Một báo cáo mới đây cho biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang sử dụng những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội từ các khu vực như Tân Cương, Tây Tạng và Nội Mông để tẩy trắng cho các vi phạm nhân quyền thông qua một chiến dịch tuyên truyền ngày càng tinh vi.

Tiểu ban Hạ viện Canada: Hành vi diệt chủng đang diễn ra tại Tân Cương
Trại tập trung, giáo dục cải tạo ở Tân Cương

Báo cáo do Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) công bố hôm thứ Năm đã mô tả các video của “những người có ảnh hưởng hàng đầu” là một phần ngày càng được củng cố trong “kho vũ khí tuyên truyền” của Bắc Kinh.

Theo báo cáo, sự đàn áp của ĐCSTQ đối với các dân tộc thiểu số ngày càng trở nên tồi tệ, với các cuộc đàn áp lớn ở Tân Cương, Tây Tạng và Nội Mông. Một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc cho biết ĐCSTQ đã phạm tội ác chống lại loài người ở Tân Cương. Chính phủ Trung Quốc đã thẳng thừng bác bỏ cáo buộc rằng họ đã giam giữ khoảng 1 triệu người trong các trại cải tạo và đàn áp các hoạt động tôn giáo và văn hóa, nói rằng các chính sách này nhằm chống lại chủ nghĩa cực đoan và xóa đói giảm nghèo.

Tuyên truyền truyền thống của chính phủ Trung Quốc thường không mấy thuyết phục, nhưng trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã khai thác sự phổ biến của những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để “kể tốt về Trung Quốc”, theo các báo cáo và phân tích gần đây. 

Báo cáo hôm thứ Năm của ASPI đã cho thấy hiện tại còn có “sự tiến hóa hơn nữa” trong các chiến thuật tuyên truyền bằng cách sử dụng các cá nhân từ trong các cộng đồng nạn nhân để phủ nhận điều đang xảy ra.

Báo cáo của ASPI cho biết: “Tuyên bố của những người này mang lại cảm giác chân thực hơn, truyền tải cảm giác sai lầm về tính hợp pháp và tính minh bạch tại các khu vực biên giới của Trung Quốc mà truyền thông đảng – nhà nước khó mà đạt được”.

Báo cáo đã kiểm tra khoảng 1.700 video được tạo bởi 18 tài khoản YouTube phổ biến, mỗi tài khoản có từ 2.000 đến 200.000 người theo dõi trong vài năm qua. Họ cho biết các video chủ yếu do phụ nữ trẻ từ các cộng đồng dân tộc thiểu số đăng tải, chia sẻ hầu hết nội dung về lối sống tích cực và cho thấy Tân Cương và các khu vực khác là hạnh phúc và ổn định. Một số video công kích các nhà phê bình phương Tây một cách rõ ràng, hoặc phủ nhận các cáo buộc nhân quyền.

“Tân Cương cũng giống như những nơi khác ở Trung Quốc,” một người có ảnh hưởng trong cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ nói trong video. “Mọi người sống và làm việc trong hòa bình và hạnh phúc. Không có nạn diệt chủng và không có lao động cưỡng bức… Mọi người từ khắp nơi trên thế giới được chào đón đến Tân Cương”.

Theo báo cáo, nhiều video lần đầu tiên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội được kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc, và sau đó được chuyển sang các nền tảng phương Tây, vốn bị cấm ở Trung Quốc. Ở đó, họ chủ yếu tiếp cận các cộng đồng người Hoa hải ngoại nhưng cũng nhắm mục tiêu đến nhiều đối tượng nước ngoài với thông điệp thân thiện với ĐCSTQ.

Báo cáo cho biết các video của những người này thường được làm khá chân thực, tạo ra cảm giác hết sức bình thường, không có dấu hiệu rõ ràng về bất kỳ mối liên hệ nào với chính phủ hoặc liên kết với chính phủ.

Ông David Bandurski, đồng giám đốc Dự án Truyền thông Trung Quốc, một nhóm nghiên cứu hàn lâm giám sát truyền thông Trung Quốc, cho biết các video là một ví dụ về chiến thuật “che giấu” của ĐCSTQ hàng thập kỷ.

Với các video được ASPI xác định, mối liên hệ này dường như thông qua các tổ chức quản lý được gọi là mạng đa kênh (MCN). Báo cáo cho biết nhiều tài khoản YouTube hàng đầu của Trung Quốc được MCN hỗ trợ, bao gồm một số tài khoản được xác định trong báo cáo do cùng một MCN quản lý và thường xuất hiện trong các video của nhau.

MCN đóng vai trò trung gian để cho phép các nhà sản xuất ở Trung Quốc kiếm tiền từ video trên YouTube, nơi họ có thể che giấu các liên kết của ĐCSTQ và “tạo ra sự xuất hiện của tiếng nói độc lập.”

Vào năm 2021, hàng chục nghìn MCN của Trung Quốc đã bị chính phủ kiểm soát chặt chẽ trong một cuộc đàn áp chung đối với ngành công nghiệp giải trí đang phát triển mạnh mẽ. Hiện do các cơ quan chính phủ giám sát, MCN được yêu cầu giao hồ sơ và đảm bảo họ cũng như nhân tài của họ tuân thủ chính xác các giá trị của ĐCSTQ.

Cô Zumret Isaac, một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ sống tại Hoa Kỳ có cha mẹ bị giam trong trại cải tạo Tân Cương, nói rằng những người trong video đang xây dựng thương hiệu của họ bằng cách giúp chính phủ Trung Quốc phủ nhận những hành vi tàn bạo. 

“Họ đang cố gắng thuyết phục mọi người – ít nhất là người Trung Quốc – rằng không có trại tập trung và người dân Tân Cương đang sống trong hòa bình,” cô Isaac nói.

Tuy nhiên, cô Isaac cho biết hầu như không thể thực hiện các video như vậy mà không có sự hỗ trợ hoặc cho phép của chính phủ, đặc biệt là những video liên quan đến việc đi bộ quanh Tân Cương bằng máy quay video, nói chuyện với người dân.

Báo cáo khuyến nghị các nền tảng truyền thông phương Tây như YouTube cần yêu cầu khai báo bắt buộc nếu người sáng tạo nội dung sống ở Trung Quốc hoặc làm việc cho MCN và cấm MCN thu lợi nhuận từ quảng cáo.

Xuân Lan (theo The Guardian)