Chuyện đời của á quân Olympic rước đuốc nhân quyền phản đối Olympic Bắc Kinh 2008
- Minh Nhật
- •
14 năm về trước, vào tối ngày 9/8/2007, để nâng cao nhận thức và kêu gọi tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2008, một liên minh các nhà ủng hộ nhân quyền đã tổ chức buổi lễ mở màn cho cuộc hành trình “Ngọn đuốc Nhân quyền Vòng quanh Thế giới” tại quảng trường Syntagma trước Cung điện Hoàng gia Hy Lạp tại Athens, cái nôi của Thế vận hội. Á quân Olympic 1964 đã trở thành đại diện của châu Úc, chuyển tiếp ngọn đuốc nhân quyền qua 67 thị trấn và vùng ngoại ô ở bang Victoria, quê hương bà.
“Tôi phải đứng lên. Rất nhiều người đã tham gia. Ở nhiều thị trấn, có các thị trưởng, nghị sĩ, truyền thông, các nhà lãnh đạo tín ngưỡng, khối trường học, và những người ủng hộ nhân quyền; đã có rất nhiều báo cáo và rất nhiều điều xảy ra trong suốt cuộc rước đuốc đó”, bà Jan Becker, người giành huy chương bạc cho bộ môn bơi tiếp sức tự do cự ly 100 mét tại Thế vận hội Tokyo chia sẻ.
Ngọn đuốc nhân quyền kêu gọi tự do và chính nghĩa
Bấy giờ là thời điểm Bắc Kinh đang nỗ lực tuyên truyền cho Thế vận hội Mùa hè 2008 của mình. Lần đầu tiên quốc gia cộng sản này được đăng cai Olympic, giữa thời điểm Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chịu rất nhiều chỉ trích về việc đàn áp nhân quyền. Ủy ban Thế vận hội Quốc tế cùng phương Tây vẫn còn đang “ôm mộng” khiến chế độ thay đổi và họ đã trao cho Bắc Kinh một “cành ô-liu”.
Tuy nhiên rất nhiều người không có cùng quan điểm đó. Ngọn đuốc Olympic vốn mang ý nghĩa Thần thánh và thiêng liêng đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng trên hành trình rước đuốc vòng quanh thế giới như một nỗ lực để quảng bá và “tẩy trắng” hình ảnh chế độ. Đây chính là lý do khiến liên minh những người ủng hộ nhân quyền cho Trung Quốc phát động một cuộc rước đuốc nhân quyền đi qua hơn 100 thành phố ở hơn 30 quốc gia khắp châu Âu, châu Mỹ, châu Á và châu Úc.
Ngọn đuốc nhân quyền mang ý nghĩa cao thượng này đã thay thế ngọn đuốc Olympic để kêu gọi chính nghĩa, tự do và hòa bình trên thế giới, kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý tới tình trạng vô nhân đạo và “Thế vận hội Đẫm máu” sắp diễn ra tại Bắc Kinh. Khẩu hiệu được đưa ra là: “Olympic và tội ác chống lại loài người không thể cùng tồn tại ở Trung Quốc”.
Rõ ràng liên minh các nhà hoạt động đã không nhìn lầm. Suốt 14 năm sau, chế độ Bắc Kinh vẫn tiếp tục hồ sơ nhân quyền đáng xấu hổ của nó với những tội ác nhân quyền như thu hoạch tạng từ người tập Pháp Luân Công hay diệt chủng người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
Lịch sử lặp lại
Năm 2007, trong phong trào rước đuốc nhân quyền mà người Hoa ở hải ngoại gọi là “nhân quyền Thánh hỏa”, á quân Olympic Jan Becker không chỉ tham gia với tư cách là đại diện cho châu Úc, bà còn đi khắp thế giới với tư cách là Đại sứ Rước đuốc Nhân quyền Toàn cầu. Lần rước đuốc năm đó đã để lại trong bà rất nhiều kỷ niệm.
Nói về tinh thần Olympic chân chính xuất phát từ sự sùng kính các vị Thần trên đỉnh Olympia của người Hy Lạp, bà Jan Becker chia sẻ rằng, “Có rất nhiều vận động viên vẫn thực sự tin vào [mối liên kết] với thiên đàng. Họ tin vào Chúa, họ tin vào những điều Thần thánh, và cho rằng chắc chắn tồn tại mối liên kết này.” Nhưng với chế độ cộng sản Trung Quốc thì “nó chắc chắn không muốn hiến dâng bất kể thứ gì cho tín ngưỡng hay tôn giáo”.
Bởi vậy bà Becker đã không thể ngờ được rằng vào năm 2015, Trung Quốc lại tiếp tục được Ủy ban Olympic Quốc tế trao đặc quyền đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022 tại Bắc Kinh.
“Thật kỳ lạ là Ủy ban Olympic Quốc tế không rút ra được kinh nghiệm gì, họ vẫn chưa hiểu Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 2001, họ thưởng cho nó quyền đăng cai; suốt 20 năm nó tiếp tục [bức hại nhân quyền], và nay họ lại làm điều đó [lần nữa]”, bà Becker chia sẻ.
Đề cập đến vấn đề Hồng Kông, việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các hành động đe dọa mới đây của Trung Quốc đối với Đài Loan, bà Becker chỉ ra:
“Đây là những điều mới xảy ra sau khi chế độ được trao quyền đăng cai Thế vận hội 2022. Ủy ban Olympic Quốc tế đã không rút ra được bài học kinh nghiệm nào. Họ tin tưởng chế độ cộng sản quá mức. Đảng Cộng sản vẫn tiếp tục làm chính xác những gì nó muốn làm sau [khi được trao cho quyền đăng cai] đó.”
Bà Becker cũng đặc biệt nhắc lại phán quyết cuối cùng của Tòa án nhân dân độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc. Theo đó, chủ tọa của Tòa, ngài Geoffrey Nice, một luật sư Anh Quốc rất uy tín trên trường quốc tế, đã lưu ý rằng: “Bất kỳ chính phủ, tổ chức hoặc cá nhân nào tương tác với Trung Quốc cần phải nhận ra rằng họ đang tương tác với một quốc gia tội phạm.”
Cũng trong phán quyết của mình, Tòa cho biết “trong nhiều năm, hành động cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã được thực hiện với một quy mô đáng kể trên khắp Trung Quốc”, và nạn nhân là những người tập Pháp Luân Công và người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, trong đó Pháp Luân Công rất có thể là nguồn nội tạng chính.
Nhìn vào hồ sơ tội ác chống lại loài người như vậy, bà Becker kêu gọi “chuyển dời Thế vận hội 2022”. “Tôi tin rằng sự tôn nghiêm của sinh mệnh và sự tôn trọng đối với con người sẽ được ưu tiên hơn bất kỳ sự kiện thể thao nào – ngay cả khi đó là Thế vận hội”, bà Becker nói.
Khởi đầu từ quảng trường Thiên An Môn
Hành trình kêu gọi nhân quyền của bà Becker không bắt đầu từ sự kiện rước đuốc năm 2007 mà bắt đầu từ 5 năm trước đó. Ngày 7/3/2002, Jan Becker đã chạy vào quảng trường Thiên An Môn, trên tay giương cao một lá cờ Olympic Tokyo 1964 với dòng chữ “Chân, Thiện, Nhẫn” để thể hiện lập trường phản đối các hành vi vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Vào thời điểm đó, bà đã hay tin Bắc Kinh được Ủy ban Olympic Quốc tế trao quyền đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2008.
Bấy giờ là năm thứ 3 sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu diễn ra ở Trung Quốc. Đây cũng là thời điểm những người theo học môn khí công này bị bức hại một cách nặng nề, nhất là sau khi chế độ cộng sản dàn dựng thành công vụ tự thiêu trên quảng trường Thiên An Môn năm 2001.
“Khi tôi chứng kiến những gì họ đang làm, khi họ giết người và lấy đi nội tạng, tôi cần phải lên tiếng”, bà Becker nói. “Đó là lý do tại sao tôi đến quảng trường Thiên An Môn.”
“Tôi muốn Đảng Cộng sản Trung Quốc biết rằng có một vận động viên Olympic đã tới, rằng điều này có liên quan đến Thế vận hội.”
“Tôi đã đến quảng trường Thiên An Môn cùng với một nhóm người Úc khác. Tôi cầm một lá cờ Thế vận hội năm 1964, và tôi đã vẽ biểu tượng Pháp Luân Công trên đó – trên vòng tròn đỏ của lá cờ Nhật Bản – cùng dòng chữ ‘Chân, Thiện, Nhẫn’, và tôi chạy vào quảng trường Thiên An Môn.”
Bà Becker đã quyết tâm tạo ra một sự kiện có sức ảnh hưởng và không hề sợ hãi trước khi bắt đầu, mặc dù bà biết rằng hàng nghìn người tập Pháp Luân Công đã tới thỉnh nguyện tại Thiên An Môn và bị bắt. Họ thường xuyên bị tra tấn và nhiều người thậm chí đã mất mạng.
“Tôi chưa bao giờ thấy sợ hãi về việc này. Tôi biết tôi sẽ đi, sẽ làm và sẽ trở về nhà”.
“Trở thành vận động viên Olympic đã cho tôi một cơ sở để có thể lên tiếng. Đó là lý do tại sao tôi đến quảng trường Thiên An Môn, vì tôi muốn đưa tin tức ra thế giới. Điều quan trọng là để cho Đảng Cộng sản Trung Quốc biết rằng có một vận động viên Olympic đã ở đó [lên án họ]. Ngoài ra, tôi muốn mọi người trên khắp thế giới chú ý hơn về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc.”
Bà Becker bị bắt vào cùng ngày với 8 người Úc khác, không quá 30 giây sau khi bà chạy vào quảng trường Thiên An Môn với lá cờ Olympic của mình. Bà bị thẩm vấn trong 5 tiếng rưỡi trước khi bị giam giữ qua đêm và bị trục xuất về Úc ngày hôm sau. Bà bị đưa vào danh sách đen và không bao giờ được quay lại Trung Quốc.
Nhưng điều bà Becker muốn đã đạt được. Bà trở về nhà và thấy các phương tiện truyền thông đồng loạt đưa tin với tiêu đề: “Vận động viên Olympic bị bắt ở Trung Quốc”. Bà đã kể câu chuyện của mình cho nhiều hãng tin khác nhau.
Về phần mình, chế độ cộng sản Trung Quốc cũng thể hiện ra bộ mặt thật ngay tại phương Tây. Khoảng 2 hoặc 3 ngày sau khi trở về nhà, bà Becker có việc phải đi vắng trong ngày. Khi về, cửa trước nhà bà đã bị phá tung bản lề và trên giường bà có một cái chĩa hất rơm, tất cả là để đe dọa khiến bà không dám nói gì với truyền thông. Nhưng bà Becker đã không sợ hãi…
Vận động viên Olympic tập khí công
Tâm sự về nguyên nhân khiến bản thân đứng lên bảo vệ nhân quyền tại Trung Quốc, bà Becker cho biết đó là do cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với đức tin của bà: Pháp Luân Công.
Tháng 2/1999, trong khi tìm cách chữa trị cho một căn bệnh ở tuổi 54, bà đã được giới thiệu môn tập này, một môn khí công dựa trên nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn” đã được hàng chục triệu người Trung Quốc theo học.
“Bấy giờ tôi phải chịu đựng căn bệnh nan y có lẽ đã 5 hoặc 6 năm. Tôi đã thử rất nhiều cách khác nhau nhưng không có phương pháp nào có vẻ có hiệu quả”, bà Becker chia sẻ. “Có người kể với tôi về Pháp Luân Công. Sau khi đọc cuốn sách, tôi cảm thấy rằng điều này sẽ thực sự tốt cho bản thân. [Hơn nữa] đây [không phải là chữa bệnh mà] là một hành trình tâm linh.”
Bên cạnh những lợi ích về sức khỏe, bà Becker cho biết, 22 năm tập luyện đã giúp bà trở thành một người tốt hơn. Bà nói: “Tôi học được rằng mình nên có lòng nhân từ. Đó là điều quan trọng nhất mà tôi cần phải học. Và vì vậy tôi đã trở thành một người tốt hơn. Thật tuyệt vời.”
Tuy nhiên, chỉ sau 5 tháng kể từ khi bà Becker bắt đầu tập luyện, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Đến năm 2002, báo cáo về việc bắt giữ, tra tấn và thiệt mạng của người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã khiến bà và một số người tập Pháp Luân Công tại Úc đến Trung Quốc để lên án cuộc đàn áp tại Quảng trường Thiên An Môn.
Kể từ đó, trong suốt hơn 20 năm, bà Becker đã tiếp tục hành trình vận động nhân quyền của mình.
Lúc đầu, bà Becker tranh thủ làm việc này trong thời gian rảnh rỗi, xen lẫn vào công việc thường nhật. Bên cạnh việc trở thành vận động viên Olympic, bà Becker đã giảng dạy và huấn luyện bơi lội trong 20 năm, làm tư vấn trong 8 năm và là giám đốc nhân sự trong 22 năm trước khi nghỉ hưu vào năm 2014.
Sau khi nghỉ hưu, bà Becker, người phụ nữ có 3 người con và 8 cháu nội ngoại, đã có điều kiện để dành phần lớn thời gian cho công việc mà bà vẫn theo đuổi kể từ năm 2002: nâng cao nhận thức về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc, nói về sự bức hại, tra tấn và thu hoạch nội tạng từ người tập Pháp Luân Công cũng như những nhóm thiểu số khác.
Giải pháp cho Thế vận hội Mùa đông 2022
Từng là một vận động viên Olympic, bà Becker tâm sự rằng việc kêu gọi các vận động viên tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022 là một giải pháp thiếu thực tế. Họ chỉ có một “cơ hội duy nhất” để tham gia Olympic, và gánh nặng đáng lẽ cần phải đặt lên vai Ủy ban Olympic Quốc tế.
Bà Becker kể rằng bà đã nói chuyện với các quan chức của Ủy ban nhiều lần vào năm 2001, năm 2007 và năm 2008. Mặc dù họ trung lập về chính trị nhưng một quan chức chủ chốt đã nói với bà vào năm 2000 rằng “Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ thay đổi và tiến bộ”. Và nay Ủy ban lại một lần nữa trao quyền đăng cai Olympic 2022 cho Bắc Kinh.
“Họ đang tự đặt mình vào một tình huống thực sự khó khăn khi để Trung Quốc đăng cai Thế vận hội 2022. Lẽ ra họ phải rút kinh nghiệm từ lần trước và từ những quầy hàng trống không ở Tokyo, [nơi tổ chức Thế vận hội không có khán giả]. Thế vận hội có thể không bao giờ được tiếp tục nữa. Nó có thể sẽ không thể tiếp tục nếu chúng ta vẫn để Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng cai Thế vận hội”.
“Hoàn toàn sai lầm, việc chế độ được quyền tổ chức Thế vận hội 2022 là hoàn toàn sai lầm”. Đã có nhà phê bình gọi đây là “Olympic diệt chủng” để nói về việc chế độ cộng sản Bắc Kinh thực hiện hành vi diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Mặc dù các nhà lập pháp ở Hoa Kỳ, Canada, châu Âu và gần đây là Úc, đã kêu gọi tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022, bà Becker nhận định rằng chỉ dùng hình thức tẩy chay ngoại giao sẽ không giải quyết được vấn đề, bởi vì chế độ cộng sản Trung Quốc đã không còn quan tâm đến việc làm hài lòng các nhà ngoại giao.
“Hãy nhìn vào cách họ đối xử với Úc mới đây, nhìn vào những gì họ đã lấy khỏi Úc; họ thực sự không còn quan tâm đến các chính trị gia hoặc các nhà ngoại giao nữa”, bà Becker chia sẻ. “Do đó, tôi nghĩ rằng cần phải chuyển dời Thế vận hội 2022. Cần phải dời Olympic 2022 [khỏi Bắc Kinh], cần phải thúc đẩy điều đó.”
Bà Becker khẳng định: “Có rất nhiều quốc gia có thể làm được điều đó. Nhiều quốc gia châu Âu đã thiết lập cơ sở hạ tầng. Nếu họ cần đồng bộ lại mọi thứ, Thế vận hội có thể tạm hoãn một năm, nhưng tôi chắc chắn rằng sẽ có các quốc gia châu Âu sẵn sàng làm điều đó.”
Hãy cùng chung tay
Trong việc chuyển dời Olympic Bắc Kinh 2022, bà Becker cho rằng thế giới không nên chỉ chờ đợi “những người lãnh đạo chính phủ”. “Tôi nghĩ rằng cá nhân mỗi người có thể làm điều đó, và khi người dân thế giới đồng cảm rồi, những người lãnh đạo sẽ có thể lên tiếng.”
Nói về các nhà tài trợ đổ tiền vào Olympic Bắc Kinh, bà Becker nhận xét các tập đoàn “sẽ làm bất cứ điều gì vì tiền”. Nhưng dù việc nói chuyện với họ khó khăn, “chúng ta cần phải thử làm”.
Trong suốt Olympic Bắc Kinh 2008, nhiều vụ vi phạm nhân quyền cũng được báo cáo: Người cao tuổi bị đuổi khỏi nhà và trở thành người vô gia cư để tạo nên làng Olympic; những người bất đồng chính kiến bị ĐCSTQ tập trung lại và bỏ tù vì lo ngại về phát ngôn của họ, sợ họ vạch trần tội ác cho du khách nước ngoài…
Bà Becker khẳng định: “Chúng tôi đã nói về tất cả những điều này vào năm 2008. Tuy nhiên hóa ra lúc ấy nhiều người chỉ lắng nghe cầm chừng, vì thế chúng ta mới gặp phải tình huống ngày hôm nay. Tôi nghĩ chúng ta phải làm lại, [phải kêu gọi thế giới] một lần nữa”.
Bà Becker cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ lặp lại những vi phạm nhân quyền vào năm 2008, vì nó cần đảm bảo rằng “không một du khách nào có thể nhìn thấy” những người bất đồng chính kiến.
Tuy nhiên bà Becker cũng tin tưởng rằng người dân thế giới đã đang thức tỉnh. “Mọi người đang thức tỉnh; họ đang nhận ra bản chất thực sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc và việc nó muốn kiểm soát thế giới. Mọi người hiện có thể nhìn thấy rất rõ ràng.”
Bà Becker kêu gọi người dân thế giới quan tâm đến việc đăng cai Thế vận hội nên ký những bản kiến nghị hoặc thỉnh nguyện thư gửi tới Ủy ban Olympic Quốc tế. “Tôi nghĩ tất cả đều có thể ký vào một bản kiến nghị. Hãy thể hiện điều đó, hãy cho Trung Quốc thấy. Chúng ta đều thấy rằng [chế độ] Trung Quốc không đáng tin, ngay cả với tình hình đại dịch COVID-19. Tôi nghĩ rằng mọi người đang thực sự hiểu ra bản chất của nó.”
Dựa theo “For Sanctity of Life, ‘Move the 2022 Games,’ Olympian Once Arrested in Beijing Says”
Đăng trên The Epoch Times
Tác giả: Peta Evans
Minh Nhật biên tập
Xem thêm:
- Hoa Kỳ: Liên minh hơn 100 tổ chức người Việt tham gia ủng hộ dự luật chống thu hoạch tạng
- Chuyện đời của cựu quan chức phòng 610: “Vì sao tôi trốn khỏi Trung Quốc?”
- Nhà thiết kế thời trang Anh quốc: “Đối mặt với tra tấn, cha mẹ vẫn kiên định đức tin”
- Nữ nghệ sĩ Bắc Kinh bị tra tấn trong tù: “Tôi thà bị giam bởi phát-xít”
Mời xem video:
Từ khóa Dòng sự kiện Olympic Bắc Kinh 2022 cuộc sống sau bức hại đàn áp Pháp Luân Công