Nhiều nước châu Á dường như vui mừng khi ông Trump làm suy yếu ĐCSTQ – Bloomberg
- Vương Quân
- •
Mối đe dọa do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra trong lĩnh vực thương mại lớn hơn nhiều so với Hoa Kỳ. Do đó, sau khi Tổng thống Trump đưa ra thuế quan trả đũa, nhiều nước châu Á dường như vui mừng khi thấy ông làm suy yếu sự thống trị của ĐCSTQ.
Các nhà phân tích trên truyền thông nước ngoài cho rằng sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Trump đưa ra thuế quan trả đũa, ông đã khiến hầu hết các quốc gia tức giận, bất kể họ là kẻ thù hay bạn bè. Tuy nhiên, đội ngũ nhân viên của ông hiểu rõ lý do này và đã tận dụng thời gian đình chỉ 90 ngày để tiến hành đàm phán thương mại với nhiều quốc gia khác nhau nhằm tránh gây ra tác động lớn hơn.
Hiện Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang nỗ lực giành lấy đồng minh nhằm mở rộng quyền lực và tăng cơ hội chiến thắng. Đặc biệt gần đây, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tích cực thăm các nước Đông Nam Á trong nỗ lực giành lấy đồng minh trong cuộc chiến thương mại.
Trong một bài viết, nhà báo Mihir Sharma của Bloomberg chỉ ra rằng mặc dù một loạt hành động mà ông Trump thực hiện sau khi nhậm chức đã khiến niềm tin của các nước châu Á vào Washington suy giảm mạnh, nhưng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đang tận dụng thời gian đình chỉ thuế quan trả đũa trong 90 ngày, cố gắng lấy lại lòng tin của các đồng minh nhằm tạo thành lực lượng kiềm chế sự bành trướng của ĐCSTQ.
Vào thời điểm này, ĐCSTQ chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội khi lòng tin quốc tế dành cho Hoa Kỳ đã giảm mạnh và đang gấp rút giành sự ủng hộ của các đồng minh. Gần đây, ông Tập Cận Bình đã đến thăm 3 nước Việt Nam, Malaysia và Campuchia và nhận được sự đón tiếp nồng hậu từ 3 nước này. Đây là ví dụ rõ nét nhất.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng ngay cả trong tình hình hiện tại, ông Tập tạm thời giành được sự hoan nghênh của một số quốc gia, nhưng về lâu dài, vị thế thống lĩnh của ĐCSTQ trong lưu thông hàng hóa và chuỗi sản xuất đã dẫn đến sự bất mãn cao độ trong các quốc gia châu Á.
Nếu Hoa Kỳ có thể sử dụng thuế quan để làm suy yếu sự thống trị của Bắc Kinh, có vẻ như đây sẽ là một diễn biến mà các nước châu Á sẽ hoan nghênh.
Báo cáo cho biết, với năng lực sản xuất vượt xa nhu cầu thị trường, hàng hóa của Trung Quốc Đại Lục liên tục bị bán phá giá trên thị trường quốc tế. Chỉ riêng tại Indonesia, ít nhất 80.000 công nhân ngành dệt may và nông nghiệp đã thất nghiệp vào năm ngoái, dự kiến sẽ còn nhiều người nữa bị ảnh hưởng trong tương lai.
Đối với các nước đang phát triển, thiệt hại thực sự do hoạt động thương mại của ĐCSTQ gây ra có lẽ còn cao hơn nhiều. Nếu muốn tính toán số liệu thất nghiệp trên bề mặt, chúng ta có thể thực hiện bằng cách thu thập dữ liệu có liên quan. Tuy nhiên, sẽ rất khó để đếm được những công việc chưa xuất hiện, tức là những công việc đã biến mất.
Báo cáo chỉ ra rằng trong nhiều năm, các thị trường mới nổi ở châu Á đang cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng của ĐCSTQ đều lo lắng và khó chịu về sự phát triển của Trung Quốc.
Vì họ rất sợ rằng những lợi thế của các thị trường mới nổi, bao gồm tiền lương thấp và các chính sách khuyến khích công nghiệp, sẽ bị tổn thương trước Trung Quốc, một siêu cường thương mại quyết tâm dành nguồn lực cho việc sử dụng đầu tư và xuất khẩu để duy trì tăng trưởng kinh tế.
Trong khi một số nền kinh tế, gồm cả Việt Nam, dù trong quá khứ đã được hưởng lợi từ việc tích hợp chuỗi cung ứng của họ với Trung Quốc, các nhà lãnh đạo của Việt Nam vẫn hiểu rằng chiến lược này sẽ đi kèm với những cái giá nhất định, và không ai tin rằng mối quan hệ như vậy có thể so sánh với mối quan hệ lành mạnh giữa các công ty, nhà đầu tư và thị trường Mỹ.
Báo cáo tin rằng các quốc gia nắm giữ vị thế này có thể hình thành một mô hình thương mại nhằm phá vỡ mô hình thương mại do Bắc Kinh thống trị. Tuy nhiên, vì các nước châu Á có thái độ rất khác nhau đối với việc tách khỏi ĐCSTQ, nên Hoa Kỳ cần phải phân tích sâu hơn vị thế và nhu cầu của nhiều nước khác nhau, để đưa ra các động lực và thiết lập quan hệ đối tác công bằng, toàn diện và chất lượng cao với các đồng minh châu Á, qua đó hình thành một liên minh thương mại không bao gồm Trung Quốc và mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ.
Campuchia công bố sửa đổi luật để ngăn chặn tình trạng “rửa nơi sản xuất” của hàng hóa Trung Quốc
Ngay khi ông Tập Cận Bình vừa kết thúc chuyến thăm Campuchia gần đây, Chính phủ Campuchia sẽ sửa đổi các quy định để ngăn chặn đất nước này trở thành công cụ “rửa nơi sản xuất“ và tránh bị Hoa Kỳ áp đặt mức thuế quan trả đũa cao.
Theo báo Cambodia-China Times, ngày 16/1, “Nhóm công tác quan hệ thương mại và đầu tư Campuchia – Hoa Kỳ” do Phó thủ tướng Campuchia Sun Chanthol dẫn đầu đã tổ chức vòng đàm phán đầu tiên với Đại diện thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer, với hy vọng giảm mức thuế quan trả đũa lên tới 49%.
Ông Casey Barnett, chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Campuchia (AmCham), cho biết chính quyền đang xây dựng các thủ tục và kế hoạch mới nhằm tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các quốc gia khác sử dụng Campuchia làm “điểm trung chuyển” để xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ.
Ông cho rằng nếu Campuchia vẫn bị coi là “trạm trung chuyển” để hàng hóa Trung Quốc vào thị trường Mỹ, thì xung đột thuế quan song phương có thể không được giải quyết, điều này sẽ rất bất lợi cho người dân Campuchia.
Tháng 6/2023, Campuchia đã ban hành “Luật về quy tắc xuất xứ”, trong đó thực hiện các quy định rõ ràng hơn về nguồn gốc của hàng hóa xuất nhập khẩu, với hy vọng ngăn chặn hiệu quả tình trạng “giả mạo xuất xứ” và các tình trạng khác để duy trì uy tín của đất nước.
Tuy nhiên, sau khi ông Trump tuyên bố áp dụng thuế quan trả đũa vào ngày 2/4, Nhà Trắng vẫn nêu đích danh Campuchia và cho rằng nước này đã trở thành một trong những “trạm trung chuyển” quan trọng nhất để Trung Quốc Đại Lục trốn thuế của Mỹ.
Vợ ông Lý Hiển Long chia sẻ lại bài đăng ví “Tập Cận Bình như một trùm xã hội đen”
Bà Hà Tinh (Ho Ching), vợ của cựu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, đã đăng lại một bài viết trên trang Facebook của bà từ nền tảng bình luận “Critical Spectaror” của Singapore, trong đó chỉ trích gay gắt ông Tập Cận Bình.
Bài báo viết: Từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, phong cách hành xử của ông giống như một ông trùm mafia. Có thể nói ông ấy là Bố già Corleone phiên bản Trung Quốc. Ông luôn đưa cho người khác những “lời đề nghị không thể từ chối”.
Bài viết chỉ trích ông Tập Cận Bình khi vẫn mong đợi những quốc gia nạn nhân cũ của mình chào đón ông như một người bạn và đối tác? Bài báo cho rằng “chiến dịch quyến rũ” đang diễn ra của ông Tập Cận Bình ở Đông Nam Á là một trò hề lố bịch.
Điều này cũng phơi bày tình hình tồi tệ hiện nay ở Trung Quốc, buộc chính “hoàng đế” phải đứng ra kêu gọi hợp tác từ các nước láng giềng mà ông đã công khai cướp bóc trong hơn một thập kỷ.
Bài viết chỉ ra rằng ông Tập Cận Bình đã nói về “đối đầu chống đối” và “chủ nghĩa bảo hộ”, nhưng ông lại áp đặt đường 9 đoạn lên các nước ASEAN, vi phạm luật pháp quốc tế và tuyên bố chủ quyền Biển Đông là của Trung Quốc, đối phó với các đảo có tranh chấp chủ quyền, thậm chí còn sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển để quấy rối tàu thuyền của các nước khác.
Trung Quốc, quốc gia cấm nhiều công ty nước ngoài hoạt động trong biên giới của mình và vi phạm các cam kết của WTO về hạn chế trợ cấp nhà nước, thương mại công bằng, quyền sở hữu trí tuệ, yêu cầu mở cửa thị trường cho các thực thể nước ngoài, chấm dứt việc chuyển giao công nghệ cưỡng bức, giờ đây lại nói rằng “chủ nghĩa bảo hộ là một điều tồi tệ”.
Bài viết cho biết, chỉ nói về Đông Nam Á, Bắc Kinh không chỉ thường xuyên bị chất vấn về “Dự án Vành đai và Con đường”, mà còn bị cáo buộc tạo ra bẫy nợ hoặc cố gắng chuyển giao năng lực sản xuất sang các nước khác, xâm chiếm thị trường các nước này bằng hàng hóa giá rẻ và khiến ngành công nghiệp trong nước của họ sụp đổ.
Đặc phái viên Nhật Bản thăm ông Trump, Phó tổng thống Hoa Kỳ thăm Ấn Độ
Gần đây, Nhật Bản đã cử đặc phái viên về thuế quan Ryosei Akazawa tới Washington gặp Tổng thống Hoa Kỳ Trump. Sau đó, thứ Bảy (26/4), Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba phát biểu rằng các cuộc thảo luận giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ có thể trở thành hình mẫu cho thế giới.
Thứ Hai (28/4), ông Akazawa phát biểu với Quốc hội rằng cách tiếp cận cá nhân của Tổng thống Trump khi đàm phán với các đặc phái viên Nhật Bản cho thấy, ông ấy coi trọng việc đối thoại với Nhật Bản. Ông cũng nhấn mạnh rằng Nhật Bản là đồng minh của Hoa Kỳ và cũng là nhà đầu tư và tạo việc làm lớn nhất tại Hoa Kỳ.
Theo nhiều báo cáo của truyền thông Nhật Bản, Tokyo sẽ chuẩn bị đưa ra những nhượng bộ như tăng nhập khẩu đậu nành và gạo từ Hoa Kỳ và nới lỏng các tiêu chuẩn an toàn ô tô.
Ngày 21/4, Phó Tổng thống Hoa Kỳ JD Vance đã đến Ấn Độ trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày. Chủ đề cốt lõi trong chuyến đi của ông là thương mại song phương, vấn đề được New Delhi quan tâm nhất.
Đầu tháng Tư, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế quan trả đũa 26% đối với hàng hóa Ấn Độ xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nhưng sau đó đã trì hoãn việc thực hiện trong 90 ngày giống như các nước khác, ngoại trừ Trung Quốc.
Hôm thứ Hai (28/2), nhân viên tháp tùng của Thủ tướng Ấn Độ Modi và văn phòng của Phó Tổng thống Mỹ Vance cho biết, các cuộc đàm phán giữa hai bên đã đạt được tiến triển đáng kể.
Từ khóa Donald Trump chiến tranh thương mại Mỹ Trung Dòng sự kiện Recommend mối quan hệ Mỹ - Trung Thuế quan Mỹ
