Hôm thứ Năm (9/1), Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã đệ trình một dự luật cho phép Hoa Kỳ mua lại Kênh đào Panama sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nêu lên mối lo ngại rằng tuyến đường thủy quan trọng này đang nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.

Kenh dao Panama
Kênh đào Panama nhìn từ trên cao. (Ảnh: Shutterstock)

Dân biểu Dusty Johnson (Đảng Cộng hòa, Nam Dakota), thành viên của Ủy ban Đặc biệt về Trung Quốc và Ủy ban Giao thông và Cơ sở hạ tầng của Hạ viện đã đưa ra dự luật mang tên Đạo luật Mua lại Kênh đào Panama.

“Tổng thống Trump đã đúng khi cân nhắc đến việc mua lại Kênh đào Panama”, ông Johnson cho biết trong một tuyên bố. “Sự quan tâm và hiện diện của Trung Quốc xung quanh kênh đào là một lý do đáng lo ngại. Nước Mỹ phải thể hiện sức mạnh ở nước ngoài – việc sở hữu và vận hành Kênh đào Panama có thể là một bước quan trọng hướng tới một nước Mỹ mạnh mẽ hơn và một thế giới an toàn hơn”.

Dự luật này có 15 nhà đồng bảo trợ của Đảng Cộng hòa khác gồm: Các Dân biểu Dan Crenshaw, Randy Weber, Troy Nehls và Brian Babin của Texas; các Dân biểu Mike Collins, Barry Loudermilk và Andrew Clyde của Georgia; Dân biểu Barry Moore của Alabama; Dân biểu Jack Bergman của Michigan; Dân biểu Mike Rulli của Ohio; các Dân biểu Neal Dunn và Aaron Bean của Florida; Dân biểu Erin Houchin của Indiana; Dân biểu Abraham Hamadeh của Arizona; và Dân biểu Mike Lawler của New York.

Nếu trở thành luật, dự luật này sẽ trao cho tổng thống thẩm quyền hành động phối hợp với ngoại trưởng, để “khởi xướng và tiến hành đàm phán với các đối tác phù hợp của Chính phủ Cộng hòa Panama nhằm giành lại Kênh đào Panama”.

Kể từ ngày dự luật nêu trên được ban hành chính thức, tổng thống có 180 ngày để nộp báo cáo lên Quốc hội, nêu chi tiết tiến độ đàm phán, những thách thức tiềm ẩn và kết quả dự kiến.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ước tính khoảng 72% tổng số tàu thuyền đi qua Kênh đào Panama đều đến hoặc đi từ một cảng của Hoa Kỳ.

Lưu ý đến tầm quan trọng chiến lược của kênh đào đối với Hoa Kỳ, văn phòng của ông Johnson cũng lưu ý rằng tuyến đường thủy này là điểm trung chuyển quan trọng cho các tàu của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ và Bộ Quốc phòng.

Nếu không có lối vào kênh đào, tàu thuyền sẽ buộc phải di chuyển thêm 8.000 dặm (12.875 km) quanh Nam Mỹ.

Văn phòng của ông Johnson cho biết: “Hơn 10.000 tàu thuyền sử dụng Kênh đào Panama mỗi năm, tạo ra hàng tỷ USD tiền phí cầu đường, mang lại lợi ích kinh tế cho nước Mỹ”.

Hôm thứ Ba (7/1), trong cuộc họp báo tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của mình ở Palm Beach, Florida, ông Trump được hỏi liệu ông có bảo đảm với thế giới rằng ông sẽ không sử dụng “biện pháp cưỡng ép quân sự hoặc kinh tế” để giành quyền kiểm soát Kênh đào Panama cũng như Greenland hay không.

“Không, tôi không thể bảo đảm với bạn về bất kỳ điều nào trong hai điều đó. Nhưng tôi có thể nói điều này. Chúng ta cần chúng [kênh đào] cho an ninh kinh tế. Kênh đào Panama được xây dựng cho quân đội của chúng ta”, ông Trump nói. “Hãy nhìn xem, Kênh đào Panama rất quan trọng đối với đất nước chúng ta. Nó đang bị Trung Quốc điều hành. Trung Quốc. Và chúng ta đã trao Kênh đào Panama cho Panama. Chúng ta không trao nó cho Trung Quốc. Và họ đã lạm dụng nó. Họ đã lạm dụng món quà đó. Đáng lẽ nó không bao giờ nên được làm như thế”.

Chính phủ Panama đã phủ nhận việc Trung Quốc đang kiểm soát Kênh đào Panama, nơi Hoa Kỳ đã từ bỏ quyền kiểm soát vào ngày cuối cùng của năm 1999 theo một hiệp ước được cố Tổng thống Jimmy Carter đàm phán nhiều thập kỷ trước.

Văn phòng của ông Johnson có nhắc đến ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực xung quanh Kênh đào Panama.

“Vào năm 2018, Panama là quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa), và các khoản đầu tư từ các công ty của CHND Trung Hoa vào cơ sở hạ tầng kênh đào chỉ tăng lên kể từ đó. Hơn nữa, các công ty của CHND Trung Hoa có quyền quản lý hai cảng ở hai bên kênh đào”, văn phòng của Dân biểu Johnson viết.

Tờ New York Times đưa tin rằng, hai cảng biển ở mỗi bên kênh đào Panama đã được công ty Hutchison Ports PPC có trụ sở tại Hồng Kông điều hành trong nhiều thập kỷ qua. Tờ báo nhấn mạnh rằng chính phủ Trung Quốc ngày càng thực thi nhiều luật an ninh quốc gia trên đảo Hồng Kông, có thể buộc các công ty phải tuân thủ hoạt động thu thập thông tin tình báo và hoạt động quân sự.