Chính phủ Canada hôm thứ Sáu (3/7) đã quyết định đình chỉ hiệp định dẫn độ mà nước này ký với Hồng Kông. Động thái này của Ottawa là để phản đối luật an ninh quốc gia hà khắc mà chế độ Trung Quốc đã ban hành đối với trung tâm tài chính toàn cầu.

p2723475a256304764
Ngày 1/7, người dân Hồng Kông đã xuống đường để phản đối Luật An ninh Quốc gia của ĐCSTQ (Nguồn: Vision Times tiếng Trung).

Theo hãng tin AFP, Bộ Ngoại giao Canada hôm 3/7 đã phát đi tuyên bố cho biết Ottawa cũng đang tạm dừng xuất khẩu thiết bị quân sự nhạy cảm tới Hồng Kông và cập nhật khuyến cáo đi lại để công dân Canada đang di trú tới trung tâm tài chính quốc tế này sẽ biết luật an ninh mới có thể ảnh hưởng đến họ như thế nào.

Canada đặt niềm tin vững chắc vào mô hình một quốc gia, hai chế độ”, AFP dẫn lời Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói hôm 3/7.

Luật an ninh quốc gia Hồng Kông mà Trung Quốc ban hành hôm 30/6 và có hiệu lực từ 1/7 đã hình sự hóa các hành vi lật đổ, ly khai, khủng bố và thông đồng với các thế lực nước ngoài.

Bắc Kinh đã đối mặt với làn sóng chỉ trích mạnh mẽ về luật an ninh mới này. Các chỉ trích đa phần đến từ các quốc gia phương Tây. Họ cho rằng luật an ninh mới sẽ chấm dứt quyền tự trị cao độ của Hồng Kông.

>>10 điểm đáng chú ý về Luật An ninh Hồng Kông

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo chế độ Trung Quốc cho rằng luật an ninh mới sẽ giúp khôi phục ổn định xã hội sau một năm Hồng Kông bị nhấn chìm trong các cuộc biểu tình chống chính phủ và ủng hộ dân chủ. Họ cũng khẳng định luật này sẽ chỉ nhắm đến một số “kẻ gây rối” và không bóp nghẹt tự do của người dân Hồng Kông.

Tuy nhiên, trên thực tế cảnh sát đã bắt đầu bắt giữ người dân sở hữu các lá cờ và băng-rôn biểu tình, trong khi chính quyền Đặc khu Hồng Kông đã nói rõ các quan điểm chính trị của họ, đặc biệt họ liệt những lời kêu gọi độc lập cho Hồng Kông là phạm pháp, vi phạm luật an ninh mới.

AFP dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Canada Francois-Philippe Champagne nói rằng luật an ninh mới đã được chế độ Trung Quốc ban hành theo một tiến trình khép kín, bỏ qua sự tham gia của cơ quan lập pháp, tư pháp và người dân Hồng Kông. Động thái ban hành luật một cách bí mật này của Bắc Kinh là vi phạm các nghĩa vụ mà họ cam kết với quốc tế trong các hiệp định đa phương.

Tiến trình làm luật này cho thấy họ coi thường Luật Cơ bản Hồng Kông và mức độ tự trị cao mà Hồng Kông được hứa hẹn theo mô hình ‘một quốc gia, hai chế độ’”, Bộ trưởng Francois-Philippe Champagne nói.

Bộ trưởng Canada khẳng định: “Vai trò trung tâm tài chính, kinh doanh toàn cầu của Hồng Kông được thiết lập dựa trên nền tảng này. Không có nền tảng này, thì Canada sẽ buộc phải đánh giá lại các thỏa thuận hiện hành [với Hồng Kông]”.

Động thái đình chỉ hiệp định dẫn độ với Hồng Kông là leo thang căng thẳng mới nhất giữa Canada và Trung Quốc. Trong thời gian qua, quan hệ ngoại giao giữa Ottawa và Bắc Kinh đã rớt xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua do liên quan tới việc Canada bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu và Trung Quốc trả đũa bằng cách khép tội nặng các công dân Canada bị cáo buộc vi phạm luật pháp Trung Quốc.

Hôm thứ Ba (30/6), nữ doanh nhân người Canada Tôn Thiến đã bị kết án 8 năm tù tại một tòa án ở Triều Dương, Bắc Kinh.

Theo dữ liệu công khai, bà Tôn Thiến là nhà sáng lập và là phó chủ tịch của một công ty được niêm yết ở Trung Quốc. Bà Tôn từng được ghi danh trong danh sách người giàu nhất Trung Quốc, danh sách Hồ Nhuận, vào năm 2012 và năm 2016, với tài sản trị giá khoảng 2 tỷ USD.

Nữ doanh nhân này đã bị kết án với tội danh “sử dụng tổ chức tín ngưỡng để đe dọa trật tự pháp luật” và đang bị giam giữ tại nhà tù số 1 Bắc Kinh. Đây là một tội danh thường xuyên được sử dụng đối với những học viên Pháp Luân Công, một môn pháp tu luyện phổ biến ở hơn 100 quốc gia nhưng bị cấm và bức hại tại Trung Quốc nơi Pháp Luân Công được truyền ra đầu tiên cho công chúng vào năm 1992.

>>Vì sao 70 triệu người Trung Quốc tập Pháp Luân Công thập niên 1990?

Ngày 18/5 vừa qua, đại sứ quán Canada đã gặp được bà Tôn Thiến và đã nắm được thông tin về việc bà bị tra tấn, tuy nhiên, yêu cầu cung cấp tài liệu vụ án không được bộ công an Trung Quốc đáp ứng.

Phát ngôn viên các vấn đề quốc tế của Canada cho biết: “Canada sẽ tiếp tục theo sát vụ án của bà Tôn và các quan chức Canada đang cung cấp các hỗ trợ lãnh sự cho bà và gia đình“.

Trước đó, hai công dân người Canada, ông Michael Kovrig và ông Michael Spavor đã bị bắt giam ở Trung Quốc, chỉ ít ngày sau khi bà Mạnh Vãn Châu bị bắt ở Canada vào cuối tháng 12/2018. Hai người này chỉ mới bị chính thức buộc tội “gián điệp” thời gian gần đây. Một lần nữa, điều trùng hợp về mặt thời gian là nó xảy ra cũng chỉ ít ngày sau khi bà Mạnh thất bại trong việc kháng cáo lần thứ nhất tại tòa án Canada.

Tuần trước, chính quyền Trung Quốc có gợi ý rằng nếu Canada thả tự do cho bà Mạnh Vãn Châu thì điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến số phận của hai công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor.

Trong buổi họp báo định kỳ hôm thứ Tư (24/6), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên khi trả lời truyền thông Canada đã cho biết: “Điều đó hoàn toàn nằm trong khuôn khổ luật pháp và có thể mở ra một giải pháp cho tình huống của hai người Canada“.

Ông Triệu đang bình luận về việc chính quyền Ottawa có thể can thiệp vào vụ việc dẫn độ bà Mạnh và thả tự do cho bà này để tránh việc bà sẽ bị dẫn độ sang Mỹ xét xử.

Xuân Thành (T/h)

Xem thêm: