Dự luật chi tiêu đẩy mức thuế thu nhập cá nhân của Mỹ lên cao nhất trong OECD
- Vy An
- •
Đảng Dân chủ đã suýt thua trong cuộc đua giành chức thống đốc bang New Jersey vào tuần trước, nguyên nhân trọng tâm là do chiến lược đánh thuế cao. Tuy nhiên bất chấp trải nghiệm đó, các đảng viên Dân chủ ở bang Washington vẫn đang tăng gấp đôi nỗ lực để thông qua dự luật điều chỉnh ngân sách trị giá gần 2 nghìn tỷ USD, dự kiến sẽ khiến mức thuế trung bình bậc cao trên toàn quốc tăng mạnh, đặc biệt là ở các tiểu bang ủng hộ Đảng Dân chủ.
Tổ chức Thuế (The Tax Foundation) ước tính, dự luật chi tiêu xã hội sẽ đẩy “thuế suất trung bình bậc cao đối với thu nhập cá nhân” lên tới 57,4%, đây sẽ là “mức cao nhất trong [các nước thuộc] Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).”
Theo The Tax Foundation, các tiểu bang New York, California và New Jersey sẽ có mức thuế liên bang – tiểu bang kết hợp cao nhất sau khi luật hòa giải được thông qua.
“Việc nâng thuế suất biên đối với thu nhập thông thường lên mức cao nhất trong OECD sẽ làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ”, The Tax Foundation cảnh báo. “Nó cũng sẽ làm giảm động lực làm việc, tiết kiệm, đầu tư và đổi mới, kèo theo những tác động rộng rãi đối với nền kinh tế Hoa Kỳ.”
New Jersey hiện đang đánh thuế tài sản cao nhất trên cả nước. Gánh nặng về thuế là vấn đề hàng đầu trong cuộc đua giành chức thống đốc bang New Jersey, trong đó ông Phil Murphy đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc đua sát nút với đối thủ Cộng hòa Jack Ciattarelli – người vẫn chưa chấp nhận kết quả thua cuộc. Ông Murphy đang dẫn trước khoảng 3 điểm với tầm 70.000 lá phiếu tạm thời chưa được kiểm đếm.
Quốc hội Mỹ do Đảng Dân chủ lãnh đạo đang tiến gần hơn đến việc thông qua dự luật chi tiêu xã hội trị giá 2 nghìn tỷ USD, chính thức được gọi là Đạo luật Xây dựng lại Tốt hơn (Build Back Better Act), mục đích nhằm tạo ra các chương trình xã hội mới và mở rộng các chương trình hiện có như Medicare. Gần đây dự luật này đã thông qua một bước thủ tục tại Hạ viện.
Ủy ban chịu trách nhiệm về Ngân sách Liên bang (CRFB) ước tính, phiên bản hiện tại của dự luật sẽ dẫn đến thâm hụt khoảng 200 tỷ USD trong vòng 10 năm. Trong khi Chính quyền Biden dự kiến luật này cần khoản chi phí 1,75 nghìn tỷ USD thì CRFB ước tính nó sẽ tiêu tốn đến 2,4 nghìn tỷ USD.
Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo quốc hội vẫn tiếp tục tuyên bố, dự luật sẽ được tài trợ bằng việc tăng thuế đối với các cá nhân và gia đình có thu nhập cao.
Vy An (Theo Just The News)
Xem thêm:
Từ khóa Dự luật chi tiêu chính phủ Hoa Kỳ Thuế thu nhập cá nhân Dự luật cơ sở hạ tầng 1.2 nghìn tỷ đô la