Cuba: Nghỉ hưu ở người cao tuổi là một điều xa xỉ
- Đăng Tâm
- •
Với đồng lương hưu còm cõi, người cao tuổi ở Cuba phải tìm bất cứ công việc nào để sống sót.
NORBERTO MESA, một người đàn ông 66 tuổi, đứng dưới nắng nóng 11 tiếng một ngày, sáu ngày một tuần, hướng dẫn xe vào ra bãi đậu xe ở phía trước của một khu trang trại đông đúc. 4.000 peso Cuba (170 USD theo tỷ giá hối đoái chính thức) mà ông kiếm được mỗi tháng cho công việc này là gấp 10 lần lương hưu hàng tháng của ông (340 peso). Nếu không có khoản thu nhập thêm đó, nhà di truyền học về hưu này không thể đủ tiền mua rau, thịt, và phụ giúp con cái đang làm việc với mức lương thấp để nuôi thêm bốn đứa cháu.
Cuba, cái nôi của cách mạng là một trong những nước đầu tiên của khu vực Mỹ Latin có hệ thống hưu trí sớm và toàn diện nhất. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc người cao tuổi được nghỉ hưu gần như là điều quá xa vời. Vì hệ thống kinh tế cứng nhắc không được cải cách sâu rộng, cộng với việc người anh em Venezuela ngừng cung cấp dầu giá rẻ vì khủng hoảng nội địa, nền kinh tế Cuba đã thực sự bị đình trệ. Hậu quả là quỹ lương hưu bị đóng băng và số tiền hưu trí nhận được ngày càng mất giá vì lạm phát. Theo số liệu thống kê mới nhất do chính phủ Cuba công bố, từ năm 2010 tới 2015, 1/3 đàn ông trong độ tuổi nghỉ hưu vẫn đang phải tiếp tục làm việc. 3/5 người già nói rằng họ thường xuyên phải sống qua những ngày không có tiền mua nhu yếu phẩm.
Quốc đảo ‘thiên đường xã hội’ này tuyên bố là có hệ thống an sinh xã hội lo cho người dân từ lúc sinh ra đến khi lìa đời. Nhưng thực tế thì nó đầy lỗ hổng. Chăm sóc y tế là miễn phí, nhưng tiền thuốc thì không. Nhà ở cho người hưu trí là rất khan hiếm và điều kiện thường là phải từ bỏ lương hưu. Vì khoản tiền này là nguồn sống của con cháu phụ thuộc, người già đành phải từ bỏ nhà ở trợ cấp.
Vì lẽ đó, người ta có thể dễ bắt gặp nhiều người cao tuổi phải lang thang trên các đường phố của thủ đô Havana bán báo và lạc, hoặc hộp tái chế. Họ cũng làm việc lau nhà cho các gia đình giàu có hoặc nấu ăn cho các nhà hàng và tiệm bánh tư nhân đang ngày càng mọc lên nhiều tại Cuba. Ông Ernesto Alpizar, một chuyên gia nông nghiệp về hưu dù bước sang tuổi 89, nhưng vẫn đi gõ cửa từng nhà bán dâu tây và hoa dạo. Mặc dù vậy, ông vẫn là một “Fidelista” nhiệt thành. Ông nói rằng mình rất “biết ơn” cố Chủ tịch Fidel Castro – cựu lãnh tụ vừa qua đời của đảo quốc này – vì bao cấp y tế đã giúp ông được phẫu thuật đục thủy tinh thể miễn phí.
Mặc dù hòn đảo lạc hậu và nghèo khó này đang phải vật lộn để tồn tại, người dân vẫn hưởng nhiều lợi ích từ các thành tựu y tế phát triển. Tuổi thọ trung bình người dân Cuba là 79, không kém hầu hết các nước phát triển khác trên thế giới. Việc kiểm soát sinh đẻ trên diện rộng giúp giải thích tại sao quy mô gia đình ở đất nước này lại giảm nhanh hơn ở hầu hết các quốc gia khác.
Nhưng mặt trái của nó là quá trình chuyển đổi nhân khẩu, già hóa dân số sẽ gây tổn hại lớn cho đất nước này. Một phần lớn thanh niên và trung niên Cuba khỏe mạnh đã bỏ trốn sang Mỹ, khiến dân số trên 65 tuổi chiếm tới 14%. Cơ quan thống kê quốc gia ước tính rằng tổng số người về hưu sẽ vượt qua số lượng công chức và nhân viên nhà nước vào năm 2025.
Một số nhà thờ và các tổ chức từ thiện, chủ yếu nhận tài trợ từ nước ngoài, đang cố gắng giúp người già ở đây có cuộc sống dễ dàng hơn. Mục sư Rodolfo Juarez của Nhà thờ Cộng đồng Quốc tế, theo Tin Lành, đã trực tiếp giúp 60 người già khó khăn ở thủ đô Havana. Đề án của ông là cung cấp trái cây, rau cải và đậu giúp bổ sung thêm vào khẩu phần ăn mà người dân được chính phủ bao cấp. Tiêu chuẩn của một người Cuba một tháng là: 3kg gạo, 1kg đường, 5 quả trứng và một miếng thịt gà. Mặc dù chi phí thực hiện cho đề án từ thiện này chỉ khoảng 18.000 peso mỗi tháng, nhưng việc huy động kinh phí vẫn là vấn đề khó khăn thường xuyên.
Mục sư Juarez và vợ của mình, ở tuổi 80 và 75, thậm chí già hơn so với những người mà họ đang giúp đỡ. Công việc tại nhà thờ và giảng dạy tại chủng viện giúp họ kiếm được 3.600 peso một tháng. Mặc dù không nhiều, nhưng số tiền đó gấp nhiều lần lương hưu của ông.
Nếu nền kinh tế của Cuba không có cải biến, người cao tuổi của quốc đảo này khó cơ hội được nghỉ ngơi cho tới khi lìa đời.
Theo Economist
Đăng Tâm biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa Venezuela Cuba Fidel Castro