Cựu nhà báo Anh: Khoảng 10.000 người nước ngoài bị giam giữ trong nhà tù của ĐCSTQ
- Bình Minh
- •
Theo Epoch Times đưa tin, một ủy ban Thượng viện Úc được biết, khoảng 10.000 người nước ngoài, bao gồm cả người Úc, hiện đang bị giam giữ trong hệ thống nhà tù của Trung Quốc.
Tại phiên điều trần điều tra của Thượng viện Úc ngày 26/9, cựu nhà báo, doanh nhân người Anh Peter Humphrey, người từng làm việc với Trung Quốc 50 năm, đã chia sẻ trải nghiệm bị chế độ Cộng sản Trung Quốc cầm tù oan.
Ông Peter Humphrey và người vợ người Mỹ gốc Hoa bị bắt vào năm 2013, với cáo buộc sai trái về việc “thu thập thông tin bất hợp pháp” của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Trước khi bị bắt, cặp đôi này điều hành một công ty tư vấn điều tra chống lừa đảo, giúp khách hàng tránh rủi ro khi kinh doanh tại Trung Quốc.
Ông Humphrey và vợ đã phải ngồi tù 2 năm ở Thượng Hải, và có những “trải nghiệm sốc”. Ông được thả vào đầu tháng 6/2015 do vấn đề sức khỏe. Vợ ông cũng được thả cùng tháng đó.
Sau khi được trả tự do, ông Humphrey bắt đầu liên hệ với các gia đình đang nỗ lực giải cứu người thân bị giam giữ tùy tiện ở Trung Quốc.
Không có quy trình pháp lý công bằng ở Trung Quốc
Qua tìm hiểu, cựu doanh nhân ước tính có khoảng 10.000 người nước ngoài đang bị cầm tù ở Trung Quốc, trong đó có nhiều người bị bắt nhầm.
Ông Humphrey cũng cho biết, ĐCSTQ không cung cấp quy trình pháp lý thích đáng cho người Úc hoặc người nước ngoài.
Trước ủy ban Thượng viện Úc, ông nói rằng không ai trong số các tù nhân Úc được xét xử công bằng và minh bạch. Một số người có sức khỏe rất kém. Một số trên 50 tuổi và đang nhanh chóng già đi. Một số tù nhân nước ngoài đã ở đó từ 10 năm trở lên.
Ông cho biết, dù họ bị cáo buộc tội gì, thậm chí có tội hay không, điều đó cũng không thành vấn đề. Vì họ chưa bao giờ được xét xử công bằng và minh bạch tại một tòa án độc lập, hay trước một vị thẩm phán chính trực.
ĐCSTQ kiểm soát hệ thống tư pháp
Khi mô tả trải nghiệm của bản thân, ông Humphrey cho rằng hệ thống tư pháp dưới sự cai trị của ĐCSTQ là một hệ thống áp bức, không phải là một hệ thống công lý.
Cựu doanh nhân này giải thích, rằng tất cả các tổ chức của hệ thống tư pháp, gồm cảnh sát, viện kiểm sát, tư pháp, nhà tù và luật sư Trung Quốc, tạo thành một tổng thể hữu cơ hoàn toàn do chế độ Cộng sản Trung Quốc kiểm soát.
Ông nói, không ai trong số các thẩm phán là người độc lập hay chính trực. Họ chỉ là người phát ngôn cho ĐCSTQ. Những người có quan hệ lợi dụng hệ thống này để làm hại những người mà họ có ác cảm. Các vụ án dựa trên việc ép buộc nhận tội, thường được ghi lại trên truyền hình hoặc ép buộc các nhân chứng.
Đồng thời, ông Humphrey cũng giới thiệu về điều kiện sống tồi tàn của các tù nhân, gồm cả người Úc, trong các nhà tù Cộng sản Trung Quốc. Họ phải ngủ trên sàn của những phòng giam nhỏ chật chội và ăn thức ăn bẩn thỉu.
Ông nói rằng các nhà tù buộc tù nhân phải làm việc vì lợi nhuận thương mại và tẩy não họ thông qua “việc báo cáo tư tưởng bắt buộc”.
Ông Humphrey nói thêm rằng các tù nhân cũng bị từ chối điều trị, ngay cả đối với bệnh ung thư. Về lao động cưỡng bức, ông đưa ra ví dụ về một tù nhân viết thư cầu cứu trên tấm thiệp Giáng sinh do siêu thị Tesco của Anh bán, sau đó được một gia đình ở Anh phát hiện.
Đặt câu hỏi về phản ứng của các chính phủ phương Tây
Ông Humphrey cũng đặt câu hỏi về phản ứng của các chính phủ phương Tây, trong đó có Úc, khi công dân của họ bị ĐCSTQ bắt giữ. Ông cho biết có “2 kiểu phản ứng” ở các nước phương Tây khi xử lý những trường hợp này.
Ông nói, một là dịch vụ bảo mẫu và đưa tin… Có các chuyến thăm lãnh sự không liên tục, họ có thể mang thư, thư của người nhà gửi, có thể là tài liệu… Hai là các đại diện lãnh sự phương Tây đến thăm những người bị giam giữ hoặc tù nhân.
Điều họ thường được nghe là: Xin lỗi, chúng tôi không thể can thiệp vào trường hợp của bạn. Mỗi khi tù nhân yêu cầu đại diện lãnh sự làm điều gì đó mà theo quan điểm của họ là can thiệp, họ đều từ chối.
Ông Humphrey cho biết, tâm lý của Úc và các nước khác là ưu tiên các mối quan hệ thương mại hơn quyền lợi của những công dân bị giam giữ trái phép.
Ông nói, nếu có thể, tình trạng này cần phải thay đổi. Nhưng rõ ràng là các đại diện được bầu thường có quyền lợi trong việc bảo vệ các mối quan hệ kinh doanh này, dù cho đang có những vụ lạm dụng trắng trợn và nghiêm trọng công dân Úc trong các nhà tù Trung Quốc.
Cần nhiều nỗ lực hơn nữa để giải cứu người Úc bị mắc kẹt ở Trung Quốc
Ông Humphrey nói rằng mặc dù một số quốc gia như Hoa Kỳ có khuôn khổ thể chế để đối phó với những công dân bị giam giữ trái phép ở nước ngoài, nhưng những biện pháp này không hiệu quả khi đối phó với ĐCSTQ.
Sau đó, ông đề nghị Úc nên phát triển khuôn khổ thể chế và pháp lý riêng cho mục đích này và thực hiện nó. Cụ thể, ông nói rằng luật pháp cần phải được ban hành, để buộc chính phủ Úc phải chịu trách nhiệm cao hơn, và trừng phạt một cách hợp pháp việc ĐCSTQ giam giữ tùy tiện và đối xử bất công với công dân Úc.
Ông cho rằng, cần gửi một thông điệp, rằng nếu dám tấn công người Úc, chúng tôi sẽ gây khó khăn cho cuộc sống và bạn bè của chính phủ này. Các nền dân chủ phương Tây nên hợp tác cùng nhau để thành lập một mặt trận thống nhất.
Ngày 23/9, cựu nhà ngoại giao Canada Michael Kovrig, người bị Trung Quốc giam giữ 1.019 ngày, lần đầu tiên tiết lộ việc ông bị ngược đãi trong tù. Trải nghiệm của ông Kovrig ở Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại của công chúng.
Ông Lý Kiến Phong, một cựu thẩm phán Trung Quốc, người bị kết án tù vì giúp bảo vệ nhân quyền, cũng bị biệt giam 16 ngày, sau đó bị quản lý chặt cấp độ 1 trong vài tháng. Ông nói rằng kiểu ngược đãi thể chất và tinh thần này nằm ngoài sức tưởng tượng của người bình thường.
Ông Lý Kiến Phong cũng chỉ ra rằng chính quyền Trung Quốc đã hoàn toàn phớt lờ các quy định liên quan của Liên Hợp Quốc, và đối xử vô cùng tàn nhẫn với các tù nhân. Thật nực cười khi Trung Quốc được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Từ khóa Nhà tù Trung Quốc