Bộ Trưởng Nội chính Đài Loan: 70% ma túy tại Đài Loan đến từ Trung Quốc
- Thanh Vân
- •
Gần đây giới chức Đài Loan đã tổ chức báo cáo chuyên đề liên ngành về vấn đề ma túy, theo đó chỉ ra dù Đài Loan có chính sách chống ma túy mạnh mẽ, nhưng do Bắc Kinh gây nhiều trở ngại trong quan hệ quốc tế của Đài Loan khiến giúp đỡ chống ma túy từ quốc tế đối với Đài Loan bị hạn chế, trong khi một số lượng lớn ma túy tại Đài Loan bắt nguồn từ Trung Quốc Đại lục.
Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin hôm 17/10 cho biết, Ban Nội chính Viện Lập pháp Đài Loan đã mời Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Phúc lợi Y tế, Bộ Giáo dục cùng một số Bộ khác tham gia báo cáo chuyên đề liên quan đến chiến lược cụ thể truy nã ma túy. Bộ trưởng Nội chính Từ Quốc Dũng (Hsu Kuo-yung) nói rằng Đài Loan đã luôn luôn áp dụng chính sách “không khoan nhượng” đối với ma túy, ông cũng bác bỏ cáo buộc trước đó của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chỉ ra Đài Loan là “một trong những nguồn ma túy tại Philippine”, vì điều này không đúng sự thật.
Số lượng lớn ma túy tại Đài Loan đến từ TQ Đại lục
Ông Từ Quốc Dũng chỉ ra rằng trong công tác chống ma tuý thì vấn đề hợp tác quốc tế là rất quan trọng, do đó Cơ quan Cảnh chính Đài Loan và Bộ Tư pháp đã luôn cử người thường trực tại một số nước làm đầu mối liên lạc và để giúp cắt đứt hệ thống lưu thông ma túy, tuy nhiên “Bắc Kinh luôn cản trở Đài Loan tham gia trong các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol).”
Ông Từ Quốc Dũng bày tỏ hy vọng rằng Bắc Kinh chấm dứt cản trở Đài Loan tham gia trong các tổ chức quốc tế, bởi vì “sự tham gia của Đài Loan cũng giúp đỡ cho họ (Trung Quốc Đại lục)”.
Bên cạnh đó, trả lời câu hỏi về nguồn gốc của những loại ma túy được đưa vào Đài Loan, ông Từ Quốc Dũng cho biết, tại Đài Loan 70% ma túy là có nguồn gốc từ Trung Quốc, ngoài ra các loại ma túy được sản xuất từ các nước Đông Nam Á và buôn lậu vào Đài Loan cũng nhiều hơn so với lượng ma túy được sản xuất tại Đài Loan.
Khi được hỏi về việc liệu hai bờ eo biển (Đài Loan và Trung Quốc) có “cơ chế hợp tác chống tội phạm” không, người phụ trách cơ quan Cảnh chính Đài Loan là Trần Gia Khâm (Chenjia Qin) cho biết, nhìn chung hiện nay hai bên hợp tác chặt chẽ trong ngăn chặn băng nhóm lừa đảo, còn trong vấn đề ma túy cũng “đang thực hiện”. Ông nhấn mạnh “cuộc chiến chống ma túy năm nay rất mạnh, từ những trường hợp gần đây cho thấy ma túy không được chuyển giao hoặc sản xuất từ Đài Loan”.
Còn Ủy viên Lập pháp Đài Loan Quản Bích Linh (Kuan Bi-ling) của đảng Dân tiến thì cho biết, số người trong giới lao động yếu thế dễ bị tổn thương tại Đài Loan dùng ma túy tăng qua các năm, mỗi năm tăng khoảng 2.000 người, còn đối với dân số già rơi vào vòng nghiện ma túy tăng gần ba lần qua ba năm, bà kêu gọi các nhà chức trách phải chú ý đến vấn đề này.
Vào tháng Ba năm nay Viện Hành chính Đài Loan đã thông qua “Chiến lược chống ma túy thế hệ mới”, qua đó trong bốn năm sẽ đầu tư kinh phí 10 tỷ Đài Tệ để giải quyết tệ nạn ma túy.
Năm 2017, các nhà chức trách Đài Loan đã tịch thu hơn 6 tấn ma túy, và thống kê cho thấy 26,1% đến từ Trung Quốc Đại lục, trong đó loại ma túy cấp một (heroin) là 771 kg, ma túy cấp hai (amphetamine) là 1047,6 kg, ma túy cấp ba (ketamine) là 1274,8 kg, cấp bốn (ephedrine) là 3356,6 kg – nguồn may túy lớn nhất tại Đài Loan. Giới chức Đài Loan cho biết hiện chưa rõ số ma túy nguồn gốc Trung Quốc Đại lục năm nay có tăng hay không.
Chuỗi cung ứng ma túy tại TQ Đại lục khó lường, khó kiểm soát
Trong thực tế, Trung Quốc Đại lục cũng đang phải đối mặt với vấn đề ma túy ngày càng nghiêm trọng. Năm ngoái có người trong giới truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, tình trạng tệ nạn ma túy phát triển mạnh ở một số nơi đã đến mức báo động, đặc biệt là những vùng nông thôn: “Một số vùng nông thôn khi tổ chức việc tang hay việc hỉ cũng đều dùng loại chất độc này, họ hút giống như hút thuốc”.
Ở nhiều vùng nông thôn Trung Quốc Đại lục để có được ma túy là vấn đề khá dễ dàng, “chỉ cần gọi điện thoại là nửa giờ sau có người mang tới, còn nhanh hơn mua phần mềm”. Ma túy không chỉ phổ biến trong giới trẻ và dân số cơ sở, còn đang nổi lên trong giới cán bộ, nghệ sĩ, như một chia sẻ của tờ Tân Hoa xã cho biết chỉ tính sơ qua ở Hành Dương tỉnh Hồ Nam năm ngoái đã xử lý 61 quan chức dùng ma tuý, họ thuộc nhiều ban ngành khác nhau.
Tuy nhiên, chuỗi cung ứng ma túy ở Trung Quốc Đại lục hiện vẫn là một bí ẩn, không có cách nào biết được từ quy mô cho đến các kênh rao bán, vì thế để xử lý tệ nạn này là vấn đề vô cùng nan giải, đáng lo ngại nhất là các loại chất gây nghiện này đã kết nối được với những kênh vận chuyển nước ngoài để tiêu thụ tại các nước xa xôi, trong đó Đài Loan là một trong những mục tiêu chính.
Thanh Vân
Xem thêm:
Từ khóa ma túy Trung Quốc Đài Loan