Chiến tranh thương mại Úc – Trung: Kinh tế Úc hồi phục mạnh mẽ
- Văn Long
- •
Trong năm qua, chính quyền Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc chiến thương mại chống lại Úc, nhằm trả đũa việc chính phủ Úc yêu cầu truy tìm nguồn gốc của virus viêm phổi Vũ Hán. Dữ liệu mới nhất từ Cục Thống kê Úc cho thấy nền kinh tế và xuất khẩu của nước này đã phục hồi mạnh mẽ.
Trong quý 4 năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế điều chỉnh của Úc là 3,2%. Trước khi công bố số liệu quý I /2021, các nhà kinh tế đã dự đoán tốc độ tăng trưởng là 1,5%. Tuy nhiên, số liệu ngày 2/6 cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế thực tế là 1,8%, một con số vượt quá mức kỳ vọng.
Số liệu của Cục Thống kê Úc cho thấy, xuất khẩu ngoại thương cũng tăng toàn diện. Điều này đã hóa giải triệt để các lệnh trừng phạt thương mại mà chính quyền Bắc Kinh áp đặt.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Năm ngoái, sau khi Trung Quốc quyết định đóng cửa thị trường đối với nhiều mặt hàng của Úc, như rượu vang, lúa mạch, thịt bò, đồng, đường, tôm hùm, gỗ và các sản phẩm khác, Úc đã nỗ lực mở rộng sang các thị trường thay thế mới và đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực này.
Về vấn đề xuất khẩu than được công luận chú ý, Úc đã không thể xuất khẩu than sang Trung Quốc trong 4 tháng liên tiếp. Tuy nhiên, chỉ trong tháng Tư, lượng xuất khẩu than của Úc sang Ấn Độ đã phá vỡ kỷ lục thương mại than giữa hai nước. Lượng xuất khẩu than của Úc trong tháng Tư năm nay là 15,7 triệu tấn, tăng 20% so với 13,1 triệu tấn trong tháng Ba.
Việc Úc thiếu thị phần xuất khẩu than sang Trung Quốc đã được bù đắp một phần nhờ việc tăng xuất khẩu than sang Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Khi mở rộng thị trường xuất khẩu than, Úc chú ý nhiều hơn đến các thị trường Indonesia, Thái Lan, Hà Lan, Malaysia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Philippines và Pakistan.
Việc Úc loại Huawei khỏi danh sách các nhà cung cấp thiết bị mạng 5G vì lý do an ninh quốc gia, đã làm dấy lên sự bất mãn đối với chính quyền Bắc Kinh. Bắc Kinh sau đó đã viện nhiều lý do khác nhau, như chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp, để áp đặt các hạn chế hoặc lệnh cấm nhập khẩu, đối với các mặt hàng của Úc, bao gồm than và lúa mạch. Điều này khiến người dân lo ngại rằng nền kinh tế Úc sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng.
Theo thống kê của Viện Lowy của Úc, năm 2019, tổng giá trị của những mặt hàng Úc xuất khẩu sang Trung Quốc là khoảng 25 tỷ USD, chiếm 1,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Kể từ quý 4 năm ngoái, giá nhiều mặt hàng tiếp tục tăng mạnh. Giá của một số mặt hàng liên tiếp đạt mức cao mới, đã thu hút sự chú ý của toàn cầu. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho rằng đợt tăng giá hiện nay là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố truyền tải quốc tế. Nhưng cũng có nhiều khía cạnh phản ánh tình trạng đầu cơ quá mức, phá vỡ chu kỳ sản xuất và bán hàng bình thường, điều này đã góp phần làm tăng giá.
Tuy nhiên, giới quan sát chỉ ra rằng điều mà Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc không đề cập đến, là việc chính quyền Bắc Kinh sử dụng thương mại như một vũ khí để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nước khác. Chính điều này đã trực tiếp góp phần khiến giá hàng hóa tăng nhanh. Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với những mặt hàng này, và việc hạn chế nhập khẩu những mặt hàng này đã gây ra một sự hoảng loạn lớn trên thị trường Trung Quốc và góp phần làm tăng giá.
Ông Nhâm Trọng Đạo, một nhà nghiên cứu tại Tổ chức tư vấn Chính trị và Kinh tế, chỉ ra rằng chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã cố gắng sử dụng thương mại để tấn công Úc. Trong trường hợp giá than và quặng sắt tăng, họ đã vác đá tự đập chân mình.
Ông Michael McCormack, Phó Thủ tướng Úc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào tháng 5, rằng Úc đang tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của mình. Ông cũng đưa ra một ví dụ rằng Úc đã xuất khẩu thuyền lúa mạch đầu tiên của mình sang Mexico.
Ông Dan Tehan, Bộ trưởng Thương mại Úc, tuần trước cho biết Úc sẽ yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới thành lập một nhóm giải quyết tranh chấp, nhằm giải quyết các hạn chế của Trung Quốc đối với nhập khẩu lúa mạch của Úc.
Ngày 2/6, ông Tehan cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, rằng Úc cũng đang xem xét liệu có nên tìm kiếm sự can thiệp của Tổ chức Thương mại Thế giới để giải quyết các hạn chế của Trung Quốc đối với nhập khẩu rượu vang của Úc hay không.
Văn Long, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Mối quan hệ Úc - Trung tranh chấp thương mại Úc - Trung Kinh tế Úc