Điện Kremlin bình luận về cuộc bầu cử “kỳ lạ” ở Romania
- Pham Duy
- •
Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã mô tả cuộc bầu cử tổng thống gần đây của Romania là “kỳ lạ“, khi người được tuyên bố chiến thắng giành thắng lợi trong bối cảnh ứng viên hàng đầu đã bị loại khỏi cuộc đua.
Vào Chủ nhật (18/5), ứng viên ủng hộ Liên minh châu Âu (EU), ông Nicusor Dan, đã đánh bại người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, ông George Simion, trong vòng bầu cử thứ hai, giành được chức Tổng thống Romania với cách biệt chỉ vài điểm phần trăm.
Cuộc bầu cử lại này được tổ chức sau khi Tòa án Hiến pháp Romania đã hủy bỏ kết quả cuộc bỏ phiếu vào tháng 11/2024, trong đó ứng viên độc lập Calin Georgescu – người chỉ trích EU và NATO – dẫn đầu với 23% phiếu bầu. Nhà cầm quyền viện dẫn “các sai phạm” trong chiến dịch tranh cử của ông Georgescu, cùng với các báo cáo tình báo, cáo buộc có sự can thiệp của Nga – điều mà Moskva đã phủ nhận.
Phát biểu trước báo giới hôm thứ Hai (19/5), ông Peskov mô tả cuộc bầu cử Romania “ít nhất thì cũng kỳ lạ”, đồng thời lưu ý rằng ứng viên có nhiều cơ hội nhất đã bị “buộc phải” rút khỏi cuộc đua “mà không có nỗ lực nào đáng kể nhằm giải thích lý do”.
“Nhưng khi không còn ứng viên sáng giá đó, thì người chiến thắng là người chiến thắng. Đó là thực tế mà chúng ta phải đối mặt”, ông Peskov nói thêm.
Khi được hỏi về tuyên bố của nhà sáng lập Telegram, ông Pavel Durov, rằng một chính phủ thuộc EU đã yêu cầu ông “bịt miệng các nhà bảo thủ ở Romania” trước thềm bầu cử, ông Peskov cho biết EU từ lâu đã có lịch sử can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.
“Việc các nước châu Âu như Pháp, Vương Quốc Anh và Đức can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, không có gì là mới. Những thông tin như vậy chỉ là phần nổi của tảng băng. Hãy tin tôi, chắc chắn còn nhiều vụ việc khác mà chúng ta chưa biết tới”, ông Peskov nhận xét.
Ông Durov hôm Chủ Nhật (18/5) cho biết ông đã từ chối yêu cầu từ một chính phủ Tây Âu nhằm gỡ bỏ các kênh Telegram của Romania trước vòng hai cuộc bầu cử tổng thống nước này, lập luận rằng “người ta không thể ‘chống lại sự can thiệp bầu cử’ bằng cách can thiệp vào bầu cử”.
Giới chức Pháp sau đó thừa nhận rằng họ là mục tiêu của cáo buộc này, nhưng phủ nhận việc đưa ra yêu cầu như vậy. Trong một bài đăng sau đó, ông Durov đã nêu tên ông Nicolas Lerner – giám đốc Cơ quan Tình báo Nội địa Pháp (DGSI) – là người đã tiếp cận ông.
Sau vòng bầu cử thứ hai, Bộ Ngoại giao Romania cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử, mặc dù không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh cho tuyên bố này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã bác bỏ cáo buộc trên, cho rằng cuộc bầu cử ở Romania khó có thể được coi là cuộc bầu cử thực sự, đồng thời kêu gọi Bucharest đừng làm vấy bẩn các quốc gia khác bằng “mớ hỗn loạn bầu cử” của mình.
Từ khóa Romania Dmitry Peskov Bầu cử Romania Quan hệ Nga - Romania
