Đông Phương: Mỹ – Trung và “tình thế tiến thoái lưỡng nan của tù nhân”
- Đông Phương
- •
Giới thiệu với các bạn thuật ngữ “Prisoner Dilemma” trong lý thuyết trò chơi (game theory), gọi là “tình thế tiến thoái lưỡng nan của tù nhân”: Đại ý là khi các bên chỉ hành động vì lợi ích của mình thì thường không mang lại kết quả tốt nhất, không tốt cho lợi ích chung của xã hội/tập thể. Đây có lẽ chính là trường hợp của Mỹ và Trung Quốc ngày nay.
“Tình thế tiến thoái lưỡng nan của tù nhân” được đưa ra vào năm 1950 bởi hai chuyên gia Merrill Flood và Melvin Dresher của công ty RAND, sau đó đã được nhà toán học Albert Tucker người Canada tường thuật bằng diễn giải về vấn đề tù nhân nên sau này được gọi là “tình thế tiến thoái lưỡng nan của tù nhân”.
Câu chuyện này là thế nào? Đó là hai nghi phạm bị bắt sau khi phạm tội và lần lượt bị giam trong hai phòng riêng để thẩm vấn. Cảnh sát nói với họ rằng họ có hai lựa chọn: im lặng hoặc vạch mặt (đấu tố) đồng phạm. Theo cách này, hai tù nhân (tạm gọi họ là A và B) đối mặt với những khả năng sau đây.
Khả năng thứ nhất là cả A và B đều giữ im lặng, không nhận tội, bào chữa hay đấu tố đồng bọn, họ sử dụng Tu chính án thứ 5 của Hiến pháp Mỹ để từ chối tiết lộ bất kỳ thông tin nào. Trong trường hợp này thì mức án tối đa mà họ nhận chỉ khoảng 1 năm tù vì không đủ bằng chứng.
Khả năng thứ hai là cả A và B đều đấu tố người kia, cho rằng mình vô tội và do người kia xúi giục nên phạm tội, như vậy thì cả hai sẽ bị tuyên phạt 3 năm tù giam.
Khả năng thứ ba là một người chọn im lặng và người kia chọn cách đấu tố bên kia, nếu A chọn im lặng và B đấu tố A thì B sẽ được trả tự do vì có công khai báo, còn A sẽ bị bỏ tù 5 năm, ngược lại khi A và B thay đổi vị trí cũng thế.
Với tiền đề cả A và B đều không thể phối hợp với nhau để biết bên kia hành xử ra sao, lựa chọn hợp lý nhất mà họ đưa ra là đấu tố nhau, như thế cả hai đều phải ngồi tù 3 năm, phải không? Vì cả A và B đều sẽ nghĩ: nếu mình chọn cách im lặng thì kết cục may nhất là bị tù một năm, và kết cục tồi tệ nhất là tù 5 năm; nếu mình tố cáo đồng bọn thì kết cục may nhất là được trả tự do, kết cục xấu nhất là 3 năm tù. Chọn im lặng thì hoặc bị 1 năm hoặc bị 5 năm tù, chọn đấu tố đồng bọn thì hoặc được tự do hoặc bị 3 năm, như vậy theo lý thường sẽ chọn đấu tố đồng bọn, nếu A và B đều làm vậy thì kết cục cuối cùng là cả hai sẽ phải ngồi tù 3 năm và đây không phải cái kết tốt đẹp nhất, vì nếu cả hai chọn cách im lặng thì họ sẽ bị kết án tối đa chỉ một năm và rõ ràng đây là cái kết chung tốt nhất cho cả hai. Nhưng theo tiền đề khi cả hai tù nhân đều có lý trí hành xử vì lợi ích riêng thì cả hai đều chọn cách đấu tố đồng bọn, vậy là cả hai đều phải ngồi tù 3 năm. Đây gọi là “tình thế tiến thoái lưỡng nan của tù nhân”. Tình cảnh hai nước Mỹ và Trung Quốc ngày nay tương tự vậy.
Từ khoảng năm 2010, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không còn theo chủ trương “giấu mình chờ thời” mà bắt đầu ra mặt và không ngừng có những động thái trong thương mại quốc tế. Khoảng 6 – 7 năm sau đó, ĐCSTQ tấn công liên tục về ngoại giao, viện trợ quốc tế và hung hăng quân sự. Những hành động này đã cảnh tỉnh cộng đồng quốc tế, trước đó các xã hội tự do phương Tây tràn ngập tình cảm lãng mạn với hy vọng xoa dịu dẫn dắt mềm mỏng sẽ đưa được ĐCSTQ vào quỹ đạo của các chuẩn mực quốc tế, rồi sẽ thành “người một nhà” và cùng nhau làm việc, cùng nhau hướng tới thịnh vượng chung. Không ngờ khi mặt nạ lột ra thì hiện nguyên hình con sói: ĐCSTQ không có ý định đi vào quỹ đạo chuẩn mực quốc tế hiện hành mà muốn tự xây dựng chuẩn mực mới để đưa thế giới vào trong “chuẩn mực” của ĐCSTQ.
Có thể sơ lược các động thái: kết thúc trước thời hạn cam kết “một nước hai chế độ” đối với Hồng Kông, leo thang phô trương quyền lực đối với Đài Loan, tẩy não người Duy Ngô Nhĩ trên quy mô lớn, đàn áp các ngành công nghệ cao, hủy bỏ hoạt động giáo dục và đào tạo tư nhân, và xâm nhập vào các nước phát triển thông qua kinh tế, văn hóa, đầu tư và gây áp lực ngoại giao nhằm khiến các nước phải nhượng bộ, giăng bẫy nợ qua dự án “Vành đai và Con đường”…
ĐCSTQ đã phát triển nhảy vọt nhờ trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo dựa trên nền tảng luật pháp, nhưng bây giờ họ không hài lòng với hiện trạng và muốn xây dựng một trật tự quốc tế mới do ĐCSTQ lãnh đạo. Vậy là hiện nay Mỹ và Trung Quốc đang phải đối mặt với tình thế “Tiến thoái lưỡng nan của tù nhân”. Nếu hai nước hợp tác được với nhau thì kết quả sẽ là tốt nhất, trường hợp ngược lại nếu các bên chỉ vì lợi ích của mình thì chắc chắn kết quả sẽ tồi tệ cho cả hai.
Ban đầu Trung Quốc phát triển trong khuôn khổ của trật tự quốc tế hiện hành và âm thầm phát tài, ĐCSTQ gọi cách đó là “im lặng chờ thời” (thao quang dưỡng hối), phía Mỹ thì muốn thúc đẩy diễn biến hòa bình, tuy hai bên khác mục tiêu nhưng cũng có thể xem là đi cùng nhau, cho nên giai đoạn đó không phải là “tình thế tiến thoái lưỡng nan của tù nhân”. Nhưng khi ĐCSTQ bắt đầu bỏ mặt nạ thì là lúc rơi vào tình thế này. Sự kiện mang tính cột mốc là khi ông Trump lên nắm quyền Tổng thống và Mỹ – Trung lao vào cuộc chiến thương mại, giờ đây tuy ông Biden nắm quyền nhưng cũng không ra khỏi “tình thế tiến thoái lưỡng nan của tù nhân” mà ngày càng lún sâu hơn.
Trong xã hội Mỹ nói chung thì trước đây còn có phe thân Trung Quốc, thường gọi là “phe gấu trúc” gồm người ở cả trong chính trị, học thuật và các tổ chức tư vấn của Mỹ. Nhưng giờ đây nhìn lại gần như “phe gấu trúc” này đã biến mất, ngày nay, trong ứng phó Trung Quốc thì nước Mỹ hoàn toàn theo con đường phe diều hâu, không còn người phát ngôn nào cho Bắc Kinh. Việc ĐCSTQ gây ra các vấn đề tại Hồng Kông, Tân Cương, Đài Loan, và đặc biệt là nạn dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) đã làm gia tăng gấp bội thù địch trong thế giới phương Tây. Vị thế của ĐCSTQ trong các nước tự do đã rơi ngàn trượng khiến xu thế tẩy chay đã thành trào lưu chung trong các nước tự do.
Đối với Trung Quốc thì có vẻ còn tệ hơn: có thể ngửi thấy mùi thuốc súng!
Còn nước Mỹ, từ hỗn loạn của Điện Capitol vào đầu năm 2021 đến việc quân đội Mỹ vội vã rút quân khỏi Afghanistan vào tháng Tám, đến con số tử vong tích lũy của hơn 800.000 người mắc COVID-19…, có thể mô tả tình cảnh nước Mỹ năm 2021 rối như mớ bòng bong, khiến cộng đồng quốc tế ngày càng liên tưởng sự suy tàn của “nền dân chủ kiểu Mỹ”, càng làm nổi bật “trò hề” của cái gọi là “Hội nghị thượng đỉnh về dân chủ” được tổ chức vào cuối năm 2021. Chính quyền Biden vẫn tiếp tục chính sách kiềm chế Trung Quốc với các “quân bài” là vấn đề nguồn gốc COVID-19, là eo biển Đài Loan, Tân Cương, và Hồng Kông…
Chúng ta hãy nghĩ xem, đó có phải là hai bên đã không thể còn điểm nào chấp nhận nhau? Vậy thì đây không phải là “tình thế tiến thoái lưỡng nan của tù nhân” hay sao?
Vấn đề “tình thế tiến thoái lưỡng nan của tù nhân” không mới, có hóa giải được không? Có, người ta vẫn hóa giải trong thị trường đầu tư, trong quản lý doanh nghiệp, chính sách quốc gia, và thậm chí ra quyết định cá nhân: Đó là mở rộng và làm sâu sắc thêm sự hiểu biết và hợp tác giữa hai bên, giải quyết tình trạng khó khăn thông qua luật pháp và quy tắc, cơ chế ra quyết định dân chủ và tuân thủ luật chơi chung, chuẩn mực về thưởng phạt…, để hóa giải khó khăn và hướng đến đạt được hợp tác chung hai bên cùng có lợi.
Nhưng theo tôi, “tình thế lưỡng nan của tù nhân” giữa Mỹ và Trung Quốc đã vượt quá phạm vi có thể hóa giải. Trình tự quốc tế hiện nay dựa trên tự do và luật pháp thực chất là việc làm mọi việc theo trình tự để hóa giải “tình thế lưỡng nan của tù nhân”, để thông qua con đường dân chủ trong các quyết định và hướng theo con đường quốc tế hóa hội nhập kinh tế thế giới, tránh các nước hành xử tùy tiện bất chấp lợi ích chung – chính nền kinh tế Trung Quốc phát triển lớn mạnh được trong khuôn khổ của trật tự này!
Khi chuẩn bị cho tiết mục này, tôi thấy trên mạng có bài viết rất thú vị bàn về chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, bài viết cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc bắt nguồn từ hai “vũ khí thần kỳ”: một là làm việc cật lực như không coi mình là con người; hai là dùng thủ đoạn bất lương không coi người khác như con người. Theo một nghĩa nào đó, cuộc chiến thương mại mà trước đây ông Trump phát động là nhằm đưa ĐCSTQ vào quy tắc: tôn trọng các quy tắc và giữ cam kết là dấu hiệu cơ bản của văn minh, đây lại là bài học mà ĐCSTQ phải học bù. Tôi nghĩ rất có lý khi cho rằng ĐCSTQ đã được hưởng lợi từ trật tự quốc tế này, nhưng quá trình phát triển đó có được là nhờ lợi dụng và phá hoại quy tắc. Giờ đây, khi ĐCSTQ lớn mạnh hùng hậu thì thậm chí còn thúc đẩy xây dựng các quy tắc mới. Còn phía Mỹ do xuất phát từ lợi ích của mình, lựa chọn hợp lý duy nhất mà Mỹ đưa ra là chiến tranh thương mại, nhưng đây không phải là căn nguyên gây “thế lưỡng nan của tù nhân”, mà tình cảnh này là hiện tượng tất yếu.
Và khi điều này diễn ra thì như mũi tên đã được bắn đi không thể quay trở lại.
Đông Phương, Vision Times
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện mối quan hệ Mỹ - Trung Đông Phương Tình thế tiến thoái lưỡng nan của tù nhân