Cựu Cố vấn Trump: TQ – Nga đặt ra mối đe dọa chiến lược chưa từng có với Mỹ
- Minh Ngọc
- •
Bà KT McFarland, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia dưới thời chính quyền Trump cảnh báo, quan hệ đối tác mới giữa Nga và Trung Quốc đã đặt Hoa Kỳ vào nguy cơ phải đối mặt với mối đe dọa chiến lược chưa từng có trong lịch sử.
Bà McFarland nhận định trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “China Insider” của EpochTV tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) ở Orlando vào ngày 26/2: “Mối đe dọa chiến lược là từ Trung Quốc. Mối đe dọa chiến lược lớn nhất là Trung Quốc – Nga hợp tác cùng nhau; đó là công nghệ của Trung Quốc, tiền của Trung Quốc, sự tàn nhẫn của Trung Quốc – như các bạn biết đấy, ngoại giao chiến lang – kết hợp với tài nguyên thiên nhiên của Nga và khả năng quân sự của Nga, đó là một đối thủ thực sự đáng gờm đối với Hoa Kỳ.”
Nga và Trung Quốc hiện rất tự hào về mối quan hệ đối tác “không giới hạn” sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 4/2. Hai bên đã tuyên bố thiết lập mối quan hệ đối tác chưa từng có, đồng thời khẳng định “sẽ không có lĩnh vực hợp tác nào bị ngăn cấm”.
Cũng trong tuyên bố đó, Trung Quốc đứng về phía Nga tố cáo sự bành trướng của NATO, trong khi Nga ủng hộ quan điểm của Trung Quốc đối với Đài Loan, gọi hòn đảo tự quản này là “một phần không thể xâm phạm của Trung Quốc”.
Cũng trong ngày 4/2, công ty năng lượng nhà nước Nga Gazprom đã ký một thỏa thuận kéo dài 30 năm với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) thuộc sở hữu nhà nước. Thỏa thuận sẽ cho phép việc Nga vận chuyển khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc thông qua một đường ống mới nối vùng viễn đông của Nga với Đông Bắc Trung Quốc.
Tuyên bố hợp tác, cùng với quyết định gần đây của Trung Quốc về việc bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu Moscow ngừng cuộc tấn công Ukraine, cho thấy ông Putin và ông Tập “đã bắt tay chặt chẽ với nhau”, theo bà McFarland.
Ngay khi ông Tập quyết định có động thái nhằm vào Đài Loan, bà McFarland hoàn toàn chắc chắn rằng ông Putin sẽ đáp lại bằng cách ủng hộ lập trường chính trị của Trung Quốc đối với hòn đảo tự trị.
“Tôi nghĩ đó có thể là trò chơi trí óc mà họ đang chơi,” bà nói thêm.
Bắc Kinh đã nhiều lần từ chối tố cáo hành động xâm lược quân sự của Moscow đối với Ukraine và cũng phản đối việc gọi cuộc tấn công của Nga là một cuộc xâm lược.
Ngày 28/2, Trung Quốc lại đứng về phía Nga, khi cả hai quốc gia bỏ phiếu chống lại quyết định của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tổ chức một cuộc tranh luận khẩn cấp về cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine.
Hồi tháng 10 năm ngoái, ông Tập đã thề rằng việc “thống nhất” Đài Loan với Trung Quốc sẽ “chắc chắn được thực hiện”.
Đài Loan, một quốc gia độc lập trên thực tế, cũng tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Mới đây, ngày 1/3, Thủ tướng Đài Loan Su Tseng-chang cho hay, Đài Loan sẽ tham gia cùng các động thái của Hoa Kỳ và các nước khác nhằm chặn một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Bà McFarland lưu ý: “Nếu Trung Quốc kiểm soát Đài Loan, điều đó không chỉ tạo cho Trung Quốc một vị trí quân sự chiến lược trên Biển Đông , và tất cả hoạt động thương mại đi qua tuyến đường thương mại hàng hải thế giới quan trọng nhất ở Biển Đông, mà còn đặt Trung Quốc vào vị trí kiểm soát ngành công nghiệp vi xử lý của Đài Loan.”
Ngành công nghiệp vi xử lý của Đài Loan sản xuất một số chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, là những con chip siêu nhỏ cung cấp năng lượng cho mọi thứ từ điện thoại thông minh, máy tính, máy bay chiến đấu cho đến hệ thống tên lửa. Hòn đảo này là nơi đặt nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC.
Nói cách khác, bà McFarland cho biết, Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng nếu Trung Quốc nắm giữ các nhà máy sản xuất những con chip này của Đài Loan.
Tham vọng của chế độ cộng sản không chỉ giới hạn trong việc chiếm Đài Loan.
Bà tiếp tục: “Trung Quốc không chỉ đơn giản là muốn trở thành quốc gia quan trọng nhất trên thế giới mà còn muốn thay đổi trật tự thế giới toàn cầu của thời kỳ hậu chiến. Họ muốn phá vỡ trật tự quốc tế đó, tạo nên một trật tự mà ở đó Trung Quốc, giống như thời kỳ huy hoàng của hàng nghìn năm trước – họ ở tại Bắc Kinh trong khi tất cả các nước chư hầu phải đến dâng cống phẩm và quỳ lạy hoàng đế.”
“Kế hoạch của Trung Quốc là muốn nhằm vào tất cả tại một thời điểm — nhằm vào Đài Loan, và có thể là Việt Nam, sau đó là Úc,” bà nhận xét thêm.
Do đó, quan hệ đối tác hiện tại của chế độ Trung Quốc với Nga sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, bà McFarland kết luận. “Cuối cùng, người Trung Quốc cũng sẽ quay lưng với Nga một khi họ đã có được những gì họ muốn từ người Nga”.
Từ khóa mối đe doạ từ Trung Quốc mối quan hệ Nga - Trung Quốc Trật tự thế giới mới