Công dân Trung Quốc lợi dụng kẽ hở trong việc hợp pháp hóa cần sa tại Mỹ
- Gia Huy
- •
Việc hợp pháp hóa cần sa tại nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ đã làm phát sinh một chuỗi các hoạt động bất hợp pháp, bao gồm việc trồng trọt bất hợp pháp, buôn lậu và phân phối giữa các tiểu bang cũng như việc rửa tiền. Quy mô việc mua bán cần sa ngày càng lớn hơn. Một số công dân Trung Quốc đang lợi dụng kẽ hở của luật pháp để khai thác ngành kinh doanh cần sa.
Những kẽ hở trong việc trồng cần sa
Hôm 28/11/2017, 52 công dân Trung Quốc đã bị bắt giữ sau khi cảnh sát tiểu bang Washington đột kích vào một nơi cư trú bị tình nghi trồng cần sa bất hợp pháp. Khoảng 35.000 cây cần sa ước tính trị giá 80 triệu đô la đã bị thu giữ. Các nhà điều tra tin rằng cần sa được trồng bất hợp pháp chủ yếu dành cho các thị trường ở Bờ Đông Hoa Kỳ, đặc biệt là New York.
Vào tháng 6, 21 người Trung Quốc đã bị buộc tội trồng và phân phối cần sa bất hợp pháp tại tiểu bang Colorado, Mỹ. Cuộc điều tra phát hiện rằng các ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc đã đóng một vai trò tích cực trong việc chuyển tiền bán ma túy trở lại Hoa Kỳ.
Ông Ling Fei, chủ một cửa hàng vi tính ở Brooklyn, New York, cho biết: “Để kiếm được nhiều tiền hơn, họ phải lợi dụng những kẽ hở của luật pháp.” Ông nói với The Epoch Times phiên bản tiếng Trung rằng ông phản đối việc hợp pháp hóa cần sa bởi vì “một khi cánh cửa mở ra một chút, họ sẽ lợi dụng vùng xám.”
Ngay cả ở những tiểu bang đã hợp pháp hóa việc trồng cần sa, những người khai thác cần sa cũng phải xin giấy phép. Chính quyền tiểu bang đang cố gắng thiết lập một “hệ thống truy xuất nguồn gốc” để theo dõi mọi cây cần sa hợp pháp từ giai đoạn còn là hạt giống cho đến khi được bán. Mỗi cây giống con phải có giấy chứng nhận mã số do tiểu bang cấp, và toàn bộ thông tin trồng trọt và thậm chí cả địa điểm trồng phải được ghi lại. Số gram thu hoạch khi chín cũng cần được báo cáo cho chính quyền.
Theo ông Ling, nhiều người khai thác cần sa không trung thực tuân theo luật pháp, “ví dụ, một người khai thác có 100 mã định danh cho 100 cây, nhưng ông ấy có thể trồng 1.000 cây, 10.000 cây.” Ông ấy sẽ thực hiện các giao dịch bất hợp pháp dưới vỏ bọc hợp pháp, trộn lẫn giữa hợp pháp và bất hợp pháp.
Một số khách hàng của ông Ling đang kinh doanh cần sa. Những người có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng cần sa đôi khi sẽ giải thích cho ông Ling cách thức hoạt động của việc này.
Để ngăn chặn những kẻ trộm cần sa và giảm nguy cơ bị chính quyền phát hiện (vốn thường tuần tra các cánh đồng trồng trọt ngoài trời bằng máy bay trực thăng), nhiều người khai thác cần sa đã chuyển sang thuê các nhà ở hoặc mua các phòng để trồng cần sa trong nhà bằng ánh sáng nhân tạo.
Việc sử dụng bóng đèn và quạt để kiểm soát nhiệt độ môi trường rất tốn kém và dễ bị phát hiện, do đó một số người khai thác cần sa phá hoại hoặc sửa đổi đồng hồ đo điện hoặc đấu nối trực tiếp vào lưới điện không qua đồng hồ đo điện để trộm cắp điện công cộng.
Vì vậy, công ty điện lực chỉ có thể phát hiện lượng điện tiêu thụ rất lớn, chứ họ khó mà tìm thấy được nơi tiêu thụ lượng điện này.
Dần dần, khi quy mô trồng cần sa trong nhà ngày càng mở rộng, thị trường chợ đen mua bán cần sa trở nên sôi động đến mức các nhân viên thực thi pháp luật hiện tại không thể theo kịp thị trường cung và cầu khổng lồ này.
Ông Ling nó: “Họ [nhân viên thực thi pháp luật] không thể bắt quá nhiều người.”
Hoạt động bán cần sa trên thị trường chợ đen giữa các tiểu bang có lợi nhuận cao hơn
Mặc dù một số tiểu bang đã hợp pháp hóa việc trồng cần sa, nhưng cần sa thu hoạch được vẫn không được phép vận chuyển ra ngoài biên giới tiểu bang. Việc vận chuyển và bán ma túy giữa các tiểu bang là một trọng tội liên bang thậm chí nghiêm trọng hơn cả việc sở hữu và sử dụng ma túy.
Nguy cơ của việc vận chuyển cần sa qua các tiểu bang rất lớn bởi vì việc xuất khẩu cần sa từ các tiểu bang hợp pháp hóa sang các tiểu bang vẫn xem cần sa là bất hợp pháp sẽ kiếm được nhiều tiền hơn trên thị trường chợ đen. Trong một bài báo năm 2017 nói về tác động kinh tế của việc hợp pháp hóa cần sa, các nhà nghiên cứu của Trung tâm về Các vấn đề Nông nghiệp thuộc Đại học California ước tính rằng 80% cần sa trồng tại California được bán trên thị trường chợ đen tại các địa điểm bên ngoài tiểu bang nơi giá cao hơn và nơi mà nó chưa bao giờ bị đánh thuế hoặc chưa được hợp pháp hóa.
Hôm 13/10/2020, ông Kim Chong Woo, ông Peng Cuodengzhu, và ông Zhongha Luoda đã bị bắt và bị buộc tội buôn lậu cần sa giữa các tiểu bang. Theo cáo trạng của chưởng lý Hoa Kỳ đại diện Quận phía Nam của New York, các đặc vụ của Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã tịch thu 1,200 cân Anh (540kg) cần sa, 490.000 đô la tiền mặt, và các công cụ được dùng để đóng gói cần sa.
Bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ của ĐCSTQ
Ông Ling cho hay, có nhiều công ty đổi tiền ngầm trong cộng đồng người Hoa và do đó việc lưu thông tiền rất dễ dàng. Ông khẳng định: “Họ sẽ tìm mọi cách tránh các quy định đó (luật Mỹ) vì nghĩ rằng ‘cơ hội bị bắt là rất mỏng manh’.”
Ông Ling giải thích: “Người Mỹ nghĩ rằng một đạo luật cứng rắn sẽ ngăn chặn mọi người phạm tội. Tuy nhiên, thế hệ người Hoa đầu tiên đến từ Trung Quốc lại nghĩ khác. Họ tính toán chi phí cơ hội và nghĩ rằng ‘tại sao người nước ngoài có thể có một hệ thống ngớ ngẩn như vậy?’, đồng thời nghĩ ra những cách để khai thác các kẽ hở này. Nếu ông ta bị bắt, ông ta sẽ phản ứng giống như mua một vé số không trúng ‘Ồ, thật xui xẻo?’”
Theo ông Ling, những công dân Trung Quốc trồng cần sa hầu hết đều không hút cần sa, đồng thời cảnh cáo con cái họ không được hút, nhưng họ lại nghĩ rằng cần sa tốt cho người khác và đó chỉ là việc của người khác. Ông chỉ trích: “Họ làm điều đó chỉ vì mục đích đơn giản là kiếm tiền và họ không hề nghĩ về việc cần sa sẽ khiến những đứa trẻ khác nghiện như thế nào và nó sẽ gây hại cho nước Mỹ như thế nào.”
Ông Ling nhấn mạnh rằng nhiều người Trung Quốc, do không được giáo dục đạo đức trong môi trường chính trị cộng sản, đã quen với lối suy nghĩ của ĐCSTQ. Ông nói thêm, thay đổi lối suy nghĩ đó không dễ và mất rất nhiều thời gian, nhưng điều đầu tiên họ cần phải làm là khôi phục lại giá trị của bản thân, xây dựng đức tin chân chính, và có một môi trường xã hội tốt. Cuối cùng, ông Ling kết luận: “Người Trung Quốc nên quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của cộng đồng.”
Gia Huy (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa trồng cần sa Mỹ hợp pháp hóa cần sa