Gaokao – kỳ thi đại học tại Trung Quốc được coi là khốc liệt nhất thế giới – cũng là một mảnh đất màu mỡ để tuyên truyền cho ĐCSTQ.

“Dựa vào kiến thức chính trị của mình, bạn hãy giải thích tại sao Đảng Cộng Sản nên thực hiện quyền lãnh đạo lên nền kinh tế, lực lượng vũ trang, trường học và toàn bộ các khía cạnh của xã hội Trung Quốc?”

thi dai hoc 2
Học sinh Trung Quốc thề làm tốt trong kỳ thi đại học (Ảnh qua Qz.com)

Bên trên là một câu hỏi luận trong bài thi gaokao năm 2018 – kỳ thi đầu vào đại học tại Trung Quốc được tổ chức vào đầu tháng 6. Kỳ thi nổi tiếng là khó, nhưng nếu thí sinh biết “nịnh Đảng” thì sẽ được điểm cộng. Tại Bắc Kinh, các em học sinh được yêu cầu nhận xét một khẩu hiệu môi trường của ông Tập Cận Bình, trong khi đề bài lưu ý rằng nếu khen ngợi một cách tích cực sẽ được nhiều điểm hơn.

Chính trị hóa kỳ thi đại học

Cách đây 4 năm, trong một tuyên bố công khai, ông Tập từng nói rằng các trường đại học phải trở thành “thành trì” của ĐCSTQ.

Giáo dục đại học … phải đi theo định hướng chính trị đúng đắn”, ông Tập nói trong một bài phát biểu trước các hiệu trưởng đại học Trung Quốc năm 2015.

Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập nói rằng trường đại học phải trở thành “thành lũy ủng hộ sự lãnh đạo của đảng” và giáo dục chính trị cần phải làm cho “thu hút hơn”.

Ngoài các môn như Toán, Tiếng Anh, Địa Lý, v.v, môn viết luận được xem là khó nhất trong kỳ thi Gaokao. Năm nay, tư tưởng của Tập Cận Bình được đem ra làm chủ đề chính của các bài luận. Trong 9 câu luận, có tới 5 câu xoay quanh các khẩu hiệu do ông Tập đề xướng. Kiểu chính trị hóa kỳ thi đại học này gợi lại thời kỳ Mao Trạch Đông, người đã chủ trương “đánh đổ trí thức” trong thời Đại cách mạng văn hóa.

Năm nay, Trung Quốc mộng và tư tưởng Tập Cận Bình xuất hiện dày đặc trong kỳ thi đại học. Chẳng hạn, có đề bài viết: 

Mỗi thế hệ đều đối mặt với cơ hội, sứ mệnh và thách thức của riêng mình. Các bạn đang tiến bước và trưởng thành cùng với Thời kỳ mới của Trung Quốc, theo đuổi và thực hiện ước mơ của mình”.

“Viết một bài luận về chủ đề sau: Thời kỳ mới, thanh niên mới – trưởng thành cùng sự phát triển của tổ quốc”.

Thời kỳ mới là một khẩu hiệu của Tập Cận Bình đề xướng hồi năm 2017, khi ông ta đề cập tới việc Trung Quốc mở rộng sức mạnh và ảnh hưởng ra toàn thế giới.

Tại tỉnh Chiết Giang nơi ông Tập từng làm Bí thư 5 năm, học sinh được yêu cầu viết bài văn về “tinh thần Chiết Giang của Chủ tịch Tập”, trong đó bao hàm sáng tạo và làm việc chăm chỉ.

Một số câu hỏi tuy không trực tiếp yêu cầu học sinh viết về đề tài chính trị, tuy nhiên cũng lồng ghép các nội dung tuyên truyền của ĐCSTQ. Chẳng hạn một câu yêu cầu học sinh viết một bức thư cho năm 2035, khi mà Trung Quốc “đã cơ bản thực hiện được hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa” theo lý tưởng ĐCSTQ. Một câu hỏi thì yêu cầu học sinh viết về chính sách cải tổ và mở cửa của quốc gia, với gợi ý là 3 câu khẩu hiệu của các lãnh đạo Trung Quốc:

  • Thời gian chính là kim tiền, hiệu suất chính là sinh mạng (Đặng Tiểu Bình 1981)
  • Núi xanh và nước sạch cũng quan trọng như núi vàng núi bạc (Tập Cận Bình 2005)
  • Chúng ta, thế hệ mới, phải hoàn thành Cuộc trường chinh mới của mình (Tập Cận Bình, 2017).

Việc tiêm nhiễm chính trị vào đề thi đại học khiến người ta nhớ lại Trung Quốc vào thập kỷ 50, 60. Chẳng hạn, trong kỳ thi năm 1958, thí sinh được yêu cầu viết bài văn ca ngợi Đại Nhảy Vọt của Mao, một chính sách phát triển kinh tế đã khiến 10 triệu người chết đói.

“Nếu trong tim có Đảng, bạn sẽ được điểm cao”, một người bình luận trên mạng xã hội Weibo tại Trung Quốc.

“Chính trị là tảng đá quấn quanh cổ văn học và làm nó chết chìm trong chưa đầy sáu tháng”, một người khác bình luận, trích từ tác phẩm “Đỏ và Đen” của tác giả Pháp Stendhal.

gaokao students
Học sinh Trung Quốc thi thử đại học (Ảnh qua qz.com)

Chiến trường “nhồi sọ”

Gaokao là kỳ thi khốc liệt nhất thế giới. Năm 2018 đã có gần 10 triệu thí sinh tham dự kỳ thi này để tranh nhau một suất được vào đại học. Với kỳ vọng quá lớn trên vai, các em học sinh cấp 3 đã tham gia vào một kiểu trại tập trung luyện thi với lịch trình dày đặc mà các tờ báo phương Tây gọi là nhồi học đến liệt thần kinh.

Lấy ví dụ tại “lò luyện thi” trường Trung Học Phổ Thông Maotanchang (Mao Thản Hán) ở tỉnh An Huy và trường trung học Ba Thục tại Trùng Khánh, nơi được xem là có chiến lược luyện thi xuất sắc hơn tất cả các nơi khác ở Trung Quốc. Mỗi năm, hai “lò” này xuất xưởng hơn 10.000 thí sinh với tỷ lệ đậu các trường đại học danh tiếng như đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa đã mang lại cho các giáo viên ở đây tiền bạc và danh tiếng.

Tham gia vào các “lò” này, học sinh phải thức dậy lúc 6 giờ sáng. Các lớp luyện thi bắt đầu vào 6:30 và gần như luôn kết thúc lúc 11 giờ đêm. Thời gian ăn uống, nghỉ ngơi rất hạn hẹp bởi học sinh còn phải thi thử và học thuộc lòng các mẫu câu trả lời. Giáo viên ôn luyện toán, khoa học và tiếng Anh phải dùng micro để giảng bài cho một lớp học có tới 150 học sinh. Chế độ này được thực hiện suốt 7 ngày một tuần trong suốt một năm trước khi kỳ thi thật bắt đầu Mỗi tháng, nhà trường lại tổ chức thi thử. Tất cả các hình thức giải trí như TV, internet và thậm chí thể thao cũng bị cấm. Học sinh nam, nữ bị cấm có tình cảm và tất cả học sinh nữ bị cấm đi giày cao gót và trang điểm.

Tính khốc liệt của kỳ thi đã khiến học sinh không còn không gian để thở chứ đừng nói tới suy ngẫm về sự “tự do và độc lập của học thuật”. Giáo viên vì áp lực tỷ lệ đậu đại học cho trường đã buộc phải tập trung ép học sinh “luyện đề”, giáo dục nhân cách gần như bị bỏ qua, nhường chỗ cho thủ thuật, mẹo làm bài để được điểm cao. Học sinh được đào tạo, nhồi nhét, và gây áp lực để trở thành những con vẹt sẵn sàng viết, nói và tung hô bất cứ thứ gì để mong có một chân vào đại học. Đây là môi trường màu mỡ cho sự tuyên truyền của ĐCSTQ.

Một năm ôn thi khốc liệt cũng khiến phụ huynh vô cùng vất vả. Các bậc cha mẹ tranh nhau thuê các nhà trọ bị tăng giá cắt cổ ở gần trường luyện thi. Chế độ một con của Trung Quốc cũng khiến kỳ vọng cũng như áp lực của cả gia đình đặt lên vai của một em học sinh. 12 năm đèn sách và một kỳ thi thảm khốc không có chỗ cho trung thực, sự chính trực và nhân phẩm đã nhồi nhét vào đầu thế hệ trẻ Trung Quốc tư tưởng “bất chấp tất cả để đạt mục đích” –  nhằm trở thành một con người tiêu biểu của ĐCSTQ. 

gaokao parents pray
Phu huynh Trung Quốc thắp hương cầu con thi đỗ đại học (Ảnh qua qz.com)

Trọng Đức

Xem thêm: