Chuyên gia: Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy vụ hỗn loạn ở Capitol đã được lên kế hoạch từ trước
- Lê Vy
- •
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy vụ hỗn loạn tại Điện Capitol hôm 6/1 đã được lên kế hoạch và điều phối từ trước, theo các chuyên gia về pháp lý và tình báo. Điều này đã khiến cáo buộc rằng những người biểu tình đã phản ứng một cách tự phát trước bài phát biểu của cựu TT Trump dần trở nên không có giá trị.
Khi các thành viên Đảng Dân chủ tại Thượng viện cân nhắc việc kết tội hoặc tìm cách cấm ông Trump tranh cử trong tương lai vì cáo buộc ông đã “kích động nổi dậy”, tuần này các công tố viên liên bang đã buộc tội ba người đàn ông vì đã tham gia liên lạc và điều phối vụ tấn công từ tháng 11.
Theo Kevin Brock, cựu trợ lý giám đốc phụ trách tình báo của FBI, để lời nói đạt đến ngưỡng kích động, người nói trước tiên phải chỉ ra mong muốn bạo lực và thứ hai, thể hiện khả năng hoặc dấu hiệu hợp lý về khả năng thực hiện bạo lực.
Không có điều gì như vậy xảy ra trong trường hợp của ông Trump, ông Brock nói.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm với Just The News, ông Brock nói rằng ông đã nghe toàn bộ bài phát biểu ngày 6/1 của ông Trump. “Tôi không nghe thấy một lời nào hoặc bất cứ điều gì có thể khiến một người có lý trí tin rằng ông ấy đang kích động bạo lực. Ông ấy thậm chí còn sử dụng các từ ‘hòa bình’ và ‘tôn trọng.'”
Ông Brock cho rằng TT Trump đã “bị bất ngờ trước những gì đã xảy ra” và có lẽ không biết về việc đám đông có ý định bạo lực. “Thẳng thắn mà nói, đó là một thất bại về thông tin tình báo mà lẽ ra ông ấy nên được cung cấp với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ”.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell biết trước khả năng xảy ra bạo lực ở mức độ nào, và khi nào họ biết điều đó. Ngoài ra, một câu hỏi khác chưa được giải đáp là lời đề nghị của Lầu Năm Góc trước vụ bạo động, theo đó đề nghị gửi quân đội Vệ binh Quốc gia đến tăng cường cho Cảnh sát Capitol.
Ông Brock, đồng thời là cựu phó giám đốc chính của Trung tâm Chống Khủng bố Quốc gia (NCTC), lưu ý rằng ông Trump đã sử dụng từ “tuần hành” để khuyến khích những người ủng hộ ông đi đến Điện Capitol và nói lên sự bất đồng quan điểm của họ trong quá trình Quốc hội chính thức chứng nhận cuộc bỏ phiếu của Cử tri đoàn năm 2020 .
“Chúng ta đã có những cuộc tuần hành hòa bình như một phần trong lịch sử, và vì thế nó không nhất thiết có nghĩa là mang đến phản ứng bạo lực”, ông Brock nói. “Vì vậy, tôi nghĩ rằng họ sẽ khó chứng minh rằng ông ấy đang dùng những từ ngữ kích động bạo lực.”
“Tôi biết rằng mọi người ở đây sẽ sớm tuần hành tới tòa nhà Quốc hội, để khiến cho tiếng nói của các bạn được lắng nghe một cách hòa bình và yêu nước”, ông Trump nói trong bài phát biểu của mình tại Ellipse hôm 6/1. “Bất cứ ai nếu muốn, nhưng tôi nghĩ ngay tại đây, chúng ta sẽ đi bộ xuống Điện Capitol, và chúng ta sẽ cổ vũ cho các thượng nghị sĩ, các dân biểu dũng cảm của chúng ta, và có lẽ chúng ta sẽ không cổ vũ nhiều như vậy đối với một số người khác. Bởi vì bạn sẽ không bao giờ khôi phục lại đất nước của chúng ta với sự yếu kém. Bạn phải thể hiện sức mạnh và bạn phải mạnh mẽ. Chúng tôi đến yêu cầu Quốc hội làm điều đúng đắn và chỉ tính những đại cử tri đã được bầu ra một cách hợp pháp.”
Ông Brock cho biết việc sử dụng những từ như “sức mạnh” để “khôi phục lại đất nước của chúng ta” là điều rất phổ biến trong các bài phát biểu chính trị.
“Mọi chính trị gia khác ở đất nước này đều sử dụng những từ ngữ đó và loại ngôn ngữ đó. Vì vậy, tôi nghĩ rằng việc kết tội ông ấy về những lời nói đó sẽ khiến các chính trị gia của cả hai đảng phải xem xét trong tương lai liệu lời nói của họ có kích động bạo lực trên toàn quốc hay không. Thành thật mà nói, nếu áp dụng tiêu chuẩn đó, tôi nghĩ rằng rất nhiều người trong số họ cũng nên bị buộc tội kích động bạo loạn.”
Ông Brock cho biết một chính trị gia bày tỏ sự thất vọng, cay đắng hoặc không tin tưởng rằng mình đã thua “không phải là điều mới mẻ tại Mỹ. Vì vậy, chỉ riêng điều đó là không đủ để FBI mở một cuộc điều tra xem có ai đó đang kích động một cuộc nổi dậy hay không. Nếu đúng như vậy, chúng ta sẽ phải làm điều đó sau mỗi cuộc bầu cử.”
Chuyên gia luật hiến pháp Alan Dershowitz nói với Just the News rằng một luận điểm quan trọng để buộc tội là phe Dân chủ phải chứng minh được rằng ông Trump biết về cuộc tấn công vào Capitol, nhưng không có bằng chứng nào về điều đó.
Ông Dershowitz cho biết tất cả các tuyên bố của ông Trump trong những tuần và tháng trước ngày 6/1 về tình trạng bất bình thường trong bầu cử được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất.
“Ngay cả khi ai đó không đồng ý với những gì ông Trump nói, về mặt pháp lý nó không có gì sai cả, nó rõ ràng được bảo vệ theo hiến pháp,” ông Dershowitz nói.
Các thành viên Đảng Dân chủ tại Thượng viện cho biết họ đang xem xét liệu có thể sử dụng Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp để cấm Tổng thống Trump tiếp tục giữ chức vụ công hay không. Tu chính án thứ 14, được thông qua sau Nội chiến, quy định rằng không một cá nhân nào có thể nắm giữ bất kỳ chức vụ công nào trong nước nếu người đó “tham gia vào các cuộc nổi dậy hoặc nổi loạn” chống lại Hoa Kỳ sau khi tuyên thệ nhậm chức với lời thề ủng hộ của Hiến pháp.
Lê Vy (theo Just The News)
Xem thêm:
Từ khóa Hỗn loạn ở Điện Capitol Luận tội Tổng thống Trump