Trong dịp Tết Nguyên đán, tổ chức nghiên cứu RAND của Mỹ đã công bố 3 báo cáo mới nhất về tình hình Quân đội Trung Quốc (PLA), tiết lộ sức mạnh chiến đấu thực sự và những thiếu sót không thể tránh khỏi của họ. Một vấn đề khác là những hành động gần đây của tàu chiến Mỹ và Chính phủ Nhật Bản dường như là sự chuẩn bị cho khả năng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xâm lược Đài Loan.

GettyImages 2147971530
Hải quân Trung Quốc đang trình diễn khóa huấn luyện tại Học viện tàu ngầm nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Hải quân tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông hôm 21/4/2024. (Ảnh của WANG ZHAO/AFP qua Getty Images)

PLA khó khăn để tác chiến chung có hiệu quả cao

Trong báo cáo “Các yếu tố định hình tương lai của PLA” (Factors Shaping the Future of China’s Military), Tập đoàn RAND (tư vấn cho các cơ quan chính phủ Mỹ và các tổ chức quốc tế) chỉ ra rằng PLA nỗ lực học hỏi từ quân đội Mỹ và phát triển năng lực chiến đấu chung, nhưng điều này đòi hỏi các sĩ quan và tư lệnh phải có khả năng đưa ra quyết định trong điều kiện không chắc chắn, nhưng thực tế cho thấy điều này rất khó đối với cách bố trí văn hóa tổ chức của PLA.

Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Kiết Trọng (Jie Zhong) tại Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược và Tầm nhìn Trung Hoa (CASF) của Đài Loan, nói với truyền thông người Hoa ở nước ngoài rằng ĐCSTQ muốn noi theo khả năng tác chiến chung của quân đội Mỹ, nhưng hệ thống của ĐCSTQ có vấn đề không tương đồng.

Kiết Trọng cho biết đối với PLA thì từ đại đội, tiểu đoàn, lữ đoàn cho đến khu vực chiến sự đều tuân thủ cái gọi là “sự lãnh đạo của Đảng ủy”. Thành viên của Đảng ủy quân sự không chỉ bao gồm đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng, mà còn có chính ủy và nhân sự quan trọng được chỉ định, do đó các quyết định quan trọng được đưa ra bởi Đảng ủy và sau đó giao cho chỉ huy chấp hành.

Ông phân tích rằng các hoạt động chung hiện nay nhấn mạnh vào việc ra quyết định nhanh chóng, nhưng thiết kế “Đảng chỉ huy súng” của ĐCSTQ ngăn cản các chỉ huy đưa ra quyết định ngay lập tức, gây khó khăn cho việc ứng phó với tình hình chiến tranh thay đổi nhanh chóng. Hơn nữa, trong PLA càng lên cao thì việc chỉ huy càng phức tạp, bởi vì càng lên cao thì số lượng đảng viên trong Đảng ủy càng nhiều, và quyền chỉ huy quân đội thực tế lại được phân tán cho càng nhiều người.

“Nếu PLA muốn đạt hiệu quả như quân đội Mỹ trong các hoạt động chung thì e rằng khó, vì vấn đề về mặt thể chế”, nhà nghiên cứu này chia sẻ.

Nhà nghiên cứu Thẩm Minh Thất (Shen Mingshi), thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan, cũng đã phân tích trên truyền thông người Hoa ở nước ngoài rằng năng lực tác chiến chung bao gồm hệ thống chỉ huy – kiểm soát – liên lạc, huấn luyện tác chiến chung và văn hóa tác chiến chung.

Ông cho biết, “Mặc dù ĐCSTQ có các thiết bị như vệ tinh Bắc Đẩu (Beidou), nhưng việc chỉ huy và kiểm soát giữa các quân chủng, giữa các cấp chiến dịch hoặc quân khu vẫn chưa được tích hợp và không thông suốt như Mỹ. PLA đã có huấn luyện tác chiến chung cho các lữ đoàn hợp nhất kể từ năm 2015, tập trung nhiều hơn vào việc phối hợp vũ khí, nhưng vẫn chưa đạt được tác chiến chung của các quân chủng. Ngay cả khi PLA có một số vũ khí như J-20 hoặc J-35, thì văn hóa chỉ huy, kiểm soát, liên lạc và tác chiến chung của họ không thể so sánh với Mỹ. Về cơ bản, chính vì khác nhau về hệ thống xã hội và chính trị đã gây ra một khoảng cách rất lớn trong văn hóa tác chiến chung này”.

“Lòng trung thành chính trị” là khiếm khuyết lớn trong hiệu quả chiến đấu của quân đội

Trong báo cáo “Khả năng sẵn sàng chiến đấu đáng ngờ của PLA” (The Chinese Military’s Doubtful Combat Readiness), Tập đoàn RAND chỉ ra rằng dù PLA có kế hoạch hiện đại hóa quy mô lớn và số lượng tàu chiến và máy bay chiến đấu ngày càng tăng, nhưng mục đích chính của họ vẫn là duy trì thống trị của ĐCSTQ hơn là chiến đấu.

Do đó, một điểm yếu nữa của ĐCSTQ là tiêu chuẩn để thăng chức, nếu PLA ưu tiên “độ tin cậy chính trị” và dùng lòng trung thành thay vì công trạng, kết hợp với các biện pháp ngăn chặn đảo chính như mạng lưới chỉ huy và kiểm soát tập trung cao độ của quân đội, thì sẽ làm giảm hiệu quả của quân đội trên chiến trường.

Ông Thẩm Minh Thất còn chỉ ra một vấn đề sâu xa khác đối với ĐCSTQ đó là “Đảng chỉ huy súng”, mọi mệnh lệnh tác chiến quân sự đều do chỉ huy và chính ủy quyết định hoặc ban hành chung, chính ủy trong đội ngũ lãnh đạo Đảng ủy có quyền phủ quyết.

Báo cáo cũng chỉ ra vấn đề là các chính ủy trong PLA chuyên về chính trị và tư tưởng có quyền lực ngang bằng với các chỉ huy quân đội, điều này cũng làm suy yếu khả năng ra quyết định của các chỉ huy. Theo các nguồn tin truyền thông của ĐCSTQ, các chính ủy quân sự thiếu kiến ​​thức nền quân sự và thể lực của họ thường không phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ tiền tuyến.

Báo cáo chỉ ra rằng các cải cách cơ cấu của PLA nhằm nâng cao hiệu quả chiến đấu luôn không đầy đủ và không hoàn thiện, cho thấy mục tiêu “nâng cao hiệu quả chiến đấu” của ĐCSTQ chỉ là ưu tiên thứ yếu.

Về vấn đề này, ông Kiết Trọng phân tích rằng hiện tượng “ưu tiên trung thành chính trị” thực sự tồn tại trong PLA, đặc biệt là các quan chức quân sự cấp cao đều nhấn mạnh lòng trung thành với cá nhân lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình. Vấn đề là tiêu chí ưu tiên khi bổ nhiệm các sĩ quan quân đội cấp cao là “lòng trung thành chính trị”, sẽ xuất hiện hiện tượng: có những người xuất sắc nhưng lòng trung thành chính trị của họ không cao, hoặc họ bị nghi ngờ là không có lòng trung thành chính trị, và do đó họ không thể được thăng chức. Điều này có thể dẫn tới hiện tượng “đưa những người không đủ trình độ vào các vị trí cao, ảnh hưởng tới năng lực chiến đấu của PLA”.

Ông nói, “Nó vẫn nhấn mạnh đến sự lãnh đạo của Đảng ủy. Đôi khi ngay cả chỉ huy cũng không phải là người có ảnh hưởng nhất trong quân đội mà lại là chính ủy. Trong một số quân đội, chính ủy thậm chí còn cao hơn cả chỉ huy”.

Ông Thẩm Minh Thất cũng chỉ ra hậu quả này của PLA, cụ thể là để duy trì “lòng trung thành chính trị”, quân đội phải tăng cường công tác chính trị và tư tưởng, từ đó cắt giảm thời gian cho huấn luyện chiến đấu chuyên nghiệp.

Liệu ĐCSTQ có xâm lược Đài Loan trong tương lai gần?

Báo cáo “Khả năng sẵn sàng chiến đấu đáng ngờ của PLA” chỉ ra rằng mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy PLA đang tăng cường công tác chuẩn bị chiến tranh, nhưng lại có ít bằng chứng cho thấy trong tương lai gần ĐCSTQ có ý định tham chiến.

Lý do là dường như ĐCSTQ muốn tập trung sử dụng triệt để “các biện pháp kinh tế, chính trị, và [răn đe] quân sự” để ngăn chặn vấn đề Đài Loan độc lập, từ đó chờ thời điểm thích hợp hơn để giải quyết vấn đề về địa vị của Đài Loan. Báo cáo tin rằng nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái, PLA sẽ ưu tiên hơn cho sự tồn vong của chế độ ĐCSTQ.

Nhưng quan điểm này đã có những phản đối, vì lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã tuyên bố rõ ràng rằng ông sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực nếu cần thiết để giải quyết vấn đề Đài Loan, quân đội của ĐCSTQ cũng đã tập trung quy mô lớn ở eo biển Đài Loan.

John Culver, cựu quan chức tình báo Mỹ ở Đông Á, đã viết trên nền tảng X về quan điểm của ĐCSTQ: “Chiến tranh không phải là Kế hoạch A, nhưng [Kế hoạch A] sẽ là Kế hoạch B nếu tình hình đòi hỏi”.

Ông Kiết Trọng chỉ ra rằng PLA luôn có kế hoạch chiến đấu chống lại Mỹ và Đài Loan. Hơn nữa, kế hoạch tác chiến này luôn tồn tại và có thể được sửa đổi bất cứ lúc nào.

Hành động của Nhật Bản và Mỹ

Gần đây, các hành động của quân đội Mỹ và Chính phủ Nhật Bản đã thu hút chú ý từ thế giới bên ngoài, một số suy đoán liệu có phải là họ chuẩn bị cho cuộc xâm lược Đài Loan của ĐCSTQ hay không.

Theo truyền thông Nhật Bản, vào ngày 17/2/2025 chính quyền tỉnh Fukuoka của Nhật Bản đã ban hành kế hoạch sơ tán, trong đó nêu rằng một khi xảy ra tình trạng khẩn cấp ở Đài Loan thì Fukuoka có thể tiếp nhận 120.000 cư dân từ các đảo xa xôi của Okinawa và khách du lịch từ nhiều nước liên quan.

Kế hoạch sơ tán cũng nêu chi tiết rằng người tị nạn có thể đi qua Sân bay Fukuoka hoặc Sân bay Kagoshima, đi tàu cao tốc hoặc thuê xe để đến văn phòng liên lạc, sau đó đến nơi trú của họ; trong tháng đầu tiên tị nạn, Chính quyền tỉnh Fukuoka sẽ sắp xếp khách sạn hoặc nhà trọ cho người tị nạn và khách du lịch, nhưng nếu số lượng người tị nạn quá lớn hoặc họ ở lại trong thời gian dài, chính quyền tỉnh Fukuoka sẽ sử dụng nhà ở công cộng hoặc thuê từ khu vực tư nhân.

Về vấn đề này, dư luận bày tỏ lo ngại rằng việc người Nhật Bản chuẩn bị cụ thể như vậy, liệu có phải vì chắc chắn ĐCSTQ sẽ có hành động xâm lược  Đài Loan hay không?

Ngoài ra, còn có những dấu hiệu cho thấy quân đội Mỹ dường như đang chuẩn bị cho một cuộc chiến ở eo biển Đài Loan. Từ ngày 10 – 12/2/2025, tàu khu trục tên lửa USS Ralph Johnson và tàu khảo sát hải dương USNS Bowditch của Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan.

Về sự kiện này, phó giáo sư Mã Chuẩn Uy (Ma Zhunwei) tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Tamkang ở Đài Loan, nói với VOA rằng trọng tâm công việc là của tàu khảo sát hải dương Bowditch, vì tàu này có thiết bị dò tìm đại dương và sonar tiên tiến và có thể vẽ bản đồ đáy biển chi tiết, qua đó cung cấp thông tin tình báo cho các hoạt động quân sự có thể xảy ra trong tương lai.

Ông Mã Chuẩn Uy chỉ ra rằng 2 tàu của Mỹ không chỉ đơn thuần di chuyển tự do, rõ ràng quân đội Mỹ đang thực hiện một kế hoạch quản lý chiến trường dài hạn. Chuyên gia Kiết Trọng cũng cho biết: “Tàu khảo sát phải mất 3 ngày mới đi qua eo biển Đài Loan, điều đó có nghĩa là chắc chắn không chỉ đơn thuần đi qua mà thôi”.

Ông giải thích rằng cuộc khảo sát này của tàu khảo sát hải dương Mỹ Bowditch có thể liên quan đến “Kế hoạch Báo thù”“Kịch bản địa ngục” do Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đề xuất gần đây, bởi vì trong trường hợp xảy ra chiến tranh thì dữ liệu đại dương chính xác sẽ giúp quân đội Mỹ triển khai thủy lôi và tàu ngầm không người lái để kiềm chế hành động của đối thủ. Đây cũng có thể là lý do Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông của ĐCSTQ phản ứng mạnh mẽ trước việc quân đội Mỹ vượt qua eo biển Đài Loan. Bởi vì điều mà ĐCSTQ lo lắng nhất là quân đội Mỹ sẽ can thiệp khi họ xâm lược Đài Loan.

Lý Đức Ngôn, Vision Times