Icom Inc. của Nhật Bản, công ty có nhãn hiệu xuất hiện trên các bộ đàm phát nổ ở Liban hôm thứ Tư (18/9), cho biết họ đã dừng sản xuất mẫu máy này cách đây một thập kỷ. Các mẫu bộ đàm bị dừng sản xuất đó được cho là đã bị sử dụng trong các vụ tấn công và sự vụ đó vẫn đang trong quá trình điều tra.

bo dam Icom
Hình ảnh bộ đàm của công ty Icom Nhật Bản. (Nguồn: Yopei Apriliansyah/Shutterstock)

Icom có trụ sở tại Osaka hôm thứ Năm (19/9) tuyên bố rằng họ đã xuất khẩu bộ đàm hai chiều IC-V82 sang nhiều khu vực, trong đó có Trung Đông, cho đến tháng 10 năm 2014, thời điểm ngừng sản xuất và bán các thiết bị này. Icom cũng đã dừng sản xuất pin cần thiết để vận hành mẫu bộ đàm này.

Hàng nghìn thiết bị điện tử, bao gồm máy nhắn tin di động và bộ đàm, đã phát nổ trong hai ngày qua trên khắp Liban, khiến ít nhất 26 người thiệt mạng và hơn 3.000 người bị thương. Nhóm chiến binh Hezbollah đã cáo buộc chính phủ Israel dàn dựng các vụ tấn công, khiến căng thẳng leo thang hơn nữa trong khu vực. Israel cho đến nay vẫn chưa lên tiếng bác bỏ hay phủ nhận liên quan đến các vụ nổ ở Liban.

Trong số nhiều điều chưa được giải đáp có câu hỏi là vật liệu nổ được cấy vào các thiết bị như thế nào. Nếu bộ đàm Icom được sản xuất lần đầu tiên cách đây một thập kỷ, thì có khả năng chúng đã được sửa đổi sau khi bán cho khách hàng ban đầu. Công ty Icom nói rằng không thể xác định được các sản phẩm này có phải là của họ hay không.

Icom cho biết tất cả các sản phẩm radio của họ đều được sản xuất tại một nhà máy ở Tỉnh Wakayama, Nhật Bản đồng thời cũng khẳng định họ tuân thủ các giao thức an toàn theo quy định của chính phủ và không thuê sản xuất ở nước ngoài.

Tờ Kyodo dẫn lời Giám đốc Icom Yoshiki Enomoto cho hay, do các bức ảnh chụp thiết bị phát nổ ở Liban cho thấy hư hỏng nghiêm trọng xung quanh ngăn chứa pin, nên pin có thể đã bị sửa đổi để cài thêm thuốc nổ.

Theo ông Mitsuru Fukuda, giáo sư quản lý rủi ro tại Đại học Nihon, các vụ nổ thiết bị điện tử liên tiếp vừa qua tại Liban có thể báo hiệu một loại khủng bố mới. Ông nói rằng, “điều này có thể làm tăng áp lực buộc các công ty phải mở rộng giám sát rủi ro đối với chuỗi cung ứng của họ” để bao gồm cả việc giám sát các khâu phân phối và giao hàng.