Báo cáo của EU: Khoảng 40% sản phẩm không an toàn được nhập khẩu từ Trung Quốc
- Lý Hạo Nguyệt
- •
Trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang, Liên minh Châu Âu (EU) đang nỗ lực ngăn chặn dòng sản phẩm thương mại điện tử giá rẻ, chất lượng thấp từ Trung Quốc tràn vào châu Âu. Ủy ban Châu Âu cảnh báo số lượng sản phẩm không an toàn được phát hiện ở EU đã tăng đáng kể, chủ yếu đến từ Trung Quốc.
Vào thứ Tư (ngày 16/4), Ủy ban Châu Âu công bố báo cáo thường niên về “Cổng an toàn” của Châu Âu, trong đó nêu tóm tắt các sản phẩm nguy hiểm được Cổng an toàn báo cáo vào năm 2024. Cổng an toàn là hệ thống cảnh báo nhanh của EU đối với các sản phẩm phi thực phẩm nguy hiểm.
Tổng cộng 4.137 cảnh báo đã được báo cáo vào năm 2024. Đây là số lượng cảnh báo cao nhất được ghi nhận kể từ khi hệ thống này được đưa vào hoạt động trong năm 2003.
Ủy ban Châu Âu cho biết mỹ phẩm, chiếm 36% sản phẩm nguy hiểm, vẫn là loại sản phẩm có nguy cơ gây hại cho sức khỏe được báo cáo thường xuyên nhất, tiếp theo là đồ chơi (15%), thiết bị điện (10%), phương tiện cơ giới (9%) và sản phẩm hóa chất (6%).
Báo cáo cho thấy khoảng 40% sản phẩm không an toàn được tìm thấy có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Yếu tố rủi ro phổ biến nhất là hóa chất nguy hiểm. 97% mỹ phẩm được báo cáo có chứa hương liệu tổng hợp bị cấm BMHCA, một chất độc hại có thể gây hại cho hệ sinh sản, gây kích ứng da và đã bị cấm ở EU.
Các hóa chất nguy hiểm được phát hiện cũng bao gồm cadmium, niken và chì trong đồ trang sức, hương liệu gây dị ứng trong dầu dưỡng thể và các hóa chất tổng hợp dùng để làm mềm nhựa, như những hóa chất dùng sản xuất một số loại quần áo.
Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh EU đang tìm cách ngăn chặn sự gia tăng doanh số bán sản phẩm này trên các nền tảng, như nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới Temu của Pinduoduo và nhà bán lẻ trực tuyến Shein của Trung Quốc.
Năm ngoái, người tiêu dùng châu Âu đã nhận được hơn 4 tỷ bưu kiện giá trị thấp, trong đó khoảng 90% được vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc và hiếm khi được kiểm tra vì chúng được miễn thuế.
Tháng Hai năm nay, EU đã đề xuất buộc các công ty thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các sản phẩm nguy hiểm hoặc bất hợp pháp được bán trên nền tảng của họ, và bãi bỏ chính sách miễn thuế đối với hàng hóa có giá trị dưới 150 euro (khoảng 171 USD). EU cũng có kế hoạch thành lập một cơ quan hải quan EU.
Ủy ban Châu Âu đang hợp tác với các cơ quan quản lý thị trường quốc gia, chuẩn bị cho hoạt động kiểm tra an toàn sản phẩm đầu tiên, đồng thời sẽ kiểm tra các trang web để xác định hành vi vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng của EU, và đảm bảo rằng các sản phẩm được bán trên thị trường trực tuyến tuân thủ Quy định chung về an toàn sản phẩm (GPSR) nhằm cải thiện tính an toàn của sản phẩm.
Tờ Financial Times trích lời ông Michael McGrath, Ủy viên EU về Bảo vệ người tiêu dùng, cho biết doanh số bán hàng trực tuyến đã tăng đáng kể trong những năm gần đây.
Ông nói một lượng đáng kể những sản phẩm này rõ ràng không đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định an toàn nghiêm ngặt của EU, gây rủi ro nghiêm trọng cho an toàn của người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh với các công ty tuân thủ các quy định của EU.
Ông McGrath cho biết hầu hết các sản phẩm được kiểm tra là không an toàn đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Ông tiết lộ rằng Ủy ban Châu Âu cũng sẽ xem xét sửa đổi các quy tắc bảo vệ người tiêu dùng, nhằm trừng phạt mạnh tay hơn các hành vi vi phạm có hệ thống và xuyên biên giới. Điều này có thể trao cho Ủy ban Châu Âu quyền điều tra và thực thi tập trung.
Lý Hạo Nguyệt / Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Hàng hóa Trung Quốc mỹ phẩm
