Chiến tranh thương mại nổ ra, ông Tập Cận Bình xuất ngoại tới Việt Nam, Malaysia và Campuchia với mục đích sử dụng các quốc gia này làm trung gian tái xuất hàng hóa Trung Quốc để né tránh thuế quan trực tiếp từ Mỹ. Tuy nhiên, ngay sau khi vừa trở về nước, một loạt tin xấu đã ập đến, cho thấy chiến lược “ngoại giao quyến rũ” của ông không mấy khả quan.

Tap Can Binh 1
Ông Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 2024 hôm 18/11/2024 tại Rio de Janeiro, Brazil. (Ảnh: Buda Mendes/Getty Images)

Phu nhân cựu Thủ tướng Singapore chia sẻ bài chỉ trích ông Tập

Nhà bình luận thời sự người Hoa tại Mỹ, ông Đường Tĩnh Viễn, đã phân tích trong một chương trình truyền thông cá nhân rằng chiến dịch “ngoại giao quyến rũ” mà ĐCSTQ đang triển khai đã hoàn toàn thất bại, khi ngày càng nhiều quốc gia cùng nhau “đánh hội đồng” Bắc Kinh. Trong đó, Singapore – quốc gia được xem là thân ĐCSTQ nhất – cũng đã tung cú đòn mạnh vào ông Tập Cận Bình.

Bà Hà Tinh, phu nhân của cựu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, đã chia sẻ trên Facebook một bài viết của ông Michael Petraeus, thành viên thuộc nhóm nghiên cứu của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền, với nội dung châm biếm ông Tập Cận Bình. Bài viết ví ông Tập từ khi lên nắm quyền như một “trùm mafia”, khiến người ta không thể từ chối các đề nghị của ông ta, và nay lại mong những “nạn nhân” trước đây sẽ chào đón ông như một người bạn hay đối tác.

Bài viết được đăng ngày 18/4 trên nền tảng mạng trực tuyến Critical Spectator của Singapore, vốn nổi tiếng với các bình luận ủng hộ chính phủ, với tiêu đề “Trung Quốc sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn trên thế giới ngày nay, nếu Tập Cận Bình không phải là một ông trùm xã hội đen trong 12 năm qua”, tác giả Michael Petraeus cho rằng chuyến công du Đông Nam Á lần này đã phơi bày rõ mức độ tồi tệ trong thế bí hiện tại của Bắc Kinh, đến mức ông Tập phải đích thân cầu cạnh hợp tác với các quốc gia láng giềng, những nước mà ông ta đã liên tục chèn ép suốt hơn một thập kỷ qua.

Tương tự, Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng đã cấm nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lãnh thổ của mình và vi phạm các quy định của WTO, từ việc trợ cấp nhà nước một cách không minh bạch, không đảm bảo thương mại công bằng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không mở cửa thị trường cho các thực thể nước ngoài, cho đến việc ép buộc chuyển giao công nghệ. Thế nhưng, giờ ông Tập Cận Bình lại tuyên bố rằng “chủ nghĩa bảo hộ là điều xấu xa”.

Bài viết khẳng định trong suốt 12 năm cầm quyền, ông Tập Cận Bình luôn hành xử như một ông trùm mafia, giống như phiên bản Trung Quốc của Vito Corleone (nhân vật trùm mafia trong phim Bố Già). Ông Tập khiến mọi người phải chấp nhận những “lời đề nghị không thể từ chối”, vậy mà giờ đây lại mong đợi các nạn nhân cũ chào đón ông như một người bạn, một đối tác.

Chỉ riêng ở Đông Nam Á, “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh đã thường xuyên bị nghi ngờ và chỉ trích vì các bẫy nợ, hoặc bị cáo buộc lợi dụng để chuyển dịch năng lực sản xuất ra nước ngoài, rồi dùng hàng hóa giá rẻ tràn ngập thị trường, gây sụp đổ ngành công nghiệp nội địa của các quốc gia đối tác.

Giờ đây, ông Tập lại bắt đầu kêu gọi xây dựng quan hệ đối tác với châu Âu, trong khi lại công khai ủng hộ chế độ Nga và hỗ trợ cho cuộc chiến tranh Nga – Ukraine của Moscow. Trên thực tế, đây chính là một hình thức đối đầu gián tiếp với phương Tây.

Tác giả của bài viết cho rằng dù cả thế giới có thể không ưa gì ông Donald Trump, điều đó không có nghĩa là ông Tập Cận Bình có thể trở thành một phương án thay thế có thể chấp nhận được. Hiện tại, ông Trump đã bày tỏ sẵn sàng đạt được các thỏa thuận với những quốc gia khác, và Mỹ thường được cho là sẽ tôn trọng các thỏa thuận đó. Ngược lại, phía Trung Quốc lại không như vậy, ngay cả các đối tác của Bắc Kinh cũng chưa chắc đã được đối xử công bằng.

Bài viết chỉ rõ rằng những hành vi lạm dụng kéo dài hơn một thập kỷ qua không thể bị bỏ qua chỉ vì giờ đây Bắc Kinh cũng đang đối mặt với những vấn đề tương tự các “nạn nhân” trước đây. Phía Trung Quốc đã có hàng chục năm để chứng minh sự ủng hộ thực sự với chủ nghĩa đa phương quốc tế, nếu họ đã làm điều đó từ trước, giờ đây có lẽ đã nhận được sự đền đáp.

Tác giả nhận định, một điều rất mâu thuẫn là dù Trung Quốc thường được ca ngợi là có chiến lược dài hạn trong công tác điều hành đất nước, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh lại mang tính thiển cận, phản ứng ngắn hạn và bị chi phối bởi chủ nghĩa cơ hội tức thời. Đó là lý do tại sao Tập Cận Bình không thể mong đợi thế giới sẽ theo ông trong cuộc chiến chống lại ông Trump, và họ sẽ không thực sự bận tâm nếu ông Trump thắng trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

493260362 4093318510814426 699821874683765755 n
Bà Hà Tinh, phu nhân của cựu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, đã chia sẻ trên Facebook một bài viết của ông Michael Petraeus, thành viên thuộc nhóm nghiên cứu của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền, với nội dung châm biếm ông Tập Cận Bình. (Ảnh chụp màn hình / Facebook)

Singapore phát tín hiệu đứng về phía Mỹ

Nhà bình luận Đường Tĩnh Viễn cho rằng: “Không nghi ngờ gì nữa, đây là một bài viết thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Mỹ, đồng thời phản đối ĐCSTQ”.

Đây thậm chí là một bài công kích trực diện vào cá nhân ông Tập Cận Bình. Không một chính trị gia nào lại có thể chia sẻ một bài viết như vậy mà không cân nhắc đến những hệ quả địa chính trị nghiêm trọng của nó.

Hơn nữa, ai cũng biết rằng ông Lý Hiển Long là cựu Thủ tướng Singapore, mới chỉ rời nhiệm sở vào năm ngoái. Dù đã nghỉ hưu, nhưng ông vẫn có ảnh hưởng rất lớn đến chính trường Singapore và cả Thủ tướng đương nhiệm Hoàng Tuần Tài (Lawrence Wong).

Phu nhân của cựu Thủ tướng  – bà Hà Tinh – đã thẳng thừng chia sẻ một bài viết mà trong đó tác giả gọi ông Tập Cận Bình là “trùm mafia”, lẽ nào bà không sợ bị Bắc Kinh trả đũa?

Ông Đường Tĩnh Viễn nhận định: “Lý do hợp lý duy nhất là hiện tại, giới lãnh đạo Singapore có thể đã nhìn rất rõ, ông Tập Cận Bình không còn khả năng trả đũa họ nữa, vì vậy họ chẳng có gì phải e dè. Việc bà Hà Tĩnh chia sẻ bài viết này có thể được xem là một tín hiệu rất rõ ràng từ Singapore gửi tới Mỹ, đó là họ đang chọn đứng về phía Mỹ”.

Trung Quốc từ chối nhận máy bay Boeing, hàng không Malaysia, Ấn Độ lên tiếng sẵn sàng tiếp nhận

Ngoài ra, ngay sau khi ông Tập Cận Bình rời Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam cũng lập tức đưa ra tuyên bố rằng quan hệ Mỹ – Việt là mối quan hệ có sự ràng buộc đặc biệt, không giống với bất kỳ mối quan hệ nào khác giữa các quốc gia.

Về phía Malaysia và Ấn Độ, khi Trung Quốc thông báo ngừng tiếp nhận máy bay Boeing của Mỹ như một biện pháp trả đũa, hãng hàng không Malaysia và hãng hàng không Ấn Độ đều lần lượt lên tiếng sẵn sàng tiếp nhận số máy bay bị Trung Quốc từ chối.

Nhà bình luận Đường Tĩnh Viễn chỉ ra rằng: Việc Malaysia Airlines sẵn lòng tiếp nhận máy bay Boeing bị Trung Quốc trả lại chẳng khác nào chủ động giúp Boeing giải quyết khó khăn, đồng thời cũng “vô hiệu hóa một quân bài mà Trung Quốc cứ tưởng là ‘át chủ bài’ trong tay mình”, lại còn tiện thể gửi một tín hiệu thân thiện đến Mỹ.

Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance đã cùng gia đình đến thăm Ấn Độ. Ngay sau cuộc gặp giữa ông Vance và Thủ tướng Ấn Độ Modi, ông Modi đã công khai tuyên bố rằng trong cuộc chiến thương mại, Ấn Độ sẽ kiên quyết đứng về phía Mỹ, hai nước sẽ hợp lực để đối phó với Trung Quốc. Ấn Độ thậm chí còn tuyên bố sẽ áp mức thuế nhập khẩu tạm thời 12% đối với thép nhập khẩu trong vòng 200 ngày, với lý do để ngăn chặn làn sóng thép giá rẻ tràn vào.

“Ấn Độ giờ đây đang đi hoàn toàn theo đúng yêu cầu của ông Trump, không những không giúp Trung Quốc thực hiện các tuyến thương mại tránh thuế, mà còn kiên quyết không tiếp nhận hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc,” ông Đường Tĩnh Viễn nói.

Campuchia chơi “nước cờ lớn”

Một “chư hầu” khác của Trung Quốc là Campuchia, cũng đã có một động thái lớn ngay sau khi ông Tập Cận Bình rời đi.

Trung Quốc đang tiến hành kế hoạch mở rộng thế lực ở nước ngoài, đã đầu tư hàng chục tỷ nhân dân tệ để tái xây dựng và cải tạo Căn cứ Hải quân Ream ở Campuchia. Bắc Kinh không chỉ chi tiền, mà còn cung cấp nhân lực, đồng thời tặng thêm 2 tàu hộ vệ hạng nhẹ loại A56 cho Hải quân Campuchia. Ngày 2/4, Trung Quốc và Campuchia đã long trọng tổ chức lễ khánh thành Căn cứ Hải quân Ream. Ngay sau đó, vào ngày 18/4, ông Tập Cận Bình đến thăm Campuchia.

Nhưng chỉ một ngày sau khi ông Tập rời đi, ngày 19/4, Campuchia lập tức cho phép 2 tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cập cảng tại Căn cứ Hải quân Ream.

Nhà bình luận Đường Tĩnh Viễn nhận định: Động thái này phát đi một tín hiệu hết sức rõ ràng, đó là ngay cả một quốc gia thân Bắc Kinh như Campuchia cũng đang “cố gắng duy trì một chính sách cân bằng trong những vấn đề địa chính trị và quân sự quan trọng, tránh đứng hẳn về phía Trung Quốc một cách thiên lệch”.

Hàn Quốc mạnh tay ngăn chặn “rửa xuất xứ”

Về phía Hàn Quốc – một quốc gia không mấy thân thiện với Trung Quốc, họ lại càng không khách sáo với Bắc Kinh. Cơ quan Hải quan Hàn Quốc cho biết, gần đây đã phát hiện ngày càng nhiều sản phẩm nước ngoài cố tình giả mạo xuất xứ Hàn Quốc để né tránh thuế quan do Tổng thống Trump áp đặt. Phần lớn những hàng hóa này có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Chỉ trong quý I năm nay, Hàn Quốc đã phát hiện lượng hàng hóa như vậy với giá trị khoảng 20,81 triệu USD, trong khi cả năm ngoái con số này là 24 triệu USD.

“Điều này cho thấy hiện tượng hàng hóa Trung Quốc ‘rửa xuất xứ’ qua Hàn Quốc đang gia tăng mạnh. Ngoài ra, Hàn Quốc đang mạnh tay kiểm soát và hoàn toàn không khoan nhượng. Họ quyết không để vì chút lợi nhuận nhỏ mà ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thuế quan đang diễn ra với Mỹ.”

Vị thế của ông Tập trong Đảng đang cực kỳ lung lay?

Nhà bình luận chính trị Trần Phá Không hiện sống ở Mỹ, cho biết trong một chương trình truyền thông cá nhân rằng chuyến công du Đông Nam Á của ông Tập Cận Bình cơ bản là thất bại. Việt Nam, Campuchia, và Malaysia đều là thành viên của ASEAN. “Lập trường nhất quán của cả 10 nước ASEAN là không tham gia trả đũa Mỹ, mà chọn đàm phán với Mỹ, thậm chí Việt Nam còn đi đầu tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế bằng 0 với hàng hóa Mỹ.”

Ông Trần cho rằng thất bại lần này của ông Tập có thể sẽ ảnh hưởng đến vị thế của ông ta trong nội bộ Đảng. “Vì lần này ông Tập ra nước ngoài, rất nhiều chuyên gia, học giả và con cháu các ‘Hồng Nhị Đại’ (thế hệ đỏ thứ hai) trong nước đã công khai chỉ trích, mỉa mai. Họ cho rằng việc đối đầu, phát động chiến tranh thương mại với Mỹ là hành động ngu xuẩn và chắc chắn sẽ thất bại”.

Nhà kinh tế học Hướng Tùng Tác (Xiang Songzuo) đã công khai chỉ ra rằng ngành sản xuất của Trung Quốc đã chiếm tới 32% toàn cầu, nếu tiếp tục phát triển sẽ chiếm tới 45%.  “Ngành sản xuất Trung Quốc đã đạt đến quy mô gần một nửa thế giới như vậy, làm sao Mỹ và các nước khác có thể chấp nhận được? Các ngành sản xuất của các nước khác liệu còn sống nổi không? Kinh tế của họ có còn phát triển được không? Cho nên điều này là không thể.”

Tiếng nói mạnh mẽ của Hướng Tùng Tác được nhiều người cho là một lời cảnh tỉnh gửi đến lãnh đạo hiện tại, kêu gọi đừng cứng rắn, liều lĩnh và hành động một cách ngu ngốc.

Ông Trần Phá Không kết luận: “Từ đây có thể thấy rõ, hiện nay không còn ai thực sự sợ ông Tập Cận Bình nữa, cũng không sợ ông ta có trả đũa hay không, vì mọi người đều biết rằng vị thế của ông trong Đảng đang cực kỳ lung lay.”