Đại học Harvard nhận được “tối hậu thư” về “điều kiện nhận tài trợ liên bang”
- Trí Đạt
- •
Chính quyền Trump đã gửi cho Đại học Harvard một danh sách các yêu cầu, yêu cầu trường này (hiện đang bị điều tra vì hành vi bài Do Thái) phải đáp ứng các điều kiện do Chính phủ đề ra thì mới có thể lấy lại các hợp đồng và khoản tài trợ liên bang trị giá gần 9 tỷ USD.
Vào thứ Năm (3/5), Bộ Giáo dục Mỹ, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) cùng với Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp Liên bang (GSA) đã đồng gửi một bức thư đến Đại học Harvard, trong đó nêu rõ những yêu cầu cụ thể để trường có thể tiếp tục duy trì “mối quan hệ tài chính liên tục” với Chính phủ liên bang.
Người phát ngôn của Harvard xác nhận rằng nhà trường đã nhận được lá thư này, vốn do Nhóm Công tác đặc biệt về Chống Bài Do Thái trong Chính phủ gửi đi. Trong thư, Chính phủ cho rằng Harvard “về cơ bản đã không bảo vệ được sinh viên và nhân viên người Mỹ khỏi bạo lực và quấy rối bài Do Thái”, vì vậy trường phải hành động ngay lập tức nếu muốn tiếp tục được tài trợ.
Bức thư đưa ra một trong những yêu cầu là cấm đeo khẩu trang (trừ một số trường hợp ngoại lệ), điều này chủ yếu nhằm vào những người biểu tình ủng hộ Palestine, vì họ đôi khi sử dụng khẩu trang để che giấu danh tính.
Harvard cũng được yêu cầu làm rõ chính sách phát ngôn trong khuôn viên, tăng cường quản lý hoạt động biểu tình, và giới hạn thời gian, địa điểm và hình thức của các cuộc biểu tình cũng như các hoạt động khác.
Chính phủ liên bang còn yêu cầu Harvard phải cải tổ ban lãnh đạo, tăng cường trách nhiệm giải trình đối với các nhóm sinh viên, cải cách công tác tuyển sinh và tuyển dụng, đóng cửa các chương trình “Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập” (DEI), đồng thời thắt chặt hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật và Chính phủ liên bang.
Trong bức thư, chính quyền Trump không đưa ra yêu cầu kiểm soát một số chương trình học thuật cụ thể như từng làm với Đại học Columbia, nhưng vẫn yêu cầu Harvard phải rà soát và cải cách các bộ phận bị cho là “dung túng hành vi quấy rối bài Do Thái.”
So với tối hậu thư từng gửi cho Đại học Columbia, bức thư gửi Harvard có ít yêu cầu cụ thể hơn, chủ yếu tập trung vào “cải cách cơ cấu lâu dài”. Thư cũng không đề ra thời hạn cuối cùng, trong khi Columbia chỉ có khoảng một tuần để thực hiện các yêu cầu của Chính phủ.
Lá thư này được gửi đi sau khi 3 cơ quan liên bang nói trên tuyên bố vào thứ Hai (31/3) rằng họ sẽ xem xét các khoản tài trợ liên bang dành cho Harvard, bao gồm hơn 255 triệu USD hợp đồng giữa trường và các cơ quan chính phủ, cùng với khoản tài trợ nhiều năm có thể lên tới 8,7 tỷ USD.
Trước đó vào tháng 3, chính quyền Trump từng thông báo tạm thời hủy bỏ khoản tài trợ liên bang trị giá 400 triệu USD cho Đại học Columbia trong thời gian “Nhóm công tác Chống bài Do Thái” (Task Force to Combat Anti-Semitism) của Bộ Tư pháp điều tra trường này. Chính phủ cũng yêu cầu Columbia sửa đổi các chính sách và đưa chương trình nghiên cứu Trung Đông, châu Phi và Nam Á vào diện kiểm soát hành chính.
Cuối cùng, Columbia đã đáp ứng phần lớn các yêu cầu của Chính phủ. Chính quyền Trump tuyên bố điều đó giúp trường có cơ hội khôi phục lại khoản tài trợ liên bang.
Chính quyền Trump có kế hoạch đóng băng 510 triệu USD tiền tài trợ liên bang cho Đại học Brown
Tờ New York Post cho biết, chính quyền Trump dự định đóng băng khoản hỗ trợ và hợp đồng liên bang trị giá hơn 500 triệu USD dành cho Đại học Brown (Brown University).
Một quan chức Nhà Trắng xác nhận hôm thứ Năm (ngày 3/4) rằng chính phủ có kế hoạch đóng băng khoản tài trợ liên bang trị giá 510 triệu USD dành cho Đại học Brown, trong khi tiến hành điều tra cách trường đại học thuộc Ivy League này xử lý các vụ việc liên quan đến bài Do Thái tại khuôn viên trường ở Providence, tiểu bang Rhode Island, cũng như đánh giá các chính sách về “Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập” (DEI) của trường.
Trong một email gửi đến giảng viên và nhân viên vào hôm thứ Năm, Hiệu phó Học thuật của Đại học Brown – ông Frank Doyle, cho biết ông đã nghe những “tin đồn đáng lo ngại” về khả năng chính phủ liên bang sẽ hành động đối với nguồn tài trợ nghiên cứu của trường, nhưng “chưa có bất kỳ thông tin nào xác nhận” việc tài trợ sẽ bị tạm ngưng.
Tờ báo The Daily Caller là đơn vị đầu tiên đưa tin về kế hoạch này của chính quyền Trump nhắm vào Đại học Brown.
Vào đầu tháng này, Văn phòng Quyền Công dân của Bộ Giáo dục Mỹ đã gửi cảnh báo đến 60 trường đại học, trong đó có Đại học Brown, nói rằng các trường này có thể đối mặt với nguy cơ bị cắt tài trợ liên bang vì liên quan đến các hành vi phân biệt đối xử hoặc quấy rối bài Do Thái trong khuôn viên trường.
Brown là một trường đại học tư thục, với quỹ quyên tặng trị giá 7,2 tỷ USD, thấp nhất trong khối Ivy League. Trường này cũng báo cáo rằng ngân sách năm 2024 bị thâm hụt 42 triệu USD, và dự đoán “mức thâm hụt sẽ tăng đáng kể trong ngắn hạn”.
Theo Fox News, chính quyền Trump cũng đã đình chỉ khoản tài trợ liên bang trị giá 175 triệu USD cho Đại học Pennsylvania (UPenn) với lý do trường này cho phép các vận động viên chuyển giới tham gia thi đấu ở nội dung nữ.
Chính quyền Trump đang dựa trên các điều khoản của “Đạo luật Dân quyền” (Civil Rights Act) để thực hiện việc đóng băng các khoản hỗ trợ bằng tiền thuế của người dân này. Luật này cấm bất kỳ cơ sở giáo dục nào tham gia vào các hành vi phân biệt chủng tộc, quốc tịch, tôn giáo hay các hình thức phân biệt đối xử khác được nhận tài trợ liên bang.
Từ khóa đại học Harvard Giáo dục Mỹ chủ nghĩa bài Do Thái Bộ trưởng Giáo dục Mỹ
