Đông Phương: Nền kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn nhạy cảm
- Đông Phương
- •
Kinh tế Trung Quốc nửa cuối năm nay gặp thách thức lớn: dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) kéo dài và đang bùng phát trở lại; khả năng nổ bong bóng thị trường bất động sản khi Tập đoàn Evergrande và Kaisa không trả được nợ quá hạn; các công ty công nghệ Internet đang phát triển nhanh bị nhà cầm quyền thanh trừng khiến giá trị thị trường liên tục bốc hơi và tin đồn số lượng lớn nhân sự sẽ bị sa thải. Lần gần nhất kinh tế Trung Quốc biến động là vào năm 2015, đó là năm thảm họa của thị trường chứng khoán. Phải chăng nền kinh tế Trung Quốc có chu kỳ 5 năm? Chúng ta cùng nhìn lại vấn đề.
(Bài viết được chuyển thể từ video của Kênh YouTube Đông Phương.)
Nếu đẩy thời gian lùi lại một năm, tức năm ngoái, thì đó chính xác là năm mà COVID-19 hoành hành được một năm khiến toàn thế giới bị phong tỏa và nền kinh tế thế giới suy thoái. Tuy nhiên vào lúc đó, Trung Quốc là nền kinh tế duy nhất tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh, đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tiếp tục ổn định khiến giới phân tích tin tưởng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay sẽ ổn định ở mức 8%. Hãy nghĩ xem khi đó tâm thái của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) như thế nào? Có phải là đầy tự mãn? Nền kinh tế thế giới đang đi lùi và Trung Quốc là nước duy nhất phát triển mạnh. Với tình thế này, Trung Quốc phải làm điều gì đó mà trước đây muốn làm nhưng do dự chưa làm: Bắt đầu đối phó với một số nguy cơ đe dọa đến sự cai trị của mình. Vậy đó là gì?
Một là mức nợ cao. Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là sự mở rộng nhanh chóng của thị trường bất động sản, phần lớn là do nợ chồng chất. Chúng ta biết cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp năm 2008 đã kéo theo khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong khi quy mô nợ của ĐCSTQ gấp cả ngàn lần Hy Lạp, nhưng ĐCSTQ có một công cụ mà Hy Lạp không có, đó là in tiền. Hy Lạp sử dụng euro và không thể tự in tiền, trong khi ĐCSTQ dùng đồng RMB (Nhân dân tệ) và máy in nằm trong tay họ. Về lý thuyết, miễn là có thể in tiền thì không có món nợ nào không trả được. Tất nhiên, điều này chỉ nói về mặt lý thuyết, còn trên thực tế không thể không hạn chế, nếu không, đồng RMB sẽ ngày càng mất giá dẫn đến lạm phát nguy hiểm. Do đó, Bắc Kinh cần phải kiềm chế tín dụng, cho nên bong bóng thị trường bất động sản không còn có thể tiếp tục thổi nữa.
Mối nguy thứ hai là khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng: không lo nghèo mà chỉ lo bất bình đẳng. Nếu khoảng cách giàu nghèo tiếp tục phát triển sẽ là nguy hiểm cho sự cai trị của ĐCSTQ và họ rất hiểu vấn đề này nên phải tìm cách xử lý. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chênh lệch giàu nghèo, nhưng tựu chung lại là khoảng cách giàu nghèo do sự phân bổ nguồn lực không công bằng. Ví dụ thế hệ con cái quan chức và con cái giới tư bản đỏ có nguồn lực lớn hơn nhiều so với đông đảo những người dân thường, từ nguồn lực tài chính cho đến nguồn lực quan hệ xã hội đều vượt xa những người dân thường, cho nên họ không khó khăn gì để ngày càng giàu hơn với tốc độ nhanh hơn… Phân bổ nguồn lực không công bằng này cũng còn có yếu tố địa lý, khi tôi còn trẻ tôi từng nghe câu “thà có một chiếc giường trong thành phố hơn là một ngôi nhà ở ngoại ô”. Có khoảng cách giữa các đô thị ven biển và các đô thị trong đất liền, giữa đô thị và nông thôn, đó là sự phân bổ nguồn lực không công bằng làm khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng.
Nguy cơ thứ ba là dân số. Sau khi Trung Quốc gia nhập WTO thì nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng, một trong những yếu tố chính là lợi thế về dân số: Dân đông và độ tuổi trung bình thấp trong bối cảnh Trung Quốc đang trong quá trình đô thị hóa và lao động giá rẻ dồi dào. Nhưng dưới thúc đẩy đô thị hóa thì vấn đề cũng dần lộ ra khi tỷ lệ sinh ngày càng giảm, cho nên có câu, đô thị hóa là liều thuốc tránh thai tốt nhất, vì chi phí nuôi con ở đô thị cao hơn nhiều ở nông thôn. Dù mục tiêu của ĐCSTQ có tham vọng đến đâu, cho dù đó là “Trung Hoa mộng”, Made in china 2025, 2035, hay là Thế kỷ Trung Hoa, sự trỗi dậy của cường quốc… nhưng nếu dân số giảm thì mọi thứ sẽ trở nên viển vông.
Để kiềm chế bong bóng bất động sản, ĐCSTQ đã hạn chế vay tín dụng của các công ty xây dựng, càng nợ nhiều thì càng phải hạn chế cho vay tín dụng để tránh cảnh vay nợ để trả nợ, và cách này đã phát huy tác dụng. Số liệu do Tập đoàn Thông tin Bất động sản Trung Quốc cung cấp cho thấy doanh số của 100 nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc đã giảm trong 5 tháng liên tiếp, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, ĐCSTQ thúc đẩy “thịnh vượng chung”, thanh trừng các công ty công nghệ phát triển nhanh nhất Trung Quốc bằng các sản phẩm sáng tạo: Meituan phải giảm lương nhân viên, giá cổ phiếu của Meituan đã giảm 45% so với đỉnh điểm vào tháng 2 năm nay, giá trị thị trường đã bốc hơi hơn một nghìn tỷ đô la Hồng Kông; Didi tùy tiện thu thập dữ liệu người dùng và niêm yết tại Mỹ vào một ngày trước 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ đã chịu hình phạt buộc rút khỏi Mỹ để chuyển đến thị trường chứng khoán Hồng Kông; tập đoàn dịch vụ tài chính Ant Financial sắp niêm yết trên thị trường đã bị đình chỉ vào thời điểm cuối cùng của ngày niêm yết; đồng thời ĐCSTQ đã chấn chỉnh tình trạng nhiễu loạn trong ngành giải trí và xóa bỏ bảng xếp hạng ngôi sao và siêu chat trên Weibo.
Để kích thích sinh con, ĐCSTQ đã thanh trừng hoạt động dạy thêm thu học phí cao và gây ra áp lực xã hội lớn khiến các gia đình trung lưu không muốn có con hoặc sinh thêm con. Mùa hè này, ĐCSTQ đã ra lệnh cho tất cả các công ty dạy thêm ngoại khóa phải trở thành tổ chức phi lợi nhuận, khiến chỉ trong vài ngày lĩnh vực dạy thêm hàng trăm tỷ USD ở Trung Quốc đã biến mất.
Nhưng cần hiểu rằng các biện pháp mà chính quyền Bắc Kinh áp dụng không chỉ để đối phó với 3 nguy cơ nêu trên, bởi vì đối mặt với những thách thức này không đến mức phải loại bỏ toàn bộ ngành công nghiệp dạy học ngoài chính khóa, không đến mức phải kìm hãm các tập đoàn công nghệ lớn, cũng không đến mức phải càn quét mạnh như thế với giới bất động sản. Rốt cuộc, bất động sản và các ngành liên quan đó chiếm 30% tổng nền kinh tế của Trung Quốc. Động thái của ĐCSTQ là vì họ tin rằng trong thời đại dữ liệu lớn ngày nay, không những không thể mất kiểm soát mà còn phải sử dụng dữ liệu lớn để tăng cường kiểm soát. Tầm quan trọng của dữ liệu đã đến mức như “báng súng” và “ngòi bút”, đã trở thành quyền lực mới của ĐCSTQ. Trên cơ sở thịnh vượng chung, và có thể nói là thịnh vượng chung trong khuôn khổ nền kinh tế kế hoạch, ĐCSTQ đã kiểm soát mọi nguồn lực và độc quyền phân phối của cải để khiến tất cả phải quy phục theo họ.
Nhưng người tính không bằng trời tính, chính sách không khoan nhượng với dịch bệnh COVID-19 ban đầu nhằm thể hiện tính ưu việt của thể chế đặc sắc của ĐCSTQ, nhưng dịch bệnh vẫn cứ nhởn nhơ trêu ngươi khiến chính sách “zero COVID” như cưỡi trên lưng cọp. Ngày Halloween có du khách đến Disneyland Thượng Hải bị nhiễm COVID-19 khiến toàn bộ Disneyland bị phong tỏa để kiểm tra ngay tại chỗ. Một cảng nào đó xuất hiện ca dương tính thì toàn bộ hoạt động vận chuyển bị gián đoạn. Cứ vậy khiến nền kinh tế của ĐCSTQ liên tục chịu những cú đánh mỗi khi phát hiện thấy có virus. Nửa cuối năm nay, tình hình kinh tế Trung Quốc theo chiều hướng xấu đi, từ ý tưởng ban đầu muốn cho bong bóng bất động sản xẹp bớp đã trở thành nguy cơ của toàn nền kinh tế, từ thanh trừng các công ty công nghệ lớn đã trở thành bước đi tiêu diệt năng lực đổi mới sáng tạo, ước tính rằng văn hóa 996 (làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối 6 ngày/tuần) của các công ty công nghệ lớn sẽ sớm thành dĩ vãng, không cho phép niêm yết ở nước ngoài phải chăng không cho phát triển? Việc xóa bỏ thị trường dạy học ngoài chính quy trực tiếp dẫn đến việc một số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm, tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ Trung Quốc từ 16 – 24 tuổi năm nay là 14,2% nhưng ở đây mới chỉ là số liệu của nhà nước Trung Quốc. Vì sao thanh niên và sinh viên đại học háo hức thi công chức? Năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, số lượng người đăng ký thi tuyển vượt 2 triệu người trong khi vị trí chỉ tuyển hơn 30.000 người, tương đương với 70 người cạnh tranh một công việc, người ta còn nói rằng có đến 20.000 người nộp đơn cho một vị trí công chức ở Nội Mông.
Nhưng công chức hiện cũng đứng trước thách thức giảm lương. Theo tin tức được đăng trên Netease, Zhihu và Weibo vào ngày 8/12, một số tỉnh đang có kế hoạch giảm lương đối với hệ thống công vụ và họ đều là những tỉnh giàu có, chẳng hạn như Thượng Hải , Giang Tô, Chiết Giang, Quảng Đông, Thâm Quyến. Một nữ công chức ở Chiết Giang cho biết trên Weibo rằng cô bị giảm lương 25%, theo đó hao hụt 50.000 RMB, trong khi Bộ Tài chính không giải thích lý do. Một số cư dân mạng đã tung ra thông tin rằng lương hàng năm của vị trí cấp phó ban trong hệ thống công an Thượng Hải bị giảm từ 350.000 RMB xuống chỉ còn 200.000 RMB, trong khi lương hàng năm của công chức nhân viên trong ban bị giảm từ 240.000 RMB xuống còn 150.000 RMB. Lần điều chỉnh này nghe nói rằng để đồng bộ với thu ngân sách địa phương. Nếu đúng như vậy, có thể thấy rằng thu ngân sách của các chính quyền địa phương đã giảm từ 20 đến 40 điểm phần trăm.
Vốn dĩ đang hào hứng trước thành tích kinh tế vượt trội thế giới vào đầu năm nay, ĐCSTQ không thể ngờ tình cảnh đến mức như hiện nay, bắt đầu suy thoái từ Quý III trong khi năm tới là năm diễn ra Đại hội lần thứ 20. Thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, Bắc Kinh đã trích ra 4 nghìn tỷ RMB trong chi tiêu tín dụng, tương đương với liều thuốc kích thích nền kinh tế Trung Quốc. Năm 2014 là vấn đề sụt giảm mạnh thị trường nhà đất, và năm 2015 lại đến thảm họa thị trường chứng khoán, khiến ĐCSTQ một lần nữa chi tiêu tín dụng quy mô lớn tấn công vào thúc đẩy cơ sở hạ tầng và phục hồi thị trường bất động sản, vẫn lại là liều chất kích thích. Còn năm nay họ làm gì? Chắc vẫn tiếp tục phương pháp cũ mở rộng tín dụng, nhưng lần này nhạy cảm hơn nhiều, vì ĐCSTQ hiểu rằng chất kích thích chỉ giúp được trước mắt mà hại về lâu dài, không thể giải quyết được vấn đề mà chỉ trì hoãn tăng gánh nặng cho sau này, kiểu tư duy giải quyết như thế sẽ không khác gì thổi cho bong bóng to thêm.
Do đó hiện nay, ĐCSTQ sẽ không còn dám tùy tiện mở rộng tín dụng rộng rãi… Khi bắt đầu cải cách, khẩu hiệu của ĐCSTQ là “dò đá qua sông”, nhưng xem ra ngày nay họ vẫn chưa qua được sông mà đang tiếp tục dò đá. Vẫn có công cụ để ĐCSTQ kiểm soát nền kinh tế, vì suy cho cùng thì mọi nguồn lực đều nằm trong tay họ, nhưng không còn nhiều khoảng trống để họ tung hoành, và thời gian cũng không còn nhiều!
Đông Phương, Vision Times
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của riêng tác giả.)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Đông Phương sự thịnh vượng chung Bất động sản Trung Quốc kinh tế Trung quốc