Sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Garland vì tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh, chính quyền Paris cho biết họ sẽ tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của mình, nhưng từ chối bình luận về việc có nên bắt giữ hay không khi họ xuất hiện trên lãnh thổ Pháp. Hôm 27/11 sau khi bị dư luận thúc ép, Pháp cuối cùng đã nêu rõ quan điểm của mình, trích dẫn Điều 98 của Quy chế Rome và nói rằng Netanyahu sẽ được hưởng quyền miễn trừ khi ông xuất hiện ở Pháp với lý do Israel không phải là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế. Tuyên bố của Pháp đã vấp phải nhiều chỉ trích trong những ngày gần đây.

Benjamin Netanyahu
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tham dự cuộc họp nội các hàng tuần tại văn phòng của ông ở Jerusalem vào ngày 27/9/2023. (Ảnh ABIR SULTAN/POOL/AFP, Getty Images)

Nếu giới chính trị Pháp tỏ ra thận trọng khi lên tiếng về vấn đề này, thì thủ lĩnh cấp tiến “Nước Pháp Bất khuất” Mélenchon là một ngoại lệ rõ ràng. Ông đã giận dữ tố cáo hôm 29/11: “Pháp không phải là nơi lánh nạn của tội phạm!”

Tuy nhiên, tuyên bố của Chính phủ Pháp đã gây ra sự chỉ trích gay gắt từ cộng đồng pháp luật, các tổ chức nhân quyền và một số cơ quan truyền thông. Ví dụ, tờ Le Monde chỉ trích trong một bài xã luận có tiêu đề “Luật pháp quốc tế và chủ nghĩa cơ hội” vào ngày 30/11, “Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ được hưởng quyền miễn trừ nếu ông thăm Pháp. Điều này có thể được Israel diễn giải như một tấm ‘séc trống’ để tiếp tục tiến hành cuộc chiến ở Gaza.”

Tờ báo đặt câu hỏi, lẽ nào luật pháp quốc tế có thể điều chỉnh theo nhu cầu ngoại giao? Bài xã luận phân tích rằng mặc dù mối quan hệ giữa Thủ tướng Israel và Tổng thống Pháp nhiều nhất có thể được mô tả là lạnh lùng, nhưng nước Pháp lại tạo ấn tượng cho mọi người là nhượng bộ dưới áp lực mà không màng đến nguyên tắc. Không còn nghi ngờ gì nữa, người Lebanon rất muốn Paris tham gia ủy ban giám sát ngừng bắn để tránh bị gạt ra ngoài lề bởi trục liên kết chặt chẽ của nhà nước Do Thái với Mỹ. Pháp cũng có thể lập luận rằng lệnh bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Garland sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyền miễn trừ này và quyền miễn trừ này sẽ biến mất sau khi ông Netanyahu rời nhiệm sở. Tuy nhiên, những yếu tố này cũng phải được tính đến vì tác động có hại của chúng đối với luật pháp quốc tế, bởi vì mục đích ban đầu của nó là đảm bảo rằng tất cả các nhà lãnh đạo đều phải chịu trách nhiệm.

Bài xã luận lo ngại Israel có thể coi động thái của Pháp là tấm séc trống để tiếp tục cuộc chiến ở Gaza, qua đó một lần nữa khiến triển vọng ngừng bắn trở nên viển vông, dù lệnh ngừng bắn đang cấp bách hơn bao giờ hết. Một lệnh ngừng bắn như vậy sẽ chấm dứt sự đau khổ của thường dân Palestine, đồng thời cho phép thả những con tin Israel cuối cùng vẫn bị giam giữ ở đó. Điều không may đó là, không còn nghi ngờ gì nữa, dưới áp lực từ phe cực hữu theo chủ nghĩa tối cao và đấng cứu thế do liên minh cầm quyền của Israel đại diện, hai mục tiêu này không còn được coi là ưu tiên nữa.

Bài viết kết luận: Cuộc trao đổi đáng hổ thẹn này gây nghi ngờ về tính chân thành trong những tuyên bố ủng hộ công lý quốc tế trước đây của Pháp, khiến Pháp phải dùng hình tượng của mình để trả một cái giá đắt, nhưng đổi lại là một kết quả không chắc chắn.

Lý do nào khiến Pháp nghĩ ông Netanyahu được hưởng quyền miễn trừ? Điều này đòi hỏi phải hiểu rõ các quy định liên quan của Tòa án Hình sự Quốc tế. Điều 27 của Quy chế Rome năm 1998 thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế quy định rằng “thân phận chính thức của nguyên thủ quốc gia hoặc đầu não chính phủ (…) trong bất cứ tình huống nào đều không miễn trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của Quy chế này”, “Luật quốc gia hoặc luật quốc tế có thể trao quyền miễn trừ hoặc quy tắc thủ tục đặc biệt cho một cá nhân với tư cách chính thức, nhưng điều này không nên cản trở tòa án thực thi quyền tài phán đối với người đó”.

Mặt khác, Điều 98 của Quy chế Rome quy định các trường hợp ngoại lệ liên quan đến việc bắt giữ và chuyển giao các quan chức không phải là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế, như trường hợp của Israel, và đưa ra khả năng giải thích khác. Quan điểm của Pháp dựa trên bài viết này.

Tuy nhiên, liên quan đến Điều 98 Quy chế Rome, các chuyên gia pháp lý để cập đến một số phán quyết của Tòa án Hình sự Quốc tế, trong đó có phán quyết ngày 24/10 năm ngoái. Phòng Tiền thẩm của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) khi đề cập đến việc Mông Cổ, một quốc gia ký kết “Quy chế Rome”, từ chối bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin trên lãnh thổ của mình, đã tái khẳng định rằng “không thể viện dẫn quyền miễn trừ cá nhân, bao gồm cả quyền miễn trừ dành cho nguyên thủ quốc gia, trước Tòa án Hình sự Quốc tế. Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ bắt giữ và chuyển giao những cá nhân bị lệnh bắt của ICC nhắm đến, bất kể chức vụ chính thức hay quốc tịch của họ”. Năm 2017, Phòng Tiền thẩm ICC đã đưa ra phán quyết tương tự đối với Nam Phi, một quốc gia thành viên ICC đã không bắt giữ Tổng thống Sudan Bashir trên đất nước này vào năm 2015.

AFP đưa tin, nhiều chuyên gia pháp lý tin rằng quyết định của Pháp là không có cơ sở. Chuyên gia luật hình sự quốc tế Clémence Becarte cho biết: “Bất kỳ quốc gia thành viên nào tham gia Quy chế Rome đều có nghĩa vụ pháp lý rõ ràng trong việc thực thi lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế”, “Nghĩa vụ đối với Tòa án Hình sự Quốc tế sẽ cao hơn bất kỳ nghĩa vụ hoặc cân nhắc nào khác.”

Tổ chức Ân xá Quốc tế nhấn mạnh rằng Pháp phải thực hiện “các nghĩa vụ cơ bản của mình với tư cách là một quốc gia thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế”. Bà Bénédicte Jeannerod, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Pháp, gọi quan điểm của Pháp là “đáng báo động sâu sắc”. Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế lên án: “Lệnh bắt giữ do Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành là không thể thương lượng, mặc cả” và quyết định của Pháp “làm suy yếu luật pháp quốc tế một cách nguy hiểm”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin là mục tiêu của lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế kể từ năm 2023 vì tội ác chiến tranh trục xuất trẻ em Ukraine. Cựu Tổng thống Sudan Bashir bị Tòa án Hình sự Quốc tế ra lệnh bắt giữ vào năm 2009 và 2010 vì phạm tội chống lại loài người ở Darfur.

Cả Nga và Sudan đều không phải là thành viên của ICC, nhưng Pháp chưa bao giờ công khai nêu vấn đề về quyền miễn trừ của các nhà lãnh đạo.  Trước đó, khi Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ ông Putin, Paris đã ca ngợi quyết định này là “cực kỳ quan trọng”.

Bà Balkees Jarrah, chuyên gia tư pháp quốc tế tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết: “Pháp không thể có lập trường này đối với Putin, có lập trường khác đối với Netanyahu”. Bà lên án hành động này của Paris là “chính sách đáng xấu hổ, phân biệt đối xử tùy theo đối tượng”.