Báo phương Tây: Mỹ gợi ý Ukraine hòa đàm với Nga
- Nhật Tân
- •
Chiến tranh tốn kém, nhân lực cạn kiệt, báo chí phương Tây loan tin quan chức Mỹ nói chuyện với Kiev về phương án hòa đàm với Moskva.
NBC News đưa tin hôm 4/11, dẫn 2 nguồn thạo tin của Mỹ —một quan chức cấp cao đương chức và một quan chức cấp cao về hưu— đã bắt đầu những cuộc nói chuyện rằng Kiev có thể từ bỏ những gì, để đạt được một thỏa thuận với Nga và kết thúc chiến tranh.
Theo lời kể, đó là vào dịp tháng trước, khi diễn ra cuộc gặp mặt các đại biểu của cái mà Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn thường gọi là 50 quốc gia ủng hộ Ukraine, cũng gọi là Nhóm liên lạc Bảo vệ Ukraine, gồm cả các thành viên của NATO.
Vào dịp đó, các quan chức đã có những cuộc nói chuyện riêng với Ukraine. Họ bắt đầu dùng từ “bế tắc” để miêu tả chiến dịch phản công của Kiev, khi chiến tuyến được miêu tả là đang chuyển biến từng cm, và phác thảo ra những gì Ukraine có thể phải từ bỏ đề đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga.
Các quan chức bày tỏ lo ngại về khả năng tiếp tục viện trợ cho chính quyền Kiev. Trong khi đó, người của chính quyền Biden cho rằng Kiev đã không còn khả năng tuyển quân để tiếp tục duy trì chiến tranh lâu dài được nữa. Chiến tranh tiêu hao này đã đến lúc một bên cạn kiệt, và nó có thể kết thúc, đạo lý là như vậy.
Vấn đề vũ khí
Mỹ chi phí chỉ hơn một chút 5% quỹ quốc phòng hàng năm của mình để phá hủy 50% năng lực chiến tranh thông thường của Nga, mà không phải mất dù 1 người lính Mỹ. Đây có phải là khoản có lãi nhất mà Mỹ từng đầu tư hay không? — Một vấn đề được nêu trên diễn đàn thảo luận Quora từ năm ngoái.
Trong bình luận được đánh giá nhất trên Quora, có đoạn viết: Kỳ thực khoản đầu tư này còn tốt hơn thế [đối với Mỹ]. Không phải Mỹ chế tạo ra vũ khí để gửi vào chiến trường Ukraine. Hầu hết chúng là được đem ra từ kho, đã cũ, đã lỗi thời, mà đằng nào cũng phải đổi mới mà thôi. Nền tảng công nghiệp quân sự khổng lồ của Mỹ muốn liên tục vận hành thì cần có dòng đô la liên tục đổ vào.
Vấn đề nhân lực
“Không người Mỹ nào bị chết ở Ukraine. Chúng ta đang tái kiến thiết nền tảng công nghiệp của chúng ta. Người Ukraine đang tiêu diệt quân đội của một trong những kẻ thù đối đầu của chúng ta,” Thượng nghị sĩ Mỹ Mitch McConnell nói với CBS News hôm 22/10, chứng tỏ rằng đưa vũ khí cho cuộc chiến tranh khủng khiếp nhất Châu Âu kể từ Đại Thế chiến II là hoàn toàn có lợi cho Mỹ.
“Nhân lực hiện giờ là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền [Biden],” một quan chức Mỹ nói với NBC News. Âu Mỹ vẫn có thể cung cấp vũ khí, “nhưng nếu [Ukraine] họ không có người có khả năng sử dụng chúng thì không đạt được hiệu quả tốt.”
Tính đến nay, Mỹ đã cho chính quyền Kiev 44 tỷ USD viện trợ quân sự trong số 114 tỷ viện trợ các loại. Hiện nay, chính quyền Biden đang thúc dục Quốc hội thông qua thêm 61 tỷ đô la cho chiến tranh Ukraine nữa.
- Cựu TT Nga Medvedev: Mỹ đang dẫn thế giới vào vực sâu không đáy — Tổng thống Mỹ nói tiền đổ vào chiến trường Ukraine là “khoản đầu tư thông minh”. Nga gọi đó là dẫn thế giới vào vực sâu không đáy, khiến đạo đức suy đồi, xóa sạch những gì còn gọi là lương tâm, và là căn bệnh cặn bã của xã hội phương tây.
Vấn đề tham nhũng
Báo chí phương Tây hiện nay đã không còn giấu diếm vấn đề tham nhũng của chính quyền Kiev như hồi đầu năm. Trước đó, những tin tức về việc này chỉ có thể thấy trên các kênh thông độc lập của phương Tây, ví như Tucker Carlson hồi anh còn làm cho Fox News. Sau đó là các kênh truyền thông cánh hữu. Còn hiện nay, khi ngay cả chính truyền thông trong nước của Ukraine cũng rầm rộ đưa các tin tham nhũng từ hồi 2 tháng trước, và tiếp đó là vụ cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov, thì các kênh truyền thông cánh tả cũng dần dần đăng về vấn đề này.
Tuần trước, tạp chí Time (Mỹ) có đăng một bài đặc sắc rất dài khắc họa nhân vật Volodymyr Zelensky của cây bút Simon Shuster, trong đó có trích dẫn lời quan chức Mỹ miêu tả hiện trạng tham nhũng ở Ukraine là “người ta trộm cắp như thể sẽ không có ngày mai”.
Tờ báo miêu tả rằng quan chức Kiev tham nhũng không kiêng dè gì, tận dụng tối đa. Họ cũng không sợ bị cách chức. Kể cả sau vụ ông Reznikov bị cách chức, thì họ cũng không sợ.
Sau đó, hôm Thứ Hai đầu tuần này, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba phản đối rằng miêu tả về tình trạng tham nhũng của Ukraine của tạp chí Time là chưa chuẩn xác, mặc dù ông thừa nhận rằng đúng là chính quyền đang vất vả giải quyết vấn đề này.
“Thông tin mà Time nói rằng quan chức đang ‘trộm cắp như thể sẽ không có ngày mai’ là không đúng,” ông Kuleba nói, như lời trích dẫn theo truyền thông địa phương.
“Đó là tuyên bố của một nguồn tin không nêu danh tính,” ông phân tích. “Tất cả mọi người đều biết về các đánh giá của Ủy ban Châu Âu rồi đấy, trong đó cho thấy các cuộc chiến có tính hệ thống [của chính quyền chúng tôi] nhắm vào nạn tham nhũng ở Ukraine.”
Câu chuyện nguyên gốc trong bài của tạp chí Time, nhà báo Simon Shuster kể rằng ông đã từng gặp một quan chức Ukraine, và người đó nói với ông rằng “quan chức Ukraine sẽ phải đắn đo suy nghĩ 2 lần trước khi nhận hối lộ hoặc bỏ tiền công quỹ vào túi.”
Nghe vậy, quan chức Mỹ (giấu tên) đã cảm thán nói rằng “Này Simon, bạn nhầm to rồi. Người ta đang trộm cắp như thể sẽ không có ngày mai.”
Có một chi tiết thú vị: Chính Simon Shuster cũng là tác giả một bài báo, cũng cực kỳ đặc sắc và nổi tiếng, cũng về đề tài khắc họa nhân vật Volodymyr Zelensky và tình hình Ukraine. Đó là bài báo được tạp chí Time đăng vào tháng 12 năm ngoái — bài Volodymyr Zelensky người của năm 2022 mà Time bình chọn hàng năm.
Đó cũng là dịp mà ông Zelensky sang Mỹ trong chuyến công du lần đầu với tư cách là tổng thống, và phát biểu ở Quốc hội Mỹ và được đón chào bằng nghi lễ cao thượng (standing ovation). Kể từ đó, ông trở thành nhân vật anh hùng của chiến tranh Ukraine trong truyền thông phương Tây, người sẽ dẫn dắt Ukraine đến chiến thắng.
Nhưng chỉ 10 tháng sau, cũng chính nhà báo Simon Shuster, và cũng chính là tạp chí Time lại một lần nữa khắc họa hình ảnh của ông Zelensky và tình trạng của Ukraine, từ một góc độ hơi khác một chút, với tiêu đề “Không một ai giống như tôi còn tin tưởng vào chiến thắng của chúng tôi. KHÔNG MỘT AI” — trích nguyên lời của ông Zelensky sau khi gặp mặt các quan chức Mỹ ở Washington vào cuối tháng 9.
Liệu Nga có đồng ý đàm phán hòa bình?
Theo NBC News dẫn lời phân tích của các quan chức Mỹ, thì Mỹ tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn đang “chờ đợi phương Tây,” hay có thể hiểu là tiếp tục giằng co trên chiến trường cho tới khi phương Tây hết hứng thú trong việc tiếp tục đưa vũ khí vào chiến trường Ukraine, bởi vì hiện nay cán cân của chiến tranh tiêu hao là có lợi cho phe Nga, mặc dù cả 2 phe đều phải chi phí tốn kém cho cuộc chiến tranh này.
Như những gì thấy trên chiến trường thực tế, quân Nga không tổ chức phản công mạnh mẽ, mặc dù về nguyên tắc, thời điểm này là thời cơ có thể làm được như vậy. Tuy nhiên, Nga tiếp tục duy trì sức ép ở chiến tuyến, và có những phản công ở các điểm khác nhau.
Về phía Mỹ, hiện nay nội bộ Quốc hội và Tòa Bạch Ốc có những trục trặc khiến Mỹ tạm thời không duyệt được ngân sách mới cho Ukraine. Theo báo cáo mới nhất từ Ngũ Giác Đài, thì Bộ Quốc phòng chỉ còn khoảng 5 tỷ USD ngân quỹ. Nếu giả sử rằng tốc độ tiêu phí cũng bằng như trước đây (44 tỷ đô la kể từ 2/2022), thế thì con số 5 tỷ đô là sẽ được tiêu đi rất nhanh, không đầy 2 tháng.
- Tổng thống Putin nói nếu Kiev muốn nói chuyện thì đừng “diễn kịch” nữa — Tháng trước Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ông sẵn sàng cho các đàm phán hòa bình với phương Tây về chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine. Ông “khen ngợi” rằng phương Tây đang có biểu hiện “đi đúng hướng” để tới một hòa bình ở Châu Âu. Tuy nhiên ông nhắc nhở rằng Kiev không nên “diễn kịch” nữa nếu họ muốn Nga ngồi vào bàn đàm phán. Cụ thể là Kiev phải bãi bỏ đạo luật rằng sẽ là vi phạm luật pháp nếu đàm phán hòa bình với Nga.
Trước đó, các tuyên bố chính thức từ Kiev đều nói rằng họ không tán thành bất kỳ phương án hòa bình nào, nếu Nga không rút khỏi tất cả các vùng đất mà Nga chiếm đóng, kể cả Crimea. Hoặc nói một cách khác, phương án hòa bình là có, nhưng đó là phương án của Kiev, trong đó biên giới của Ukraine được khôi phục như từng có vào năm 1991.
Đây là điều mà Nga không đồng ý. Theo cách diễn đạt của Nga, thì những lãnh thổ đó là do người dân đã ly khai khỏi chính quyền Kiev sau vụ đảo chính 2014. Crimea đã ly khai và sáp nhập vào Nga. Chiến tranh Donbass nhiều năm do hiệp ước Minsk 1 & 2 bị vi phạm là lý do để Nga nhúng tay.
Theo NBC News, hiện nay giới chức Mỹ đã bắt đầu nói chuyện về hòa đàm. Nếu trong tình huống phương Tây không có lợi thế về quân sự trên chiến trường như hiện nay, thì khó kỳ vọng được kết quả của đàm phán sẽ được như điều mà chính quyền Kiev vẫn tuyên bố.
Cũng vào quãng thời gian này, Cựu tổng thống Donald Trump, trong quá trình bận rộn cho chiến dịch tranh cử tổng thống 2024, đã vài lần tuyên bố nếu ở cương vị tổng thống, ông sẽ chấm dứt chiến tranh Ukraine trong 24 giờ.
Trong bộ phim tài liệu năm 2016 “Ukraine on Fire”, đạo diễn gạo cội Oliver Stone nói rằng người dân ở vùng đất mà hiện nay là Ukraine, trong lịch sử thường bị kẹt ở giữa các thế lực lớn hàng xóm, cho nên “nhiều giai đoạn lịch sử của Ukraine là được viết bởi người ngoài.”
Sau nhiều lần nghe những bình luận của ông Trump rằng chỉ cần 24 giờ để xác lập số phận Ukraine, Tổng thống Ukraine không hài lòng, và phản bác “Tôi sẽ cần không hơn 24 phút để giải thích với Tổng thống Trump rằng ông ấy không thể quản lý được cuộc chiến tranh này.”
Chuyển hướng của công chúng
NBC News chỉ ra rằng theo thăm dò của Gallup được công bố vào tuần trước, thì ủng hộ của dân chúng Mỹ đối với chiến tranh Ukraine lại tiếp tục giảm.
41% dân chúng cho rằng Mỹ đang làm quá nhiều cho chính quyền Kiev, trong khi đó chỉ có 24% nghĩ như vậy mới vào 3 tháng trước. Hiển nhiên, đó là do ảnh hưởng của kết quả chiến dịch phản công — 3 tháng trước thì phương Tây còn đặt nhiều hy vọng.
NBC News chỉ ra rằng giới truyền thông dòng chính hiện nay đã chuyển trung tâm sân khấu sang chỗ khác, cụ thể là chiến tranh Israel.
Theo NBC News, để bù đắp cho chính quyền Kiev khi đàm phán hòa bình với Nga, thì NATO có thể cung cấp giải pháp an ninh cho Ukraine. Theo nguồn tin riêng của NBC News, thì giải pháp an ninh đó sẽ có dù Ukraine không phải là thành viên của NATO.
Hồi tháng 8, cố vấn quân sự Mỹ Jake Sullivan, người ủng hộ mạnh mẽ chiến tranh Ukraine, trả lời phóng viên rằng: “Chúng tôi không đánh giá rằng chiến tranh [Ukraine] đang bị bế tắc. Mà trái lại, đây là Ukraine đang tìm cách lấy lại lãnh thổ một cách có hệ thống và có phương pháp.”
Từ tháng 8 đến nay, thời gian đã trôi qua. Theo một quan chức cao cấp nói với NBC News, có nhiều người kỳ vọng tiếp tục cung cấp vũ khí để chính quyền Kiev có được thêm cơ hội nữa, thêm vũ khí hạng nặng, thêm đạn dược, thêm các tên lửa tầm xa, v.v. Nhưng mà “ngày càng có nhiều người hơn nữa cảm nhận rằng giờ đã quá muộn mất rồi. Đã đến lúc cần đàm phán.”
Nhật Tân
Từ khóa Dòng sự kiện Chiến tranh Nga - Ukraine