Chiến tranh Israel-Hamas buộc hai ông Biden và Netanyahu phải phối hợp cùng nhau
- Nhật Tân
- •
Theo nhận định của Reuters, xung đột của hai láng giềng Israel-Hamas nổ ra cuối tuần qua đã đặt quan hệ vốn không mấy dễ chịu giữa hai vị đứng đầu Mỹ và Israel vào thử thách sâu sắc hơn. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, biết nhau hàng mấy thập kỷ, với những chủ trương không tương hợp về vấn đề Trung Đông, nay đã bị các phiến quân Hamas buộc trở thành đối tác thời chiến, sau khi các chiến binh Hồi giáo từ Gaza của Palestine vượt biên đột kích vào Israel.
Mối quan hệ của Hoa Kỳ với Israel —đồng minh chiến lược và then chốt của Washington ở Trung Đông— đã thiếu sự nồng thắm trong những tháng gần đây, khi Nhà Trắng lặp lại những chỉ trích nhắm vào Israel, phản đối kế hoạch của Chính phủ Netanyahu cực hữu nhằm hạn chế quyền lực của Tòa án Tối cao.
Nhưng mà, sự bất đồng giữa hai nhà lãnh đạo còn sâu sắc hơn.
Với tư cách là Tổng thống, ông Biden thường xuyên nhấn mạnh sự ủng hộ đối với chủ trương các quốc gia Israel và Palestine độc lập. Theo các quan chức chính quyền, ông đã nêu vấn đề này trong mọi cuộc trò chuyện với ông Netanyahu, đồng thời yêu cầu ông này dừng việc mở rộng các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây bị chiếm đóng.
Sau khi trở lại văn phòng vào cuối tháng 12 năm ngoái, ông Netanyahu phản đối việc sớm thành lập một nhà nước của Palestine và đã phê duyệt hàng ngàn đơn vị nhà ở mới cho những người định cư ở Bờ Tây.
Theo báo cáo của Al Jazeera, gần 700 người Palestine, và hơn 900 người Israel đã chết kể từ cuộc chiến khai hỏa hôm Thứ Bảy.
Quan hệ khúc mắc giữa họ cũng đã có từ thời mà ông Biden làm Phó Tổng thống trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Barack Obama. Bấy giờ, ông Netanyahu cố gắng (nhưng đã không thành công) làm hỏng thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 do Mỹ hậu thuẫn.
Mà quân Hamas lại chính là được hậu thuẫn bởi Iran, kẻ thù không đội trời chung của Israel.
Ngoài ra, ông Netanyahu có quan hệ rất hòa hợp và tư tưởng đồng lòng với ông Donald Trump —người tiền nhiệm của Tổng thống Biden, và là đối thủ lớn tiềm năng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 sắp tới— và cũng là người chia sẻ tư tưởng cánh hữu cùng ông Netanyahu, kèm những ủng hộ lâu dài chính sách của Israel.
Ông Netanyahu đã có những phòng ngừa, và ông tránh tỏ ra bản thân đứng về phía nào trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ đang diễn ra.
Tổng thống Joe Biden cam kết ủng hộ “mọi thứ Israel cần” (everything it needs).
Sau cuộc tấn công cuối tuần của Hamas —cuộc tấn công có tính phá hoại nhất kể từ các cuộc tấn công của Ai Cập và Syria trong cuộc chiến Yom Kippur 50 năm trước— ông Biden đã đặt những bất đồng quá khứ sang một bên, để tiến hành nhiều cuộc điện đàm với ông Netanyahu, nói rằng nhóm của ông sẽ cung cấp cho Israel “mọi thứ Israel cần” (everything it needs) để chống lại cuộc tấn công của nhóm chiến binh Hamas, theo tường thuật của một quan chức cao cấp trong chính quyền.
Tổng thống Biden đảm bảo với Thủ tướng Netanyahu về sự hỗ trợ “vững chắc” của Mỹ, tăng cường củng cố kho vũ khí quân sự của Israel, và phái nhóm tàu sân bay cùng dàn máy may khủng đến lân cận Israel để thể hiện sự trợ uy.
Trong các tuyên bố công khai của mình, ông Biden vẫn chưa nói rằng Israel nên thể hiện sự kiềm chế trong phản ứng quân sự hoặc bày tỏ mối quan ngại của Mỹ về số phận người dân Palestine. Như vậy, đó là có sự thay đổi về thái độ, khác với phản ứng thường gặp của Nhà Trắng trước đây về vấn đề Palestine.
“Tổng thống nhấn mạnh rằng không có bất kỳ lời biện minh nào cho chủ nghĩa khủng bố và tất cả các nước phải đoàn kết trước những hành động tàn bạo tàn bạo như vậy”, Nhà Trắng nói về cuộc gọi thứ hai của ông Biden tới ông Netanyahu vào Chủ Nhật.
Mối quan tâm về bức tranh rộng hơn về chiến tranh
Ông Biden đã chỉ đạo nhóm của mình tiếp cận với các đối tác ở vùng Vịnh và các nước láng giềng, để cố gắng ngăn chặn vòng xoáy dẫn đến một cuộc chiến rộng lớn hơn, đặc biệt tập trung vào việc ngăn chặn nhóm Hezbollah của Lebanon do Iran hậu thuẫn mở mặt trận thứ hai ở biên giới phía Bắc của Israel, theo các quan chức chính quyền cho hay.
Tuy là như thế, nhưng các chuyên gia chính sách đối ngoại dự đoán rằng mặc dù bây giờ ông Biden dường như đã để ông Netanyahu được tự do ‘đại triển thủ cước’, nhưng những khác biệt về chính sách vẫn còn đó, và ông Biden có thể thay đổi hướng đi nếu số người chết ở Gaza tăng thêm nhiều và giao tranh kéo dài.
Các kênh truyền hình Israel cho biết số người chết ở nước này trong vụ tấn công của Hamas đã lên tới 900.
Tại Gaza do Hamas kiểm soát, Israel đã tiến hành các cuộc tấn công trả đũa mạnh mẽ nhất từ trước đến nay, khiến hơn 500 người thiệt mạng kể từ Thứ Bảy (con số do Reuters báo cáo).
“Dần dần theo thời gian, nếu xung đột kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng, một số đồng minh của Mỹ sẽ mất kiên nhẫn và công khai kêu gọi chấm dứt xung đột. Khi đó, bạn có thể thấy Mỹ quay lại nói chuyện với Israel để cố gắng thuyết phục Jerusalem đồng ý đưa cuộc chiến đến hồi kết”, theo ông Jonathan Panikoff, cựu phó quan chức tình báo quốc gia của Chính phủ Mỹ tại Trung Đông, hiện đang làm việc tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương.
Ông Biden cũng phải đối mặt với thách thức tiềm ẩn trong việc đảm bảo thả một số lượng người Mỹ mất tích chưa xác định, có thể bị Hamas bắt giữ làm con tin.
Bộ trưởng Israel tuyên bố “phong tỏa hoàn toàn” Gaza —gồm cả điện, nước, thực phẩm, dầu khí— và gọi kẻ thù là “súc vật” (như một video lưu hành trên mạng xã hội), khi Israel oanh tạc Gaza. Các cơ sở tị nạn của LHQ tuyên bố đã tràn đầy người Palestine. Phe Hamas tuyên bố sẽ giết con tin.
Ở trong nước, ông Biden phải đối mặt với áp lực từ cả cánh hữu và cánh tả, khi những người theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội cáo buộc ông đã khuyến khích Iran bằng một thỏa thuận trao đổi tù nhân gần đây, điều mà các trợ lý của tổng thống cực lực phủ nhận.
“Nếu Tổng thống Biden có thể sát cánh với Ukraine “đến cùng” (as long as it takes), thì tôi hy vọng Tổng thống Biden cũng có thể sát cánh với Israel “đến cùng” (as long as it takes),” Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton —một người có quan điểm diều hâu (hiếu chiến) về chính sách đối ngoại— nói trên chương trình “Sunday Morning Futures” của Fox News.
Một số thành viên Đảng Dân chủ, trước các cuộc tấn công, đã yêu cầu ông Biden xem xét kỹ lưỡng xem liệu Israel có xứng đáng với gói viện trợ quân sự trị giá hàng tỷ đô la mà nước này nhận được mỗi năm hay không, đồng thời kêu gọi ông làm nhiều hơn cho người Palestine.
Nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel đầy quyền lực, đứng đầu là AIPAC, là thế lực lớn trong chính trường Mỹ, thường xuyên ủng hộ ông Netanyahu, và có nhiều kỳ vọng rằng họ sẽ đóng vai trò trong cuộc bầu cử năm 2024.
Zionism — Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái
Ông Biden (80 tuổi), tự gọi mình là người “Zionist”, và cả hai ông —Biden và Netanyahu (73 tuổi)— đều nói giữa họ có một tình bạn lâu dài vì cùng chung chí hướng này.
Nhưng thực tế trong suốt năm nay cho thấy, ông Biden đã nhiều tháng không nói chuyện với ông Netanyahu. Nhà lãnh đạo Israel không hài lòng khi phải đến ngày 20/9 mới có cuộc gặp trực tiếp với ông Biden, hơn nữa cuộc gặp không phải ở Nhà Trắng mà ở một khách sạn ở New York, một cuộc gặp gỡ bên lề sự kiện năm nay của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Ở đó, ông Biden bày tỏ lo lắng về nhu cầu ổn định ở Bờ Tây và bạo lực của người định cư đã làm gia tăng căng thẳng với người Palestine, theo lời kể của một quan chức chính quyền cấp cao.
Họ dường như đã tìm thấy một số điểm chung trong nỗ lực của Mỹ, nhằm môi giới một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, để mở ra quan hệ ngoại giao giữa hai kẻ thù lâu năm là Israel và Ả Rập Saudi.
Nhưng cuộc tấn công của Hamas cuối tuần qua đã giáng một đòn nặng nề vào nỗ lực đó, khiến tương lai của nỗ lực đó trở nên bất định.
Ông Aaron David Miller, chuyên gia về Trung Đông tại Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nói rằng mặc kệ những quan hệ giữa hai ông Biden và Netanyahu diễn ra thế nào, thì “người dân Israel và an ninh của Israel đã [là vấn đề] ăn sâu vào trong gen DNA của ông Biden”.
“Ông Biden không yêu Bibi Netanyahu,” ông nói, sử dụng biệt danh của Thủ tướng. “Nhưng ông ấy yêu nhà nước Israel, yêu người dân Israel, và ông ấy sẽ làm mọi thứ có thể để bảo vệ người dân Israel.”
Nhật Tân
Từ khóa dải Gaza Xung đột Israel - Hamas xung đột ở Dải Gaza Benjamin Netanyahu Joe Biden Hamas