Triều Tiên: Đại sứ quán ở Ấn Độ mở cửa hàng bán thịt bò bất hợp pháp
- Minh Ngọc
- •
Do liên tục thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo, Bắc Hàn đã phải chịu các biện pháp trừng phạt cứng rắn của Liên Hiệp Quốc và bị cô lập kinh tế. Tuy nhiên, bất chấp các lệnh cấm vận, năm ngoái, Triều Tiên đã thu về khoảng 6,5 tỷ USD ngoại tệ và một trong số đó đến từ khoảng 40 Đại sứ quán của mình trên khắp thế giới.
Mới đây các kênh truyền thông Tây phương tiết lộ, hơn 40 Đại sứ quán của Triều Tiên đã trở thành các công ty thường trú ở nước ngoài, tiến hành các hoạt động thương mại bất hợp pháp nhằm mang về ngoại hối cho đất nước, thậm chí Đại sứ quán ở Ấn Độ còn mở cửa hàng bán thịt bò.
Theo tờ New York Times của Mỹ, các đại sứ quán và lãnh sự quán của Bắc Hàn ở nước ngoài không được chính phủ nước này cung cấp kinh phí hoạt động, ngược lại còn bị yêu cầu kiếm thêm ngoại hối để gửi về nước. Do đó, Đại sứ quán Triều Tiên suốt hơn 10 năm qua luôn phải tiến hành các hoạt động kinh doanh khác nhau để kiếm tiền.
Theo luật pháp và các quy định quốc tế hiện hành, hoạt động kinh doanh này về cơ bản đều là bất hợp pháp. Kể từ khoảng năm 1976, các nhà ngoại giao Triều Tiên đã bị phát hiện kiêm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ khác nhau trong các hoạt động kinh doanh kiếm tiền ở nước ngoài khi cảnh sát Na Uy phát hiện mọi nhân viên làm việc tại Đại sứ quán ở Oslo đều dính dáng đến hoạt động nhập khẩu và phân phối 10.000 chai rượu và 100.000 bao thuốc lá. Bắc Hàn càng phải chịu nhiều biện pháp trừng phạt quốc tế, thì các đại sứ quán của quốc gia này lại càng phải tiến hành nhiều hoạt động kinh doanh hơn để kiếm tiền.
Tại Ba Lan, có khoảng 40 doanh nghiệp sử dụng địa chỉ đăng ký kinh doanh trùng với Đại sứ quán Triều Tiên ở Warsaw, trong đó có cả công ty dược phẩm, một số công ty quảng cáo hay câu lạc bộ du thuyền.
Ông Marcus Noland, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề liên quan đến Triều Tiên tiết lộ: “Bố vợ tôi từng làm việc ở Đại sứ quán. Ông ấy kể lại rằng, từ nhiều năm trước tại Ấn Độ, nếu muốn mua thịt bò thì chỉ cần liên hệ với Đại sứ quán Bắc Hàn ở Delhi.” Bò là linh vật trong Ấn Độ giáo, cho nên quốc gia này nghiêm cấm giết bò dưới mọi hình thức. Để kiếm tiền, Đại sứ quán Triều Tiên đã mở một cửa hàng bán thịt bò ngay tại tầng hầm của trụ sở.
Tạp chí East Asia Daily của Hàn Quốc ngày 9/10 đưa tin, Đại sứ quán Triều Tiên tại Sofia, thủ đô Bulgaria chia làm hai khu vực chính. Một khu vực hoạt động đúng với chức năng của Đại sứ quán. Khu vực còn lại được biết đến với cái tên Terra Residence, nằm cách đó 15 phút đi bộ về hướng đông. Đây là nơi ở cũ của các Đại sứ Triều Tiên, được xây từ những năm 1980. Khu nhà này gồm nhiều phòng lớn với đèn chùm, rèm vàng và tranh vẽ vũ công balê, được một số công ty của Bulgaria thuê để phục vụ các đám cưới, dạ tiệc và các sự kiện thương mại. Terra Residence cũng cung cấp địa điểm chụp ảnh tạp chí, làm video ca nhạc hay sản xuất phim quảng cáo.
Nhân viên Đại sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh kiêm cả nhân viên “Công ty thương mại Hải Kim Cương”, công ty này từng bán tên lửa đối không cho các quốc gia châu Phi, và phải chịu lệnh áp đặt trừng phạt của Mỹ.
Ngoài ra, các nhà ngoại giao Bắc Hàn còn tham gia buôn bán vũ khí, ma túy, thuốc lá, rượu vang, xe sang cùng nhiều mặt hàng miễn thuế khác. Họ thậm chí mua một số đồ điện tử cũ, một số món đồ được sửa, vệ sinh và bán lại, một số thì được gửi về Triều Tiên.
Tờ Kyodo News của Nhật ngày 7/10 cho hay, bất chấp sự trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, Bắc Hàn đã lợi dụng tàu vận tải của Nga để xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc. Ngày 14/9, tàu đến Vladivostok Nga chuyển giao 16 tấn nhôm, sau đó chất đầy thuốc lá cùng các mặt hàng khác trở về Triều Tiên. Số nhôm này sau đó sẽ được tháo dỡ và do các hãng tàu không phải của Bắc Hàn vận chuyển tới Phật Sơn, Quảng Đông, Trung Quốc.
Trước hoạt động kinh doanh này, một số các quốc gia như Đức tỏ ra cứng rắn, không cho phép Triều Tiên tiếp tục hoạt động. Hồi tháng Năm, Đức đóng cửa một khách sạn nằm trong khuôn viên Đại sứ quán Bắc Hàn ở Berlin. Tuy nhiên, một số các nước khác như Ba Lan và Bulgaria thì chưa có bất kỳ hành động nào.
Minh Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Bắc Hàn Triều Tiên Đại sứ quán Triều Tiên Đại sứ quán Bắc Hàn