Europol: Trung Quốc dẫn đầu nguồn hàng giả phát hiện ở biên giới EU
- Nhật Minh
- •
Một báo cáo gần đây do Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Liên minh Châu Âu và Cơ quan Hợp tác Thực thi Pháp luật của Liên minh Châu Âu (Europol) đồng công bố, hàng giả và hàng vi phạm bản quyền nhập lậu vào Liên minh châu Âu (EU) chủ yếu đến từ Trung Quốc và Hồng Kông, dựa trên các vụ bắt giữ tại biên giới của EU trong 2 năm 2019 và 2020.
Hàng xa xỉ giả được trưng bày trong một cuộc họp báo sau một vụ thu giữ kỷ lục tại trụ sở hải quan ở Hồng Kông vào ngày 6/8/2015. (Ảnh minh họa: Getty Images)
“Tội phạm về sở hữu trí tuệ [SHTT] tiếp tục trở thành mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng. Hơn nữa, nó còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế EU,” báo cáo cho hay.
Theo số liệu thống kê, hàng giả và vi phạm bản quyền trị giá 119 tỷ Euro (130 tỷ USD) đã được nhập khẩu vào Liên minh châu Âu vào năm 2019, chiếm 5,8% tổng hàng nhập khẩu của EU trong năm đó. Báo cáo gọi những dữ liệu này là “đặc biệt đáng quan ngại” trong bối cảnh nỗ lực phục hồi sau khi kinh tế bị tàn phá do COVID-19 và tiến tới ổn định sau đại dịch.
Báo cáo không cố gắng hạ thấp vai trò của đại dịch trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ xâm nhập vào EU. “Đại dịch COVID-19 đã mang đến cơ hội kinh doanh mới cho việc phân phối hàng giả và hàng kém chất lượng. Mạng lưới tội phạm liên quan đến tội phạm sở hữu trí tuệ đã có khả năng thích ứng cao trong việc điều chỉnh mô hình kinh doanh của họ bằng cách chuyển đổi trọng tâm sản phẩm và tiếp thị.”
Nhưng yếu tố “bất khả kháng” của đại dịch không hề che khuất vai trò của những người làm hàng giả ở Trung Quốc. Báo cáo mô tả, Trung Quốc cùng với Nga rất tích cực trong việc cung cấp thuốc lá giả để buôn lậu vào EU, đồng thời nêu rõ những thị trường có giá bán lẻ sản phẩm thuốc lá cao là điểm đến phổ biến nhất.
Thông thường, những kẻ buôn lậu đặt các sản phẩm thuốc lá lậu vào các container đóng tại các cảng quốc tế. Khi các quan chức hải quan Bỉ tịch thu kỷ lục 126 triệu bao thuốc lá giả tại ba địa điểm tại Antwerp và khu vực lân cận hồi tháng 1/2020, tất cả hàng hóa này đều có xuất xứ từ châu Á, báo cáo nêu chi tiết.
Xe và phụ tùng xe hơi cũng là một danh mục khác mà Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông, đứng đầu bảng xếp hạng về buôn bán hàng giả. Trong năm 2019 và 2020, nhiều phương tiện vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và phụ tùng xe bị bắt giữ tại biên giới EU đến từ Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, bỏ xa Thổ Nhĩ Kỳ ở vị trí thứ hai.
“Một phần do hậu quả của việc cung cấp phụ tùng thay thế bị gián đoạn trong đại dịch COVID-19, các gara và người lái xe ngày càng tìm cách tìm kiếm nguồn phụ tùng thông qua các kênh thay thế. Các phụ tùng giả ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường, đặc biệt là qua nhiều nền tảng trực tuyến,” báo cáo nhấn mạnh.
Mối quan tâm về việc sử dụng các nền tảng trực tuyến trong giao dịch bất hợp pháp đã tăng lên trong những năm gần đây.
Hồi tháng 2, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã xuất bản “Đánh giá năm 2021 về các thị trường khét tiếng về hàng giả và vi phạm bản quyền”, gọi tắt là Danh sách các thị trường khét tiếng. Lần đầu tiên kể từ khi danh sách này được công bố hàng năm từ tháng 2/2011, danh sách năm 2021 đã có sự xuất hiện các nền tảng thương mại điện tử thuộc sở hữu của các gã khổng lồ Trung Quốc Alibaba và Tencent, trong số nhiều hãng vi phạm hàng loạt khác về luật sở hữu trí tuệ.
Từ khóa hàng hóa Trung Quốc nhập lậu hàng giả Trung Quốc