Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản giải thích việc ĐCSTQ tăng cường chèn ép Philippines
- Mộc Vệ
- •
Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho rằng hai vấn đề bất an nhất đối với Trung Quốc là lương thực và năng lượng, đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không ngừng gây vấn đề ở Biển Đông với các nước láng giềng, đặc biệt là với Philippines.
Ông Emanuel chia sẻ: “Dầu khí, thủy sản và an ninh lương thực là những yếu tố trọng yếu, đó là lý do tại sao họ gây vấn đề”.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với kênh truyền thông Mỹ The Wire, ông nói rằng 14% sản lượng đánh bắt hải sản của thế giới diễn ra ở Biển Đông, ngoài ra Biển Đông rất quan trọng đối với thương mại hàng hải quốc tế. Bên cạnh đó các nước như Malaysia, Việt Nam và Philippines đã phát hiện một lượng lớn tài nguyên dầu khí ở Biển Đông.
Theo yêu sách chủ quyền của ĐCSTQ ở Biển Đông, họ có quyền đánh cá và quyền thăm dò dầu khí [trên toàn vùng biển này theo cái gọi là Đường 9 đoạn].
Mới đây, ngày 17/6, trong khi quân đội Philippines đang thực hiện nhiệm vụ luân chuyển và tiếp tế cho tàu BRP Sierra Madre trên bãi cạn Second Thomas [bãi Cỏ Mây – Việt Nam], hải cảnh ĐCSTQ đã cử 8 tàu đến chặn tàu của Philippines, cảnh quay cho thấy họ dùng dao và rìu răn đe binh sĩ Philippines.
Tham gia sứ mệnh tiếp tế của quân đội Philippines có hai thuyền bơm hơi thân cứng (RHIB) và một tàu dân sự do quân đội ký hợp đồng.
Cuộc phỏng vấn với ông Emmanuel diễn ra trước khi xảy ra xung đột hàng hải Philippines-Trung Quốc. Khi nói về phương hướng quan hệ Philippines-Trung Quốc, ông nói: “Tôi không biết mọi chuyện sẽ phát triển như thế nào, nhưng tôi biết Bắc Kinh kiên quyết không cho phép bất kỳ nước nào tuyên bố chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở Biển Đông của nước đó, mặc dù Tòa án Công lý Quốc tế đã bác bỏ chủ trương của ĐCSTQ và đã đưa ra phán quyết.”
Ông đề cập tại Hội nghị An ninh Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin đã nói rõ rằng Philippines có hiệp ước đồng minh với Mỹ, do đó Mỹ sẽ bảo vệ theo hiệp ước nếu có địch thủ vượt qua biên giới xâm phạm Philippines.
Ông cũng nhấn mạnh Nhật Bản và Úc cũng bày tỏ ủng hộ Philippines: “Chúng tôi rất rõ ràng rằng chúng tôi sẽ hỗ trợ đồng minh Philippines của mình, phía Trung Quốc cũng biết điều này. Úc đã đưa ra một số cam kết nhất định, mặc dù không ở mức độ tương tự do họ không có hiệp ước đồng minh (với Philippines)…”.
Ông cho biết việc Nhật Bản phái 17 tàu bảo vệ bờ biển đến Philippines là một cam kết quan trọng, các tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển này nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi đánh bắt cá và khí đốt tự nhiên của Nhật Bản, và bảo vệ ngư dân phụ thuộc vào việc đánh bắt này.
Là đối thủ chiến lược, không phải đối thủ cạnh tranh
Đại sứ Emmanuel lên án phía ĐCSTQ dùng ngoại giao sói chiến hung hăng và các chính sách ép buộc kinh tế để gây áp lực lên các nước khác, đồng thời sử dụng các thủ đoạn không đoàng hoàng để thực hiện hoạt động gián điệp kinh tế.
“Trước đây phổ biến giả định rằng nếu đưa Trung Quốc vào một hệ thống kinh tế do phương Tây thống trị, họ sẽ đầu tư vào lợi ích của hệ thống đó vì họ được hưởng lợi về mặt kinh tế từ hệ thống đó, giúp họ thoát nghèo. Nhưng thực tế không phải vậy, họ không làm vậy [đóng góp tích cực theo nguyên tắc của hệ thống đó]”.
Ông đưa ra ví dụ về 3 công ty máy móc bán dẫn lớn trên thế giới là ASML, Tokyo Electronics và Nikon. Họ cạnh tranh, đổi mới và theo đuổi công việc kinh doanh, trong đó có thắng có thua. Vài tháng trước có thông tin việc Trung Quốc đã đánh cắp tài sản trí tuệ của ASML, trong khi các đối thủ là Tokyo Electron và Nikon thì không làm như vậy. Hay như 2 tháng trước Google phát hiện Trung Quốc đã đánh cắp tài sản trí tuệ về trí tuệ nhân tạo (AI) của họ.
Ông nói về vấn đề trên: “Đây là điều mà các đối thủ chiến lược làm, còn các đối thủ cạnh tranh thì không làm”; “Bắc Kinh không thể nói về cái gọi là ‘hai bên có lợi’ khi tất cả các công ty lớn về điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn… [của Trung Quốc]…. đều không tham gia cạnh tranh [công bằng] với đối thủ. Cái gọi là ‘đôi bên có lợi’ đó của ĐCSTQ bị chế giễu là Trung Quốc ‘có lợi đôi bên’, không nhường bên nào cho ai”.
Ông Emanuel cho rằng quan hệ Trung-Mỹ phải dựa trên sự tin tưởng nhưng ĐCSTQ lại không ngừng ăn cắp và lừa dối, thật không may khi lẽ ra Trung Quốc đã có thể đóng góp rất nhiều cho cộng đồng quốc tế.
Ông cho biết, Mỹ lâu nay coi ĐCSTQ là đối thủ cạnh tranh chiến lược, nhưng hiện nay có thể thay đổi là đối thủ chiến lược, điều này do chính ông Tập Cận Bình gây thay đổi mô hình đối xử của Trung Quốc với Mỹ. Ông nói: “Tôi nghĩ toàn bộ chính phủ Mỹ – không chỉ cơ quan hành pháp mà ngay cả cơ quan lập pháp – đã thay đổi và kết luận rằng Trung Quốc không phải là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Họ [ĐCSTQ] coi chúng ta như đối thủ chiến lược, chúng ta nên ngừng ngộ nhận”.
Thủy thủ hải quân Philippines bị thương nặng trong vụ va chạm ở Biển Đông với tàu của ĐCSTQ hôm 17/6
Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, Quân đội Philippines tố cáo vụ va chạm hôm 17/6 ở Biển Đông là hành động “lao húc tốc độ cao có chủ ý” của tuần duyên ĐCSTQ vào một tàu tiếp tế Philippines khiến một thủy thủ hải quân “bị thương nặng”. Ngược lại, lực lượng tuần duyên ĐCSTQ đổ lỗi cho con tàu tiếp tế của Philippinnes.
Trong một tuyên bố ngày 18/6, quân đội Philippines cho biết thủy thủ này đã được sơ tán thành công và hiện đang được điều trị. Vụ việc xảy ra trong chuyến thực hiện nhiệm vụ luân chuyển và tiếp tế cho Sierra Madre, một con tàu mà Philippines neo đậu trên Bãi Cỏ Mây (bãi cạn Second Thomas) hơn hai thập niên trước để thúc đẩy yêu sách của Manila đối với quần đảo Trường Sa.
Manila cho biết vụ việc xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này khi các tàu của ĐCSTQ thực hiện các thao tác nguy hiểm, nhưng lực lượng tuần duyên ĐCSTQ đổ lỗi cho một tàu tiếp tế của Philippines.
Đây là vụ việc mới nhất trong chuỗi các cuộc đối đầu ở vùng biển tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.
Theo VOA, vụ việc hôm 17/6 xảy ra khi ĐCSTQ đang thực hiện các bước để tăng cường thực thi luật pháp ở vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố là của mình. Bắc Kinh gần đây đã công bố các quy định mới, có hiệu lực từ ngày 15/6, cho phép lực lượng tuần duyên của họ sử dụng vũ lực gây chết người chống lại các tàu nước ngoài trong lãnh hải của mình và giam giữ những người bị nghi ngờ xâm phạm mà không cần xét xử trong 60 ngày.
Mộc Vệ (t/h)
Từ khóa biển Đông Philippines Rahm Emanuel