“đánh cắp” cuộc bầu cử ở Pháp.

Trong cuộc họp báo sáng thứ Ba (1/4), bà Le Pen nói rằng đảng của bà “sẽ không để điều này xảy ra” và sẽ bảo vệ quyền lợi của người dân Pháp, những người mà bà cho biết “có quyền bỏ phiếu cho bất kỳ ai họ muốn”.

“Hệ thống đã lấy ra quả bom hạt nhân. Nếu họ sử dụng vũ khí mạnh mẽ như vậy chống lại chúng ta, thì đó là vì chúng ta sắp giành chiến thắng trong cuộc bầu cử… Chúng ta sẽ không để người Pháp bị đánh cắp cuộc bầu cử tổng thống. Chúng ta sẽ sử dụng mọi phương tiện có trong tay để cho phép người Pháp lựa chọn các nhà lãnh đạo tương lai của họ, và chúng ta sẽ chiến thắng, bởi vì sự thật và công lý phải chiến thắng”, bà Le Pen tuyên bố. 

Bà Le Pen lưu ý rằng ngay cả những đối thủ chính trị lâu năm của bà cũng chỉ trích phán quyết này, bao gồm cả nhà lãnh đạo đảng cực tả La France Insoumise Jean-Luc Mélenchon. Ông Jean-Luc Mélenchon đã nói hôm thứ Hai (31/3) rằng “quyết định sa thải một quan chức được bầu nên thuộc về người dân” và cảnh báo rằng việc tước bỏ quyền giả định vô tội của bà Le Pen trong quá trình kháng cáo “sẽ không công bằng”.

Lãnh đạo đảng trung – hữu Những người Cộng hòa (Les Republicains) tại Quốc hội, ông Laurent Wauquiez, cũng chỉ trích lệnh cấm đối thủ chính trị của mình, nói rằng: “Thật không lành mạnh khi trong một nền dân chủ, một viên chức được bầu lại bị cấm tham gia tranh cử. Các cuộc tranh luận chính trị phải được quyết định tại hòm phiếu; chính người Pháp phải quyết định. Quyết định này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của nền dân chủ của chúng ta. Đây có lẽ không phải là con đường mà chúng ta nên đi”.

Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, người mà trước đây cũng từng bất đồng quan điểm với bà Le Pen, cho biết: “Tôi không biết giá trị của những lời cáo buộc chống lại bà Marine Le Pen, cũng như lý do cho một quyết định mạnh mẽ như vậy… Nhưng tôi nghĩ rằng không ai có lòng dân chủ lại có thể vui mừng trước một bản án giáng xuống lãnh đạo của một đảng lớn và tước đi quyền đại diện của hàng triệu công dân”. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Ý Matteo Salvini, mô tả phán quyết chống lại bà Le Pen là “hành động chiến tranh” của Brussels (EU) chống lại phong trào dân túy đang trỗi dậy ở châu Âu.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng bình luận về phán quyết này từ Phòng Bầu dục, mô tả đây là “một vấn đề lớn”.

“Bà ấy đã bị cấm tranh cử trong năm năm, và bà ấy là ứng cử viên hàng đầu. Nghe có vẻ giống đất nước này đấy”, ông Trump nói, ám chỉ đến những nỗ lực pháp lý nhằm ngăn chặn cuộc bầu cử gần đây của ông.

Trong khi bà Le Pen thừa nhận rằng con đường đến Điện Elysee đối với bà hiện đang “hẹp lại”, vì đơn kháng cáo phải được hoàn tất trước cuộc bầu cử năm 2027, bà cho biết bà sẽ tiếp tục tiến lên và phán quyết “không có nghĩa là” chấm dứt sự nghiệp chính trị của bà. Bất chấp phán quyết này, nhà lãnh đạo đảng RN vẫn có thể giữ nguyên chiếc ghế của mình tại Quốc hội, tạo ra cho bà một nền tảng lớn để đấu tranh chống lại ngành tư pháp.

Ngồi cạnh bà trong buổi họp báo hôm thứ Ba (1/4), là ông Jordan Bardella, cánh tay phải lâu năm của bà Le Pen và đang là lãnh đạo danh nghĩa của RN, cho biết: “Nhiệm vụ của đảng Tập hộp Quốc gia, giống như nhiệm vụ của tất cả những cử tri yêu nước, là đoàn kết và huy động, cùng với người phụ nữ mà tội lỗi duy nhất của bà là đã tìm thấy mình ở vị thế có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Đây không phải là lúc để bỏ cuộc!”

Hân Nhi, theo Breitbart News