Báo cáo: Trung Quốc là thủ phạm “đánh bắt cá bất hợp pháp” lớn nhất
- Trần Đình
- •
Báo cáo của Australia chỉ ra rằng, tàu cá viễn dương Trung Quốc thường xuyên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven biển trên thế giới và là thủ phạm lớn nhất của nạn “đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định” (gọi tắt là đánh bắt IUU) trên thế giới. Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tuyển dụng thêm nhiều ngư dân làm “dân quân hàng hải” nhằm thu được lợi ích chiến lược.
Viện nghiên cứu chiến lược độc lập phi lợi nhuận của Australia “Future Directions International” đã công bố một báo cáo phân tích vào hôm thứ Ba (13/10), chỉ ra rằng các tàu đánh cá viễn dương của Trung Quốc thường đi lang thang trong vùng xám bên lề pháp luật, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven biển trên thế giới, và là thủ phạm lớn nhất của nạn “đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định” (gọi tắt là đánh bắt IUU) trên thế giới.
Đồng thời, ĐCSTQ đã tuyển mộ một lượng lớn ngư dân để thành lập đội “dân quân hàng hải”, trở thành “lực lượng hàng hải thứ 3” ngoài hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển của ĐCSTQ. ĐCSTQ đào tạo họ về hỗ trợ hậu cần, thu thập thông tin tình báo, giám sát, trinh sát và các hoạt động phá hoại. ĐCSTQ sử dụng các lực lượng dân quân trên biển hoạt động trong vùng nước công cộng quốc tế và vùng biển thuộc sở hữu của nước ngoài, nhằm tăng ảnh hưởng của ĐCSTQ và thu được các lợi ích chiến lược.
Trung Quốc tham gia vào hoạt động đánh bắt trái phép IUU quy mô lớn nhất thế giới
Bản báo cáo phân tích này được viết bởi Mervyn Piesse, người quản lý Chương trình Nghiên cứu Khủng hoảng Nước và Thực phẩm Toàn cầu của Viện. Theo báo cáo, đánh bắt IUU không chỉ là thách thức về môi trường mà còn là mối đe dọa đối với an ninh lương thực, việc làm và phát triển quốc gia.
Báo cáo chỉ ra rằng, kể từ những năm 1980, lãnh hải của Trung Quốc đã bị đánh bắt quá mức. Người ta ước tính một cách thận trọng rằng ít nhất 30% nguồn cá ở vùng biển Trung Quốc đã hoàn toàn sụp đổ, và 20% nguồn cá khác cũng đã bị sử dụng quá mức. Kể từ đó, nghề đánh bắt cá ven biển bèn chuyển sang nuôi trồng thủy sản và đánh bắt viễn dương.
Trung Quốc đã tổ chức đội tàu đánh cá viễn dương lớn nhất thế giới, ước tính có khoảng 1.600 – 3.400 tàu. Tuy nhiên, những ước tính này thường chỉ đề cập đến các tàu mang cờ Trung Quốc (ĐCSTQ), mà bỏ qua tàu cá Trung Quốc ở các quốc gia hoặc khu vực khác, cũng như tàu liên doanh với các công ty Trung Quốc. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 6/2020 bởi Viện Nghiên cứu Phát triển Hải ngoại (ODI) có trụ sở tại London, quy mô của hạm đội viễn dương Trung Quốc có thể lên tới 16.966 tàu, lớn hơn từ 5 đến 8 lần so với ước tính ban đầu.
ĐCSTQ đánh bắt bất hợp pháp ở những vùng biển có cơ chế giám sát yếu kém
Dưới sự thúc đẩy của những lợi ích khổng lồ, các tập đoàn lợi ích của Trung Quốc đã vận hành đội tàu viễn dương lớn nhất thế giới, hoạt động khắp thế giới, và tham gia vào việc đánh bắt bất hợp pháp ở những nơi có cơ chế giám sát yếu kém.
Khoảng 1/5 lượng khai thác IUU trên thế giới đến từ 6 quốc gia Tây Phi. Nhiều tàu Trung Quốc tham gia các hoạt động đánh bắt đáng ngờ ở vùng biển này.
Năm 2017, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã cấm mua quyền đánh bắt từ Triều Tiên, Bắc Kinh đã đồng ý với lệnh cấm này. Tuy nhiên, phân tích dữ liệu vệ tinh cho thấy từ năm 2017 đến 2018, vẫn có hơn 700 tàu Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển của Triều Tiên. Năm 2019, gần 800 tàu cá Trung Quốc bị phát hiện đánh bắt trong vùng biển của Triều Tiên.
Tháng 6 năm nay, Hải quân Ecuador báo cáo rằng hơn 340 tàu đánh cá Trung Quốc đang ra khơi trong vùng biển quốc tế gần quần đảo Galapagos. Ecuador tuyên bố rằng ít nhất 149 tàu trong số này đã tắt hệ thống GPS để ngăn chính quyền theo dõi.
Phân tích của tổ chức bảo tồn biển Oceana cũng ủng hộ tuyên bố này của Ecuador. Tổ chức này cho biết, chỉ trong 1 tháng, tổng cộng hàng trăm tàu cá Trung Quốc đã đánh bắt ở đây trong 73.000 giờ, gây nguy hiểm cho sự sinh tồn của các loài như hải cẩu và cá mập đầu búa tại vùng biển này. Sự phá hoại đối với chuỗi thức ăn cũng có thể làm giảm số lượng cá kinh tế tại địa phương.
Năm 2017, một tàu Trung Quốc bị bắt tại Khu bảo tồn biển Galapagos. Con tàu này đang chở 270 tấn cá, trong đó có một số loài có nguy cơ tuyệt chủng.
“Đã đến lúc ngăn chặn các hoạt động đánh bắt cá không bền vững của Trung Quốc”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong một dòng tweet. “Chúng tôi sẽ sát cánh với Ecuador và kêu gọi Bắc Kinh ngừng đánh bắt IUU”.
Theo báo cáo, hải quân Ecuador tuyên bố rằng những tàu đánh cá Trung Quốc này đã lượn lờ gần vùng đặc quyền kinh tế của Ecuador. Cuối tháng 9 năm nay họ mới đi đến Peru và Chile .
ĐCSTQ quân sự hóa một phần hạm đội của mình để thực hiện lợi ích chiến lược
Đội tàu đánh cá Trung Quốc không chỉ gây ra các vấn đề thương mại, mà còn đóng vai trò dự phóng sức mạnh cho Bắc Kinh và tranh đoạt lợi ích chiến lược.
Báo cáo chỉ ra rằng ĐCSTQ đã tổ chức các tàu đánh cá thành lực lượng dân quân hàng hải. Đây là lực lượng hàng hải thứ 3 của ĐCSTQ, tác chiến cùng với hải quân và cảnh sát biển. Rất khó để biết chính xác quy mô của nó.
“China Daily”, kênh thông tấn chính thức bằng tiếng Anh của ĐCSTQ, đưa tin vào tháng 2/2016 rằng, các nhà chức trách nước này ra sức cải thiện khả năng chiến đấu của lực lượng dân quân hàng hải. Hầu hết các lực lượng dân quân hàng hải do ngư dân địa phương cấu thành. Họ đã tham gia 4 cuộc tập trận hải quân vào năm 2014 và 7 cuộc tập trận hải quân vào năm 2015. Truyền thông nhà nước cũng chỉ ra rằng trong 3 năm, ngư dân địa phương đã hỗ trợ hơn 250 hoạt động trên biển.
Các dân quân biển của ĐCSTQ đã lang thang giữa các vùng xám trong nhiều năm. Báo cáo này trích dẫn báo cáo trên tờ “National Interest” (Lợi ích quốc gia) của Mỹ. Các nhân sĩ thạo tin của Trung Quốc gọi đây là “cuộc chiến không thuốc súng”.
Trong nhiều thập kỷ, quân đội ĐCSTQ đã tuyển dụng ngư dân và huấn luyện quân sự cho họ, bao gồm hỗ trợ hậu cần, thu thập thông tin tình báo, giám sát, trinh sát và các hoạt động phá hoại. Lực lượng này bị cáo buộc có các hành động gây hấn ở vùng biển công cộng quốc tế và vùng biển nước ngoài, đe dọa các nhà khai thác đánh bắt hợp pháp ở các nước khác. Đồng thời họ ủng hộ chiến lược của quân đội Trung Quốc.
Hiện tại, lực lượng dân quân biển đang hoạt động ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Họ cũng đã bị cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng biển Indonesia.
Báo cáo cảnh báo rằng khi ĐCSTQ tiếp tục mở rộng lĩnh vực hoạt động hải quân, các lực lượng dân quân biển có thể bắt đầu hoạt động xa hơn. Khi nhu cầu về cá của Trung Quốc tiếp tục tăng, ĐCSTQ sử dụng các lực lượng dân quân hàng hải để hỗ trợ tham vọng hàng hải của mình. Bắc Kinh có thể tiếp tục dung túng cho hạm đội viễn dương của Trung Quốc.
Theo Trần Đình / Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Đánh bắt cá trái phép tàu cá Trung Quốc Dòng sự kiện căng thẳng trên biển Đông