Bloomberg: TT. Trump muốn tất cả các nước không tiêu thụ hàng hoá dư thừa từ Trung Quốc
- Trương Đình
- •
Theo Bloomberg, một nguồn tin cho biết, các cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống Trump đang thảo luận về việc yêu cầu đại diện từ các quốc gia khác đồng ý áp dụng “thuế quan thứ cấp” đối với các sản phẩm nhập khẩu từ một số quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Nguồn tin khác cho biết Hoa Kỳ cũng muốn các đối tác thương mại của mình không tiêu thụ hàng hóa dư thừa từ Trung Quốc.
Hàng chục quốc gia đang tìm cách đàm phán thương mại với Hoa Kỳ nhằm xóa bỏ hoặc giảm mức thuế quan lịch sử. Những người hiểu rõ vấn đề này nói với Bloomberg rằng đổi lại chính quyền Trump sẽ yêu cầu các quốc gia đang đàm phán thực hiện các biện pháp hạn chế thương mại với Đảng Trung Quốc Cộng sản (ĐCSTQ), nhằm đảm bảo Bắc Kinh không thể tìm cách né tránh thuế quan của Trump.
Báo cáo cho biết, theo một người hiểu rõ cách nghĩ của chính phủ Mexico, các quan chức Mexico dự kiến Hoa Kỳ sẽ yêu cầu Mexico tăng thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Bộ Kinh tế Mexico từ chối bình luận. Nhà Trắng không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Động thái này thực chất là nỗ lực của nhóm Trump nhằm sử dụng các đối tác thương mại lâu dài, để kiểm soát Trung Quốc và gây sức ép buộc Bắc Kinh thay đổi hành vi kinh tế. Hiện không rõ liệu chiến lược này có mang lại kết quả hay không.
Tuần này, khi được hỏi liệu ông có buộc các nước Mỹ Latinh phải lựa chọn giữa Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và đầu tư của Hoa Kỳ hay không, trong một cuộc phỏng vấn với kênh Fox News tiếng Tây Ban Nha, Tổng thống Trump đã trả lời rằng có lẽ họ nên làm vậy.
Tổng thống Trump đích thân tham gia đàm phán với các nước khác. Sáng thứ Tư (16/4), ông Trump cho biết ông sẽ tham gia đàm phán với phái đoàn Nhật Bản vào ngày hôm đó.
Tuần trước, khi nói về một số đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết ông lạc quan về việc đạt được thỏa thuận với các đồng minh, và rằng chúng ta có thể hợp tác với Trung Quốc như một khối thống nhất.
Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã chuyển hàng hóa đến Hoa Kỳ thông qua Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, điều này đã thu hút sự chú ý của chính quyền Trump.
Ngày 2/4, ông Trump tuyên bố áp thuế đáp trả lên tới 46% đối với hàng hóa nước ta và gây ra phản ứng khẩn cấp.
Chỉ vài giờ sau khi ông Trump đưa ra kế hoạch áp thuế, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp khẩn, thảo luận về cách ứng phó với cáo buộc của Hoa Kỳ rằng nước ta giúp Trung Quốc lách thuế quan và trộm cắp tài sản trí tuệ.
Ngày 9/4, ông Trump đã đình chỉ thuế quan đáp trả trong 90 ngày đối với một số quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, để khởi động các cuộc đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và các quốc gia đó.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV vào tuần này, ông Bessent cho biết Hoa Kỳ muốn tránh việc trung chuyển, vốn là một vấn đề lớn. Trong khi các đối tác thương mại muốn tránh việc bán phá giá. Bởi vì những hàng hóa Trung Quốc này sẽ đi đến đâu đó.
Từ những nguồn tin, Wall Street Journal cũng biết được chính quyền Trump có kế hoạch sử dụng các cuộc đàm phán thuế quan đang diễn ra để gây sức ép buộc các đối tác thương mại hạn chế thương mại với Trung Quốc và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent là động lực thúc đẩy chiến lược này.
Theo những người hiểu rõ vấn đề này, ông Bessent đã trình bày ý tưởng này với Tổng thống Trump trong một cuộc họp ngày 6/4 tại Mar-a-Lago, Florida. Ông cho biết việc buộc các đối tác thương mại của Hoa Kỳ phải nhượng bộ có thể ngăn cản Bắc Kinh và các công ty Trung Quốc lách luật thuế quan, kiểm soát xuất khẩu và các hạn chế kinh tế khác của Hoa Kỳ.
Trương Đình / Epoch Times
Từ khóa Donald Trump chiến tranh thương mại
