Joe Biden tung Kế hoạch tranh cử bằng Năng lượng Sạch, Công lý Môi trường
- Hoa Minh
- •
Cựu phó Tổng thống Joe Biden gần đây nhận được vô số khen ngợi từ các lãnh đạo công đoàn cho kế hoạch “Năng lượng sạch” cùng với đề xuất các dự án cơ sở hạ tầng, tự động hóa, vận tải, xây dựng và năng lượng, được thiết kế với mục đích được cho là sẽ mang lại lợi ích cho giới lao động có tổ chức.
Kế hoạch này được đề xuất nhằm “xây dựng một cơ sở hạ tầng hiện đại, bền vững cũng như một tương lai năng lượng sạch và công bằng”, bao gồm những lời kêu gọi “công lý môi trường” được đông đảo những người theo đuổi chính sách cấp tiến tán đồng. Tuy nhiên, các nhà phân tích chính sách thị trường tự do lại bày tỏ lo ngại về tác động từ kế hoạch của Biden lên chi phí năng lượng và lao động.
Đảng viên Dân chủ từ bang Delaware, người dự kiến sẽ trở thành đề cử viên tổng thống vào thứ Năm tới đã đưa ra kế hoạch năng lượng sạch của mình ngày 14 tháng 7. Biden lần đầu tiên chung sức với đối thủ cũ của mình, Thượng nghị sĩ Vermont Sen Bernie Sanders để thành lập một “Lực lượng đoàn kết” làm nền tảng cho nhiều đề xuất năng lượng xanh và ủng hộ công đoàn nằm trong kế hoạch kế hoạch tranh cử cuối cùng của Biden.
Lực lượng đặc nhiệm này do Hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortex và Thượng nghị sĩ John Kerry đồng chủ tịch đề xuất Mỹ phải đạt mức phát thải carbon “bằng 0” vào năm 2050 và khuyến nghị loại bỏ phát thải từ các nhà máy điện vào năm 2035 như một bước tiến quan trọng để đạt được mục tiêu này.
Kế hoạch “năng lượng sạch” của Biden áp dụng các mốc thời gian của “đội đặc nhiệm” này và các quy định về chính sách chống carbon của nó. Cựu phó tổng thống Đảng Dân chủ tìm cách “đạt được mục tiêu ngành điện không ô nhiễm carbon vào năm 2035” và đưa nước Mỹ vào trong “một tiến trình không thể đảo ngược nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn nền kinh tế cho đến năm 2050”.
Công bằng xã hội
Lực lượng đặc nhiệm Biden-Sanders nhấn mạnh sự cần thiết phải cung cấp cho “người da màu” và “công dân Mỹ thu nhập thấp” cơ hội làm việc trong ngành năng lượng sạch như một giải pháp để bù đắp lại những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu lên 2 nhóm đối tượng này.
Lực lượng đặc nhiệm tiếp tục với những tuyên bố “Đảng Dân chủ tin rằng chúng ta phải đưa công lý môi trường và công lý khí hậu vào trọng tâm chính sách và sách lược quản trị của mình.”
Tương tự, trong Kế hoạch năng lượng sạch chính thức, Biden cũng tìm cách “đảm bảo rằng công lý môi trường là một yếu tố trọng yếu cần được cân nhắc trong mọi dự án, từ thực thi ở đâu, bằng cách nào và làm với ai – mở ra những cơ hội việc làm cho các cộng đồng bị bỏ lại phía sau, chống lại những bất công mà nhóm người dân chịu ảnh hưởng tiêu cực của ô nhiễm môi trường đang phải gánh chịu và chắp cánh cho những ý tưởng tốt nhất đến từ khắp mọi nơi trên nước Mỹ, từ nông thôn, thành thị cho đến các bộ lạc.”
Khái niệm “công lý môi trường” dường như đã thu hút được sự quan tâm của các nhóm vận động chính sách cấp tiến trong vài năm qua. Diễn đàn Công lý và Khí hậu Quốc gia Công bằng được thành lập vào tháng 10 năm 2018 đang nỗ lực tận dụng “cơ hội được tạo ra từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 cho những người chủ trương công lý môi trường và môi trường quốc gia cùng nhau phát triển và lan truyền những ý tưởng mới mẻ, công bằng khí hậu và năng lượng vào cuộc thảo luận chính sách quốc gia.”
Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ (the Center for American Progress), một viện chính sách trung lập phi đảng phái có trụ sở tại Washington D.C đã đánh dấu kỷ niệm một năm những nội dung diễn đàn viện là đồng tác giả với các nhóm cấp tiếp khác trong một thông cáo báo chí gần đây.
“Hơn bao giờ hết, rõ ràng là đất nước chúng ta đang không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng khí hậu một cách riêng lẻ – vấn đề này cần phải được xử lý một cách toàn diện thông qua các giải pháp thúc đẩy bình đẳng chủng tộc, kinh tế và môi trường trong khi họ hạn chế ô nhiễm carbon và khí nhà kính, những yếu tố gây ra khủng hoảng khí hậu.”
Tuy nhiên, David Kreutzer, một nhà kinh tế học cấp cao của Viện Nghiên cứu Năng lượng, cơ quan có trụ sở tại Washington DC lại có quan điểm trái ngược. Ông ủng hộ các chính sách năng lượng thị trường tự do. Nhà kinh tế học nhận ra một chuỗi các động cơ chính trị ẩn sau lời kêu gọi công lý môi trường trong kế hoạch của Biden cũng như những chính trị gia Dân chủ và các nhóm vận động khác, mặc cho chủ trương môi trường của họ nghe có vẻ giống như các chính sách phục vụ lợi ích cộng đồng.
Kreutzer cho biết: “Dùng vấn đề môi trường hay công bằng xã hội bản chất chỉ là lợi dụng sự bất bình của một vài nhóm thiểu số nhằm thúc đẩy những mục đích chính trị thực sự của giới tinh hoa.” Ông cũng nói thêm: “Chúng ta đều hiểu rằng việc áp dụng các chính năng lượng xanh sẽ làm tăng đáng kể giá năng lượng, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm những người có thu nhập hạn chế hơn.”
Tiếp tục với lập luận của mình, nhà kinh tế cho hay: “Những chương trình năng lượng xanh sẽ làm kìm hãm tăng trưởng kinh tế, khiến các nhóm yếu thế trong xã hội rơi vào vòng xoáy đói nghèo kéo dài. Hãy lưu ý đến thành quả của việc cắt giảm thuế và các quy định nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tổng thống Trump. Cho đến thời điểm cuộc khủng hoảng Covid-19 diễn ra, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thiểu số chạm mức thấp kỷ lục và mức lương của nhóm thu nhập nhất có tốc độ tăng nhanh nhất.”
Ưu tiên việc làm công đoàn
Các khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm Biden-Sanders bao gồm một số lời kêu gọi kháng nghị công khai từ phía lao động có tổ chức cũng được đưa vào kế hoạch năng lượng sạch của Biden.
Ví dụ, nhóm này nêu rõ: “Tất cả việc làm trong nền kinh tế năng lượng sạch nên cung cấp một cơ hội để gia nhập công đoàn. Đảng Dân chủ sẽ khôi phục và bảo vệ quyền tổ chức cũng như thương lượng một cách tập thể của người lao động. Chúng tôi sẽ giúp nước Mỹ xây dựng một nguồn nhân lực chất lượng cao và đa dạng trong nền kinh tế năng lượng sạch bằng cách cải thiện tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với các chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ và các chương trình dạy nghề đã đăng ký.”
Kế hoạch của Biden kêu gọi “các dự án liên ngân sách liên bang ưu tiên các Thỏa thuận về Lao động Dự án và Lực lượng Lao động Cộng đồng” và đồng thời cổ vũ các dự án này hãy “sử dụng lao động được đào tạo qua các chương trình dạy nghề đã đăng ký.”
Cựu phó Tổng thống cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các nỗ lực lập pháp nhằm “giúp người lao động tổ chức công đoàn dễ dàng hơn và tiến hành thương lượng tập thể với những chủ quản sử dụng lao động.”
Tương tự như vậy, kế hoạch của Biden cũng tuyên bố rằng các dự án năng lượng xanh của ông sẽ “trao quyền cho người lao động để họ có thể tự tổ chức công đoàn, thương lượng tập thể với những người sử dụng lao động, các chủ doanh nghiệp như là cách để xây dựng lại tầng lớp trung lưu, và hứa hẹn đem đến một tương lai bền vững hơn.”
Một chính phủ Liên bang trong vai ủng hộ Công đoàn
Sean Higgins, một nhà nghiên cứu chuyên sâu về chính sách lao động tại Viện Doanh nghiệp Cạnh tranh (the Competitive Enterprise Institute) nhận thấy “một món hời khổng lồ cho các công đoàn” trong kế hoạch năng lượng xanh Biden-Sanders.
Higgins nói: “Những đô la tiền thuế của chúng ta bị đem dùng vào việc xây dựng và kiến thiết ngành năng lượng xanh, hay cụ thể hơn là một ngành năng lượng đang vật lộn để cạnh tranh trên thị trường mà không có sự hậu thuẫn của chính phủ liên bang thông qua trợ cấp hoặc các quy định – hay là cả hai ưu đãi đó”.
Ông làm rõ thêm: “Kế hoạch của ngài Biden theo tôi thực chất là phiên bản xanh của chính sách công nghiệp theo phong cách những năm 1950s. Việc đảm bảo thỏa mãn trước nhất mọi yêu cầu từ phía các lãnh đạo công đoàn sẽ làm cho chi phí lao động của ngành năng lượng tăng vọt, đồng nghĩa với việc chính phủ liên bang phải rót thêm tiền thuế của dân để trợ cấp ngành này.”
Higgins tiếp tục: “Các lãnh đạo doanh nghiệp có thể sẽ đồng ý với kế hoạch nói trên của Biden, miễn là tiền trợ cấp từ thuế thuế đủ để bù đắp cho tổn thất. Nói tóm lại thì người nộp thuế sẽ phải nộp nhiều tiền hơn cho năng lượng trong khi được chính phủ thông báo rằng làm thế khiến chúng ta cảm thấy tốt đẹp.”
Theo ông: “Trên thực tế, việc Lực lượng đặc nhiệm của Biden tìm cách ‘thiết lập vai trò của chính phủ liên bang trong việc thúc đẩy và tạo điều kiện cho thương lượng tập thể và giúp các bên tiến hành một cuộc đàm phán thành công, đạt được sự đồng thuận’ cũng đáng lưu ý. Bởi vì điều này có nghĩa chính phủ liên bang không chỉ bảo vệ quyền thương lượng tập thể mà còn đang chọn phe”.
Nhà nghiên cứu chính sách lao động nhận định, nói cách khác, hứa hẹn của kế hoạch Biden rõ ràng là chính phủ của ông ta sẽ không phải một trọng tài trung lập, mà là một người ủng hộ công đoàn. Áp dụng vào thực tế, điều này thường nghĩa là chính quyền sẽ gắn trợ cấp năng lượng xanh với lời hứa rằng các chủ doanh nghiệp sẽ không phản đối việc tổ chức đấu thầu và từ bỏ bầu cử công đoàn. Mặc dù phần lớn những người lao động này thực sự chỉ coi công đoàn là thứ yếu.”
Higgins bình luận: “Bạn có thể nghĩ rằng nếu phần lớn người lao động bình thường mong muốn thương lượng tập thể, như những người ủng hộ công đoàn như Sanders đang tích cực vận động thì tất cả những kế hoạch này sẽ không cần thiết – bởi họ sẽ tự làm. Tuy nhiên những nỗ lực hăng hái quá mức của Sanders và các chính trị gia khác nhằm thúc đẩy thương lượng tập thể lại cho thấy điều ngược lại – hơn ai hết chính những Đảng viên Dân chủ này hiểu rõ mối quan tâm của người lao động nằm ở chỗ khác, và vì thế họ phải bị ép vào công đoàn vì lợi ích của các chính trị gia.”
Viện Doanh nghiệp Cạnh tranh là một tổ chức theo chủ nghĩa tự do có trụ sở tại Washington D.C.
“@JoeBiden đang khiến cho việc tạo ra hàng hóa, #union xúc tiến công đoàn và việc làm là một phần quan trọng trong kế hoạch giải quyết biến đổi khí hậu của ông ấy #BuildBackBetter. Và ông ấy biết chúng ta không thể thảo luận về các chính sách mà không kể đến cộng đồng da màu, những người bị tác động nặng nề nhất của ô nhiễm môi trường mà không ai khác, chính các công ty đã gây nên vấn nạn này.” Liên đoàn Nhân công Dịch vụ Quốc tếviết trên Twitter.
Hội Huynh đệ Điện lực Quốc tế (The IBEW) cũng đã phát hành một tuyên bố từ Lonnie R. Stephenson, chủ tịch công đoàn để ca ngợi kế hoạch của Biden. Phát biểu có nội dung: “Kế hoạch của Biden sẽ thúc đẩy sự phục hưng của ngành sản xuất Mỹ, đồng thời tạo ra nhiều việc làm tốt cho nhân viên điện lực bằng cách sử dụng quyền lực của chính quyền liên bang để khuyến khích nhu cầu sử dụng xe điện. Nó cũng sẽ thúc đẩy người Mỹ bắt tay vào công cuộc thay thế cơ sở hạ tầng giao thông cũ kỹ, bao gồm cả đầu tư vào các tuyến đường sắt của chúng ta, đồng nghĩa với việc tạo ra vô số việc làm hứa hẹn ngành đường sắt. Đây là những vị trí công việc thiết yếu mà đất nước chúng ta cần bổ sung nhân lực. Và bằng cách thực hiện nghiêm ngặt mức lương tối thiểu, bảo hộ lao động, hỗ trợ quyền lợi của nhân viên để tổ chức công đoàn cũng như thương lượng tập thể, kế hoạch của ngài Biden đảm bảo sẽ tạo ra nhiều việc làm tốt và ổn định cho tầng lớp trung lưu.”
Đình công trong ngành năng lượng
Iain Murray, phó chủ tịch phụ trách chiến lược và thành viên cấp cao của Viên Doanh nghiệp Cạnh tranh đã hình dung ra một viễn cảnh tiềm năng khi mà các cuộc đình công trong lĩnh vực năng lượng nổ ra có thể đem đến những tác động to lớn đến các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương.
Ông giải thích: “Có quyền tổ chức sẽ kèm theo có quyền đình công. Nếu các ngành sản xuất năng lượng đình công, uy tín của ngành điện sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại các quốc gia khác nơi các công nhân ngành năng lượng đình công, có những chiến thuật nhằm gây tổn hại cho công chúng để gây áp lực buộc giới chủ phải giải quyết đòi hỏi của họ. Ví dụ, nếu các trang trại điện gió phải ngừng hoạt động khi đình công phát sinh trong giờ cao điểm sử dụng điều hòa, nhiều nghìn khách hàng sẽ phải chịu cảnh điều hòa không chạy trong những ngày nóng 38 độ. Điều này nghĩa là họ sẽ yêu cầu công ty thỏa hiệp để công nhân trở lại làm việc. Các cuộc đình công kéo dài có thể gây ra những hậu quả hiển hiện rõ ràng về con người.”
Murray cũng bày tỏ lo ngại rằng “biến tất cả việc làm trong ngành công nghiệp xanh quy về việc làm công đoàn như vậy sẽ khiến chi phí lao động trở nên đắt đỏ hơn nhiều, thu hẹp số lượng cơ hội nghề nghiệp và khiến các dự án phải mất thêm nhiều phí tổn.”
Trong khi kế hoạch năng lượng sạch Biden-Sanders nhấn mạnh sự cần thiết phải giúp đỡ “các cộng đồng thiệt thòi yếu thế” thì nhà kinh tế học Kreutzer của IER lại dự đoán các chính sách này sẽ đe dọa đến cơ hội việc làm của những người cần việc nhất.
Kreutzer cho hay: “Tự do kinh tế được thúc đẩy bởi sự thống trị ngành năng lượng ngày càng phát triển của chúng ta đã chứng minh là chương trình đẩy lùi đói nghèo hiệu quả nhất. Kế hoạch của Biden, với dư âm hoài cổ kỳ quặc từ các chương trình kinh tế từ Đại Suy Thoái sẽ đưa Mỹ và lực lượng lao động chăm chỉ của chúng ta đi sai đường.”
Hoa Minh dịch từ Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Joe Biden bầu cử tổng thống Mỹ 2020