Bắc Hàn gửi thư tới các nước tố Hoa Kỳ “bắt nạt”
- Hùng Cường
- •
Tờ Sydney Morning Herald hôm thứ Sáu (20/10) đã đăng tải bản sao lá thư Bắc Hàn gửi tới Quốc hội Úc phân trần việc họ đang bị Hoa Kỳ dọa nạt.
Bắc Hàn thường chọn các kênh truyền thông trong nước để gửi đi các thông điệp với thế giới
Theo Reuters, bản sao lá thư của Bắc Hàn mà tờ nhật báo của Úc đăng tải đã được chính Bộ Ngoại giao Úc xác nhận là chính xác. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao xứ sở chuột túi đã lên tiếng khẳng định ngày tháng trên bản sao ghi 28/9 cũng là đúng.
Trong lá thư gửi tới Quốc hội Úc, Bắc Hàn nói rằng: “Nếu ông Trump nghĩ rằng ông ta sẽ khiến Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK) phải quỳ gối bằng đe dọa hạt nhân, thì đó sẽ là một sai lầm lớn và là biểu hiện của sự thiếu hiểu biết”.
“Ông Trump đã đe dọa phá hủy hoàn toàn DPRK…đó là một hành động cực đoan đe dọa phá hủy hoàn toàn thế giới”.
Reuters cho hay tiêu đề của lá thư từ Bắc Hàn mà Quốc hội Úc nhận được là: “Thư ngỏ gửi tới Quốc hội các nước”. Trong thư cũng lưu ý rằng nó được gửi đi từ Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Jakarta, Indonesia tới Đại sứ quán Úc trong cùng thành phố này. Bức thư cũng được gửi tới nhiều nước khác, nhưng không nêu rõ thông tin.
Trong thư, Bắc Hàn kêu gọi “các nước yêu chuộng hòa bình, độc lập và công bằng” hãy thực hiện nhiệm vụ của mình và giữ “cảnh giác mạnh mẽ chống lại các hành động tàn bạo và liều lĩnh của chính quyền Trump đang cố gắng đưa thế giới vào một thảm hoạ hạt nhân khủng khiếp“.
Phát biểu trong buổi họp báo tại Sydney, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop cho hay bức thư này là một cách thông tin “chưa từng có tiền lệ” của chế độ nhà họ Kim.
Ngoại trưởng Úc nhấn mạnh: “Đó không phải là cách mà họ [Bắc Hàn] thường phát đi các thông điệp toàn cầu của mình. [Điều này cho thấy] chiến lược tập thể áp đặt áp lực ngoại giao và kinh tế tối đa thông qua hình thức trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên đang có hiệu quả. Đây là một phản ứng [của chế độ Kim Jong-un] đối với áp lực [quốc tế]”.
Hùng Cường
Xem thêm:
Từ khóa Bắc Triều Tiên Bắc Hàn căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên