Năm 2016, Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ lần thứ 58 với một khẩu hiệu đơn giản: “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Bốn năm sau, trong cuộc đua tranh chức tổng thống nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump phải đối trước một  đất nước đang vật lộn với những thách thức do đại dịch COVID-19 và các dư chấn kinh tế kèm theo. Thêm vào đó là áp lực đến từ các nhóm cử tri luôn dò xét những gì Tổng thống đã làm được cho nước Mỹ. 

Năm 2020, Tổng thống Trump hứa hẹn sẽ khôi phục lại nền kinh tế, thúc đẩy việc làm, bảo vệ lợi ích thương mại Hoa Kỳ và duy trì lập trường cứng rắn của mình về các vấn đề nhập cư.

Dưới đây phân tích lập trường của ông về 8 vấn đề trọng tâm. 

Embed from Getty Images

  1.   KINH TẾ VÀ VIỆC LÀM

Khôi phục lại nền kinh tế bị tổn thương bởi đại dịch

Tổng thống Trump từ lâu đã vận động với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”. Ông đã thúc đẩy khôi phục lại tình trạng việc làm cũng như nền sản xuất của Mỹ.

Trong chiến dịch tranh cử đầu tiên của mình, ông Trump đã hứa sẽ cắt giảm một lượng lớn thuế cho người lao động Mỹ, giảm thuế suất doanh nghiệp, cải thiện hiện trạng thương mại và hồi sinh ngành sản xuất của nước Mỹ.

Ông đã hiện thực hóa một phần những cam kết này.

Trong bốn năm qua, Tổng thống đã rút lại các quy định liên bang về doanh nghiệp, ban hành chính sách cắt giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp và ký các lệnh hành pháp hỗ trợ ưu đãi đối với các sản phẩm sản xuất trong nước.

Kể từ tháng 1/2017, nước Mỹ đã có thêm hơn 480.000 việc làm trong ngành sản xuất, cho dù các nhà phân tích vẫn nói rằng tăng trưởng trong lĩnh vực này đang chậm lại và các chính sách liên quan của ông Trump – như thuế quan – vẫn chưa giải quyết được các vấn đề về cơ cấu ngành nghề.

Ông Trump cũng đã dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi ngay sau đại dịch, tuy nhiên các nhà phê bình lại cho rằng phản ứng của ông đối với đại dịch COVID-19 đã gây ra thiệt hại lâu dài về kinh tế.

  1.   THƯƠNG MẠI

Chấm dứt lệ thuộc vào Trung Quốc và bảo vệ nền sản xuất của Mỹ

Ông Trump, trong lần tranh cử đầu tiên, đã bảo vệ quan điểm nước Mỹ nên tập trung vào lợi ích kinh tế của chính mình. Tuy nhiên, ông nói “Nước Mỹ trên hết” nhưng điều đó không có nghĩa là “Nước Mỹ đơn độc”.

Về thương mại, ông Trump tỏ rõ lập trường cứng rắn với Trung Quốc, kèm theo chính sách bảo vệ các nhà sản xuất nội địa khỏi sự cạnh tranh từ nước ngoài. Và cho đến nay, đó vẫn là những khía cạnh trọng yếu trong chiến lược thương mại của ông.

Trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên, ông đặt dấu ấn trong việc  đàm phán lại các thỏa thuận thương mại mà ông cho là không công bằng với nước Mỹ như Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được ký kết giữa Mỹ, Canada và Mexico; hoặc thậm chí xóa bỏ hẳn thỏa thuận, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông cũng hứa sẽ cân bằng lại sự thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ (mức chênh lệch giữa giá trị nhập khẩu và giá trị xuất khẩu). Và lần đầu tiên trong suốt 6 năm, giá trị thâm hụt này đã giảm vào năm 2019. Tuy vậy các nhà phân tích vẫn nghi ngờ liệu việc này có mang lại sự cải thiện cho nền kinh tế hay không.

Trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Trump đã áp thuế nhập khẩu đối với gần 500 tỷ đô la thương mại hằng năm. Thỏa thuận “giai đoạn một” trong năm nay giữa hai quốc gia đã thống nhất ​​hầu hết các loại thuế nhập khẩu sẽ được giữ nguyên.

Tháng 8 năm nay, ông Trump nói ông muốn dùng chính sách miễn giảm thuế để khuyến khích các công ty Mỹ chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Ông tuyên bố: “Chúng tôi sẽ chấm dứt sự lệ thuộc vào Trung Quốc”.

Ông Trump cũng đã áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Liên minh châu Âu, từ thép cho đến rượu vang Pháp. Ông cũng đe dọa đánh thuế đối với thép và nhôm từ Braxin, Ác-hen-ti-na, và gần đây đã tái áp đặt thuế đối với một số sản phẩm nhôm của Canada.

  1.   CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI

‘Nước Mỹ trên hết’ và khẳng định lại chủ quyền của Hoa Kỳ

Tương tự như thương mại, ông Trump cũng hứa đặt “Nước Mỹ trên hết” trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Hay theo cách nói của Tòa Bạch Ốc, điều ấy đồng nghĩa với việc: “khẳng định lại chủ quyền của nước Mỹ và quyền được xác định tương lai cho chính mình của tất cả các quốc gia”, với trọng tâm là đảm bảo an ninh và thịnh vượng.

Vậy điều này có ý nghĩa gì trong thực tế?

Tuyên bố trên đã được cụ thể hóa bằng việc Hoa Kỳ rút khỏi một số hiệp định đa phương lớn như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hoặc rút lui khỏi một số tổ chức đa phương, như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tổng thống Trump cũng đã thách thức một số liên minh quốc tế, yêu cầu các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường chi tiêu quốc phòng trong liên minh quân sự.

Và gần đây ông đã nhắc lại lời hứa sẽ giảm quân số của quân đội Mỹ tại nước ngoài – hiện đang ở mức ngang bằng khi ông nhậm chức – đặc biệt là ở những nơi như Đức và Afghanistan.

Các nhà phê bình thì cho rằng ông đã tạo ra căng thẳng với các đồng minh thân cận lâu đời của Mỹ trong khi lại tiếp cận những đối thủ như Triều Tiên và Nga.

Tổng thống Trump đã đạt những thành công trong đối ngoại. Gần đây ông giúp dàn xếp một thỏa thuận nhằm bình thường hóa mối quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Ông cũng ca ngợi việc Mỹ cũng sự hỗ trợ của các nước khác đã tiêu diệt thành công Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), và chỉ huy quân sự quyền lực của Iran, Tướng Qasem Soleimani.

Embed from Getty Images

  1.   CHÍNH SÁCH NHẬP CƯ

Xây dựng tường biên giới và hạn chế nhập cư bất hợp pháp

Những lời hứa hạn chế mức nhập cư trái phép đã trở thành nền tảng cho sự nghiệp chính trị của Tổng thống Trump.

Bây giờ, khi đang trong cuộc đua tái đắc cử, ông hứa sẽ tiếp tục xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico. Đến nay ông đã bảo đảm được kinh phí cho 716 km của bức tường rào dài 1.162 km.

Ông cũng thề sẽ loại bỏ Chương trình Thị thực diện trúng thưởng và các chính sách nhập cư dây chuyền (nhập cư vào Mỹ dựa trên mối quan hệ gia đình). Thay vào đó, ông sẽ chuyển sang hệ thống nhập cảnh “dựa trên thành tích”.

Tuy nhiên, kế hoạch cải cách nhập cư của Tổng thống Trump đã gặp thất bại năm nay, khi Tòa án Tối cao ra phán quyết chống lại nỗ lực của chính quyền ông trong việc hủy bỏ chương trình DACA – một chương trình ra đời từ thời cựu Tổng thống Obama nhằm bảo vệ khoảng 650.000 trẻ em nhập cảnh vào Mỹ một cách bất hợp pháp.

Ông Trump cho biết quyết định về DACA là một trong những điều khó khăn nhất mà ông phải đối mặt: “Như tôi đã nói trước đây, chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề DACA bằng cả trái tim và lòng trắc ẩn – nhưng phải thông qua quy trình Dân chủ hợp pháp – đồng thời phải đảm bảo rằng bất kỳ cải cách nhập cư nào chúng tôi áp dụng đều mang lại lợi ích lâu dài cho những công dân Mỹ mà chúng tôi được bầu ra để phục vụ. Chúng ta cũng phải có trái tim và lòng trắc ẩn đối với những người dân Mỹ đang thất nghiệp, những người đang gặp khó khăn và dần bị quên lãng.”

  1.   Y TẾ

Hạ giá thuốc, chấm dứt Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (Affordable Care Act)

Trong cuộc vận động tranh cử vào năm 2016, ông Trump đã kêu gọi bãi bỏ Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (hay còn gọi là chương trình Obamacare) do cựu Tổng thống Barack Obama ban hành.

Mặc dù không thể hoàn toàn khai tử Obamacare, chính quyền Trump đã thành công trong việc thu hồi nhiều phần của Đạo luật, bao gồm một điều khoản quan trọng bắt buộc mọi công dân Hoa Kỳ phải mua bảo hiểm y tế nếu không muốn đối mặt với các hình phạt về thuế.

Tổng thống Trump cũng hứa hạ giá thuốc ở Mỹ. Tháng 7 năm nay ông đã đưa ra các biện pháp cho phép giảm giá thuốc và nhập khẩu những nguồn thuốc rẻ hơn từ nước ngoài, mặc dù một số nhà phân tích trong ngành cho rằng chúng sẽ không có nhiều tác dụng.

Năm 2017, Tổng thống Trump tuyên bố cuộc khủng hoảng thuốc gây nghiện (opioid) là tình trạng khẩn cấp về y tế quốc gia và đã chi 1,8 tỷ đô la từ quỹ tài trợ liên bang cho các tiểu bang để thực hiện các biện pháp phòng ngừa, điều trị và phục hồi. Ông cũng đã đưa ra các quy định nhằm hạn chế việc kê đơn đối với các loại thuốc này. .

Tuy nhiên các nhà phê bình cho rằng những nỗ lực không ngừng của ông nhằm phá bỏ chương trình Obamacare vốn mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế cho hàng triệu người, là bất lợi cho việc chiến đấu với cuộc khủng hoảng opioid .

Embed from Getty Images

  1.   BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Thúc đẩy tự chủ năng lượng của Hoa Kỳ

Kể từ khi nhậm chức, ông Trump rút lại hàng trăm biện pháp bảo vệ môi trường, bao gồm việc giới hạn lượng khí thải carbon dioxide từ các nhà máy điện và phương tiện giao thông, cũng như bảo vệ các tuyến đường thủy liên bang trên toàn quốc. Ông đã thực hiện lời hứa trong cuộc tranh cử từ năm 2016.

Nước Mỹ cũng tuyên bố rút lui khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tổng thống Trump cho rằng thỏa thuận này gây bất lợi cho Mỹ, nhất là trong ngành công nghiệp than đá và gia tăng lợi ích của các nước khác. Việc rút lui sẽ chỉ chính thức được hoàn tất sau cuộc bầu cử vào tháng 11.

Gần đây nhất, chính quyền của ông đã phê duyệt việc khoan dầu và khí đốt tại Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia tại Alaska, nơi đã bị cấm khoan trong nhiều thập kỷ.

  1.   TƯ PHÁP HÌNH SỰ

Lập hệ cơ sở dữ liệu theo dõi hành vi sai trái của cảnh sát

Tổng thống Trump đã coi Đạo luật “Bước đầu tiên” (First Step Act) là bước quan trọng mà ông thực hiện đối với vấn đề cải cách tư pháp hình sự. 

Dự luật lưỡng đảng năm 2018 và các luật cải cách ở cấp liên bang có ý nghĩa quan trọng, giúp các thẩm phán có quyền quyết định hơn trong quá trình tuyên án cũng như tăng cường các nỗ lực cải tạo tù nhân.

Ông Trump cũng hứa sẽ có Đạo luật “Bước thứ hai” để giải quyết những rào cản về việc làm cho các cựu tù nhân, mặc dù cho đến nay vẫn chưa có luật nào như thế được đề xuất.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump tự tuyên bố mình là một người ủng hộ việc thực thi pháp luật và ông đã giữ nguyên tinh thần như vậy trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình. Gần đây nhất là việc nâng cao sự ủng hộ đối với cảnh sát Mỹ trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc nổ ra trên toàn quốc.

Tháng 6 năm nay, Tổng thống Trump đã ký một lệnh hành pháp về việc cải cách lực lượng cảnh sát Hoa Kỳ và cung cấp các khoản trợ cấp liên bang để cải thiện các hoạt động, bao gồm việc tạo cơ sở dữ liệu nhằm theo dõi hành vi lạm dụng của các sĩ quan.

Tổng thống cho rằng các biện pháp “khóa cổ nghi can” gây tranh cãi nói chung không nên bị lạm dụng, nhưng cũng không thể ban hành một lệnh cấm.

  1.   KIỂM SOÁT SÚNG ĐẠN

Bảo vệ Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Hoa Kỳ

Sau khi nước Mỹ bị rung chuyển bởi các vụ xả súng hàng loạt tại Texas và Ohio vào năm 2019, ông Trump đã bày tỏ sự ủng hộ đối với một loạt cải cách, chẳng hạn như việc kiểm tra lý lịch chặt chẽ hơn đối với người mua súng và “luật cờ đỏ”, ngăn chặn quyền tiếp cận vũ khí của những người bị coi là rủi ro cho xã hội.

Nhưng sau sự sốt sắng ban đầu ấy, ông Trump hầu như không có động thái nào để thúc đẩy những ý tưởng này. Thay vào đó, Tổng thống tiếp tục lên tiếng bảo vệ Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Hoa Kỳ, bảo vệ quyền sở hữu vũ khí của người Mỹ và ủng hộ  nhóm vận động hành lang quyền lực – Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA).

Mộc Hòa

Xem thêm: