Bắc Kinh có thể dùng chiêu bài “biến đổi khí hậu” để gây ảnh hưởng chính sách của Mỹ
- Xuân Lan
- •
Theo các chuyên gia Trung Quốc, chính quyền Biden không nên cho phép Trung Quốc sử dụng ‘biến đổi khí hậu’ như một con bài mặc cả để có được những nhượng bộ trong các lĩnh vực khác.
(Ảnh: Thành phố Bắc Kinh mù mịt ô nhiễm)
Cảnh báo được đưa ra khi Hoa Kỳ chính thức tham gia lại thỏa thuận Paris vào ngày 19/2. Ông Joe Biden đã mô tả biến đổi khí hậu là một “mối đe dọa hiện hữu” và cam kết sẽ làm nhiều hơn nữa để giảm lượng khí thải carbon. Nhưng các nhà phân tích lo ngại rằng điều này có thể khiến Mỹ trở nên thân thiết hơn với chế độ Trung Quốc.
Trong khi các quan chức thời Biden đã nói rõ rằng họ sẽ tiếp tục quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, đã có một số dấu hiệu chỉ ra các khía cạnh “hợp tác” của mối quan hệ Mỹ – Trung.
Trên lộ trình tranh cử, Biden cho biết ông sẽ làm việc với chế độ cộng sản trong các lĩnh vực cùng quan tâm, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân.
Các chuyên gia lo ngại rằng sự hợp tác của Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu có thể dẫn đến việc chính quyền Biden sẽ phải chấp nhận những nhượng bộ khác như trong các vấn đề nhân quyền, thương mại và an ninh quốc gia.
Chính quyền Trung Quốc đã chỉ ra rằng Hoa Kỳ sẽ phải chấp nhận các điều khoản của riêng mình trước khi hai bên có thể làm việc cùng nhau.
“Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế về biến đổi khí hậu”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cho biết hôm 28/1.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc – Hoa Kỳ hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể… có liên quan chặt chẽ với quan hệ song phương nói chung”, ông Triệu tiếp tục, nói thêm rằng “không ai có thể mong đợi Trung Quốc thấu hiểu và hỗ trợ trong các vấn đề song phương và toàn cầu mà lại ngang nhiên can thiệp vào các vấn đề đối nội của Trung Quốc và làm suy yếu lợi ích của Trung Quốc”.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã coi một loạt các chủ đề như đàn áp người thiểu số ở Tân Cương và Tây Tạng, đàn áp ở Hồng Kông, và vấn đề Đài Loan như một phần lợi ích cốt lõi của mình và không cởi mở để thảo luận.
Bình luận của Triệu Lập Kiên được đưa ra sau khi Đặc phái viên Khí hậu John Kerry cam kết rằng các vấn đề quan trọng bao gồm hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ (IP) của ĐCSTQ và hành vi xâm lược quân sự ở Biển Đông “sẽ không bao giờ bị đánh đổi vì bất cứ điều gì liên quan đến khí hậu”.
Nhưng ông Kerry nói thêm rằng “khí hậu là một vấn đề độc lập quan trọng”, lưu ý rằng Trung Quốc là nước thải ra khí nhà kính lớn nhất thế giới với khoảng 30%.
Gordon Chang, tác giả cuốn sách “Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc”, gần đây đã nói với Epoch Times rằng [Mỹ] sẽ không thể hợp tác với chế độ cộng sản với những điều kiện mà nó áp đặt.
“Quan điểm của Trung Quốc là bạn có mối quan hệ tốt với chúng tôi về mọi thứ, hoặc không có gì,” ông Chang nói.
Ông Chang cho rằng Mỹ không cần phải đưa ra bất kỳ điều kiện gì để Trung Quốc hành động về khí hậu, bởi “người Trung Quốc đang ở trên cùng một hành tinh với chúng ta. Vì vậy, họ có cùng mối quan tâm trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu trong phạm vi nó đang xảy ra, vì vậy chúng ta không cần cung cấp cho họ bất cứ thứ gì để họ làm việc đó.”
Theo Clyde Prestowitz, tác giả cuốn sách “Thế giới đảo lộn: Mỹ, Trung Quốc và cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo toàn cầu”, thì bất kỳ cuộc đàm phán nào với chế độ cộng sản về biến đổi khí hậu cũng sẽ rất lãng phí thời gian.
Ông Prestowitz từng là nhà đàm phán thương mại cho chính quyền Reagan, cho biết “Trung Quốc sẽ không đàm phán bất kỳ thỏa thuận nào mà chúng ta có thể chấp nhận được”.
Ông nói thêm: “Không thể tin tưởng vào lời hứa của Trung Quốc.”
Cựu quan chức an ninh của chính quyền Trump, Matthew Pottinger, cũng cảnh báo tương tự về việc mắc kẹt trong “bẫy đàm phán” do Bắc Kinh giăng ra. Ông cho biết liên tiếp các chính quyền của Hoa Kỳ đã lãng phí nhiều năm trong các cuộc đàm phán chính thức với Trung Quốc mà không mang lại kết quả cụ thể, điều này cho phép chế độ Trung cộng tiếp tục các hành động có hại chống lại Hoa Kỳ như đánh cắp IP.
Để cắt giảm lượng khí thải, ông Chang đề nghị Hoa Kỳ ngừng mua hàng từ Trung Quốc và bắt đầu chuyển sản xuất trở lại Hoa Kỳ, vì ngành vận tải biển là một bên gây ô nhiễm nặng.
Ông nói: “Cách đó sẽ giúp ích rất nhiều cho khí hậu, ngoài ra còn có một số lợi ích thiết yếu khác đối với chúng ta.”
Xuân Lan (theo Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa biến đổi khí hậu Dòng sự kiện mối quan hệ Mỹ - Trung chính quyền Biden