Trải nghiệm “như địa ngục” khi bị giam ở Trung Quốc 1.019 ngày của cựu quan chức Canada
- Bình Minh
- •
Ngày 23/9, cựu nhà ngoại giao Canada Michael Kovrig, người bị Trung Quốc giam giữ 1.019 ngày, lần đầu tiên tiết lộ việc ông bị ngược đãi trong tù. Trải nghiệm của ông Kovrig ở Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại của công chúng.
Khi trả lời phỏng vấn của Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Canada (CBC), lần đầu tiên ông Michael Kovrig tiết lộ trải nghiệm bị giam giữ và tra tấn ở Trung Quốc. Ông nói, tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc là biệt giam không được quá 15 ngày, quá 15 ngày được coi là tra tấn tâm lý, trong khi ông đã ở đó gần 6 tháng.
Ông nói đã đánh giá quá cao tính hợp lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và đánh giá thấp sự tàn ác của họ.
Ngày 1/12/2018, Canada đã bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu của Trung Quốc, để đáp lại yêu cầu hỗ trợ pháp lý lẫn nhau từ Hoa Kỳ. Trung Quốc ngay lập tức bắt giữ ông Kovrig tại Bắc Kinh hôm 10/12/2018.
Canada đã bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu tại Vancouver theo yêu cầu của chính quyền Mỹ. Hoa Kỳ cáo buộc Mạnh Vãn Châu che giấu các giao dịch kinh doanh giữa công ty con Skycom của Hồng Kông và Iran, đồng thời vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ, và hy vọng sẽ dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu.
Bà Mạnh Vãn Châu đã bị quản thúc tại một biệt thự trị giá hàng triệu đô la ở Vancouver trong gần 3 năm, trong khi điều kiện giam giữ ông Kovrig vô cùng khắc nghiệt. Phần lớn thông tin này đã bị che giấu do các quan chức lãnh sự và luật sư Canada bị hạn chế tiếp cận.
Kovrig cho biết vào thời điểm bị bắt, ông đang trở về nhà cùng với người vợ mang thai 6 tháng. Không ngờ rằng ông sẽ không thể ở bên người bạn đời của mình trong 1.019 ngày tới, và không thể nhìn thấy khoảnh khắc con gái mình chào đời.
Sau khi bị bắt vào ngày hôm đó, ông Kovrig bị biệt giam gần 6 tháng. Ông cho biết, đó là trải nghiệm tra tấn và đau đớn nhất trong cuộc đời ông.
Đó là sự kết hợp giữa việc bị cô lập hoàn toàn và thẩm vấn không ngừng nghỉ từ 6 đến 9 tiếng mỗi ngày. Họ cố gắng bắt nạt, tra tấn, hăm dọa và ép buộc ông, ép ông phải chấp nhận lời khai sai sự thật của họ và yêu cầu ông nhận tội.
Phòng biệt giam không có ánh sáng mặt trời, nhưng đèn huỳnh quang luôn chiếu sáng 24/24 giờ. Trong quá trình thẩm vấn, ông bị trói vào một chiếc ghế gỗ có lưng cao, và không được phép bắt chéo chân hoặc thay đổi tư thế. Do không hợp tác, nên suất ăn của ông bị cắt bớt, khiến ông luôn bị đói, khiến ông sụt khoảng 10 kg trong tháng đầu tiên.
Kovrig cho biết, ông biết mình không thể yếu đuối hay gục ngã, nên đã thiết lập một quy luật thép. Ông bắt đầu tập yoga, thiền và chăm chỉ tự học tiếng Trung. Khoảng nửa năm sau, ông được chuyển đến một nhà tù nơi ông có bạn tù và có thể nhìn thấy mặt trời. Ông cảm giác như đi từ địa ngục đến luyện ngục.
Ông đã viết những bức thư cho gia đình, những bức thư dài gửi cho cô con gái mà ông chưa từng gặp mặt, để bày tỏ tình yêu với gia đình và kỷ niệm sinh nhật đầu tiên của con gái. Kovrig nói, những bức thư viết cho những người thân yêu giống như ánh sáng chiếu xuyên qua màn đêm.
Sau đó, ông Michael Spavor, một doanh nhân Canada khác, cũng bị Trung Quốc bắt giam. Ông bị xét xử tại Trung Quốc vào ngày 19/3/2021. Đây là phiên tòa kín, trong đó các quan chức lãnh sự Canada không được tham dự. Ông phải đối mặt với cáo buộc gián điệp và bị kết án 11 năm tù, một động thái bị Ottawa lên án.
Khi bà Mạnh Vãn Châu được trả tự do vào ngày 25/9/2021, ông Michael Kovrig và ông Michael Spavor đã được trả tự do.
Ông Lý Kiến Phong, một cựu thẩm phán Trung Quốc, người bị kết án tù vì giúp bảo vệ nhân quyền, cũng bị biệt giam 16 ngày, sau đó bị quản lý chặt cấp độ 1 trong vài tháng. Ông nói rằng kiểu ngược đãi thể chất và tinh thần này nằm ngoài sức tưởng tượng của người bình thường.
Ông nói, ở đó bạn có thể ngủ khoảng 6 tiếng mỗi ngày, và phải thức dậy vào khoảng 5 giờ hơn. Khi thức dậy, bạn phải đứng yên ở một tư thế cố định, mà một người bình thường chỉ có thể cầm cự được 10 hoặc 20 phút, và chắc chắn không thể đứng yên trong vài giờ. Nhưng bạn chỉ cần nhúc nhích, cảnh sát sẽ lập tức xông đến dùng dùi cui điện tra tấn bạn.
Ông Lý Kiến Phong cũng chỉ ra rằng chính quyền Trung Quốc đã hoàn toàn phớt lờ các quy định liên quan của Liên Hợp Quốc, và đối xử vô cùng tàn nhẫn với các tù nhân. Thật nực cười khi Trung Quốc được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Ngày 24/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời rằng Trung Quốc là một quốc gia pháp quyền, và các cơ quan tư pháp xử lý các vụ việc theo đúng pháp luật. Những lời nói dối và bôi nhọ không thể thay đổi sự thật về tội phạm trái pháp luật. Các bên liên quan nên tôn trọng sự thật và suy ngẫm về sai lầm của mình.
Ông Kovrig chỉ ra rằng chính quyền Trung Quốc sẵn sàng sử dụng ngoại giao con tin bất kể mục tiêu là ai.
Ông nói, ĐCSTQ muốn bắt ai đó làm con tin, và nếu ông không ở đó, thì đó sẽ là người khác. Trên thực tế, một trong những niềm an ủi nhỏ mà ông có được là bằng cách tự mình vượt qua thử thách này, ông đã cứu được những người khác khỏi đau khổ.
Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly, người đang tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, nhấn mạnh rằng ông Kovrig đã “trải qua cảnh địa ngục”.
Bà nói, Canada đã rút ra bài học từ vụ bắt giữ hai ông Michael Kovrig và ông Michael Spavor. Canada sẽ không bao giờ chấp nhận việc công dân của mình bị các nước khác bắt giữ tùy tiện và sử dụng làm con tốt địa chính trị.
Từ khóa Canada quan hệ Trung Quốc - Canada