Giáo sư Ghassan Abu-Sittah, bác sĩ giải phẫu và tái tạo, đã nói trong một cuộc họp báo ở London rằng những cảnh bom đạn trong 43 ngày ông chứng kiến khi làm việc ở Dải Gaza là cuộc “thảm sát”.

231127 shifa 01 scaled
Giáo sư Ghassan Abu-Sittah trong cuộc họp báo tại London hôm Thứ Hai 27/11. (Ảnh cắt từ video)

Giáo sư Ghassan Abu-Sittah là bác sĩ người Anh gốc Palestine. Ông vừa trở về sau khi rời khỏi Dải Gaza, và đã kể về tình cảnh kinh hoàng mà ông chứng kiến ở đó trong 43 ngày bom đạn do Israel dội vào khiến rất nhiều người chết hoặc thương tật. Ông kể rằng có một đêm, ông phải thực hiện giải phẫu cắt cụt chân tay cho 6 trẻ em. Ông cũng nói rằng trong các bệnh nhân ông điều trị, ông đã chứng kiến vết thương bị bỏng bởi phốt-pho trắng, theo Telegraph (Anh) và nhiều báo chí khác đưa tin.

Giáo sư cho biết rằng ông chuyển những bằng chứng mà ông có được cho Scotland Yard (cơ quan an ninh của Anh quốc). Ông gọi những gì mình chứng kiến là một “cuộc thảm sát” và ông tuyên bố rằng phá hủy hệ thống y tế của người Palestine là một trong các mục tiêu quân sự của Israel.

Ông đã tới Dải Gaza vào ngày 9/10, chỉ 2 ngày sau khi chiến tranh nổ ra, và đã làm việc tại các bệnh viện lớn ở đó là al-Shifa và al-Ahli. Ông đã rời khỏi Dải Gaza vào ngày 18/11 để trở về Anh quốc, và hiện đã về nhà mình ở phía Tây thủ đô London (Luân Đôn).

Giáo sư Abu-Sitah tin rằng khoảng 900 trẻ em đã phải tiến hành giải phẫu cắt cụt chân tay vì dính bom đạn của Israel trong hơn 1 tháng rưỡi này. Những ca bệnh này, nếu theo điều trị thông thường, mỗi cháu nhỏ sẽ còn phải trải qua 10 đến 15 lần giải phẫu nữa cho đến khi trẻ nhỏ đạt tới tuổi trưởng thành và cơ thể ngừng phát triển.

Tre em Gaza
Một trẻ ở Gaza dính bom đạn của Israel. (Ảnh chụp màn hình video)

Tại cuộc họp báo hôm Thứ Hai 27/11 ở London, giáo sư Ghassan Abu-Sittah nói:

“Trong thời gian tôi làm việc ở bệnh viện al-Shifa, một điều trở nên dễ nhận thấy rằng từ 40% đến 45% trong những trường hợp thương tật là trẻ em, rằng mục tiêu chủ yếu của bom đạn là nhà ở của dân chúng. Chúng tôi nhận các bệnh nhân là người nhiều thế hệ của cùng một gia đình sau mỗi đợt bom đạn tấn công…

Hầu hết các vết thương ban đầu là do các vụ nổ. Đó là các vết tổn thương rất nghiêm trọng, ở các mô mềm, và các mảnh gãy xương. Nhưng theo thời gian trôi qua, chúng tôi dần dần gặp các bệnh nhân do loại bom đốt cháy, mà khi đó bệnh nhân chịu hơn 40% diện tích toàn thân thể bị bỏng trong khi không có vết thương khác. Thời điểm [bệnh viện] al-Shifa bị sụp đổ thì có khoảng trên trăm bệnh nhân loại như vậy ở đó.

Chúng tôi bắt đầu gặp những [bệnh nhân] bị bỏng do phốt-pho. Tôi đã từng điều trị bệnh nhân bị bỏng bởi phốt-pho trắng cũng ở Dải Gaza thời chiến tranh năm 2009, và tôi rất quen thuộc với đặc điểm riêng của vết thương và vết bỏng loại này…

Kể từ ngày thứ 4 hoặc thứ 5 [của cuộc chiến], thì khoảng một nửa số ca trong lịch làm việc hàng ngày của tôi —khoảng 10 đến 12 ca mỗi ngày bắt đầu từ 8 hoặc 9 giờ sáng, và kết thúc vào 1 giờ đêm— là các trẻ nhỏ.

Theo phỏng đoán của tôi, tính đến nay có khoảng 800 đến 900 bệnh nhân trẻ em đã trải qua giải phẫu cắt cụ chân hoặc tay, trong đó một phần các trường hợp là cắt nhiều hơn 1 chi.

Có một đêm, tôi tiến hành cắt cụt chi cho 6 đứa trẻ.

Khi người ta bắt đầu loại giải phẫu này cho trẻ nhỏ, thì các bạn biết đó, sẽ phải có từ 10 đến 15 lần giải phẫu cho đứa trẻ đó mãi cho đến khi đứa trẻ trưởng thành [tức là ngừng lớn lên].”

Giáo sư miêu tả về cuộc sống kham khổ của đội ngũ y tế ở bệnh viện. “Chúng tôi tranh thủ ăn vào lúc nào có thể, đơn thuần chỉ để đảm bảo bạn có thể có sức để tiếp tục làm việc. Bạn ngả lưng để ngủ khi biết rằng khi mở mắt thì sẽ đón nhận một ngày ảm đạm như ngày vừa trải qua. Nhưng chúng tôi vẫn sống bằng hy vọng,” ông từng kể với Telegraph vào hồi đầu tháng này.

Sau khi rời khỏi bệnh viện al-Shifa, ông tiếp tục làm việc ở bệnh viện al-Ahli, lúc đó đã là bệnh viện duy nhất còn thực sự hoạt động ở thành phố Gaza. Công việc “vô cùng vất vả” khi có 600 bệnh nhân giải phẫu mà chỉ có 2 bác sĩ giải phẫu.

Thiếu thốn vật tư, giáo sư cho biết bệnh viện phải dùng dấm —được mua ở cửa hàng thực phẩm— để thay cho cồn sát trùng.

Quân đội Israel nói họ chỉ sử dụng “vũ khí hợp pháp”

Ông kể rằng Israel cũng dùng bom phân mảnh để ném vào Dải Gaza. Loại vũ khí nổ và tung ra các mảnh vụn như lựu đạn này không phải được thiết kế để công phá công trình kiên cố như các công trình quân sự, nhưng chúng gây tác hại giết chết và làm thương tổn người rất ghê gớm.

Căn cứ vào các điểm đặc trưng của vết thương trên thân thể bệnh nhân, giáo sư Abu-Sittah nói rằng Israel đã dùng đến cả bom có chứa phốt-pho.

Theo The Guardian (Anh) đưa tin, phía Israel đã từng bác bỏ các nghi ngờ rằng họ đã dùng tới bom phốt-pho. Đó là vào tháng trước, khi HRW (Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế) và Tổ chức Ân xá Quốc tế Amnesty nói rằng họ thấy có dấu hiệu quân đội Israel đã dùng bom phốt-pho trắng ném vào Dải Gaza và khu vực phía Nam của Lebanon (Li băng).

“IDF chưa bao giờ dùng loại vũ khí ấy,” quân đội Israel bác bỏ thẳng thừng, và nói rằng HRW và Amnesty đều “sai lầm một cách rõ ràng.”

“Giống như nhiều quân đội phương Tây, IDF (quân đội Israel) sở hữu đạn pháo khói có chứa phốt-pho trắng, hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Những quả đạn này được IDF sử dụng để tạo màn khói chứ không phải để nhắm mục tiêu hoặc gây hỏa hoạn và không được định nghĩa theo luật là vũ khí gây cháy,” quân đội Israel tuyên bố.

Quân đội Israel tuyên bố các cuộc tấn công của họ vào Gaza là để tự vệ, là để lùng bắt quân “khủng bố” Hamas. Bình luận về việc này, giáo sư Ghassan Abu-Sittah nói rằng “nếu theo thống kê, thì các con số đang vẽ ra một bức tranh khác.”

Bom đạn của Israel đã giết hại hơn 16.000 người dân Palestine, và làm bị thương hơn 34.000 người (theo thông báo của Y tế Palestine), một hành động trừng phạt tập thể (collective punishment) của Israel, trả đũa vụ Hamas bất ngờ tấn công làm 1.200 người Israel mất mạng, và bắt cóc khoảng 240 người.

“Mục đích cuối cùng [của Israel] là thanh tẩy sắc tộc ở Gaza”

Trở lại nhà mình ở London, giáo sư Ghassan Abu-Sittah đã đồng ý hợp tác với Scotland Yard (Anh), làm nhân chứng cho tội ác chiến tranh, tội “diệt chủng” như ông tuyên bố.

“Cuộc chiến tranh này là khác [với chiến tranh bình thường khác], tựa như sóng thần và lũ lụt,” ông tìm cách miêu tả sự khác biệt giữa cái mà ông gọi là “diệt chủng” và những chiến tranh thông thường, khi ông nói với Telegraph vào hôm Thứ Hai. “Cuộc chiến này là một tsunami, còn các chiến tranh bình thường khác là lũ lụt.”

“Không còn có gì phải nghi ngờ nữa, trong tâm trí của tôi, rằng mục đích cuối cùng [của Israel] là thanh tẩy sắc tộc ở Gaza,” ông nói rõ thêm. “Chính phủ Anh quốc cần phải kiên trì sao cho các nhân viên y tế có thể được đưa vào Gaza, điều đó sẽ đảm bảo cho việc thực hiện các điều tra một cách thích đáng về các tội ác chiến tranh.”

Ngay trước lúc giáo sư phát biểu trong cuộc họp báo hôm Thứ Hai, một đoạn video với thời lượng khoảng 2 phút đã được chiếu cho các phóng viên. Đó là những đoạn video mà giáo sư Abu-Sittah thu thập được trong thời gian ông ở Gaza. Telegraph viết rằng những hình ảnh đó quá ghê gớm và không tiện đưa một cách trực tiếp vào báo cáo đăng trên mạng Internet của mình.

Telegraph miêu tả rằng trong đó có đoạn hình ảnh sau khi bệnh viện al-Ahli bị ăn bom đạn của Israel. Mọi thứ chìm trong khói đen dày đặc, và chỉ có vài ánh le lói phản chiếu từ đèn của xe cứu thương. Và sau đó chuyển sang cảnh ở hành lang với bức tường màu trắng của bệnh viện, ở đó bệnh nhân và trẻ em kêu khóc trong hoảng loạn.

Còn có các cảnh quá thương tâm về bệnh nhân bị cắt đi nhiều chân tay, với các băng gạc quấn lấy chỗ vừa bị cắt đi. Còn có trường hợp mà một cánh tay mà bàn tay đã bị nổ văng mất đi rồi, chỉ còn lại những chỗ da thịt biến dạng với máu nhỏ xuống giường bệnh. Một cảnh khác là thân thể của một đứa trẻ đã chết, xác đã tím tái đi rồi, và trên đó vương đầy các vết bẩn do cát bụi.

Không có lực lượng quân sự nào ở bệnh viện al-Shifa

Là người trực tiếp làm việc ở bệnh viện, giáo sư khẳng định rằng ông không hề chứng kiến gì đó liên quan đến lực lượng vũ trang nào hết.

“Không có bất kỳ thời điểm nào mà tôi chứng kiến lực lượng vũ trong ở Shifa, thậm chí các nhân viên an ninh ở Shifa thì cũng là có mặt để đảm bảo trật tự, kiểm soát số người thân của bệnh nhân mà muốn đòi vào trong phòng cấp cứu,” ông nói, và kể rằng ông đi lại trong bệnh viện al-Shifa, đến cả khu tầng hầm hay là đến các nhà kho chứa vật tư cần thiết cho giải phẫu, và “không thấy gì” liên quan đến điều mà quân Israel miêu tả là “khủng bố” Hamas.

Quân đội Israel đã thề sẽ nhổ tận gốc Hamas, tiến hành tấn công bộ binh và xe tăng vào Dải Gaza, nhưng đến nay dường như vẫn chưa có thông báo đã bắt được căn cứ nào của Hamas. Mặc dù quân Israel tung lên mạng xã hội cách hình ảnh về căn cứ chỉ huy của Hamas, nói rằng đó là ở bệnh viện al-Shifa, nhưng mà, tính thuyết phục của các bằng chứng này bị nhiều bên nghi ngờ, kể cả các kênh truyền thông của Mỹ và Châu Âu.

Một bằng chứng được quân Israel cho là có tính thuyết phục nhất là cảnh các đường hầm, mà trong đó có các phương tiện sinh hoạt và làm việc được cho là của “khủng bố” Hamas.

Sự tiếp nối của thảm họa Nakba 1948

Kể từ khi rời Gaza gần chục ngày trước, giáo sư Abu-Sittah chia sẻ rằng ông cảm thấy có cảm giác vô cùng có lỗi với những người vẫn còn ở lại. Ông cảm thấy người Palestine đã bị dồn vào đường cùng như thảm họa mà họ gọi là Nakba vào năm 1948 của thế kỷ trước.

“Tôi e rằng ngay cả những người kiên định nhất mong muốn ở lại thì cuối cùng cũng sẽ tự mình rời đi, và [người Palestine] chúng tôi sẽ có được thứ mà người Israel muốn, đó là một năm 1948 khác,” ông nói.

“Cuộc chiến này là sự tiếp nối của Nakba 1948.”

Nhật Tân