“Đầu tiên tôi nghe thấy tiếng súng, tiếp theo là hàng tràng những lời chửi bới,” một người lính Ukraine từng trải qua tiền tuyến kể với phóng viên quá trình vượt qua biên giới phía Tây Nam để trốn sang Romania. Thời điểm chiến dịch phản công của Kyiv vào tuần đầu tiên khai hỏa, ngày 9/6, BBC (hãng tin Anh quốc) đăng bài phóng sự những người Ukraine dũng cảm trốn đi, bất chấp nguy cơ ‘ăn kẹo đồng’ và nhiều người đã chết trên đường vì chết đuối hay giá lạnh. Trong bài con có ảnh người cụt hết các ngón chân vì băng tuyết trên đường đi, có kể về “hướng dẫn viên” lão luyện ở Ukraine kinh doanh dịch vụ đưa người Ukraine trốn ra nước ngoài, có báo cáo về chế độ trả “phí hàng tháng” nếu bạn là con em quan chức Ukraine giàu có và không muốn ra trận.

Ukraine war
(Ảnh chụp màn hình BBC)

BBC viết rõ cả 2 phe tham chiến đều có người trốn tránh quân dịch, và điểm đến của họ không chỉ là Romania, nhưng bài phóng sự của hãng tin Anh quốc này là dành riêng về người Ukraine trốn sang Romania. Có đọc giả kiến nghị tiêu đề của bài nên là về “người tị nạn chiến tranh”, chứ không phải “đào ngũ” như trong nguyên bản gốc của BBC (deserters)..

“[Đoạn sông] Tisa nông hơn tôi tưởng, chỉ đến ngực tôi. Cho nên, tôi không cần bơi. Tôi chỉ lội qua sông.” George kể với phóng viên, và nói rằng anh bị tuần tra Ukraine phát hiện khi đang vượt biên và anh nghe thấy tiếng súng.

“Đầu tiên tôi nghe thấy tiếng súng, tiếp theo là hàng tràng những lời chửi bới. Nhưng tôi không sợ. Khi đã trải qua thời gian ở tiền tuyến, bạn sẽ nhận ra sự khác biệt giữa những viên đạn bắn vào không trung và những viên đạn bắn vào bạn.”

George là một người đàn ông to lớn với khuôn mặt hiền lành, nhưng mang đầy vết thương. Là một lính đào ngũ khỏi quân đội Ukraine, anh sẽ phải đối mặt với 10 năm tù nếu bị bắt.

George không phải là tên thật. Tên của các đối tượng trong bài này đã được thay đổi để bảo vệ họ.

Đêm đầu tiên của George trong chiến hào là điều tồi tệ nhất. Đó là vào tháng 3/2022.

“[Lúc đó] chúng tôi có 27 người chết và 57 người bị thương,” George lần lượt cho hiện ra trên điện thoại của mình những tấm ảnh về những người đồng đội cũ. Trán anh ấy nhăn lại khi làm như vậy và đôi tay to lớn của anh ấy run lên.

“Tất cả họ đều đã chết, trừ tôi và người này,” George chỉ vào một người phụ nữ trong bộ quân phục rằn ri.

George kể rằng anh đã mất vài tuần và tốn hàng ngàn euro trả cho một mạng lưới “hướng dẫn viên”, để đi xuyên qua toàn bộ Ukraine từ vùng chiến sự phía Đông đến biên giới phía Tây và đi xuống phía Tây Nam, rồi vượt qua dòng Tisa, để đặt chân tới Romania.

Ukraine Romania
(Ảnh chụp màn hình Google Map)

Chế độ quân dịch tại Ukraine có vấn đề lớn, mà ở đó tham nhũng là nguyên nhân chính.

Các nguồn tin đáng tin cậy của BBC ở miền tây Ukraine cho hay về cái gọi là “phí hàng tháng” —một khoản chi phí phải trả hàng tháng cho bộ máy tham nhũng kết tập tân binh, nếu bạn không muốn nhập ngũ— và những người có khả năng trốn quân dịch theo cách này chủ yếu là con em các quan chức tham nhũng nhà nước.

  • WSJ: Ukraine đưa lính chưa được huấn luyện vào ‘cối xay thịt’ Bakhmut — bài phỏng vấn của Tạp chí Phố Wall (kênh truyền thông Mỹ) đăng 25/5 về việc Kyiv đẩy tân binh ra chiến trường tiêu hao Bakhmut như thế nào.
  • Video đăng ngày 27/5 cảnh thanh niên Kyiv thư giãn buổi tối ở một quán McDonald đã trở thành viral. Có cư dân mạng đăng hình ảnh tân binh quân Ukraine, và nói rằng họ là những người ở các vùng nghèo, đặc biệt những người vì sắc tộc mà bị kỳ thị bởi chủ nghĩa dân tộc đang được trọng dụng bởi chính quyền Kyiv hiện nay:

Ngoài ra, còn có các báo cáo từ tiền tuyến Ukraine, về việc các chỉ huy yêu cầu văn phòng tuyển dụng lính mới ngừng gửi cho họ những người không muốn chiến đấu hoặc quá hèn nhát. Những người như thế sẽ chỉ là gánh nặng trong thực chiến.

Trốn sang một quốc gia khác —dù là bằng cách bất hợp pháp— đã được nhiều người Ukraine coi là cơ hội duy nhất để tránh bị buộc phải tham gia chiến tranh.

Quân đội Ukraine cho người chặn dừng ô tô và xe buýt tại nhiều điểm cách nhau vài chục km trên con đường bên sông Tisa để phát hiện những người trốn quân dịch. Cảnh sát biên giới Ukraine gần đây đã báo cáo rằng họ đang giam giữ tới 20 người đàn ông mỗi ngày.

Còn theo cơ quan di trú Romania, 6.200 nam giới Ukraine trong độ tuổi quân sự đã vượt qua 600 km biên giới vào Romania bất hợp pháp kể từ 2/2022, và Romania đã cho họ được hưởng chế độ được bảo vệ tạm thời do tình hình chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine.

Khoảng 20.000 người khác đã đến Romania một cách hợp pháp (theo luật Romania) và đã lựa chọn không quay trở lại.

shutterstock 2136303277
Người Ukraine chạy tị nạn sang Romania hồi tháng 3/2022. (Nguồn: Djordje Kostic/ Shutterstock)

Theo số liệu không chính thức của Ukraine mà BBC có được, khoảng 90 người đàn ông đã chết trên hành trình tới Romania —hoặc chết đuối ở dòng Tisa, hoặc chết cóng trên núi— trong 15 tháng qua.

Dima, một trường hợp trốn quân dịch khác, tháo chiếc bít tất của anh để phóng viên xem bàn chân phải của anh ấy. Trông nó thật thảm hại, tất cả các ngón chân đã mất đi vì tê cóng khi băng qua những ngọn núi để đến Romania (xem ảnh tại đây).

Dima đã trốn khỏi Ukraine sau khi có giấy triệu tập nhập ngũ. Một trong bốn người đàn ông trong nhóm cùng trốn đi với anh đã chết.

“Vào đêm thứ hai trong cơn bão tuyết, tôi gọi điện cho vợ. Tôi nói xin lỗi, tôi không thể qua được.”

“Tôi đã bảo anh ấy đừng có ngu ngốc nữa, hãy đứng dậy và tiếp tục đi,” vợ anh cô Katja nói, bên cạnh anh ấy. Họ đang nắm tay nhau, thật chặt (xem ảnh tại đây).

Những người phóng viên BBC gặp ở đây hầu hết là người thuộc sắc tộc Rumani ở miền tây Ukraine, nhưng nghiên cứu của BBC chỉ ra rằng trốn quân dịch là một hiện tượng phổ biến trên khắp đất nước Ukraine.

Biên giới giữa Ukraine và Romania chạy dọc theo một sườn núi, và có đoạn gần như thẳng đứng về phía Romania. Đó là nơi mà các “hướng dẫn viên” —thực tế là những người xuất thân buôn lậu— hướng dẫn Dima và 9 người đàn ông khác.

Cố gắng đi xuống, Dima kể, anh đã mất thăng bằng trong cuồng phong và băng tuyết, lao xuống núi, mất đi đôi ủng, điện thoại và một trong những chiếc tất của mình. Bị bầm tím, chảy máu và run rẩy, anh ấy đã tự chế một chiếc tất bằng ống quần rách và dây cáp điện thoại, rồi vấp ngã.

Dịch vụ cứu hộ Romania, được vợ anh Dima báo tin, đã tìm thấy anh gần như không còn sống sau 4 ngày 3 đêm trên núi. Anh được trực thăng chở đến nơi an toàn.

“Bạn sẽ trả lời thế nào nếu ai đó gọi bạn là kẻ hèn nhát?” Phóng viên BBC hỏi, nhẹ nhàng nhất có thể.

“Tôi không có đất nước,” anh lúng túng nói. “Tôi chỉ có gia đình.”

Tại Baia Mare, một thành phố lớn, tương đối thịnh vượng của Romania gần biên giới Ukraine, phóng viên BBC gặp Veronika, trước đây là một bác sĩ ở Zaporizhzhia, một điểm từng diễn ra giao tranh trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

Cô đã bỏ việc và đưa con trai đến nơi an toàn ở Romania, chỉ vài tuần ngay trước khi sinh nhật thứ 18 của cậu, để cậu không phải nhập ngũ. Cô ấy cho phóng viên BBC xem một bức ảnh. Một thanh niên hiếu học, đeo kính và có vẻ ngoài giống Harry Potter.

“Thằng bé có một bộ não rất tốt nhưng thể chất thì không khỏe. Một quốc gia không thể chỉ có nghĩa vụ quân sự. Một quốc gia phải có những bộ óc. Tôi nghĩ con trai tôi là bộ não của đất nước tôi trong tương lai,” cô giải thích như vậy.

Giống như George và Dima, cô ấy không biết khi nào hoặc liệu họ có thể quay lại Ukraine hay không.

Maria, một lính biên phòng Romania 22 tuổi, mở cốp xe tuần tra của cô ấy để cho phóng viên xem một túi nhựa chứa đầy chăn mền và quần áo nam (xem ảnh Maria tại đây).

“Khi những người đàn ông qua sông ở đây, họ lạnh, ướt và sợ hãi. Họ tưởng rằng chúng tôi sẽ đuổi họ trở lại. Nhưng chúng tôi không bao giờ làm thế,” cô nói.

Là một người nói tiếng Ukraina, cô ấy thường là người đầu tiên mà những người đàn ông nói chuyện sau khi vượt sông.

Một số, như George, có vết thương chiến đấu tái phát trong nỗ lực vượt biên. Những người khác bị đứt chân trên hàng rào thép gai, hoặc do những mảnh chai vỡ mà họ cho rằng binh lính Ukraine đã thả xuống nước để ngăn chặn họ.

Maria cố gắng hết sức để trấn an họ, “Tôi cố gắng hết sức để giúp đỡ và chăm sóc họ vì đó là điều họ cần ở chúng tôi. Và cung cấp thức ăn và chăm sóc y tế cho họ nếu cần.”

Bên cạnh phóng sự này dưới dạng văn bản, BBC còn công bố bản thu âm dài tới gần 30 phút với nhiều chi tiết hơn cùng về chủ đề người Ukraine đào ngũ, tiêu đề: Ukraine: The men who don’t want to fight(Ukraine: Những người không muốn tham chiến).

Nhật Tân, theo Nick Thorpe/ BBC