Hôm 9/10, lần đầu tiên kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc, các cử tri Séc đã không bầu cho những người cộng sản vào Quốc hội, loại bỏ đảng mà tiền thân đã cai trị quốc gia Trung Âu này từ năm 1948 cho đến Cách mạng Nhung năm 1989 mở ra nền dân chủ, Reuters đưa tin.

Embed from Getty Images

(Ảnh: lãnh đạo Đảng Cộng sản Vojtech Filip)

Những người cộng sản đã bỏ tù hàng chục nghìn người trong các trại lao động cưỡng bức vào những năm 1950 và đàn áp dã man những người bất đồng chính kiến ​​như Chủ tịch Vaclav Havel, nhưng vẫn duy trì sự có mặt ở Quốc hội sau cuộc cách mạng.

Trong cuộc bầu cử tuần qua ở Séc, Đảng Cộng sản của Bohemia và Moravia đã giành được 3,62% phiếu bầu ở gần như tất cả các khu bầu cử, ít hơn 5% cần thiết để vào Quốc hội. Theo Reuters, đây có khả năng là chương cuối cùng của đảng khi số thành viên ngày một giảm dần.

“Tôi rất thất vọng vì đó là một thất bại thực sự lớn”, lãnh đạo Đảng Cộng sản Vojtech Filip, người cũng đã từ chức cho biết.

Jiri Gruntorad, 69 tuổi, từng là một nhà bất đồng chính kiến, người đã ký bản tuyên bố Hiến chương 77 dành cho người bất đồng chính kiến ​​và bị chính quyền cộng sản bỏ tù vì tội lật đổ từ năm 1981 đến năm 1985, nói với Reuters rằng điều này khiến ông hài lòng, nhưng nó đến “quá muộn.”

“Đây là một trong những đảng cộng sản cuối cùng trên thế giới ngoài các đảng của Trung Quốc và Cuba. Các đảng khác ít nhất đã đổi tên và bắt đầu hành xử hơi khác một chút,” ông nói, theo Reuters.

Sau năm 1989, những người cộng sản tìm cách kêu gọi các công dân cao tuổi và tầng lớp lao động Séc gia nhập, nhưng họ không gây được tiếng vang với các cử tri trẻ tuổi khi không thể thay đổi lịch sử của đảng với tư cách là một nhà cầm quyền toàn trị đã bóp nghẹt tự do.

Những người cộng sản chủ yếu sống cô lập sau năm 1989, mặc dù họ đã hợp tác với các đảng khác để tìm kiếm phiếu bầu thông qua luật trong Quốc hội. Họ cũng thân cận với Tổng thống đương nhiệm Milos Zeman.

Lê Vy (theo Reuters)

Xem thêm: