Sự thờ ơ vô cảm của người Trung Quốc khiến thế giới sững sờ
- Trần Hưng
- •
Những năm gần đây, khi truyền thông quốc tế liên tiếp đưa những bản tin phản ánh thực trạng xã hội Trung Quốc, không ít người đã sững sờ và kinh ngạc trước sự thờ ơ vô cảm đáng sợ đang diễn ra từng ngày trên đất nước này.
Khuyến khích người có ý định tự tử mau chóng tìm đến cái chết
Ngày 20/6 vừa qua, mạng xã hội Trung Quốc lan truyền đoạn video quay lại cảnh một cô gái ngồi ở cửa sổ tầng 8 của một tòa nhà và có ý định nhảy xuống dưới tự tử. Đám đông xung quanh chứng kiến cảnh này không ít người hô hào: “Sao còn chưa nhảy xuống?”, “Nếu muốn nhảy thì làm nhanh lên!”
Trong khi lính cứu hỏa xuất hiện để tìm cách cứu cô gái, thì chính những người khuyến khích cô gái mau chóng chảy xuống lại tìm cách ngăn chặn lính cứu hỏa. Sau 4 tiếng ngồi ngoài cửa sổ, cô gái được một người lính cứu hỏa tiến đến gần và đề nghị cô nắm lấy tay anh để anh kéo ra, nhưng cô gái nói: “Cảm ơn, nhưng tôi phải đi” rồi nhảy xuống.
Khi cô gái chạm đất, đám đông chứng kiến cảnh này cười lớn và vỗ tay mặc dù cô gái trẻ đã chết tại chỗ. Trước khi chết, cô đã buộc tội giáo viên của mình lạm dụng tình dục và mong muốn đòi lại công bằng. Thế nhưng, phía nhà trường chỉ đơn giản yêu cầu giáo viên xin lỗi cô và tiếp tục được phép giảng dạy. Phía cảnh sát cũng không kết tội vì cho rằng sự việc không thực sự nghiêm trọng và cũng không đủ bằng chứng.
Sự thờ ơ của một xã hội vô cảm khiến cô gái tìm đến cái chết. Đáng sợ hơn nữa là trong 4 tiếng ngồi bên cửa sổ, cô gái cảm nhận được rằng không có một ai luyến tiếc hay thông cảm với mình, những người chứng kiến sự việc thậm chí còn khuyến khích cô nhanh chóng nhảy xuống.
Tiếp đó, ngày 23/6 tại thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, một người đàn ông 33 tuổi chuẩn bị nhảy lầu. Anh này đứng ngay mé ngoài trên tầng 11 của một tòa nhà, nhiều người nhìn thấy cảnh tượng đã tụm lại xem và hò hét, có người tận mắt chứng kiến đã chụp ảnh lại. Tại hiện trường có một bộ phận người thậm chí còn ngồi ghế để chờ “xem kịch hay”.
Sau đó không lâu, đến ngày 26/6, một cô gái ở thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô đã leo lên ban công một tòa nhà với ý định nhảy xuống. Rất nhiều người chứng kiến xung quanh hò reo “Nhảy đi, nhảy đi!” Nhiều người thậm chí còn dùng đèn có độ sáng mạnh chiếu vào cô gái để khiêu khích cô nhảy xuống. May mắn thay, khi nhân viên cứu hộ xuất hiện và khuyên can, cô gái đã bỏ ý định tự tử.
Đó chỉ là 3 trường hợp xảy ra trong trong vòng chưa đầy một tuần lễ hồi tháng 6/2018. Những sự việc tương tự như vậy hiện đang diễn ra khắp tại Trung Quốc, giống như từng nét vẽ tô điểm thêm vào bức tranh của một xã hội hoàn toàn vô cảm và thờ ơ.
18 người thờ ơ bỏ mặc đứa trẻ bị xe cán
Sự thờ ơ của người dân sống trong xã hội Trung Quốc trên thực tế không chỉ diễn ra trong một vài năm gần đây. Ngày 13/10/2011 tại thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông đã xảy ra một vụ tai nạn gây chấn động Trung Quốc và lan ra khắp thế giới. Bé Duyệt Duyệt 2 tuổi, vì mải chơi gần cửa hàng của cha mẹ mình đã vô tình chạy xuống phố và bị một chiếc xe ô tô cán qua người.
Video cho thấy sự thờ ơ và vô cảm của xã hội đối với bé Duyệt Duyệt
Đoạn video của phía an ninh cho thấy, lái xe dừng lại một lúc như cảm thấy mình vừa cán qua đứa trẻ, nhưng chiếc xe lại đi tiếp và chèn lên đứa trẻ thêm một lần nữa bằng bánh xe sau. Điều đáng nói là 18 người đi qua đường nhìn thấy đứa trẻ bị xe cán nhưng đều bỏ mặc không ai đoái hoài tới. Đứa trẻ thậm chí còn bị một chiếc xe tải thứ hai cán qua người, rất lâu sau đó mới có một người phụ nữ nhặt rác tốt bụng nhìn thấy và cứu bé. Tuy nhiên, chỉ sau 8 ngày nằm viện, bé Duyệt Duyệt cũng không qua khỏi nguy kịch.
Đoạn video này nhanh chóng truyền khắp các trang mạng xã hội Trung Quốc rồi lan ra toàn thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Nhiều người đều sững sờ không tin ở mắt mình, họ không thể tượng tượng nổi tại sao người Trung Quốc lại có thể thờ ơ vô cảm đến mức độ đáng sợ như vậy!
Khi sự việc mới xảy ra, cư dân mạng Trung Quốc cũng bình luận không ngớt về vụ việc và lên án những con người vô cảm. Nhưng không ai ngờ được rằng, chỉ một tuần sau đó, một vụ tai nạn tương tự đã diễn ra, và lần này người lái xe cố tình đâm tiếp cho đứa trẻ chết hẳn.
Cố tình cán tiếp qua người cho chết hẳn
Sự việc xảy ra vào ngày 20/10/2011 ở Lô Châu, Tứ Xuyên. Bé trai 5 tuổi Xiong Maoke đang đi bộ trên đường đến trường thì bị một chiếc xe tải đâm phải. Những dân làng chứng kiến vụ tai nạn cho hay, chiếc xe tải sau khi đâm vào Xiong và cán lên cậu bé, đã lùi ra sau rồi lại lao lên, cán qua lại trên người bé Xiong, kéo lê thi thể bé thêm khoảng 10m. Một số người qua đường kể lại, tài xế xe tải nhảy ra khỏi cabin sau khi đâm vào cậu bé không hề hỏi han xem tình trạng cậu bé ra sao mà lại buông ra một câu lạnh tới ghê người: “Tôi sẽ phải trả bao nhiêu tiền bồi thường?“
Dù đã có nhân chứng xác nhận, nhưng cảnh sát sau khi điều tra lại kết luận rằng không có chứng cớ cho thấy bé Xiong bị cán hai lần. Các chuyên gia y tế kết luận cậu bé tử vong do tổn thương nghiêm trọng ở não.
Sự việc lái xe sau khi gây tai nạn lại còn muốn cán tiếp qua người nạn nhân cho chết hẳn ở Trung Quốc đã trở nên phổ biến đến mức người Trung Quốc ai cũng biết điều này. Các camera an ninh ở Trung Quốc cũng thường xuyên thấy cảnh lái xe sau khi gây tai nạn thì lùi lại rồi tiến lên cán thêm một lần nữa qua người nạn nhân. Không ít người có suy nghĩ rằng trả tiền bồi thường cho nạn nhân chết trong tai nạn còn rẻ hơn nhiều so với việc chi trả viện phí nếu nạn nhân chỉ bị thương. Chính vì thế, ngày 30/6/2013 một phụ nữ bị xe bồn đâm, người phụ nữ này khi nằm dưới gầm xe đã hoảng loạn hét lớn lên: “Xin đừng cán chết tôi!” (Theo mô tả của người đi đường).
Truyền thông thế giới cũng từng đưa tin về việc lái xe cố tình cán chết người. Hàng loạt đầu báo nước ngoài như Business Insider, National Post hay Malay Mail Online đã dẫn lại bài gốc đăng trên tạp chí Slate về việc cán qua người tới chết ở Trung Quốc. Bài báo gốc có tiêu đề “Cán tới chết” (Driven to kill), các báo khác lấy lại đặt tiêu đề là “Lý do điên rồ vì sao tài xế Trung Quốc cố tình giết người đi bộ mà họ đâm phải“, “Tại sao nhiều tài xế ở Trung Quốc cố tình giết người đi bộ họ đâm trúng“, “Tài xế ở Trung Quốc sẽ chèn lên bạn hai lần… để đảm bảo bạn đã chết“.
Người phương Tây khi đọc những bài báo này cảm thấy hết sức kinh hoàng, không sao tưởng tượng nổi người dân Trung Quốc ngày nay lại có thể vô nhân tính đến như vậy. Tuy nhiên, câu chuyện này dường như có nét tương đồng với một số sự việc diễn ra tại Việt Nam trong một vài năm qua, và điều này hẳn khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Chẳng hạn, năm 2008, dư luận cả nước sục sôi trước sự việc tài xế Đặng Hữu Anh Tuấn đã lạnh lùng cho xe container cán liên tục 3 lần qua người một nữ sinh 15 tuổi bất chấp việc nữ sinh trẻ này này vùng vẫy kêu cứu dưới bánh xe và sự can ngăn của người đi đường. Khi anh trai của nữ sinh chắn trước xe container để tránh không cho xe tiến lên cán thêm vào người em gái, lái xe vẫn tiếp tục lao lên húc đổ chiếc xe máy, bánh xe tải tiếp tục cán ngang người cô gái. Đến khi nạn nhân được cứu và đưa vào bệnh viện thì cũng không qua khỏi.
Tối hôm 3/5/2014, anh Lê Ngọc Hoàng chở em gái Lê Thị Minh Tâm bằng xe máy ra bến xe TP Buôn Ma Thuột đã bị một chiếc xe ô tô chạy cùng chiều tông mạnh. Hai người trên xe máy văng mạnh xuống đường, thấy vậy tài xế ô tô đã quay xe lại cán nạn nhân lần nữa rồi bỏ trốn. Vụ tai nạn khiến cô em gái chết tại chỗ, anh Hoàng bị thương nặng.
Vào ngày 2/5 tại Hải Phòng, một chiếc xe ô tô 4 chỗ va chạm với một sinh viên, một phụ nữ trên xe đã lớn tiếng với sinh viên. Khi lực lượng chức năng đến yêu cầu đưa nạn nhân đến bệnh viện thì người phụ nữ này cho rằng “mạng người không quan trọng”. Video ghi lại sự việc này đã được đưa lên Facebook khiến nhiều người bất bình trước hành xử của người phụ nữ này. Sau đó đã xác định được người phụ nữ này là Chánh văn phòng Đảng ủy Khu kinh tế Hải Phòng.
Những câu hỏi đầy nhức nhối
Vì sao lái xe phải cán qua người cho đến chết hẳn, luật pháp đứng về phía ai?
Trong tiếng Trung có một châm ngôn dành cho hiện tượng này: “Đâm tới chết còn hơn là đâm bị thương“. Việc này được lý giải là bởi theo luật thì việc gây tai nạn chết người phải bồi thường 30.000 đến 50.000 nhân dân tệ.
Trong khi đó nếu nạn nhân không chết mà bị thương, thì người gây tai nạn sẽ phải trả chi phí chăm sóc đến 400.000 nhân dân tệ cho 2~3 năm chăm sóc đầu tiên.
Và điều kỳ lạ nữa là cảnh sát điều tra thường có kết luận không hề có việc cán qua người lần hai bất chấp có nhân chứng. Ví như ở Tứ Xuyên, một chiếc xe tải đâm phải một đứa bé. Khi đứa bé bị ngã đến choáng váng đó cố chạy đến nhặt chiếc ô bị văng ra, các nhân chứng đều khẳng định nhìn thấy chiếc xe lùi lại rồi bất ngờ tiến đến chèn tiếp qua người đứa bé lần nữa khiến em thiệt mạng.
Qua điều tra, cảnh sát tuyên bố rằng xe tải không hề lùi, chưa từng đâm đứa trẻ lần thứ 2, và bánh xe không chèn lên nạn nhân bất chấp việc có nhiều người chứng kiến sự việc đã ghi lại lời khai làm chứng. Thậm chí một website còn đăng lại hình ảnh thi thể cậu bé nằm dưới bánh trước của xe tải.
Có lẽ, tiền đã khiến người ta đánh mất nhân tính và bất chấp tất cả. Cho dù bị quay lại video cố ý chèn nạn nhân tới chết, lái xe cũng không sợ, bởi lý do chi phí bỏ ra để bồi thường vẫn ít hơn trường hợp nạn nhân bị thương và phải chi trả phí chăm sóc y tế.
Vì sao đạo đức người Trung Quốc trở nên bại hoại?
Một người lấy nickname là 60sunsetred đã bình luận trên mạng xã hội rằng: “Người Trung Quốc đã đạt tới ngưỡng vô đạo đức nhất của họ.”
Câu chuyện về Trung Quốc khiến nhiều người phương Tây phải kinh hoàng không sao tưởng tượng được. Nhiều người biết đến Trung Quốc là một dân tộc có bề dày văn hóa tôn vinh các giá trị “Nhân, lễ, nghĩa trí, tín”, vậy điều gì đã khiến người Trung Quốc ngày nay biến dị đến mức độ này?
Người Trung Quốc cổ xưa có tín ngưỡng vào Thần Phật, kính ngưỡng “Thiên địa quân thân sư” (tức trời đất, vua, cha mẹ và thầy), luôn giữ vững chuẩn mực đạo đức, ước thúc bản thân theo các giá trị truyền thống “Nhân, lễ, nghĩa trí, tín” của Nho gia. Văn hóa truyền thông Trung Quốc tin rằng làm điều thiện có thiện báo, làm điều ác gặp ác báo và người ta đều hành xử theo đạo lý đó.
Kể từ khi ĐCSTQ thành lập, chính quyền đã tuyên dương Thuyết vô Thần và đấu tranh. Những tư tưởng này ban đầu vốn không được người Trung Quốc chấp nhận, bởi lẽ nó đi ngược lại văn hóa cổ truyền vốn đã có bề dày suốt 5.000 năm của dân tộc
Chính vì thế mà Mao Trạch Đông đã phát động Cách mạng Văn hóa (1966 – 1976) nhằm tiêu diệt hoàn toàn nền văn hóa truyền thống dân tộc, phát động phong trào “Phá tứ cựu” gồm: “Cựu tư tưởng, cựu văn hóa, cựu phong tục, cựu tập quán”. Từ đó, Trung Quốc đã quay lưng với văn hóa truyền thống dân tộc, cắt đứt liên hệ với trời và đất; khiến “người đấu với người, người đấu với trời, người đấu với đất“.
Từ tháng 8/1966, ngọn lửa điên cuồng của “Phá tứ cựu” đã đốt cháy toàn bộ di sản tinh hoa của đất nước. Những di sản này bị khép vào tội là những vật thể của “chế độ phong kiến, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xét lại” nên phải tiêu hủy. Các đền chùa, danh thắng cổ tích, đạo quán, tượng Phật, thư pháp, mỹ thuật hội họa đều bị đập phá tiêu hủy.
Văn hóa là linh hồn của dân tộc, sự phát triển văn hóa định ra nền văn minh của một đất nước. Sự phá hủy hoàn toàn văn hóa của một dân tộc dẫn tới sự tiêu vong của dân tộc đó. Chính vì thế mà sau khi Cách mạng Văn hóa phá hủy văn hóa dân tộc, cắt liên hệ với trời đất, thì đạo đức người Trung Quốc càng ngày càng tuột trên dốc lớn, khiến người với người trở nên thờ ơ vô cảm, hoàn toàn mất đi nhân tính.
Từ 18 pho tượng La Hán bị phá hủy…
Trong tác phẩm “Bao nhiêu di vật văn hóa đã bị đốt ” của Ding Shu đã mô tả rằng: “Có một đội sản xuất Chùa Bạch Mã ở gần ngôi chùa. Bí thư chi bộ Đảng đã chỉ đạo nông dân đến phá tan ngôi chùa trên danh nghĩa ‘cách mạng’. Những bức tượng 18 vị La Hán bằng đất sét hơn 1.000 năm tuổi được làm trong triều đại nhà Liêu (916-1126 sau Công Nguyên) đã bị phá hủy. Kinh Bối Diệp do một vị cao tăng người Ấn Độ mang đến Trung Quốc 2.000 năm trước đã bị đốt. Một vật quý hiếm, Ngựa ngọc bích, đã bị đập tan thành từng mảnh.”
… Đến 18 người phụ nữ bị lột quần áo và ném vào phòng giam tù nhân nam
Mười năm Cách mạng Văn hóa tưởng như đã khiến người Trung Quốc vĩnh viễn bị cướp đi cội nguồn dân tộc, mất đi tiêu chuẩn làm người. Thế nhưng bắt đầu từ năm 1992, một môn khí công đề cao giá trị đạo đức với nền tảng là nguyên lý “Chân Thiện Nhẫn” đã được truyền xuất ra, giúp người dân Trung Quốc như nhìn thấy lại tinh hoa giá trị cội nguồn văn hóa của dân tộc.
Đó là Pháp Luân Công, môn khí công cổ truyền của Trung Quốc bắt đầu phổ truyền từ năm 1992, đến năm 1999 đã có 100 triệu người theo tập. Những bài giảng khí công đề cao giá trị đạo đức với nền tảng “Chân Thiện Nhẫn” khiến người dân Trung Quốc cảm thấy như tìm lại được cội nguồn xa xưa, dần dần thay đổi quan niệm người Trung Quốc. Suốt 7 năm đầu khi Pháp Luân Công xuất hiện, truyền hình báo chí Trung Quốc có rất nhiều bản tin ca ngợi giá trị sức khỏe và đạo đức do môn khí công này mang lại.
Những giá trị mà Pháp Luân Công mang đến cho người dân lại trái ngược với học thuyết đấu tranh và vô thần, khiến ĐCSTQ quyết định đán áp môn tập này vào năm 1999. Truyền hình Trung Quốc mới hôm qua còn ca ngợi “Chân Thiện Nhẫn” thì hôm sau đã nói rằng “Chân Thiện Nhẫn” không có lợi gì cho Đảng.
Nhiều trại lao động được xây dựng nhằm giam giữ những người tập Pháp Luân Công kiên quyết không từ bỏ niềm tin của mình, trong đó Trại lao động Mã Tam Gia được truyền thông phương Tây nhắc đến nhiều nhất như là địa ngục trần gian thực sự.
Trong một báo cáo năm 2001 của Liên Hợp Quốc, một bài viết đặc biệt về bạo lực đối với phụ nữ đã viết: “Tháng 10/2000, cai ngục ở nhà tù Mã Tam Gia tại Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, bị cáo buộc đã lột truồng 18 nữ học viên Pháp Luân Đại Pháp [còn được gọi là Pháp Luân Công] và đẩy họ vào các nhà giam tội phạm nam giới bị kết án”.
Các viên chức không cho ai đến thăm và bao che cho tội phạm. Nhiều người trong số đó bị tra tấn đến chết, những người may mắn ra được khỏi nơi đây đã nói lại rằng: “Các vị không thể nào hình dung nổi sự tàn bạo và tà ác ở chỗ này…”
“Chân Thiện Nhẫn” bị đàn áp thì “giả ác bạo” sẽ lên ngôi; khi “nhân lễ nghĩa” không còn thì con người đối với nhau sẽ trở nên vô cảm, kết quả là …
Và sự vô cảm của 18 người qua đường
Bé Duyệt Duyệt 2 tuổi bị tai nạn ven đường, 18 người đi qua nhưng không một ai giúp đỡ khiến Duyệt Duyệt bị thêm một chiếc xe khác cán qua người. Khi người phụ nữ nhặt rác tốt bụng cứu và đưa đi cấp cứu, đến cuối cùng bé Duyệt Duyệt vẫn không qua khỏi.
Người ta đã tìm đến 18 người thơ ơ bỏ mặc đứa bé để hỏi, hãy nghe họ trả lời lý do họ lại không cứu đứa trẻ.
Người lái chiếc xe tải thứ hai cán qua người bé Duyệt Duyệt nói rằng: “Nếu nó chết, tôi có thể chỉ phải bồi thường 20.000 nhân dân tệ (2.000 USD). Nhưng nếu nó bị thương có khi tôi phải mất hàng trăm ngàn tệ”.
Còn người đàn ông lái chiếc xe tay ga qua đường nhìn thấy đứa trẻ nhưng thờ ơ bỏ đi nói với phóng viên với nụ cười khó chịu trên mặt rằng: “Nó không phải cháu tôi. Sao tôi phải quan tâm?”
Sự thờ ơ vô cảm của những con người Trung Quốc ngày hôm nay chính là hậu quả của việc văn hóa dân tộc bị hủy mất, là kết quả của việc khi một lần nữa giá trị phổ quát “Chân Thiện Nhẫn” đưa con người về với đạo đức truyền thống bị đàn áp tàn bạo. Khi “Chân Thiện Nhẫn” không còn thì thay vào đó chỉ là giả dối, ác độc và bạo ngược. Đó cũng chính là hiện trạng của xã hội Trung Quốc ngày nay và không khó để hình dung điều gì sẽ xảy ra tiếp theo ở vùng đất từng là cái nôi của văn minh nhân loại này.
Trần Hưng
Xem thêm:
Từ khóa Người Trung Quốc Bức hại Pháp Luân Công đạo đức xã hội sự vô cảm tai nạn