Báo cáo Mỹ: Những điểm yếu lớn trong cơ sở công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc
- Nhật Minh
- •
Theo báo cáo mới của một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, việc Trung Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu công nghệ cao và thiếu hụt lực lượng lao động tiềm năng trong thập kỷ tới là hai lỗ hổng lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng của nước này.
Trong báo cáo công bố tuần trước, các nhà nghiên cứu tại Rand Corporation cho biết những điểm yếu khác bao gồm sự thiếu minh bạch trong các tập đoàn quốc doanh khổng lồ, cũng như quyền kiểm soát của ĐCSTQ đối với các doanh nghiệp.
Báo cáo “Đánh giá Điểm mạnh và Điểm yếu của hệ thống Cơ sở Công nghiệp Quốc phòng Trung Quốc” do Quốc hội Hoa Kỳ ủy quyền và được hoàn thành vào tháng 10 năm 2021.
Báo cáo cho biết Trung Quốc phụ thuộc vào Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ trong một số lĩnh vực, bao gồm giáo dục, nguyên liệu thô, linh kiện tiên tiến và sở hữu trí tuệ.
Báo cáo viết: “Hệ thống đổi mới quốc phòng của Trung Quốc không truyền tải hiệu quả kiến thức và thông tin giữa các bộ phận cấu thành.”
“Quy mô tuyệt đối của các hoạt động của Trung Quốc trong việc thu thập các nguồn lực này từ nước ngoài, bao gồm giáo dục và IP, cho thấy quan điểm của chính Trung Quốc về những khu vực này như là những điểm dễ bị tổn thương trong nước”.
Được ví như “công xưởng của thế giới”, Trung Quốc có năng lực sản xuất lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác, nhưng nước này cũng phụ thuộc vào nguồn cung cấp nước ngoài, gồm cả hàng rời và linh kiện công nghệ cao.
Báo cáo cho biết Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ và các đồng minh về 5 loại khoáng sản cần thiết cho ngành công nghiệp quốc phòng.
Theo báo cáo, Trung Quốc cũng phụ thuộc vào Nga, Ukraine và Pháp ở một mức độ nào đó liên quan tới động cơ máy bay và tàu thủy, vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc từ năm 2015 đến năm 2020.
Nhưng danh mục nhập khẩu quan trọng nhất là vi mạch tích hợp.
Báo cáo ví công nghệ này giống như “dầu mỏ của thế kỷ 20 và than đá của thế kỷ 19”, đồng thời cho biết chuỗi cung ứng vi mạch tiên tiến nằm trong tay của Mỹ và các đồng minh và đối tác – Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.
Báo cáo cũng dự đoán rằng tỷ lệ sinh giảm và lực lượng lao động thu hẹp trong 10 năm tới có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc cũng như lĩnh vực quốc phòng, với các dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp quốc phòng có thể gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân nhân tài đã qua đào tạo.
Một trong những yếu tố khác là sự thống trị của Đảng Cộng sản về quyền lực và quyền ra quyết định.
Các nhà nghiên cứu cho biết cách tiếp cận tập trung đã giúp định hướng các chiến lược của toàn chính phủ, cung cấp kế hoạch dài hạn và khuyến khích sự hợp nhất quân sự-dân sự.
Tuy vậy, sự toàn trị mang đến nguy cơ của thiếu minh bạch, thiếu kiểm soát chi phí/ thời gian/ chất lượng và tham nhũng.
Nhật Minh (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa quân đội Trung Quốc quốc phòng Trung Quốc Dòng sự kiện