Chính phủ Pháp gần như chắc chắn sẽ sụp đổ vào cuối tuần này sau khi các đảng cực hữu và cánh tả đệ trình các động thái bất tín nhiệm vào thứ Hai (2/12) chống lại Thủ tướng Michel Barnier.

Michel Barnier
Lễ chuyển giao quyền lực thủ tướng Pháp giữa ông Gabriel Attal (không có trong ảnh) và ông Michel Barnier tại Khách sạn de Matignon, Paris vào ngày 5 tháng 9 năm 2024. (Ảnh: Antonin Albert/Shutterstock)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bổ nhiệm ông Michel Barnier làm thủ tướng vào tháng Chín, khiến đảng cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NPF) tức giận. Trước đó, chính ông Macron đã lợi dụng NPF để cản đường chiến thắng đa số của Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cánh hữu trong cuộc bầu cử quốc hội sớm vào mùa hè này. Chính phủ thiểu số do Tổng thống Macron hậu thuẫn đã bám lấy quyền lực bằng cách kích động NPF và RN chống lại nhau kể từ đó.

Tuy nhiên, một dự luật ngân sách sắp tới đã buộc các phe phái trong quốc hội Pháp vào cuộc xung đột công khai. Lãnh đạo RN Jordan Bardella nói với đài phát thanh RTL vào thứ Hai (2/12) rằng gói ngân sách do Thủ tướng Barnier đề xuất là “một hình phạt” sẽ khiến người Pháp trở nên nghèo hơn, và đảng RN cánh hữu sẽ bỏ phiếu chống lại chính phủ “trừ khi có phép màu vào phút chót“.

Pháp là nền kinh tế lớn thứ hai trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu nhưng đang gánh “một núi nợ“, theo Politico, trong khi “chính phủ của họ chưa bao giờ mong manh như vậy và quốc hội của họ cũng chưa bao giờ chia rẽ như vậy trong một thế hệ“.

Chính phủ của Thủ tướng Barnier cần Quốc hội phê duyệt ngân sách an sinh xã hội của năm tài khoá 2025 để tránh cả khủng hoảng chính trị và tài chính. Thâm hụt của Pháp được cho là sẽ đạt 6,1% GDP vào năm tới. Đề xuất ban đầu của ông Barnier là cắt giảm chi tiêu 40 tỷ euro (41,87 tỷ USD) và tăng 20 tỷ euro tiền thuế. Theo Politico, vấn đề của ông Barnier là cả hai lựa chọn để thông qua ngân sách đều cần phải nhận được sự hợp tác từ RN.

Đảng cánh hữu RN đang thúc đẩy một cuộc mặc cả khó khăn. “Lằn ranh đỏ” của họ bao gồm việc hủy bỏ đề xuất tăng thuế điện và huỷ bỏ kế hoạch trì hoãn điều chỉnh lạm phát hàng năm đối với lương hưu. NR cũng muốn chính phủ “cắt giảm mạnh” dịch vụ chăm sóc sức khỏe do nhà nước tài trợ cho những người nhập cư bất hợp pháp và đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) để giảm đóng góp tài chính của Pháp cho khối này.

Theo Politico, nhà lập pháp NR nổi tiếng Marine Le Pen cũng muốn giành chiến thắng mang tính biểu tượng, vì ông Barnier đã trình bày những nhượng bộ không liên quan đến các yêu cầu mà NR đưa ra.

Họ muốn phiếu bầu của chúng tôi, nhưng không muốn khuôn mặt của chúng tôi gắn liền với họ“, bà Le Pen nói với AFP vào cuối tuần trước. Bà gọi thái độ của ông Barnier trong các cuộc đàm phán là “cực kỳ hẹp hòi và bè phái” và cho biết thủ tướng có thời hạn đến thứ Hai (2/12) để đáp ứng các yêu cầu của NR nếu không sẽ phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Theo Reuters, phát biểu với báo giới tại Quốc hội Pháp hôm thứ Hai (2/12), bà Marine Le Pen tuyên bố: “Đã quá đủ với nước Pháp rồi“. Bà nói rằng ông Barnier đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn và cần phải bị đẩy ra. “Chúng tôi đang đề xuất một động thái bất tín nhiệm đối với chính phủ“, bà nói.

Về phần mình, Thủ tướng Barnier đã lên tiếng kêu gọi các nhà lập pháp không ủng hộ cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Chúng ta đang ở thời điểm của sự thật… Người Pháp sẽ không tha thứ cho chúng ta vì đã đặt lợi ích của cá nhân lên trên tương lai của đất nước“, ông Barnier nói khi ông đang đặt số phận của chính phủ vào tay quốc hội chia rẽ.

Đối mặt với sự phủ nhận dân chủ lần thứ n này, chúng tôi sẽ khiến trách chính phủ“, ông Mathilde Panot của đảng cánh tả France Unbowed cho biết. “Chúng ta đang sống trong hỗn loạn chính trị vì chính phủ của Michel Barnier và nhiệm kỳ tổng thống của Emmanuel Macron“.

Trừ khi có bất ngờ vào phút chót, liên minh mong manh của Thủ tướng Barnier sẽ là chính phủ Pháp đầu tiên bị buộc phải rời đi bằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ năm 1962.

Một sự sụp đổ của chính phủ Pháp sẽ để lại một lỗ hổng ở trung tâm châu Âu, với Đức cũng đang trong chế độ bầu cử, vào thời điểm chỉ còn vài tuần nữa là Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump chính thức tiếp quản Nhà Trắng.

Nếu cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thực sự diễn ra, Thủ tướng Barnier sẽ phải đệ đơn từ chức nhưng Tổng thống Macron có thể yêu cầu ông và chính phủ của ông tiếp tục giữ vai trò tạm quyền để giải quyết công việc hàng ngày trong khi ông tìm kiếm một thủ tướng mới.

Một lựa chọn nữa là ông Macron sẽ chỉ định một chính phủ gồm các nhà kỹ trị không có chương trình chính trị, hy vọng điều đó có thể giúp vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Trong mọi trường hợp, cũng sẽ không thể có cuộc bầu cử quốc hội sớm mới nào trước tháng 7 năm 2025.

Về mặt ngân sách, nếu quốc hội không thông qua vào ngày 20 tháng 12, chính phủ lâm thời có thể viện dẫn các quyền hiến định để thông qua bằng sắc lệnh.

Tuy nhiên, điều đó sẽ rất rủi ro vì có một vùng xám pháp lý về việc liệu chính phủ lâm thời có thể sử dụng các quyền như vậy hay không. Và điều đó chắc chắn sẽ gây ra sự phản đối từ phía đối lập.

Một động thái có khả năng xảy ra hơn là chính phủ lâm thời sẽ đề xuất luật khẩn cấp đặc biệt để gia hạn giới hạn chi tiêu và các điều khoản thuế từ năm nay. Nhưng điều đó có nghĩa là các biện pháp tiết kiệm mà Thủ tướng Barnier đã lên kế hoạch sẽ bị bỏ qua.

Hải Đăng (T/h)